Mối quan hệ giữa mẹ và con gái tưởng gần nhưng cũng lắm lúc thật xa. Bất chợt một lần nhìn kỹ vào đôi bàn tay mẹ, ta giật mình nhận ra người đã già đi nhiều theo tháng năm qua.
Trong mắt mẹ, con luôn là đứa trẻ
– Nhớ để ý lửa nha, to quá là cháy hết chả!
Mẹ tôi cẩn thận dặn dò. Lần nào cũng thế, việc gì cũng thế. Hễ tôi làm là mẹ sẽ dặn. Không phải vì tôi không biết làm, càng không phải tôi chưa từng làm. Chỉ là đôi lời dặn dò giúp mẹ thấy an tâm hơn hẳn. Mẹ sợ biết đâu tôi quên, biết đâu tôi lơ đễnh. Ngày trước tôi cảm giác như vậy thật phiền nhưng lớn lên rồi mới hiểu. Sự an tâm của mẹ quan trọng hơn hành động. Mẹ nói vì mẹ thương đó thôi.
Mẹ tôi không giỏi nấu ăn cũng không thích thú lắm với việc đó. Mẹ nấu đơn giản. Ngày giỗ Tết mới cầu kỳ hơn chút. Thành thử trong nhà tôi là người đứng bếp. Thi thoảng, tôi tha được công thức nào trên mạng hoặc vài ba mẹo lặt vặt từ người khác về khoe mẹ, nhắc mẹ lần sau làm thử coi có ngon hơn không.
Bẵng đi một thời gian, chắc lẽ mẹ cũng quên mất. Mẹ vẫn nhớ cần làm như thế nào. Rồi mỗi lần tôi chuẩn bị làm, mẹ dặn ngược lại tôi. Mỗi khi như vậy tôi chỉ buồn cười. Mẹ quên rồi ai là người bày mẹ.
Chuyện chiên chả giò cũng thế. Tôi ít khi tập trung hoàn toàn vào một thứ. Nấu ăn cũng vậy. Cho chả giò vào chảo dầu sôi là tôi lo tranh thủ làm món khác. Khi thì làm mắm chấm, lúc thì nấu nồi canh. Mà chả giò chiên nhanh lại dễ cháy vỏ nên không ít lần bị mẹ rầy vì làm đoảng.
Đọc thêm:
Ký ức bài thơ từ lời ru ầu ơ của mẹ
Mẹ cũng cần được lắng nghe
Từ những câu chuyện mẹ kể về vườn
Hôm nay khá thảnh thơi. Tôi cho mình một buổi sáng tự do nghỉ ngơi. Nhà hàng xóm đã rộn rã nhạc xuân. Nhà tôi đặt vòi nước ngoài sân sau. Gọi nôm na là giếng nước dù thật ra là nơi để máy bơm. Nếu không bận gì, tôi sẽ thơ thẩn vừa rửa bát vừa hóng gió. Trời xanh trên đầu, thấp hơn là những tán lá cũng một màu xanh. Gió thổi qua vòm cây xào xạc. Chim gọi nhau rộn ràng. Bấy nhiêu thôi đủ cho tôi một chút thong dong giữa đời thường.
Trong lúc tôi ngồi bằm thịt, xắt nhỏ nấm mèo và hành ngò, mẹ kể tôi nghe những câu chuyện của vườn. Mấy cây đu đủ còi nhẵng mà quả nào cũng to to. Mẹ sợ đổ quá nên ràng vào mấy khóm na. Cây mít lại thêm vài quả chín. Lúc nãy mẹ cắt xuống để trên tấm bê tông che miệng máy bơm. Cây vú sữa quả xanh lúc lỉu nhưng ngó bộ không được ăn. Mẹ giơ một quả to hơn nắm tay lên trước mặt tôi. Dưới đít quả là những vết sần. Mẹ bảo côn trùng đốt nên chắc là hư rồi. Mấy quả khác cũng vậy.
Cây vú sữa to cao, tán che rợp cả căn bếp củi và sân giếng vậy mà chả năm nào cho quả ngọt ngon. Chắc bởi nó lớn lên từ một nhánh cây con, không phải thân cây mẹ ban đầu. Cũng như tôi 30 tuổi đầu nhưng hễ nghe mẹ đi đâu vắng nhà mấy hôm là thấy lòng chộn rộn. Mẹ tôi như ngọn lửa ấm. Âm thầm nhóm bếp nhà những ngày thơm.
Tới những câu chuyện mẹ kể về ngày xưa
Rồi mẹ nói chuyện ngày xưa. Ngày xưa là thời nhà tôi còn ở ngoài quê. Kể cũng lạ. Chúng tôi rời đi mười lăm năm trời nhưng ký ức lúc nào cũng chảy giàn về nơi ấy. Như dòng sông cái ấp ôm quê hương cũng ôm ấp luôn cả những bước chân tôi khi lạc hướng.
Mẹ tôi chừng cũng vậy. Mười lần mẹ con nói chuyện thì dễ đến bảy, tám lần mẹ kể chuyện thời ở quê. Mà đứa trẻ con chưa kịp lớn đã xa quê như tôi thì làm sao nhớ hết từng tên người, gương mặt, từng ngỏ hẻm, mái nhà. Chuyện của mẹ cứ như những trang sách được dệt từ khói ra. Lam một buổi chiều bện lòng tôi se sẽ. Rồi theo giấc mơ nào tan đi.
Bố mẹ tôi thuần nông, không bao giờ mảy may suy nghĩ bán buôn gì. Chuyển từ ngoài quê vào đây chỉ đi làm xí nghiệp. Hầu hết thời gian trong ngày không ai gặp ai. Càng lớn càng xa. Đó là cảm giác của tôi mỗi khi nghĩ về nhà. Tôi lớn lên thì đi học. Em tôi đứa đi học, đứa đi làm. Bố mẹ tôi cũng vắng nhà cả ngày. Số lần ăn cơm cùng nhau thưa thớt dần.
Thế nên những dịp cuối tuần đều cố gắng dành thời gian nấu món gì ngon ngon để còn ngồi cùng nhau trò chuyện. Dẫu có những lúc câu chuyện người với người không ngọt lành như bữa cơm canh.
Mẹ cũng là bé gái cần được yêu thương trong lòng con
Từ hồi viết, tôi lơ là nhiều thứ. Cô bạn thân dỗi tôi vì ít dành thời gian cho cô. Người nhà không rõ tôi làm gì nhưng mỗi lần thấy tôi vội vàng ngồi vào bàn cũng hiểu là tôi bận. Bởi vậy mà tôi ít trò chuyện với người nhà như xưa. Dù chúng tôi vốn chưa bao giờ chia sẻ nhiều với nhau như nhà người ta cả.
Tôi vẫn hay đùa nhà năm người năm mệnh nên sinh – khắc lẫn lộn, hễ va vào lại như những trái banh cao su bật nẩy ra. Nhà chỉ có hai mẹ con là nữ. Tôi càng lớn càng hay sắm vai người nghe mẹ nói. Từ chuyện mấy bố con tới chuyện cơ quan. Thế mà cả nửa năm rồi tôi mới lại ngồi yên nghe mẹ kể như hôm nay.
Chúng ta thương nhau, chúng ta làm tổn thương nhau
Tôi làm mẹ buồn nhiều. Chắc vì tôi là con gái đầu nên kỳ vọng mẹ đặt ở nơi tôi cũng lắm. Hoặc là nỗi lắng lo dành cho tôi lớn quá nên mới khiến mẹ đau lòng nhiều. Tôi hiếm khi nhắc tới tổn thương nhưng cũng buồn phiền vì mẹ mình không ít. Chúng tôi cứ thế. Yêu thương nhau. Tổn thương nhau. Vòng xoáy ốc lặp đi lặp lại với biên độ dao động khác đi mỗi lần.
Tôi dần không còn vào vai người kể nữa. Tôi sợ mẹ không hiểu, càng sợ mẹ sẽ nghĩ nhiều rồi một lúc nào không ngờ tới, những lời tôi từng nói sẽ được diễn lại theo kiểu khác. Thế nên tôi chọn vào vai người nghe. Thụ động nhưng bình yên.
Mẹ tôi càng cần được lắng nghe. Bố tôi và hai em trai không đủ kiên nhẫn hay thấu hiểu để làm điều ấy. Mỗi lần nghe mẹ kể chuyện, tôi ngẫm ra nhiều. Chủ yếu là về con người, về cách làm người. Mẹ cứ kể ra thôi. Chuyện này chuyện nọ, họ làm gì, họ sống ra sao. Tôi trông vào đấy mà tự chỉnh mình. Mẹ tôi cũng là một cô giáo khó tính. Tôi chỉnh hoài vẫn chưa được mẹ ưng. Chắc bởi vậy mà mẹ suốt ngày lo tôi sau này làm mích lòng cha mẹ người ta.
Thương mẹ là một phần con giấu kín
Tôi đứng chiên chả giò trong khi mẹ ngồi cuốn từng chiếc chả trên mặt mâm inox sáng lóa. Tôi nhìn xuống. Bóng mẹ nhỏ hơn dạo trước. Mẹ gầy đi nhiều. Mái tóc xoăn bồng bềnh, mái đầu cúi xuống chênh chếch. Đôi bàn tay mẹ thô và gân guốc. Mẹ tôi một đời làm nặng nên đôi tay nào thon gọn bao giờ.
Đôi tay mẹ vẫn luôn làm con đau mỗi khi nhìn vào
Tôi còn nhớ cái lần đầu tiên mẹ nói tôi nhìn vào tay mẹ. Lúc mẹ giơ bàn tay về phía mình, tôi thoáng kinh hãi. Tôi nhìn khuôn mặt mẹ một đời nhưng ít khi nào ngó vào đôi bàn tay. Mẹ tôi lại mảnh mai, da trắng mịn như bông bưởi. Tôi cứ tưởng đã rõ hết từng nét trên người mẹ. Hóa ra tôi chẳng hiểu mẹ chút nào. Tôi quan sát kỹ càng bao người, bao vật lại quên mất nhìn cho tươm tất mẹ cha.
Từ bắp tay xuống ngón tay mẹ là hai thái cực hoàn toàn đối lập. Ngón tay to, lộ rõ những khớp xương thô. Bàn tay gân guốc, mấy sợi xanh hằn lên trên lớp da nâu căng bóng. Mẹ đưa tay gần tôi hơn, ý muốn nói tôi chạm vào. Tôi tưởng chừng khi ấy mình đã khóc. Tôi biết tôi đã khóc trong lòng. Một thứ cảm xúc hỗn độn. Tôi nhìn mặt mẹ rồi lại nhìn những ngón tay. Tôi chạm vào đấy. Khô và cứng còng. Thậm chí bàn tay mẹ còn không thể duỗi thẳng hoàn toàn mà cứ cong gấp lại.
Tôi thương mẹ khổ. Tôi ngắm mãi bài tay mong thấu được nỗi khổ đau của mẹ thêm một lần nữa. Tôi nghĩ tới những công việc mẹ thường làm. Tôi dằn vặt vì sự hời hợt của mình.
Con chỉ mong mẹ luôn hạnh phúc
Bàn tay mẹ vẫn lăn tròn theo từng cuộn chả. Mấy ngón tay thô kệch hơn cả cuốn chả mới được cuộn tròn kia. Tôi không nỡ nhìn thêm phút nào, lặng lẽ lấy những cuốn chả mới đem chiên. Mẹ tôi lặng im, không kể chuyện. Mẹ tập trung vào công việc đang làm. Tôi không dám hỏi liệu mẹ có mệt không, liệu mẹ có vui không.
Rất nhiều lần trong đời tôi muốn hỏi mẹ có hạnh phúc không. Nhưng tôi không đủ can đảm để làm điều đó. Tôi sợ câu nói của mình hóa thành nhát dao. Tôi đã biết những nỗi đau của mẹ. Biết thôi là đủ. Sâu vào nữa biết đâu sẽ làm mẹ đau thêm.
Mẹ con là “bé gái” mà con thương một đời
Tôi nấu xong nhưng không ăn. Tôi hối mẹ ăn trưa. Mẹ ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế nhựa cao. Cả cơ thể thu lại còn một nắm. Hai chân mẹ đặt lên thanh nhựa gác chân trên ghế. Mấy đầu ngón chân bớm vào gờ mủ. Tôi hay nhìn những ngón chân mẹ. Ngón chân của người nông dân quen đi trần nên luôn cố gắng bám vào một vật nào đó.
Mẹ không nói gì, chỉ lặng lẽ ngồi ăn. Thi thoảng mẹ ngẩng lên nhìn vô định. Tôi cũng im lặng nhìn mẹ. Chỉ mong mẹ tôi có những phút thảnh thơi dù là ít ỏi. Chắc mẹ không biết đâu. Trong mắt tôi, đôi khi mẹ cũng là đứa trẻ. Một bé gái chịu nhiều thiệt thòi, một bé gái đáng được yêu thương.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.
Ghé thăm mình tại LinkedIn, Instagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!