Truyện ngắn: Ngày mai nắng lên

Tháng bảy. Trời mưa bão triền miên. Lại một hôm nữa bà Lan bán ế hàng. Nẫu ruột. Bà bán từ sáng tới tối, cố nán lại tận khuya với ước mong khách đi làm đêm về đói sẽ ghé quán làm tô mì hay điếu thuốc mà tiệt nhiên chẳng có. Đường phố vắng tanh, chỉ có mưa và sấm chớp thi nhau nhiễu nhương không ngừng. Hơn mười giờ tối, mưa chưa tạnh nhưng sấm đã thôi rầm trời, sét chỉ còn là những vệt sáng lóe lên ở cuối trời xa. Bà thu dọn lại quầy hàng, gom mớ tiền lẻ ít ỏi nhét vào cái bọc ni lông cũ, cột chặt rồi nhét sâu vào túi áo trong. Bà đóng cửa quán, mặc chiếc áo mưa cũ rồi leo lên chiếc xe đạp đã xộc xệch, tọc tạch đạp về. Quán không xa nhà nhưng bà cũng phải đạp qua mấy ngõ. Hôm nào con trai bà không đi trực sẽ ra phụ mẹ. Hôm nay anh phải ở lại bệnh viện, không biết mấy giờ mới về. Thi thoảng anh còn ở trực qua đêm. Bà đạp xe từ tốn, đôi mắt lem nhem vì nước mưa lại thêm con đường đất đầy vũng nước ngập không cho phép bà hấp tấp.

Những ánh đèn hiu hắt từ các nhà xung quanh tỏa ra bị những lùm cây trước nhà chắn bớt. Qua một ngõ vắng, xe bà chòng chành. Bánh xe leo lên một hòn đá, bà loạng choạng rồi ngã xuống đất. Chiếc xe đổ kềnh càng. Bà xuýt xoa “Ôi cha!” rồi cặm cụi định dựng chiếc xe lên. Bỗng một bóng đen lù lù nhảy ra chắn trước mặt. Bà ngước mắt lên, chỉ thấy một người mặc áo mưa, bịt kín mặt, tay đang giơ con dao thái loang loáng chĩa về phía bà. Sợ chết khiếp, bà lùi lại mấy bước. Bóng đen tiến lên, một tay huơ huơ con dao, một tay vẫy vẫy tỏ ý đòi tiền. Bà lắc đầu, hai tay chắp lại, miệng lẩm bẩm:

  • Chú ơi! Chú tha cho bà già này, tôi làm gì có tiền hả chú?
  • Bà đừng có mà điêu. Bà bán quán không có tiền thì ai có. Có bao nhiêu mau đưa hết đây không tôi lại xiên cho một nhát. Vừa mất máu lại vừa mất tiền. – Tên cướp cất giọng khàn khàn hăm dọa, giọng nói chẳng có chút gì là nói cho vui.
  • Mày trấn tiền bà già hả? Đồ con chó này!

Một bóng người từ đâu lao ra, đạp thẳng một phát vào bụng tên cướp. Hắn co quắp người, lùi mấy bước về sau, tay vẫn còn lăm le con dao. Hắn ngẩng mặt về phía người vừa xuất hiện, tay dứ dứ con dao, mồm quát to:

  • Mày là thằng chó nào mà xen vào chuyện của tao? Mày muốn chết à?

Nói rồi hắn lao lên, tay chém loạn xạ vào người trước mặt. Người mới xuất hiện cũng không vừa, né trái, tránh phải rồi khom người lao tới.

Tõm, con dao bị đá văng xuống vũng nước gần đó. Tên cướp giãy giãy cổ tay vừa đá bị cho một cước đau điếng. Hắn nghiến răng, lao đến đánh tay đôi với người kia. Hai gã đàn ông như hai con hổ, hết vờn lại đánh liên tục vào người đối phương. Một lát sau, tên cướp bị người kia kẹp cánh tay vạm vỡ sát cổ. Hắn giãy giụa, cố lấy tay mình kéo ra nhưng người đứng sau càng ghì chặt hơn. Khó thở, hẳn hổn hển:

  • Đại ca, đại ca tha cho em! Em trót dại. Em hứa không làm như vậy nữa.
  • Giờ mày mới biết sợ hả con chó?

Người này vừa siết cổ hắn chặt hơn vừa dí một vật gì tròn tròn cứng đanh đằng sau lưng. Tên cướp sững người trong giây lát, miệng càng liên tục xin tha mạng. Thả tay trên cổ hắn, để hắn bỏ chạy rồi người này còn nói với theo, tay nhét vội cái gì vào lưng quần:

  • Đừng để tao thấy mày bắt nạt người già, trẻ nhỏ nữa không là mày đi gặp tổ tiên sớm nha mày!

Tên kia gật đầu lia lịa rồi chạy biến vào sau ngõ. Bà Lan còn đang thất thần đứng một góc thì người mới cứu bà đã bỏ đi. Bà chỉ kịp cảm ơn với theo, người kia đã khuất sau ngõ, không ngoảnh đầu lại. Bà vẫn chưa nhìn rõ mặt người ơn.

Bà Lan bước vào nhà, căn nhà không bóng người. Bật nhẹ công tắc, bà lại thắp nén nhang lên bàn thờ, thủ thỉ với người đàn ông chân chất trong bức ảnh trắng đen trước mặt. Cảm ơn ông độ trì cho bà. Rồi bà sang phòng con trai. Tâm, con trai bà, là một bác sĩ giỏi được nhiều người quý mến. Anh là niềm tự hào của bà, cũng là nguồn sống của bà. Từ khi chồng mất, con trai là tất cả lý lẽ để bà còn tồn tại trên đời, còn cố gắng vượt qua dâu bể.

Bà nhìn giá sách của con. Toàn là sách y khoa. Với tay lấy tấm ảnh trên tủ, bà ngắm nhìn con trai. Đó là bức ảnh chụp anh ngày tốt nghiệp đại học. Khuôn mặt cười rạng rỡ, tay giơ cao tấm bằng. Một chàng trai trẻ đầy hoài bão, luôn sống với lý tưởng cứu người để càng nhiều người không phải chết vì bệnh tật như cha mình càng tốt. Bà chấm chấm khóe mắt, chẳng biết giờ này con ở bệnh viện đã ăn uống gì chưa. Bụng anh mỗi khi đói lại đau, bà vẫn lo lo nhưng lần nào bà nhắc anh cũng bảo mẹ yên tâm, con là bác sĩ mà.

Lúc Tâm về nhà đã hơn hai giờ sáng. Mẹ anh đang ngủ. Lắng nghe tiếng thở đều đều của mẹ, anh thở dài nhè nhẹ. Mẹ anh quay người lại:

  • Vào ngủ đi con, mai còn đi làm. Có cần mẹ nấu gì cho ăn không?
  • Không mẹ ạ, con ăn ở bệnh viện rồi. Mẹ ngủ tiếp đi, con cũng chuẩn bị ngủ bây giờ.

Bà Lan khẽ gật đầu rồi quay người vào trong, nằm im để con yên tâm đi ngủ. Bà định kể cho anh nghe chuyện hồi tối nhưng thấy không phải lúc nên lại thôi.

Tâm thay đồ, đợi tới khi mẹ chìm vào giấc ngủ lần nữa. Anh ngồi trên bàn viết cho mẹ một lá thư. Ánh sáng từ chiếc đèn học chiếu lên một bên gương mặt anh lún phún râu và hốc hác đi nhiều vì thức đêm và bệnh tật. Vừa viết Tâm vừa chảy nước mắt. Anh thương mẹ biết bao nhiêu. Kiếp này sợ anh chẳng thể trả hiếu cho mẹ được rồi. Tâm cắn chặt môi, lấy tay vội lau giọt nước mắt vừa chảy xuống. Anh phải mạnh mẽ để mẹ không phiền lòng. Anh cũng phải chiến thắng căn bệnh quái ác từng cướp đi mạng sống của bố.

Cất lá thư vào ngăn tủ, anh bước sang phòng mẹ, lặng im nhìn bóng lưng gầy guộc của bà đang phập phồng theo từng nhịp thở đều đều. Đêm mỗi lúc một thêm tịch mịch. Đã có tiếng gà eo óc ở xa.

Bệnh viện chỗ Tâm làm là bệnh viện đa khoa, hôm nào cũng tấp nập người vào ra. Lúc Tâm đang trò chuyện với bác sĩ trưởng khoa nội thì thấy một cô gái bụng bầu lớn cứ đi qua đi lại trước hành lang. Khuôn mặt cô nhàu nhĩ như bộ quần áo cũ đang mặc trên người. Chỉ có ánh mắt là hiền lành và đáng thương làm Tâm chú ý. Cuộc trò chuyện với bác sĩ khiến Tâm nhanh chóng quên đi cô gái ấy. Bác sĩ trưởng khoa nói:

  • Bệnh của cháu đang tiến triển xấu và nhanh nữa. Cháu không dùng thuốc sao? Có làm như chú dặn không?
  • Cháu có chứ ạ! Nhưng dạo này đi trực nhiều nên có hôm cháu cũng không ăn đúng bữa hoặc bỏ bữa. Cháu cũng thấy các cơn đau đến nhanh hơn.
  • Chú nghĩ cháu nên làm phẫu thuật bên cạnh dùng thuốc. Không loại trừ khả năng cơ thể cháu kháng thuốc nên hiệu quả điều trị không khả quan như chúng ta mong đợi. Các tế bào ung thư có thể sẽ di căn nếu không được can thiệp kịp thời. Vả lại cháu cũng phải giữ tinh thần lạc quan, sinh hoạt điều độ mới có cơ hội chyển ngược tình thế.
  • Vâng! Cháu cảm ơn chú! Cháu sẽ chú ý hơn.
  • Là bác sĩ mà thua căn bệnh của mình là không được đâu đấy. Cháu vẫn còn 60% cơ hội để chiến thắng.
  • Vâng!

Trước khi bước ra ngoài, bác sĩ trưởng khoa còn vỗ vai Tâm:

  • Đừng để mẹ cháu ở lại một mình.

Căn bệnh ung thư dạ dày của Tâm đã chuyển sang giai đoạn hai. Anh vẫn đang cố gắng điều trị từng ngày nhưng phản ứng của cơ thể với thuốc không tốt như mong đợi. Một phần cũng do tính chất công việc bận rộn khiến Tâm không sinh hoạt điều độ. Cứ nghĩ tới bệnh tình của mình là anh lại nghĩ đến dáng mẹ lủi thủi hôm sớm. Anh không đành lòng.

Chiều hôm đó trời mưa tầm tã. Dòng người trên phố hối hả giờ tan tầm, mưa làm cho đoàn người kẹt lại. Tâm đi làm bằng xe đạp nên có thể lách qua những chỗ đông người. Hôm đó là giỗ bố. Anh xin phép về sớm hơn mọi ngày. Tới gần bùng binh, anh bắt gặp ánh mắt và dáng người quen thuộc đang đi vô hồn giữa hàng hàng xe lớn xe nhỏ. Nước mưa làm đầu tóc người đó ướt nhẹp, tóc bết vào mặt, ôm lấy hai bên má, lộ ra làn da nhợt nhạt không còn sinh khí. Bộ đồ nhàu nhĩ ướt dính lộ rõ chiếc bụng to lùm lùm. Tâm dựng xe lên vỉa hè, vội vàng lao ra đường. Vừa đi vội anh vừa giơ một tay lên cao xin đường. Chẳng mấy chốc Tâm đã đến được chỗ thai phụ hồi sáng. Anh hỏi cô mấy câu nhưng chỉ có ánh mắt cô đờ đẫn hồi đáp anh. Vô vọng, anh kéo cô vào phía vỉa hè cùng mình. Người đi đường nhìn cảnh hai người chỉ lắc đầu ngao ngán.

Đưa cô vào dưới mái hiên của một căn nhà gần đó, Tâm chạy ra dắt xe vào. Quần áo anh cũng ướt, không có gì để che cho cô. Mua tạm cái áo mưa của người bán hàng gần đó, anh trùm lên đầu cô rồi bảo cô tự mặc vào. Thai phụ chỉ lẳng lặng làm theo anh. Đợi mưa ngớt, thai phụ cũng bình tĩnh hơn. Tâm hỏi:

  • Nhà chị ở đâu? Tôi bắt xe cho chị về nhé?
  • Hay là chị cho tôi số điện thoại người nhà, tôi gọi họ tới đón.

Thấy thai phụ không nói gì, anh bất lực:

  • Vậy tôi đưa chị về nhà tôi tạm nhé? Ở nhà có mẹ tôi, bà có thể chăm sóc cho chị tạm thời. Rồi chúng ta chờ người nhà chị tới đón, được không?

Thai phụ khẽ gật đầu, nước mắt vẫn còn đọng lại trên khóe mắt. Anh dắt xe lại trước mặt, chờ cô ngồi lên an toàn rồi mới đạp về. Tâm suy nghĩ mông lung, không biết người ngồi sau có hoàn cảnh thế nào. Chắc không phải là một câu chuyện vui. Thai phụ cũng trầm ngâm, cuộc đời cô mờ mịt như màn mưa trước mặt.

  • Mẹ ơi!

Thấy con trai về, bà Lan vội vàng ra đón. Nhìn thấy người con gái ngồi sau bụng lớn lùm lùm, bà hốt hoảng:

  • Vào nhà, vào nhà lẹ đi cháu, mưa thế này khéo lại ốm cả mẹ cả con.

Bà nhìn qua Tâm, hai mẹ con nhìn nhau, im lặng. Bà dìu người con gái xa lạ vào nhà, lấy cho cô cái khăn mới để lau khô đầu tóc. Tâm bảo mẹ chăm sóc cô gái giùm mình.

  • Chị cần gì thì cứ nói với mẹ tôi, chắc chị sẽ đỡ ngại với bà hơn là tôi.

Thai phụ gật gật đầu. Tâm đi xuống nhà dưới để hai người phụ nữ lại với nhau.

Bà Lan lấy cho cô một ly nước ấm, đợi cô lau khô bớt nước trên người rồi ôn tồn hỏi chuyện. Hóa ra cô ấy có thai nhưng cha đứa trẻ không chịu trách nhiệm. Anh ta còn nói dối là độc thân. Vậy mà trưa nay vợ anh ta kéo theo mấy chị em tìm cô đòi xử tội vì dám cướp chồng người khác. Cô sốc, cô đau. Cô gọi cho anh ta hòng mong một lời giải thích, một sự minh bạch nhưng anh ta đã khóa máy từ bao giờ. Bất lực, cô đi lang thang vô định cho tới khi Tâm nhìn thấy cô giữa đường.

Thương cảm, bà Lan nói cô cứ yên tâm ở đây. Bà lấy cho cô bộ quần áo rồi nói cô tắm sơ kẻo ốm. Hôm nay nhà có giỗ, bà mời cô gái ở lại ăn cùng mẹ con bà.

  • Cháu tên gì? Nhà cháu ở đâu? – Bà ái ngại hỏi.
  • Cháu tên Nụ. Nhà cháu ở mãi trên Cao Bằng, cháu không có tiền về mà cũng không dám về với cái bụng này bác ạ. Anh ta nói sẽ đưa cháu về quê xin làm đám cưới. Thế mà… thế mà…

Nói rồi cô khóc sụt sùi. Bà Lan vỗ vỗ vai cô an ủi. Đầu cô tựa vào vai bà, dựa dẫm trong lúc sa cơ.

  • Vậy cháu cứ ở tạm đây với bác tới khi nào sinh con, em bé cứng cáp rồi cháu muốn đi cũng được. Cháu cứ nghĩ thêm nhé. Bây giờ cháu đi tắm xong vào ăn cơm cái đã. Trời xanh còn có mắt, chỉ cần mình sống tốt thì không sợ gì cả.
  • Cháu cảm ơn bác và anh! Ơn này cháu nhất định không quên.

Nụ lí nhí. Cô định từ chối đề nghị của bà Lan nhưng nghĩ lại mình đang lúc không nơi nương tựa gặp được quý nhân cũng xem như được trời thương. Cô sẽ ở lại với bà, phụ bà việc nhà. Đợi đến khi con cô cứng cáp, cô sẽ rời đi và kiếm tiền báo đáp lại mẹ con bà sau. Nghĩ rồi Nụ yên tâm hơn. Cô làm theo sự sắp xếp của bà Lan.

Từ đó, nhà bà có thêm người. Nụ cũng là cô gái tháo vát. Mỗi ngày cô giúp bà làm việc nhà, chuẩn bị hàng hóa cho bà mang đi bán. Vì cô bụng mang dạ chửa lại từ nơi khác tới, sợ người ta đàm tiếu không hay nên bà bảo cô cứ ở nhà. Mọi chuyện bà sẽ lo liệu để cô có thể mẹ tròn con vuông.

Mới đó mà Nụ sắp tới ngày sinh. Bệnh tình của Tâm chuyển biến xấu đi, những cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều. Một hôm trong mâm cơm, Tâm đau quá ôm bụng quằn quại. Bà Lan và Nụ cuống cuồng. Hai người phụ nữ lóng ngóng. Bà Lan sốt ruột:

  • Con ơi, con có sao không?

Nụ bấm điện thoại gọi tới bệnh viện. Khuôn mặt Tâm trắng bệch, mồ hôi rịn đầy trán, bết vào tóc. Môi anh nhợt nhạt, tay ôm bụng không rời. Lát sau xe cấp cứu tới. Bụng Nụ lớn nên bà Lan dặn cô ở nhà, bà theo con đến viện. Tâm thiếp đi trên xe sau một hồi vật vã vì cơn đau hành hạ. Bà Lan nắm chặt bàn tay con, nước mắt chảy không ngừng. Bà cứ lầm bầm khẩn cầu cho con được tai qua nạn khỏi.

Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cho Tâm nhưng muốn vậy anh cần phải có sức khoẻ sẵn sàng. Bác sĩ trưởng khoa không nói rõ bệnh tình của Tâm với bà Lan, chỉ động viên bà tin tưởng vào bác sĩ và con trai. Còn lại mọi chuyện các bác sĩ và bệnh viện sẽ lo liệu.

  • Chị đừng lo quá! Chúng tôi sẽ cần theo dõi thêm tình hình để xem thời gian nào làm phẫu thuật là thích hợp. – Bác sĩ nói với bà Lan.
  • Vậy là con tôi bị gì bác sĩ? – Bà Lan nóng lòng hỏi lại.
  • Cháu chỉ bị đau dạ dày, chị đừng quá lo lắng. Bây giờ chị cứ ra làm thủ tục. Chỗ cháu đã có chúng tôi lo. Chị phải lạc quan thì mọi chuyện mới tốt được.

Nói rồi bác sĩ nháy mắt cho một y tá đưa bà Lan ra ngoài làm thủ tục. Các y tá khác nhanh chóng đẩy Tâm vào phòng cấp cứu.

Mùi thuốc kháng sinh và hóa chất tẩy trùng của bệnh viện làm bà Lan càng thêm rối bời. Bà đứng lên ngồi xuống không yên. Đêm đó bà thức luôn tới sáng. Mái tóc bạc thêm mấy phần.

Sáng hôm sau bà vào thăm Tâm. Anh vẫn đang chìm trong giấc ngủ sau khi được vào thuốc. Các y tá nói bà cứ về nhà nghỉ ngơi, vì Tâm là người của bệnh viện nên bệnh viện sẽ chăm sóc anh đặc biệt. Nhưng bà có lòng nào mà nghỉ ngơi. Đang lúc bà lo lắng thì điện thoại trong túi reo không ngừng:

  • Bác ơi, bác ơi, con vỡ ối rồi…

Giọng nói gấp gáp của Nụ làm bà càng thêm rối. Bà vội vàng nhờ các y tá chăm sóc con trai rồi bắt xe về nhà.

Sáng hôm ấy Nụ sinh. Đứa trẻ kháu khỉnh và đáng yêu. Hai mắt nó chẳng hiểu sao lại giống hệt Tâm hồi nhỏ. Bà Lan chạy lăng xăng giữa một bên là phòng điều trị của con trai, một bên là mẹ con Nụ. Nỗi lo lắng xen lẫn cả niềm hạnh phúc chào đón một sinh linh mới đến với cuộc đời.

Một năm sau.

Hôm nay là ngày đầy năm con gái Nụ. Bà Lan bán hàng mà lòng ngong ngóng về nhà. Nụ bảo bà cứ lo quán xá, chuyện ở nhà đã có cô lo. Mới đó mà đã một năm kể từ ngày bà theo chiếc xe trắng chở Tâm đến bệnh viện cấp cứu. Bà Lan ngậm ngùi quẹt nước mắt. Bà thu hàng hóa gọn gàng, định bụng về nhà phụ cái Nụ chuẩn bị đám, còn tâm trạng đâu nữa mà bán với buôn. Bà thu hàng để đóng cửa quầy, một thanh niên từ đâu phóng tọt vào trong. Bà định la lên nhưng anh ta đã nhanh tay bịt miệng bà lại.

  • Suỵt.
  • Cô cho cháu trốn nhờ không bọn chúng chém cháu chết. – Nói rồi anh ta thả tay khỏi miệng bà, tìm một chỗ phía sau quầy hàng núp gọn.

Bà Lan hoảng quá nhưng cố tỏ ra bình tĩnh, bà giả vờ thu vội hàng hóa rồi đóng cửa quán. Mắt ngó quanh xem có kẻ nào đang rượt đuổi người kia thật không. Bà vừa khóa cửa thì mấy tên bặm trợn cầm theo dao rựa và mã tấu chạy tới trước mặt.

  • Bà già, có thấy thằng nào mặc áo bò xanh, đeo sợi dây chuyền bạc chạy qua đây không?
  • Không các chú ơi, tôi làm gì biết ai. – Bà Lan vừa nói vừa run.

Thấy bà như vậy bọn chúng cũng tin lời. Ai mà dám nói dối bọn chúng thì khác nào chán sống. Vội vàng chia nhau chạy ra các ngã, chúng mặc kệ bà già đang đứng khúm núm mà mãi không rời đi khỏi quán. Đợi tới khi chúng đi hẳn, bà mở cửa cho người thanh niên kia bước ra.

  • Cảm ơn cô đã không khai ra. Ơn cứu mạng nhất định sau này cháu sẽ trả.

Bấy giờ bà Lan mới nghe rõ giọng nói của anh ta. Bà cố nhớ xem đã từng nghe giọng nói này ở đâu. Quen quá. Bà nghĩ thầm. Cả cái dáng người to lớn hầm hố cũng quen.

  • Này cậu, có phải năm ngoái cậu cứu một bà già khỏi tên cướp trong con ngõ phía trước không?
  • Sao cô biết? – Anh ta cũng ngạc nhiên hỏi lại.
  • Là tôi, là tôi đấy. Hôm đó tôi còn chưa kịp cảm ơn thì cậu đã đi mất. Tôi vẫn mong có dịp gặp lại cậu để cảm ơn.
  • Chuyện nhỏ có gì đâu mà cô phải cảm ơn. Vậy coi như cô cháu ta hòa nhau. Cháu đi đây.
  • Này, nếu cậu không vội thì đến nhà tôi đi. Hôm nay nhà tôi có đám mà nhà lại neo người.

Chẳng biết nghĩ thế nào, anh ta lại ngoan ngoãn theo bà Lan về nhà. Có cái gì ở người phụ nữ già nua trước mặt làm anh tin tưởng. Anh không cưỡng lại được mà muốn làm cho bà vui lòng.

Căn nhà của bà Lan hôm ấy rộn rã hơn. Tiếng con bé con khóc cười làm căn nhà thêm không khí. Nụ đang chuẩn bị bày biện cơm nước thì bà Lan về. Vừa thấy bóng người theo sau bà, con bé con đã khóc thét lên.

Anh chàng thấy vậy thì ngại, chân tay thừa thãi không biết nên làm gì. Bà Lan bế con bé, vừa dỗ vừa nựng:

  • Ai làm gì Đậu mà Đậu khóc. Đậu chào chú đi nhờ. Chú có làm gì Đậu đâu nhờ.

Được bà dỗ, con bé dần nín khóc nhưng nó vẫn không dám nhìn anh chàng hầm hố kia. Còn Nụ chỉ gật đầu chào rồi chăm chú vào việc của mình. Bà Lan bảo anh ngồi chơi tự nhiên rồi bà hỏi han anh đủ chuyện.

Hóa ra anh là Tú “sẹo”, từng nổi tiếng là dân anh chị bảo kê trong chợ. Bà Lan từng nghe tên nhưng chưa gặp bao giờ nên không biết mặt mũi ra sao. Bây giờ anh ta bỏ nghề, hoàn lương nhưng ân oán cũ nhiều, thi thoảng vẫn có người tới tìm. Tú muốn sống đời bình thường cũng khó.

Bà Lan nghe xong bảo:

  • Này, hay là cháu xem làm gì được với cái ao và mảnh vườn kia không? – Bà vừa nói vừa chỉ ra ngoài vườn. Nhà bà có vườn rộng, ao sâu chỉ thiếu người làm.
  • Nếu được thì cháu cứ làm. Cô hỗ trợ. Còn có con bé Nụ này nữa. – Bà nhìn Tú xong lại nhìn Nụ.
  • Dạ sao vậy được cô?
  • Thế nhà cháu ở đâu? Có vợ con gì chưa?
  • Cháu mà ai thèm lấy hả cô? Mẹ cháu mất rồi, cháu không có bố. Ông bà cũng qua đời mấy năm trước. Cháu nay đây mai đó, đâu dám gắn đời mình với ai, còn bám lại nơi này là vì còn cần lo hương khói cho ông bà và mẹ.
  • Vậy cháu cứ nghe cô, cải tạo lại mảnh vườn với cái ao đi. Con bé Đậu cũng cứng cáp hơn rồi. Cháu với cái Nụ bảo nhau mà làm. Làm được bao nhiêu hai anh em chia nhau, lấy vốn. Rồi sau cháu lấy vợ, Nụ nó lấy chồng. Cô không đòi hai đứa phải trả gì cho cô đâu mà sợ.
  • Sao cô lại tốt với người như cháu thế ạ?
  • Người như cháu thì sao? Người như cháu cứu cô một mạng đấy.
  • Anh cứ nghe lời bác sắp xếp đi ạ. Mẹ con em cũng nhờ có anh Tâm và bác mà mới có một cuộc đời khác. Em thấy mình như được tái sinh. Bây giờ mẹ con em cũng không muốn xa bác nữa. Anh cứ làm rồi em sẽ phụ anh. Xong rồi sau này bác già hơn, hai anh em mình phụng dưỡng bác cũng được anh ạ!

Tú suy nghĩ một hồi rồi gật đầu. Bà Lan với Nụ nhìn nhau cười. Với anh, đó là may mắn. Lần đầu tiên trong mấy chục năm qua, Tú cảm nhận được chút hương vị của tình cảm gia đình, của “mẹ” là như thế nào.

Bà Lan vào phòng Tâm để tìm chiếc hộp bà đựng ảnh hồi nhỏ của anh để khoe với cả nhà. Trong đó còn có cả cái vòng tay bạc bà để dành sau này cho cháu nội. Nhưng bây giờ bà tặng cho cái Đậu. Mở ngăn kéo tủ, bà lôi ra chiếc hộp thiếc vuông to bằng bàn tay. Bên trong là một ít giấy tờ, mươi tấm ảnh cũ. Vòng tay ở dưới cùng. Chợt bà thấy một tờ giấy còn mới được gấp lại ngay ngắn kẹp vào giữa những tấm ảnh cũ. Bà lấy ra đọc:

“Mẹ thương yêu,

Không biết khi mẹ đọc lá thư này con có còn ở bên mẹ nữa không. Con không dám nói cho mẹ biết mỗi khi cơn đau hành hạ thân xác con. Nỗi lo lắng phải bỏ mẹ ở lại một mình giày vò tâm trí con. Con đã cố gắng nhiều để trở thành bác sĩ, để làm mẹ tự hào, để chữa khỏi bệnh cho những người như bố con.

Nhưng mẹ ơi, con của mẹ nhận được kết quả bị ung thư dạ dày giai đoạn hai. Con vẫn uống thuốc, vẫn làm theo lời của bác sĩ trưởng khoa nhưng bệnh vẫn ngày một nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ nói cơ thể con có tế bào kháng thuốc nên vẫn đang tìm cách điều trị tốt nhất. Nếu cần sẽ làm phẫu thuật.

Con chỉ có mẹ trên đời, bố đã về trời từ lâu. Con đã thấy mẹ vất vả bao nhiêu để nuôi con nên người. Con không nỡ, không nỡ mẹ ạ!

Mẹ sẽ vẫn sống tốt nếu không may con chẳng còn bên cạnh, phải không mẹ? Mẹ vẫn sẽ vì bố, vì con mà sống lạc quan mẹ nhé!

Con mong rằng khi mẹ đọc thư, con vẫn là đứa con trai khỏe mạnh của mẹ. Nhưng… chẳng may có chuyện gì, mẹ hãy cho phép con được hiến mình cho y học và cứu những người khác, mẹ nhé!

Cảm ơn mẹ đã dành cả cuộc đời của mẹ cho con,

Con yêu mẹ nhiều lắm! Cảm ơn mẹ vì đã sinh ra con!

Con trai của mẹ,

Khiết Tâm”

Bà Lan mang lá thư ra cho Nụ đọc. Bà ôm Đậu, hôn vào má con bé rồi đeo cái vòng bạc vào tay nó. Vẻ ngây thơ của đứa trẻ an ủi nỗi đau trong lòng bà. Nụ đọc xong thư cũng khóc, ba bà cháu ôm nhau. Tú không hiểu chuyện gì. Đang lúc anh bối rối thì có người ở ngoài về.

Người ấy mặc chiếc áo blouse trắng, nụ cười rạng rỡ và ánh mắt hiền lành:

  • Mẹ ơi! Con làm về rồi đây! Bác có quà cho Đậu này.

Trên tay người ấy là con búp bê tóc vàng bằng len móc mặc chiếc váy hồng xinh xẵn như cô bé đang ngồi trong lòng mẹ anh.

Sáu tháng sau.

Khu vườn nhà bà Lan đã được Tú và Nụ cải tạo thành vườn trồng bưởi theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện. Ao cá cũng được hút sạch, thay vào nước mới và thả các giống cá nước ngọt. Con bé Đậu lẩm chẩm tập đi, miệng cả ngày bi bô “Bà, bà”. Bà Lan mừng ra mặt. Bà vẫn bán quán nhưng đã có thêm con trai, con gái phụ giúp. Căn nhà cũ được sửa sang lại cho rộng rãi, khang trang để một nhà năm người thoải mái sinh hoạt.

Hôm ấy ngày rằm, Nụ sắm sửa mâm quả cho bà Lan đi chùa. Lần này bà bảo muốn đi một mình. Ngôi chùa cổ nằm lưng chừng một ngọn đồi, gần khe suối nhưng khá xa khu vực dân cư. Bà thường tới chùa vào ngày rằm, mồng một hàng tháng để dâng hương lễ Phật, cầu bình an, trước đây là cho con trai, bây giờ là cho cả nhà.

Quỳ dưới chân tượng Phật, bà vái chín vái lạy tạ ơn Phật đã phù hộ cho con trai bà qua cửa tử, tiếp tục sống, cống hiến cho sự nghiệp cứu người. Bà lạy tạ vì ơn trên đã cho bà có thêm một người con trai rắn rỏi, một người con gái đảm đang và đứa cháu ngoại kháu khỉnh. Bà chẳng mong gì hơn ngoài sức khoẻ, bình an cho cả gia đình.

Thắp hương xong bà đi dạo trong khuôn viên chùa. Tiếng chuông đồng đều đặn vang lên. Bà thấy lòng mình thanh thản vô cùng. Tình thương vẫn luôn là mạch nguồn sự sống, tái sinh con người khỏi những đau thương.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Mình sẽ rất hạnh phúc nếu bạn ghi lại đây những cảm nhận của bạn hoặc là những thắc mắc muốn được giải đáp thêm. Mình sẽ phản hồi bạn trực tiếp qua bình luận hoặc nếu cần, mình sẽ lên một bài viết mới để hồi đáp đầy đủ và chi tiết.

Bạn có thể kết nối với mình nhiều hơn tại: https://linktr.ee/hoaluongwriter

2 bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .