Đôi điều về giọng điệu trong viết văn

Giọng điệu trong viết văn là khái niệm không quá xa lạ nhưng thực tế có lẽ nhiều người chưa hiểu rõ về nó. Hiện nay, định nghĩa và các đặc tính của giọng điệu vẫn chưa thật sự thống nhất và còn nhiều tranh luận trong giới phê bình nghiên cứu.

Với giới hạn của bài viết và khuôn khổ tìm hiểu của cá nhân, tôi muốn mang tới một số thông tin liên quan đến giọng điệu trong viết văn.

Giọng điệu trong viết văn là gì?

Văn học là tiếng nói của con người về cuộc đời và tác phẩm do chứa đựng tiếng nói ấy nên cũng có giọng điệu riêng. Ngày nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau về giọng điệu.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa giọng điệu là “giọng nói, lối nói biểu thị một thái độ nhất định”. Tức là cách diễn đạt, truyền tải thông tin thể hiện được thái độ, tình cảm, ý thức, nhận định, đánh giá… của người viết trước đối tượng được đề cập đến.

Theo Từ điển văn học: “về cơ bản giọng bộc lộ tình cảm chủ quan của nhà văn, thái độ và cách đánh giá của nhà văn về sự vật, hoàn cảnh và con người”.

Theo trang “Theki.vn” thì “Giọng điệu nghệ thuật là phương diện thể hiện thái độ, tình cảm của nhà văn về đối tượng phản ánh. Cảm hứng chủ đạo chính là nền tảng của giọng điệu trong sáng tác của nhà văn… chi phối giọng điệu của tác giả trong tác phẩm… vì cảm hứng chủ đạo là căn cốt, nguồn cội, còn giọng điệu là hình thái biểu hiện xúc cảm, thái độ của cảm hứng chủ đạo.”

Ta có thể thấy, cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu là niềm tin trọn vẹn dành cho Đảng, tình yêu cách mạng bao trùm nên giọng điệu trong sáng tác của ông thường mang tính ngợi ca, tự hào, động viên.

Cũng theo trang này, “Giọng điệu (tone) còn là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…”

Chẳng hạn, thơ tình yêu của Thế Lữ, theo Hoài Thanh, có giọng điệu “lẳng lơ mà xa vời và thiếu tình ấm áp” thể hiện ở cách gọi thiếu nữ là cô em, do chưa đủ thân mật để gọi bằng em; giọng điệu ngọt ngào, êm ái trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng; giọng điệu suồng sã, đay nghiến trong Chí Phèo của Nam Cao; giọng điệu mỉa mai, châm biếm trong Bản án chế độ Thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc.”

Mặc dù có nhiều khái niệm khác nhau được đưa ra nhưng tựu chung lại, giọng điệu trong viết văn là một phương tiện văn học phản ánh thái độ của người viết đối với chủ đề hoặc đối tượng của tác phẩm văn học. Bằng cách truyền đạt thái độ này thông qua giọng điệu, nhà văn tạo ra một mối quan hệ cụ thể với người đọc, đến lượt nó, giọng điệu ảnh hưởng ngược lại đến ý định và ý nghĩa của các từ được viết ra.

Vai trò của giọng điệu trong văn bản

Giọng văn có khả năng tác động mạnh mẽ tới người đọc, vừa diễn đạt được không khí của sự kiện, tình cảm của người viết vừa kích thích những ấn tượng tương tự nơi độc giả. Điều đó giúp độc giả bị lôi cuốn và ghi nhớ lâu hơn.

Chúng ta có thể không đọc hết tất cả các tác phẩm của những nhà văn hiện đại Việt Nam nhưng chắc hẳn vẫn ấn tượng ít nhiều với một Thạch Lam lãng mạn, chân tình, man mác buồn; một Nam Cao day dứt, xót xa, đầy đả kích; một Vũ Trọng Phụng sắc sảo, mỉa mai, châm biếm… Tất cả những điều ta còn ghi nhớ được về văn phong của một tác giả hay một tác phẩm chính là giọng điệu trong viết văn.

Ngoài ra, giọng điệu còn phản ánh nội dung tình cảm, thái độ ứng xử của tác giả trước các hiện tượng đời sống, cũng như các vấn đề mà tác giả đặt ra trong tác phẩm.

Chẳng hạn như xúc cảm thảng thốt, tiếc nuối của Xuân Diệu khi mùa thu tới thể hiện qua điệp ngữ: “Đây mùa thu tới, mùa thu tới”. Đó không phải là tiếng reo vui, háo hức đón chờ mùa thu sang mà là tiếng kêu thảng thốt, buồn thương vì khi mùa thu tới thì sắc đỏ rủa màu xanh, hoa đã rụng cành, cây cối trơ lại đôi nhánh khô gầy, trăng tự ngẩn ngơ, và khí trời u uất hận chia ly…

Như vậy, vai trò chủ đạo của giọng điệu trong văn bản là giúp người viết biểu thị được quan điểm của cá nhân trước các đối tượng đang được đề cập và đồng thời cũng tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm thông qua ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu, thủ pháp nghệ thuật…

Phân loại giọng điệu

Giọng điệu trong tác phẩm văn học thường có 2 hình thức là giọng điệu tác giả và giọng điệu nhân vật.

Giọng điệu tác giả 

Giọng điệu tác giả thường là giọng điệu của người thuật chuyện, thể hiện cảm xúc, ý nghĩ trước sự việc, hiện tượng, con người…

Chẳng hạn như giọng điệu của Nam Cao ẩn chứa sự xót xa, thương cảm, day dứt trước thân phận của Chí – một con người bị những xấu xa ở đời làm cho lưu manh hoá, đến khi quá nửa kiếp người nhìn lại mới thấy buồn lo và sợ hãi trước dấu hiệu nghiệt ngã của tương lai:

“Tỉnh dậy hắn thấy già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đầy đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.”

Giọng điệu nhân vật

Giọng điệu nhân vật là tình cảm, thái độ của nhân vật trong tác phẩm ở những cảnh huống giao tiếp hay độc thoại cụ thể.

Ví như giọng cảm thương, thấu hiểu phảng phất sự bất lực của ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc trước cách hành xử của vợ mình:

“Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất. Tôi biết vây, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận.”

Cũng có khi, giọng điệu tác giả và nhân vật song trùng, nếu tác giả hóa thân vào nhân vật và để cho nhân vật nói thay mình.

Tỉ như giọng điệu nhân vật ông giáo khi thốt lên những lời độc thoại đầy chiêm nghiệm cũng chính là cách Nam Cao nhìn nhận về con người, về thế thời: “Chao ôi! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…”

Giọng điệu có các sắc thái cơ bản như: giọng thương cảm, xót xa, cảm thông, bi ai, bi tráng, bi phẫn, bi lụy; giọng trào phúng, tự trào, giễu nhại, chê bai; giọng phê phán, tố cáo, lên án; giọng trầm tĩnh, sắc lạnh, lạnh lùng; giọng hồ hởi, phấn khởi, nồng nàn; giọng kêu gọi, thúc giục.

Trong thực tế, một tác phẩm thường bao hàm nhiều kiểu giọng điệu đan cài với nhau, nhất là tác phẩm lớn và có nhiều tình huống, nhân vật khác nhau.

Một số đặc điểm của giọng điệu trong viết văn

Giọng điệu góp phần quan trọng hình thành nên phong cách sáng tác của mỗi người cầm bút, đồng thời là một dấu hiệu của thể loại. Giọng điệu cũng là sản phẩm tinh thần của người viết nên nó phản ánh nền tảng tri thức, trải nghiệm, thái độ, tính cách… của họ. Chính bởi vì vậy, cho dù cùng một đối tượng của đời sống thì mỗi tác giả cũng sẽ có cách viết riêng biệt thể hiện được dấu ấn cá nhân độc đáo.

Nam Cao nhìn thấy người nông dân ở cái đói nghèo dày vò mà vẫn giữ ít nhiều lương thiện nên vừa thương xót, thấu hiểu lại vừa bất lực, căm phẫn; Ngô Tất Tố thấy họ khổ sở, bần cùng trước sự bóc lột của quan lại nên thương cảm, kích động đấu tranh; còn Thạch Lam thấy con người đói khổ mà buồn, cái buồn dìu dặt, hiu hắt đeo bám những phận người leo lắt nơi phố huyện nghèo…

Từ phương diện thể loại, giọng của bi kịch là giọng bi thương, bi ai, bi đát. Giọng của hài kịch là hài hước, chế giễu, phê phán vì nên nhớ rằng tiếng cười trong văn học bao giờ cũng hàm ý sâu xa chứ ít khi mua vui đơn thuần…

Người viết không chỉ cần có ý tưởng, vốn từ ngữ mà còn cần có ngữ điệu, giọng điệu. Mỗi văn cảnh khác nhau sẽ thể hiện với giọng nói hoặc ngữ điệu tương ứng. Cảm hứng nào, giọng điệu ấy nhưng cũng có thể ngược lại, giọng điệu định hướng sự hình thành cảm hứng.

Viết về ấu thơ ta dùng giọng hoài niệm, vương vấn, nhớ nhung; về gia đình, quê hương, ta ưa giọng trìu mến, thân thương, gắn bó thể hiện qua từ ngữ địa phương, các sự vật sự việc quen thuộc trong khi viết về tệ nạn xã hội bằng giọng khách quan, lên án hoặc phẫn nộ, bài xích, khuyên răn…

Các nhà văn thường sử dụng một số kỹ thuật để truyền đạt giọng điệu, bao gồm lựa chọn từ ngữ, ngôn ngữ tượng hình, dấu câu và thậm chí cả cấu trúc câu… Điều này giúp thiết lập một giọng kể chuyện, để người đọc không chỉ hiểu các từ ngữ khi chúng được trình bày trong tác phẩm mà còn hiểu ý nghĩa của chúng, theo ý định của nhà văn, nhân vật hoặc người kể chuyện. Một giọng điệu được xác định cho phép người đọc kết nối với nhà văn, người kể chuyện hoặc nhân vật của họ.

“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này! A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo? Mà có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết.”

Bằng việc sử dụng hàng loạt các câu nghi vấn đan xen với câu cảm thán tạo tính liên tục, gấp gáp và lặp lại các từ “chửi”, “tức”, “không”, Nam Cao gây ấn tượng mạnh tới người đọc bởi giọng điệu nghi hoặc, bực tức, căm phẫn, bất cần đời nhưng “rất cần đời” của nhân vật Chí Phèo. Cách lựa chọn giọng điệu nhân vật như vậy tạo sự kích thích, chấn động và thu hút người đọc ngay lập tức muốn tìm hiểu căn nguyên vì đâu lại có “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” và hắn đã làm ra những chuyện gì mà bị gắn vào cái mác quỷ ấy.

Giọng điệu – dấu ấn cá nhân của mỗi người cầm bút

Như đã phân tích phía trên, giọng điệu trong viết văn là sản phẩm tinh thần độc đáo của mỗi cá nhân thể hiện qua câu từ, thủ pháp nghệ thuật, thái độ trước đối tượng… và có sự kết nối chặt chẽ tới văn bản và người đọc.

Tam giác ba cạnh người viết – văn bản – người đọc tác động qua lại lẫn nhau tạo nên sự kì diệu của chữ nghĩa. Thật khó để đánh giá đâu là giọng hay giọng dở vì chỉ có người viết mới biết giọng điệu nào là thích hợp nhất để truyền tải thông điệp mà bản thân đang muốn gởi đi mà thôi.

Ngoài ra, “giọng điệu là tiếng nói bên trong đã có sẵn của mỗi người, chỉ có chúng ta mới tự khám phá, tìm ra nó”. Giống như phần tử gốc cacbon đã có sẵn còn việc sử dụng áp lực như thế nào để tạo ra kim cương hay than đá là của chính mỗi người cầm bút. Dù sao chăng nữa, cả than đá và kim cương đều có giá trị sử dụng riêng của mình và có ý nghĩa trong cuộc sống.

Giọng điệu của mỗi người chắc chắn sẽ khác nhau nhưng hãy tin tưởng rằng, chúng ta bình đẳng trước con chữ và đã là dấu ấn cá nhân thì bao giờ cũng giúp bạn khẳng định giá trị tồn tại của chính mình trong cuộc đời.

Điều quan trọng nhất là “dù không có nhiều hướng dẫn rõ ràng về việc tìm ra giọng điệu, nhưng rõ ràng chúng ta sẽ không bao giờ có thể khám phá ra nó nếu như chúng ta không viết”. Thế nên đừng ngần ngại thể hiện chính mình qua con chữ. Tất cả những tri thức, trải nghiệm, cảm xúc, thái độ, nhận định… đều có thể góp phần hình thành giọng điệu trong viết văn của bạn, chỉ cần bạn lựa chọn viết ra.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .