Sửa lỗi thừa từ khi biên tập

Lỗi thừa từ là lỗi thường xuyên gặp cho dù bạn mới tập viết hay đã viết lâu năm. Để khắc phục lỗi này, bạn cần nắm được cách nhận biết trước tiên. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn biết cách sửa lỗi thừa từ khi biên tập bài viết.

Sửa lỗi thừa từ rất quan trọng khi biên tập bài viết
Sửa lỗi thừa từ rất quan trọng khi biên tập bài viết (Ảnh: edit trên Canva)

Ai thường mắc lỗi thừa từ?

Khi viết, bạn có thể thả trôi cảm xúc và lập luận theo mạch tư tưởng mà không quan tâm quá nhiều tới việc đúng sai. Vậy nên khâu biên tập rất cần thiết để bạn rà soát và chỉnh sửa lỗi.

Là một người hướng dẫn viết và viết thường xuyên, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm khi biên tập bài cho bản thân và cho người khác. Lỗi thừa từ là một trong những lỗi mà ai cũng gặp. Thậm chí phải sửa nhiều lần nhưng vẫn còn lặp lại trong các lần sau.

Chúng ta thường có tâm lý yêu quý con chữ mình viết ra hoặc tự hào với bài viết dài. Vì vậy, ta không đủ “nhẫn tâm” để loại bỏ từ thừa khi biên tập. Trước đây, khi viết tôi cũng thường thêm vào nhiều trợ từ, phụ từ hoặc quan hệ từ không thật cần thiết vì nghĩ chúng giúp các câu kết nối với nhau uyển chuyển hơn.

Thừa từ do lạm dụng trợ từ, phụ từ, quan hệ từ

Chúng ta không phủ nhận vai trò của quan hệ từ cũng như các trợ từ, phụ từ… trong việc liên kết câu và liên kết đoạn. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng cần chính xác và hợp lý để tránh dẫn tới lối viết dài dòng, lan man.

Phương pháp của tôi là trực tiếp cắt bỏ những từ mà không có chúng câu văn vẫn đảm bảo được ý nghĩa và sắc thái. Bạn cần lưu ý cả nội dung lẫn sắc thái biểu cảm của từ, cụm từ. Bởi cái độc đáo của tiếng Việt nằm trong khả năng biểu đạt các sắc thái khác nhau của cùng một đối tượng. Những từ đo đỏ, đỏ thắm, đỏ tươi, đỏ thẫm, đỏ chót… chỉ những sắc độ khác nhau của màu đỏ.

Lấy ví dụ đoạn văn sau:

Tôi đã đi qua mưa rào, hay là mưa dầm? Nghĩa là tôi đã đi qua những say mê giấu giếm, những đau đáu nhớ mong, những tháng ngày dài mòn mỏi trông đợi, những cô đơn khi nhận ra mình lạc lõng và những hi vọng chả bao giờ thành hiện thực. Say mê từ hai phía dần hóa thành đơn phương của riêng tôi. Tôi không giữ được mưa rào, tôi cũng không còn ở bên người thương đã cũ. Tất cả đều trở thành người dưng ngược lối trong nhau. Những mảnh kí ức là bao nhiêu kỉ niệm bên người.”

Bây giờ tôi sẽ biên tập lại thành:

Tôi đã đi qua những cơn mưa rào hay có khi là mưa dầm. Tôi cũng đi qua những say mê giấu giếm, những đau đáu nhớ mong, những tháng ngày mòn mỏi trông đợi, những cô đơn lạc lõng và những hi vọng không thành hiện thực. Say mê từ hai phía dần hóa thành đơn phương của riêng tôi. Tôi không giữ được mưa rào, cũng không còn bên người thương đã cũ. Tất cả trở thành người dưng ngược lối trong nhau.”

Bạn có nhìn thấy sự khác biệt giữa hai đoạn văn trước và sau khi chỉnh sửa không? Việc biên tập không có nghĩa là câu nào bạn cũng sửa mà là sự chỉn chu đến từ cách chọn lựa từ ngữ, cách đặt dấu câu, cách cân nhắc khả năng biểu đạt của từ…

Nếu bạn đang gặp các vấn đề về biên tập, đọc thêm những bài viết này nhé:

7 lỗi dùng từ thường gặp – Hòa Lương (hoaluong.com)

Tự biên tập bài viết sao cho đúng? – Hòa Lương (hoaluong.com)

6 lỗi hình thức người mới luyện viết thường gặp – Hòa Lương (hoaluong.com)

Lỗi thừa từ do sử dụng từ cùng nghĩa, gần nghĩa

Những từ cùng nghĩa hoặc gần nghĩa khi đặt cạnh nhau sẽ trở nên thừa thãi. Bạn chỉ cần dùng một trong hai từ là đủ. Mẹo cho bạn là  nếu dùng “đã” thì không cần “từng”, dùng “hiện tại” thì bỏ “hôm nay”, dùng “bổ sung” thì không cần “thêm”, có “quốc lộ” thì không cần “đường”, có “chùa” thì bỏ “tự”…

Thừa từ do lạm dụng văn nói

Một vấn đề thường gặp khác là việc sử dụng quá nhiều từ ngữ của văn nói như cái, chiếc, ấy, này… Trong văn nói, khi gặp tình trạng bí từ, ta có xu hướng sử dụng từ nào đó đệm vào để có thêm thời gian suy nghĩ. Tuy nhiên, sử dụng nhiều các từ này trong văn viết sẽ khiến câu văn lủng củng và không trôi chảy.

Thừa từ do dùng từ không đúng ngữ cảnh

Nhiều người có thói quen sử dụng từ không đúng ngữ cảnh làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Vốn dĩ ta có các từ đi chung như: tấm ảnh/bức ảnh, cô người yêu… hoặc các từ đi riêng: anh trai, video… Vậy nhưng nhiều người có xu hướng thêm “chiếc” hoặc “cái” vào trước các từ khác. Những từ: chiếc ảnh, chiếc người yêu, chiếc video… chẳng những không làm cho ngôn ngữ thú vị hơn mà còn làm sai lệch cách dùng chuẩn của tiếng Việt.

Ta xét ví dụ:

Cái Tết vừa rồi là cái Tết đầu tiên mà chúng tôi được đón giao thừa cùng nhau. Cái ánh sáng lung linh của pháo hoa cùng với cái âm thanh rộn rã làm lòng người dễ thấy lâng lâng khó tả.

Ta có thể sửa thành:

Tết vừa rồi là cái Tết đầu tiên mà chúng tôi được đón giao thừa cùng nhau. Ánh sáng lung linh của pháo hoa cùng với âm thanh rộn rã làm lòng người lâng lâng khó tả.

Thừa từ do lặp từ

Lỗi thừa từ còn do thói quen sử dụng từ lặp lại nhiều lần của người viết. Một số từ thường bị lặp lại nhiều lần: những, các, một, cái

Ví dụ:

Những mùa mưa đến sớm bao giờ cũng làm cho những con chim tan tác rã bầy. Những con chim con co ro trong những cái tổ bằng rơm khô rách nát. Đâu đó có tiếng mưa về trong đêm và tiếng những con chim hớt hải tìm nhau.”

Bạn có thể sửa lại:

Mùa mưa đến sớm bao giờ cũng làm cho lũ chim tan tác. Những con chim non co ro trong cái tổ rơm khô rách nát. Đâu đó có tiếng mưa về trong đêm và tiếng đàn chim hớt hải tìm nhau.”

Thừa từ do dùng từ sai nghĩa

Dùng từ sai nghĩa cũng là nguyên nhân dẫn đến lỗi thừa từ khi viết. Đôi khi bạn nghĩ từ đó có nghĩa A nhưng thật ra nó mang nghĩa B.Ví dụ bạn muốn nói tới thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm nhưng lại dùng “bàng quang”. Từ này được dùng sai nên trở thành thừa trong câu. Bàng quang là một bộ phận trong cơ thể. Từ đúng phải là “bàng quan”.

Tiểu kết:

Khi biên tập lỗi, bạn cần chú ý tới lỗi thừa từ. Những từ cùng nghĩa, đồng âm, từ lặp đi lặp lại nhiều lần, từ không rõ nghĩa cần bạn dứt khoát hơn khi quyết định giữ lại hoặc bỏ đi. Đừng tiếc số từ viết được mà hãy cố gắng biến bài viết của bạn hoàn chỉnh hơn bằng cách bỏ đi từ thừa.

Đọc nhiều bài viết của Sẻ nâu hơn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .