Viết sao cho người đọc đồng cảm là câu hỏi mà tác giả nào cũng quan tâm. Trong một lần nghe thầy Uông Triều giảng về các tiêu chí đánh giá một tác phẩm hay, thầy nhấn mạnh tính đồng cảm là quan trọng nhất. Để tạo cảm giác đồng cảm nơi người đọc, người viết cần biết tạo ra các liên kết cảm xúc.
Nếu bạn là một người thích đúc kết những kinh nghiệm sống mà lại sợ người khác phán xét bạn là đứa thích “dạy đời”
Nếu bạn có góc nhìn khác với số đông về một vấn đề nhưng lo mình nói ra sẽ bị phản bác
Nếu bạn vẫn chưa biết cách làm thế nào để liên kết chuyện mình với chuyện người, chuyện đời
Bài viết này sẽ đưa ra cho bạn những gợi ý để những ám ảnh tâm lý về việc thể hiện bản thân trên mạng xã hội thông qua bài viết không còn cản trở bạn.
Bạn có thấy chính mình đang ở trong tình trạng này không?
Hôm trước tôi đọc được một bài viết về tình yêu và hôn nhân của học viên. Những suy nghĩ của bạn về tình yêu không sai, cũng không tiêu cực. Những phân tích của bạn cũng đúng với đa số mọi người. Hơn nữa, tôi còn thấy cách bạn yêu và cảm nhận tình yêu đơn thuần, có chút vô tư chính là bí quyết giúp bạn và chồng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Bởi theo như bạn kể thì hai vợ chồng bạn cứ gần nhau là có chuyện để phá lên cười. Một cuộc sống như thế chẳng phải đã là hạnh phúc sao?
Nhưng bài viết đó vẫn không đủ để tôi muốn đọc từ đầu đến cuối nếu như tôi không tò mò và không cần phải đọc để góp ý chỉnh sửa cho bạn dưới vai trò của một người dạy viết.
Người đọc sẽ sớm rời đi khi bài viết không làm họ đồng cảm
Bạn biết vì sao những thông điệp, những quan điểm bạn đưa vào bài viết đều văn minh mà người khác vẫn không muốn đọc hoặc không thể kiên nhẫn đọc hết bài không?
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, như là bài viết được trình bày với hình thức cẩu thả, văn phong sáo rỗng dạy đời, bài viết quá cá nhân hời hợt… nhưng tôi muốn nói tới sự liên kết trong một bài viết. Tôi tạm thời bỏ qua liên kết về mặt hình thức, chỉ đề cập tới liên kết về nội dung và ý nghĩa. Chỉ khi nội dung và ý nghĩa của bài chạm đến nhu cầu của người đọc, nó mới khiến họ dành thời gian để đọc hết hoặc lưu lại, chia sẻ với nhiều người hơn.
Nhu cầu của người đọc có thể là về kiến thức, thông tin, kinh nghiệm, hướng dẫn hoặc là nhu cầu được thấu hiểu các cảm xúc, được lắng nghe những câu chuyện, được ai đó “nói hộ lòng mình”… Liên kết tăng đồng cảm của người đọc chính là liên kết giữa người viết với người đọc thông qua những gì được thể hiện trên văn bản.
Đọc thêm những bài viết liên quan:
Storytelling – nghệ thuật kể chuyện truyền thông điệp
Viết sao cho người đọc đồng cảm? Phân tích qua 2 ví dụ cụ thể
Khi viết về tình yêu và hôn nhân
Quay trở lại với bài viết của học viên mà tôi vừa nhắc ở trên, tôi đã gợi ý bạn ấy lồng vào bài một vài câu chuyện tình yêu có thực để mọi lý thuyết thực tế hơn, đời thường hơn và cũng sinh động hơn.
Bạn nói có nhiều người ly hôn sau khi mới cưới được vài tháng. Vậy tại sao bạn không kể về một cặp đôi nào đó mà bạn biết hoặc bạn từng nghe được câu chuyện của họ? Có thể mới đầu yêu nhau, chàng trai chiều chuộng người yêu hết lòng nhưng một thời gian sau kết hôn, ai cũng sống thật với bản chất con người mình mà thiếu đi nỗ lực vun vén cho hạnh phúc chung. Cô gái thấy ấm ức vì phải đi làm kiếm tiền, sau đó thì làm hết việc nhà trong khi chồng vô tâm và gia trưởng, mặc định tất cả là trách nhiệm của vợ. Thế nên cô muốn ly hôn. Cuộc tình chục năm tưởng chừng hạnh phúc lại chấm dứt sau vài tháng được công nhận chính thức.
Bạn nói cảm động trước những cuộc tình qua thăng trầm thời gian, qua biến thiên đời người. Một năm, mười năm, ba mươi năm, năm mươi năm, cho tới khi chỉ còn một người ở lại dương gian vẫn không ngừng nhớ mong người đã khuất. Thế sao bạn không kể về tình yêu của ông bà, cha mẹ hay của hai cụ nào đó trong khu bạn ở hay đơn giản là các cụ mà bạn vô tình bắt gặp họ nơi công viên, bờ hồ? Sự xuất hiện của họ chẳng phải cũng là một minh chứng cho tình yêu chân thành đó sao?
Và cả chuyện tình yêu của vợ chồng bạn nữa. Có điều gì bạn thấy khác biệt giữa lúc còn yêu và lúc đã cưới? Hay có gì vẫn y như vậy sau một thời gian dài làm bạn thấy người bên cạnh xứng đáng với tình yêu của bạn không?
Đưa vào các câu chuyện đời thường mà bạn tự trải hay quan sát được là một cách tự nhiên và khá đơn giản để tạo ra sự tò mò, đồng cảm lẫn cảm giác muốn chia sẻ nơi người đọc.
A, câu chuyện này giống nhà mình quá.
Anh chồng này giống chồng mình ghê.
Ôi sao tình yêu của tụi mình lại khác các bạn nhiều lắm ấy.
…
Khi viết về vết thương lòng mẹ
Có một bài viết khác của học viên mà tôi sửa hôm trước viết về vết thương lòng mẹ. Tôi buồn suốt mấy ngày sau đó vì những lý thuyết tâm lý học và những biểu hiện của người mang vết thương lòng mẹ mà em đề cập trong bài quá giống với tôi, với mẹ tôi và với rất nhiều người nữ khác.
Nhưng em chỉ nêu ra lý thuyết mà không có một câu chuyện cụ thể nào được kể. Dù chỉ là kể bằng đôi ba dòng văn, về em và mẹ em, mẹ em và ngoại hoặc là bất cứ ai mà em biết chẳng hạn. Một chút thôi nhưng cả em và người đọc sẽ thấy những quan điểm được nêu ra không còn là những lời khô khan hay được dẫn lại đầy sáo rỗng mà nó là những đúc kết từ đời sống và áp dụng được vào đời sống.
Ví dụ em viết về việc con gái có những mong muốn cá nhân khác với mẹ nhưng vì sợ mẹ thất vọng, mẹ buồn lòng, sợ cảm giác bất hiếu mà em lựa chọn làm theo những gì mẹ muốn. Trong khi đó, bản thân người con gái không thấy hạnh phúc với lựa chọn ấy. Tôi tin rằng đây không là vấn đề của một vài người con gái mà của rất, rất nhiều người. Sự mặc cảm, tự dằn vặt, tự trách móc bản thân và cho mình kém cỏi khiến nhiều người không dám lựa chọn sống theo cách mình muốn nếu điều ấy khiến người mẹ của họ không vui. Nếu em kể về trải nghiệm thực tế của em hay của ai đó mà em biết thì bài viết sẽ chân thực hơn, làm người đọc xúc động hơn.
Một vài lưu ý để viết cho người đọc đồng cảm
Đưa ra hai ví dụ cụ thể như vậy để bạn thấy rằng sự đồng cảm và khả năng khơi gợi cảm giác muốn chia sẻ rất cần thiết để bài viết của bạn “được lòng” độc giả. Bởi khi đó, họ sẽ sẵn lòng hơn trong việc để lại một tương tác hay một bình luận. Và nhất là, họ sẽ muốn dành thời gian để đọc hết bài viết của bạn. Một bài viết phản ánh chân thực đời sống con người với đủ cả những tiêu cực lẫn tích cực sẽ giữ được chân người đọc. Để làm được điều ấy, bạn đừng quên tạo ra các liên kết trong bài. Liên kết trong bài viết càng chặt chẽ, càng được mở rộng thì khả năng nó kết nối được với độc giả càng cao.
Tóm lại là, để liên kết tăng đồng cảm của người đọc, bạn đừng quên kể những câu chuyện. Câu chuyện giúp bạn truyền tải những thông điệp, tạo cảm giác chân thực và gần gũi với người đọc, khiến họ thấy bản thân mình trong đó. Nhờ vậy, người đọc sẽ muốn kết nối sâu hơn với bạn, trở thành một độc giả trung thành.
Tất nhiên, liên kết không phải là tất cả những gì cần thiết trong một bài viết. Bạn hãy đọc bài này và tự chọn lọc điều phù hợp cho chính mình nhé. Mong là những chia sẻ về viết lách của tôi sẽ giúp bạn tự tin hơn khi luyện viết.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.
Ghé thăm mình tại LinkedIn, Instagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!