Dù sao cây táo vẫn nở hoa

“Con chim sẻ của anh
Con chim sẻ tóc xù
Con chim sẻ của phố ta
Đừng buồn nữa nhá
Bác thợ mộc nói sai rồi
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?”

(Phố ta – Lưu Quang Vũ)

Cuộc sống của bạn dạo này ổn không? Có điều gì hạnh phúc hay khiến bạn cảm thấy nặng nề?

Cuộc sống của bạn dạo này ổn không? Có điều gì hạnh phúc hay khiến bạn cảm thấy nặng nề?

Gần đây mình nghe và nói nhiều về những nỗi lo xoay quanh công việc và tài chính. Làm người trưởng thành quả thật mệt mỏi lắm phải không? Chúng ta ngày càng gánh trên vai nhiều trách nhiệm, cũng có thêm nhiều mối lo, nhiều thứ cần xoay sở. Có khi là cho chính mình, có khi là vì những người ta thương.

Bạn đã bao giờ cảm thấy bất lực lẫn muộn phiền khi người nhà cần bạn hỗ trợ tài chính mà bản thân không hề dư giả? Bạn sẽ làm gì trong tình huống đó? 

Chiều nay mình có vài cuộc trò chuyện với những người khác nhau. Trùng hợp là tất cả đều xoay quanh chủ đề tiền bạc. Mọi người khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, tình hình tài chính nhưng đều có một điểm chung là đang nhận những kỳ vọng lớn từ gia đình. Cụ thể là từ mẹ. Mẹ và con gái, mối quan hệ khăng khít này trớ trêu thay cũng thường đi cùng với không ít nỗi đau, với thứ đã được định hình thành khái niệm “vết thương lòng mẹ”.

Ngay từ nhỏ, mình đã nhận ra bản thân rất nhạy cảm trong những chuyện liên quan tới mẹ. Một mặt mình cực kỳ thương mẹ, luôn cảm thấy cần phải đối xử với mẹ thật tốt, phải bù đắp cho những khổ đau cơ cực mà mẹ đã trải qua trong đời. Một mặt, mình chưa đủ năng lực, và cũng không thể làm được điều đó. Mình khi ấy còn đi học, không thể kiếm được tiền và càng không thể cùng mẹ lo chuyện tiền nong nợ nần. Chính vì những suy nghĩ này mâu thuẫn với nhau nên mình sinh ra cảm giác bất lực, dằn vặt và tự trách, nói chung rất giày vò. 

Không có tiền, mình cố gắng dùng sức khỏe để phụ mẹ chuyện tay chân. Cuốc đất, chở gạch, khuân đá, chuyển đồ hay chuyện đồng áng, nhà cửa, xây dựng… mình đều là đứa đứng ra làm cùng mẹ trong số ba chị em. Rồi mình cố gắng học tốt để được khen thưởng, được nhận học bổng liên tục nhiều năm. Mình cũng đi làm công ty từ năm 14 tuổi, đều đặn trong các dịp hè mãi tới khi ra trường để đỡ đần mẹ. 

Sau tất cả những chuyện đó, mình thấy nhẹ nhõm hơn, mẹ cũng hiểu con gái đối với mẹ như thế nào. Cũng từ đây, có một kiểu tâm lý xuất hiện giữa hai mẹ con mình. Mẹ thường sẽ tìm mình để chia sẻ những câu chuyện cuộc sống, nhất là những chuyện lo lắng, buồn phiền. Có lẽ vì mẹ biết mình cũng là nữ giới, lại thương mẹ nên có đủ kiên nhẫn để lắng nghe những gì mẹ nói, đủ nhạy cảm để hiểu hàm ý sâu xa trong câu từ của mẹ, đủ hiểu chuyện để thương cảm trước những điều mẹ kể mà chủ động phụ mẹ những lúc mẹ cần. Mẹ sẽ không nói thẳng với mình rằng mẹ muốn mình làm gì cho mẹ. Mẹ chỉ chia sẻ về những khó khăn của gia đình, những vất vả của mẹ. Vài lời thở than, khuôn mặt hốc hác và thân hình ngày một tong teo của mẹ cũng đủ để mình chịu không nổi mà cố gắng hơn, mà vun vào với mẹ để lo cho khó khăn chóng qua.

Nói chuyện với những người bạn của mình, họ cũng không khác là mấy. Mặc dù bình thường chúng mình đều tỏ ra rất ổn, đều âm thầm nhắc bản thân phải làm việc siêng năng, phải cố gắng kiếm thêm tiền nhưng sâu trong tâm khảm mỗi người, ai cũng có những câu chuyện chẳng thiết tha kể ra. Phần vì không quen ngồi than thở, phần ngại làm phiền người khác phải nghe những lời tiêu cực từ bản thân. Thế rồi cứ ngậm ngùi nuốt tất cả vào trong. 

Chúng mình thương mẹ chứ, thương gia đình chứ nhưng thú thật là, không ít lần tình thương ấy khiến chúng mình thấy bất lực, kiệt sức và rệu rã vô cùng. Bởi lẽ chính chúng mình cũng đang có hàng tá vấn đề cá nhân chưa giải quyết được, chưa sắp xếp làm sao cho ổn được. Thế nên chúng mình giống như miếng đậu hũ mềm, càng nén mạnh càng xẹp lép, càng khô xác khô xơ.

Chúng ta đều là những người trưởng thành, có những trách nhiệm riêng, cũng có nhiều áp lực. Áp lực là một phần của cuộc sống mà ta muốn trốn tránh cũng không được nên nhất định phải học cách để thừa nhận sự tồn tại của nó, sau đó mới là từ từ tìm cách vượt qua nó để đưa cuộc sống trở lại với trạng thái cân bằng tương đối. 

Một cuộc điện thoại từ quê của mẹ nói ta cho vay đâu đó trăm triệu đủ để khiến ta bàng hoàng, ngơ ngác không biết nên làm gì tiếp đây. Mẹ vẫn luôn nghĩ lấy được chồng giỏi là con gái không thiếu gì tiền.

Một câu dặn dò đợt sau con về trả ngần ấy tiền cho chị kia trong xóm, mẹ hứa với người ta chỉ cần con về đến nhà là sẽ mang qua ngay, cũng đủ khiến ta chết trân tại chỗ. 

Một câu nói bà nội bây giờ là bà già nghèo khổ không có xu nào rồi cháu ơi mà ta vô tình nghe được khi mẹ nói với đứa cháu sơ sinh còn ẵm ngửa cũng đủ để khiến ta nhức nhối như có gai nhọn vừa đâm vào lòng ta rỉ máu.

Thế giới của người lớn, để yêu thương và được yêu thương, có những lúc cũng cần rất nhiều tiền. Trong chúng ta đâu thiếu gì người muốn sống đời khinh bạc, lánh xa những xô bồ tranh đấu, muốn lui về một nơi chốn yên bình nhưng để làm được điều đó chưa từng là điều dễ. Càng không dễ khi ta còn vướng bận quá nhiều với những người ta thương.

Mỗi người rồi sẽ có những lựa chọn khác nhau trong cuộc đời. Ích kỷ một chút để sống cho mình nhiều hơn hay dành những gì ta có cho người ta yêu, chọn gì ta cũng sẽ có được có mất. Và tình yêu cũng rất khó để chỉ cần yêu thôi, yêu đơn thuần như người ta vẫn thường lý tưởng hóa. Dẫu cho là vậy, mình luôn tin vào ánh sáng, vào ngày mai và những điều tươi đẹp trong đời.

Những khi đời có chông chênh, mình sẽ lại đọc những câu thơ của Lưu Quang Vũ. Đọc để tin rằng cây táo vẫn sẽ nở hoa và rãnh nước sau nhà vẫn còn trong veo đến thế.

“Phố của ta
Những cây táo nở hoa
Mùa thu đấy
Thân cây đang tróc vỏ
Con đường lát đá
Nghiêng nghiêng trong sương chiều.
Năm nay cà chua chín sớm
Trên quầy hàng đỏ hồng
Chị thợ may đi lấy chồng
Chị thợ may goá bụa
Năm nay thôi mặc đồ đen.
Bác đưa thư, có thư ai đấy?
Bác đưa thư kéo chuông
Ti-gôn hoa nhỏ
Rụng đầy trước hiên.
Riêng bác thợ mộc già buồn bã
Thở khói thuốc lên trời
Anh thợ điện trên mái nhà mắc dây
Bà giáo về hưu ngồi dịch sách
Dậy cậu con tiếng Pháp
Suốt ngày chào: bông-dua.
Phố của ta
Phố nghèo của ta
Những giọt nước sa
Trên cành thánh thót
Lũ trẻ lên gác thượng
Thổi bay cao bao bong bóng xà phòng.
Em chờ anh trước cổng
Con chim sẻ của anh
Con chim sẻ tóc xù
Con chim sẻ của phố ta
Đừng buồn nữa nhá
Bác thợ mộc nói sai rồi
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơi
Bác thợ mộc nói sai rồi.

(Phố ta – Lưu Quang Vũ)

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

2 bình luận

    1. Nếu chị Hà có đang gặp phải bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống thì em mong là chị vẫn sẽ giữ tinh thần lạc qua. Cố gắng thêm một chút, rồi sẽ ổn cả thôi, chị nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .