Khâu lại vết thương lòng mẹ

“Mother wound” hay “vết thương lòng mẹ” là khái niệm về nỗi đau liên thế hệ giữa bà, mẹ và con gái được thừa hưởng rồi truyền lại qua các thế hệ khi họ sống trong một nền văn hóa phụ hệ mang tính gia trưởng và áp bức phụ nữ.

Thế nào là vết thương lòng mẹ?

Mary Ainsworth, một nhà tâm lý học người Mỹ, từng viết: “Người mẹ không chỉ tác động đến con ở thời thơ ấu mà còn ảnh hưởng đến hiện tại và các mối quan hệ trong tương lai của đứa trẻ. Có nghĩa là, một đứa trẻ mắc phải “mother wound” có nhiều khả năng sẽ duy trì mối quan hệ kiểu này với con cái của chúng“.

Mới đầu khi nghe đến “vết thương lòng mẹ”, tôi vẫn nghĩ nó dùng để chỉ những tổn thương mà mẹ giữ trong lòng. Nhưng không phải, hóa ra khái niệm này để nói về những vấn đề tâm lý mà người con gặp phải trong mối quan hệ với người mẹ của họ.

Liệu rồi chúng ta có thể nào khâu lành những vết thương lòng mẹ để mối quan hệ giữa hai mẹ con nhẹ nhàng hơn, khăng khít hơn và để không ai phải chịu những tổn thương thêm nữa?

Đọc thêm những bài viết liên quan:

Một đời dài lắm phải thương lấy mình

Có chăng ta đang hoài phí chính mình?

Gió mùa

Những biểu hiện của vết thương lòng mẹ trong gia đình

Khi đọc bài viết của bé học viên về vết thương lòng mẹ và những ảnh hưởng của nó lên người con gái, lòng tôi buồn man mác. Một kiểu cảm giác không dữ dội nhưng nặng nề kéo tâm trạng tôi trì hẳn xuống. Vừa buồn vừa tủi vừa xót lại vừa thương. Thật nhiều cảm xúc ùa đến cùng một lúc khiến tôi có chút ngập ngừng khi sửa bài cho em. Nhưng rồi tôi vẫn đọc hết, ngay cả khi đọc tới đâu tôi lại thấy bản thân đang bị bóc tách tới đấy. Từng lớp, từng lớp vỏ mỏng bị lột ra như một củ hành.

Có thể khái niệm vết thương lòng mẹ vẫn còn xa lạ với rất nhiều người, mặc dù những biểu hiện và ảnh hưởng của nó quen thuộc hơn lý thuyết nhiều. Trước đây, tôi không biết tới tên gọi của vấn đề tâm lý này nhưng tôi đã nhận thức ít nhiều về nó. Càng lớn, những chiêm nghiệm của tôi về các tổn thương tâm lý và tính cách, lẫn việc quyết định của người con gái bị chi phối bởi người mẹ như thế nào càng rõ ràng hơn. Và buồn một điều là, chúng không chỉ xảy ra ở gia đình tôi, trong mối quan hệ giữa tôi với mẹ mà ngay cả giữa bà ngoại mẹ, bà ngoại – dì, dì – con gái dì hay những cặp mẹ con khác cũng rất phổ biến.

Khi gặp phải tình trạng này, người con thường cố gắng làm mẹ hài lòng, mong muốn được mẹ công nhận, lo sợ sẽ làm mẹ buồn hoặc thấy tồi tệ khi nghĩ về sự bất hiếu. Tất cả khiến người con gái luôn sống theo cách của mẹ, ưu tiên những gì mẹ chọn. Thậm chí ngay cả khi chúng làm họ buồn, chán nản hay đau khổ. Trong khi đó, người mẹ có thể sẽ muốn áp đặt những suy nghĩ và khao khát của bản thân lên con cái theo cách nhẹ nhàng hoặc bắt buộc. Mọi thứ được diễn ra dưới danh nghĩa của tình yêu thương, quan hệ mẫu tử hay “mẹ chỉ muốn tốt cho con”. 

Tôi từng cảm thấy thất bại khi không được loại học sinh xuất sắc (chỉ được tiên tiến) vì tôi biết mẹ sẽ tự hào hơn nếu tôi đứng trong top của lớp thay vì có mỗi tấm giấy khen mà mấy chục bạn khác cũng được như vậy.

Tôi cũng trách bản thân bất hiếu khi yêu một người mà mẹ tôi không ưng bụng. Tôi còn không ngừng dằn vặt tại sao tôi là con gái không thương ba mẹ mà lại vì một người con trai mà khiến ba mẹ phải khổ tâm. Dù cho khi ấy tôi thương bạn kia, cũng không hiểu bạn có gì tồi tệ mà mẹ phản đối kịch liệt thế nhưng cuối cùng tôi không chịu nổi sự thất vọng trong ánh nhìn của mẹ nên đã chia tay.

Bạn có tưởng tượng được không, tôi thức dậy vào buổi sáng, đâu đó khoảng 5 giờ, mắt nhắm mắt mở ngồi lên thì thấy mẹ tôi nửa ngồi nửa nằm ở trước giường với khuôm mặt đầm đìa nước mắt. Kêu khóc thảm thiết và cầu xin tôi đừng yêu người ấy nữa. Tôi không biết phải tả thế nào để bạn hiểu tình cảnh lúc ấy cũng như những gì diễn ra trong tôi. Tôi có lẽ còn không kịp có cảm giác gì. Thứ duy nhất mà tôi nhớ cảm giác đau đớn tột cùng, nước mắt tôi cũng chảy đầm đìa và hai từ “bất hiếu” xâm chiếm toàn bộ suy nghĩ của tôi. Tôi không thể yêu một người mà để mẹ tôi phải làm đến mức ấy. Dù lúc đó, tôi thấy họ cũng là người bình thường và chẳng đáng bị mẹ đối xử như vậy. (Sau này tôi đoán mẹ có thể mới bị bố bạo hành hoặc là ba mẹ tranh cãi gì với nhau vì khoảng thời gian đó có nhiều mâu thuẫn xảy ra giữa hai người dẫn đến những cuộc cãi vã thường xuyên. Đó cũng là giai đoạn khiến mỗi người trong gia đình tôi như một phần vỡ ra từ tấm kính, ai cũng mang tổn thương khó chữa lành và cũng khó hàn gắn.)

Mỗi lần chị em tôi mâu thuẫn với mẹ, mẹ thường sẽ nói con cái bất hiếu, học nhiều nhưng chỉ để về bắt bẻ lại lập luận của mẹ. Mẹ nuôi con thành ra phí công, sinh con đau thân đau xác mà con không nghe lời, không làm như những gì mẹ muốn, không sống theo cách mẹ nghĩ là tốt cho con.

Và vô số những câu chuyện khác đã diễn ra giữa tôi với mẹ trong nhiều năm liền, dai dẳng từ khi tôi ở tuổi thiếu niên tới bây giờ. Không ít lần những mâu thuẫn trở thành xung đột, căng thẳng và cả tôi lẫn mẹ đều có những lời nói làm nhau tổn thương. Ai cũng thấy bản thân đáng thương, có lý còn người kia thì không hiểu gì ý mình. 

Đi tìm “toa thuốc” chữa lành vết thương lòng mẹ

Bây giờ tôi đủ can đảm để thú nhận một điều là từng có lúc tôi mong được sinh ra trong gia đình khác với ông bố bà mẹ tâm lý hơn, thương con hơn và các thành viên được kết nối với nhau qua những lời nói lẫn hành động âu yếm, ngập tràn yêu thương và thấu hiểu. Thậm chí có khi tôi mong gia đình tôi cũng được như gia đình của cô bạn thân. Tôi tự hỏi liệu khi ấy, quan hệ giữa tôi với mẹ có tốt hơn không, nhà tôi có thoải mái và hạnh phúc hơn không?

Phải, tôi từng muốn có một người mẹ giống “mẹ người ta”. Cũng như mẹ tôi từng so sánh tôi với “con nhà người ta”. 

Hóa ra cả tôi lẫn mẹ đều có những kỳ vọng lớn lao hơn ở đối phương để rồi vô tình làm tổn thương nhau dù vốn dĩ vẫn thương yêu nhau hết lòng, vẫn thấy nhau là người quan trọng trong cuộc sống.

Mất rất nhiều thời gian và cũng đọc nhiều, trải nhiều, nghe nhiều rồi tôi mới nhận biết được vấn đề của bản thân, vấn đề giữa bản thân với mẹ hay giữa các thành viên trong nhà là gì. Nhận biết là thế nhưng để thay đổi càng nhiều khó khăn. Tôi chỉ có thể thực hiện từng chút từ phía tôi trước, đầu tiên là học cách lắng nghe lẫn quan sát để hiểu ba mẹ nhiều hơn. Đặc biệt là mẹ – người phụ nữ có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới tất cả thành viên trong nhà.

Khi đã dành nhiều thời gian hơn cho mẹ, tìm hiểu thêm về những người phụ nữ trong thế hệ của mẹ, tôi dần nhận ra mẹ cũng là một cô con gái mang vết thương lòng mẹ. Hơn nữa, mẹ còn có quá nhiều vấn đề về tinh thần lẫn những áp lực lớn lao về vật chất, chồng con, các mối quan hệ, cuộc sống lâu dài của gia đình… 

Hóa ra là vì tôi đã không hiểu gì về mẹ, tôi đã chỉ quan tâm tới việc được sống theo ý tôi nên mới từng nghĩ giữa tôi với mẹ là một khoảng cách chẳng bao giờ gần được. 

Khi hiểu mẹ hơn một chút, thay đổi tôi đi một chút, tôi cũng đồng thời học cách thể hiện với mẹ đâu là con người thật nhất của tôi, đâu là điều tôi thích và đâu là cuộc sống mà tôi mong muốn được sống. Dù cho chúng có khác với nhiều người, khác với lối sống và những quan điểm bao năm nay của mẹ. Tôi cũng tin là chỉ khi thể hiện chân thật chính tôi và tôn trọng đối phương mới giúp hai mẹ con khám phá ra những gì trong lòng người kia. Học rồi sẽ hiểu thêm, thương thêm mà bao dung thêm, chiều chuộng thêm.

Xin hãy dịu dàng với vết thương lòng mẹ

Có rất nhiều điều để viết về mẹ, cũng có nhiều điều để viết về những tổn thương từ trong gia đình. Phải chăng là vì quá yêu nhưng chưa được học cách yêu nên nơi gọi là nhà cũng lắm lúc mang đến cho ta vô vàn nước mắt? 

Ngày rộng tháng dài, chỉ mong có là gì đi nữa thì sau những bão giông, mỗi người vẫn được làm con thuyền nhỏ an bình về neo trong vịnh gia đình.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .