Có chăng ta đang hoài phí chính mình?

Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân về ý nghĩa của cuộc tồn tại, về nỗi cô đơn dai dẳng chẳng nguôi ngoai ngay cả khi đứng giữa chốn đông người, và về cảm giác vừa muốn sống một đời nhiệt huyết lại vừa muốn buông xuôi cho mọi chuyện tới đâu thì tới?

Ta là tổng hòa của những điều mâu thuẫn

Thi thoảng trong đời, tôi cảm nhận chính mình như một món đồ cồng kềnh, dễ thấy nặng nhọc. Còn tâm trí đầy xáo động thì như một con lừa nhỏ cố gắng kéo tôi đi. Đôi khi mệt mỏi muốn buông xuôi, dừng bước để ghé lại ven đường mà gặm cỏ, uống nước. Thấy những khi nhàn nhã ấy mới thật sự được sống trọn vẹn trong cuộc đời, dẫu chỉ là ngắn ngủi. Nhưng rồi đôi chân vẫn cứ bước, trên lưng vẫn kéo theo khối nặng nề kia. May là cảm giác ấy không tới thường xuyên và trong những ngày tôi sống với viết lách, tôi có nhiều niềm vui, từ chính tôi và từ những nhân duyên mà tôi có được. 

Năng lượng từ một người lắm lúc cũng trồi sụt như cát ngoài biển xa, còn năng lượng từ tất cả những người quanh ta thì luôn luôn đầy ắp.

Bạn có đang hiểu được chính mình?

Khóa viết đầu tiên của năm 2023 đã khởi động được hơn tuần. Tôi ấn tượng với bài viết “khai màn” của một học viên. Yêu cầu của đề thực hành là viết lá thư gửi cho chính mình. Theo như lời của học viên tôi thì nó khiến bạn viết trong trạng thái khiên cưỡng, bởi bạn chẳng biết phải viết gì cho bản thân. Đây cũng không phải lần thứ nhất tôi nhận được câu trả lời tương tự. 

Đôi khi ta bỏ quên chính mình…

Chúng ta đã quên mất chính mình trong những ngày quần quật từ sáng tới đêm. Có khi để làm hài lòng người khác, có khi để nuông chiều những cảm giác thỏa mãn của mình. Làm việc, ăn, mặc, ngủ, nghỉ và giải trí, và yêu, có lẽ. Khóa Biểu hiện có mấy đề bài để mọi người nhìn lại bản thân, lắng nghe bản thân dù không phải một chủ điểm riêng như trong khóa Sáng tạo

Đôi khi ta tìm mình ở thế giới lao xao bên ngoài

Đến với viết, nhiều người nhầm tưởng rằng phải đi tìm chất liệu từ đời sống muôn hình vạn trạng ngoài kia để thế giới ấy lấp đầy chúng ta. Cũng không sai đâu. Chúng ta là những sinh vật nhỏ bé trong cái bao la vô ngần của vũ trụ. Ta quả thực chỉ là một thứ gì rất nhỏ. Những gì ta biết là hữu hạn trong khi thế giới lại vô cùng. Nhưng bạn biết đó, ta lại là trung tâm, ít nhất là của cuộc đời ta. 

Mọi thứ lớn lao tồn tại khách quan bên ngoài cũng sẽ là vô nghĩa nếu ta vốn dĩ không tồn tại, nếu chúng không được ta tiếp nhận qua những giác quan và tái thiết lại bằng bộ não đầy nếp nhăn. Vậy nên ta lấy mọi thứ từ bên ngoài, đưa lại vào trong ta và trả thành phẩm là câu chữ. Giống như nạp nguyên liệu thô vào một cỗ máy, dây chuyền hoạt động và đưa ra sản phẩm để phân phối ngược trở lại với bên ngoài. 

Nói vậy nghĩa là mục đích của việc viết không thể thiếu viết cho chính mình. Và để viết, không thể không khai thác chính mình. 

Đi tìm mình trong chính chân như

Bạn có thể không biết quá nhiều thứ nhưng dù thế nào bạn vẫn là một “bách khoa thư” sống động với những trải nghiệm mang tính cá nhân và những cảm xúc mà chỉ bạn có, ở thời điểm đó, trước những sự kiện đó. Không ai khác có thể thay thế bạn. 

Ngay cả khi bạn và những người khác cùng đứng trên đỉnh núi Fansipan ngắm mây bay trong ánh nắng rực rỡ của buổi bình minh thì những mạch máu chảy rần rần trong cơ thể bạn, những gì va đập với tâm trí bạn cũng là của riêng bạn, không giống ai. Cùng với ngôn từ, bạn có thể viết chúng ra – điều mà không phải người nào cùng ngắm mây với bạn khi ấy cũng làm được. Ngay cả khi có nhiều người cùng viết, tôi tin rằng bài viết của mỗi người vẫn sẽ là những bản khắc rất khác nhau. 

Viết để khám phá bản thân cùng lúc với khám phá thế giới

Những lá thứ gửi chính mình, những bài viết cho bản thân, những câu chuyện riêng được lồng vào trong các bài viết… Không phải bỗng nhiên mà ngày càng có nhiều người theo đuổi viết lách. Dù là viết cho mình hay viết cho người. Viết lách thật sự kỳ diệu nhưng kỳ diệu nhất là cùng với viết, bạn bắt đầu hành trình khám phá lại chính mình. 

Bạn có chắc đã hiểu rõ bản thân không? 

Bạn có dám cá rằng bạn đang không hoài phí chính mình trong lúc mải miết lao ra với thế giới bên ngoài kia? 

Bạn có từng bớt ra 10 phút chơi game, lướt mạng để đối thoại với con người sâu thẳm nhất của mình không? 

Bạn có từng quan tâm tới điều gì thật sự sẽ khiến bạn vui vẻ, thoải mái và hạnh phúc? 

Hay điều gì là giới hạn của bạn mà nếu vượt qua nó, bạn sẽ chẳng thể nào giữ được vẻ bình tĩnh tưởng như bất cần kia? 

Bạn có thật sự biết bạn là người như thế nào, bạn yêu – ghét điều gì, đâu là đích đến trong cuộc đời của bạn không? 

Chúng ta sống được bao nhiêu lâu? Cứ cho là một trăm năm. Chớp mắt đã thấy tuổi thơ ở lại sau những nếp nhăn trên khóe mắt, khuôn miệng. Chớp mắt đã mấy lần mười năm qua đi. 30 tuổi, 40 tuổi. Có người còn hoang mang chưa biết ý nghĩa tồn tại của mình. Có người thậm chí chẳng mảy may nghĩ về điều đó. Có người còn bận cố gắng làm sao sống sót ngày qua ngày. 

Cuộc đời dài, cuộc đời rất ngắn. Cuộc đời hoan lạc, cuộc đời vô thường. Đừng chỉ cố gắng hiểu và yêu người khác. Hãy dành thời gian mà hiểu và yêu lấy chính mình trước đã. Một tâm hồn trống rỗng rất khó để yêu trọn vẹn một người, đừng nói chi là yêu cuộc đời.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .