Tản văn là gì? Tản văn là thể loại văn học dễ đọc và dễ viết đang thịnh hành trong đời sống văn hóa của người Việt hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai nắm được khái niệm và các đặc điểm của một bài tản văn.
Tản văn là gì?
Tản văn là một thể loại văn xuôi được viết theo phong cách tự do với cấu trúc “vòng tròn đồng tâm”. Nghĩa là mọi thứ bạn viết trong bài đều xoay quanh quanh một chủ đề. Tuy biên độ của tản văn khá lớn nhưng nếu bạn di rộng quá sẽ thành lạc đề, lan man.
Tản văn có khả năng tương tác cao với đời sống và liên kết sâu tới tâm thức của người viết nên ai cũng có thể viết tản văn. Tuy nhiên, viết tản văn dễ nhưng để viết hay và viết có cá tính văn chương riêng thì khó.
Viết tản văn là lối viết chấm phá, chú trọng ghi lại những gì người viết đã trải qua, nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy để thể hiện được tình cảm, ý nghĩ mang màu sắc cá nhân. Nhiều người nhầm lẫn tản văn với truyện ngắn trữ tình hóa bởi tính nhẹ nhàng, bay bổng của chúng. Kỳ thực, tản văn là thể loại phi hư cấu (không có yếu tố hư cấu) trong khi truyện ngắn cho phép người viết được hư cấu ngay cả khi câu chuyện dựa trên một số yếu tố có thật.
Đọc thêm:
9 chủ đề viết tản văn dễ nhất cho người mới bắt đầu
Sổ tay tản văn: cuốn sổ tay giúp bạn viết tản văn hay
Viết tản văn đăng báo: khóa học viết cho người muốn cộng tác báo
Đặc điểm của tản văn
Tiêu đề tản văn
Tiêu đề của tản văn thường ngay lập tức để lại một ý niệm, một cảm xúc nào đó với độc giả khiến họ phải/muốn dành thời gian khám phá. Thông thường, tản văn được gắn với đặc tính trữ tình nên ngay từ tiêu đề đã có khả năng tác động tới tình cảm của người đọc.
Tiêu đề có thể tạo ra cảm xúc mạnh, tiêu cực cũng có thể tạo ra những cảm xúc nhẹ nhàng, lãng mạn… Riêng đối với tản văn nghị luận, tiêu đề thường nêu lên vấn đề mà người viết sẽ trình bày, làm rõ ở phần nội dung.
Tiêu đề tản văn có thể là một từ cũng có thể dài như một câu nhưng thường dễ gây được ấn tượng nhất trong khoảng 5-12 từ.
Ví dụ:
Hà Nội tan trong ly cà phê Giảng (Hòa Lương)
Chiều phai hơi phố (Hòa Lương)
Bánh chưng xanh gọi tết an lành (Hòa Lương)
Hồn phố còn vương những cũ càng (Tống Phước Bảo)
Xin lỗi, anh chỉ là photographer, không phải là artist (Hà Thanh Vân)
Lê la Hà Nội (Lê Hải Kỳ)
Nghĩ gì về những đề cử giải Nobel Văn học (Nguyễn Quang Thiều)
Ngôn từ trong tản văn
Ngoài việc tìm hiểu tản văn là gì thì ngôn từ trong tản văn cũng là yếu tố nên được quan tâm. Bạn không cần lạm dụng những từ ngữ hoa mỹ hay bóng bẩy. Thay vào đó hãy sử dụng ngôn từ tự nhiên, chân thật để thể hiện thật nhất cảm xúc của người viết.
Tùy từng đề tài và thái độ của người viết với đề tài mà ngôn từ được sử dụng mang màu sắc khác nhau. Tản văn về tình yêu, về quê hương, tuổi thơ hay những điều ngọt ngào trong cuộc sống thường được viết bằng ngôn ngữ gần gũi, giàu cảm xúc. Tản văn nghị luận về một vấn đề của đời sống có thể sử dụng các từ ngữ mạnh mẽ, gay gắt hơn.
Ngôn từ trong tản văn còn thể hiện được cá tính và góc nhìn của người viết. Có người viết nhẹ nhàng, bay bướm như một cánh hoa rơi. Cũng có người viết chắc nịch, sắc bén như một lưỡi dao nhọn.
Dung lượng tản văn có thể từ vài trăm tới vài ngàn từ. Với tản văn đăng báo, dung lượng thường từ 600 tới 10000 từ.
Ví dụ 1:
“Người ta đi xa cả năm trời chỉ chờ tới ngày cuối năm để lỉnh kỉnh đồ đạc, hăm hở lên một chuyến đường dài để được trở về bên mái nhà thân thuộc. Dù chuyến đi ngày cuối năm có đắt đỏ, có cực khổ, chen lấn hay chờ đợi, mệt mỏi thì khoảnh khắc đứng trước cổng nhà cũng đủ làm người ta quên đi bao nhọc nhằn, tủi khổ.”
(Bánh chưng xanh gọi tết an lành – Hòa Lương)
Ví dụ 2:
“Anh photographer Thái Phiên vừa có một bài viết. Anh Thái Phiên nói là bài cũ, ảnh mới. Tôi thì xưa nay không mấy thích ảnh của anh, nhưng vì có một người bạn gửi bài viết này cho tôi đọc, và đọc xong thì tôi thấy… anh Thái Phiên nói đúng. Đúng duy nhất ở một điểm, anh ấy chính là một photographer, hơn thế nữa lại là một photographer thường thường bậc trung, chứ không phải là một artist như nhiều người hay lầm tưởng về anh. Ý kiến cá nhân của tôi là: Mọi điều anh nói trong bài viết thì tôi đều cảm thấy quá dở, chỉ có một điều duy nhất đúng mà tôi vừa nói ở trên.”
(Xin lỗi, anh chỉ là photographer, không phải là artist – Hà Thanh Vân)
Thông điệp trong tản văn
Dù tản văn có thể chỉ đơn thuần ghi lại xúc cảm của người viết nhưng không vì vậy mà nó thiếu đi các thông điệp. Tản văn là gì nếu không phải tác phẩm văn xuôi ghi lại những xúc cảm, suy tư, quan điểm của người viết. Đó cũng chính là những thông điệp mà người viết âm thầm gửi gắm vào con chữ của mình.
Thông điệp trong tản văn có thể được hiển thị rõ ràng, cũng có thể ẩn tàng chờ người đọc tự đúc rút.
Thông điệp có thể được thể hiện ở bất cứ đâu trong bài với mức độ khác nhau.
Ví dụ:
“Chính sách của chính quyền đối với người tài mang nhiều tính ưu việt và có tính chiến lược. Nhưng những người trực tiếp sử dụng người tài vẫn là một cánh cửa mới chỉ hé ra một khe hẹp mà những người tài lại không có khả năng và không muốn cố ‘’luồn lách’’ để đi qua.
Nhưng điều mà cá nhân tôi thấy vô cùng quan trọng là: nhận ra người tài là khó, sử dụng họ còn khó hơn, nhưng bảo vệ được người tài trước những kẻ bất tài mới là điều khó nhất và quan trọng nhất.”
(Người tài và một khe cửa hẹp – Nguyễn Quang Thiều)
Một số loại hình tản văn
Tản văn nghị luận
Trong tản văn nghị luận, người viết trình bày quan điểm, cách nhìn, cách nghĩ về một vấn đề, một hiện tượng, một sự kiện… trong đời sống. Loại hình tản văn này gần gũi với thể loại văn nghị luận đã được học trong nhà trường. Tuy nhiên, tản văn nghị luận mang tính cá nhân nhiều hơn nên vẫn có thể kết hợp với các phương thức tự sự, biểu cảm và mô tả.
Ví dụ:
“Tất nhiên, chúng ta sống trong xã hội luôn muốn được xã hội công nhận, muốn trở thành một người con để ba mẹ yên tâm, tin tưởng và tự hào. Nhưng chạy theo những kỳ vọng hoặc sự áp đặt quá đáng của ba mẹ cũng lắm khi khiến chúng ta mệt nhoài. Nếu làm được thì không sao, những gì bạn chịu đựng có thể vẫn xứng đáng với kết quả mà bạn và cha mẹ tự hào. Nhưng nếu những gì bạn cố gắng mãi không thể đáp ứng được mong cầu của ba mẹ thì bạn sẽ khó mà sống một cuộc đời hạnh phúc hay tự lập, tự do được.”
(Sự kỳ vọng nghẹt thở – Hòa Lương)
Tản văn tự sự
Khác với tản văn nghị luận có phần khô khan và thường chặt chẽ về mặt logic, tản văn tự sự là tác phẩm mà người viết kể lại những sự kiện xoay quanh bản thân hoặc những người khác. Tản văn tự sự gần giống kể chuyện nhưng không đòi hỏi cốt truyện chặt chẽ hay những cao trào nhằm kích thích trí tò mò của người đọc. Nó có thể chỉ là những câu chuyện không đầu không cuối, những điều nhỏ bé thường ngày được ghi chép lại.
Ví dụ:
“Hôm trước tôi gặp lại anh, vẫn nhắc chuyện ngày xưa. Kết thúc những rung động đầu đời không theo cách chúng tôi mong đợi khi bắt đầu nhưng đã chẳng còn làm ai đau. Chúng tôi ngồi đối diện nhau, tâm tư mỗi người thả trôi theo một hướng. Chuyện cũ không còn làm ai bối rối.”
(Trăng trên trời muôn đời không đổi – Hòa Lương)
Tản văn trữ tình
Loại hình tản văn này chủ yếu là sự thể hiện cảm xúc của người viết về một điều gì đó. Dòng chảy của tản văn trữ tình là dòng chảy của xúc cảm và ký ức. Bởi vậy, nó thường lãng đãng, nhẹ nhàng và vô cùng cá nhân.
Ví dụ:
“Vậy là lại thêm một mùa thu, đã năm năm kể từ lần đầu ấy. Chúng tôi bây giờ chẳng còn là của nhau. Vẫn là khoảng cách hơn ngàn cây số nhưng chẳng còn cuộc tình nào của “chúng tôi”. Người cũng như mùa thu, mùa đẹp và buồn nên vương lại hồn tôi một vệt màu dần úa.”
(Có một người đã qua cùng mùa thu – Hòa Lương)
Như vậy, tản văn là gì? Tản văn được ví như “fast-food” vì có “ăn liền” và “viết liền” được ngay nhưng để viết được một tản văn hay, chạm đến trái tim độc giả không phải dễ. Nắm được các đặc điểm và các loại hình của tản văn là bước đầu tiên để khám phá thể loại quen thuộc này.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết, hành trình trở thành người kinh doanh chuyên môn và các sáng tác của Sẻ nâu. Ghé thăm mình tại Facebook, Instagram để kết nối nhiều hơn nghen!