Viết sao cho có chiều sâu? Quan sát – Trải nghiệm – Chiêm nghiệm

Để viết văn cho có chiều sâu, bạn cần liên tục học cách quan sát, trải nghiệm và chiêm nghiệm về những gì xung quanh và cả bên trong chính bạn.

Để viết văn cho có chiều sâu, bạn cần liên tục học cách quan sát, trải nghiệm và chiêm nghiệm về những gì xung quanh và cả bên trong chính bạn.
Trải nghiệm tổ chức offline mừng sinh nhật lần 2 của Yêu lại tiếng Việt tại TPHCM

Quan sát – trải nghiệm – chiêm nghiệm là 3 điều tôi luôn nhắc các học viên của mình khi sống và khi viết. Lời dặn dò này bắt đầu từ lời khuyên của cô giáo dạy Ngữ văn cho tôi năm lớp 10. Năm đó, tôi chuyển từ trường cấp 2 của xã lên học trường cáp 3 chung của huyện. Trường mới, thầy cô mới, bạn học mới. Thế mà cô giáo dạy Văn của tôi khi ấy đã kịp kéo tôi vào lớp ôn thi học sinh giỏi Văn. Cô là người đầu tiên dạy tôi muốn viết văn hay phải biết quan sát và trải nghiệm. Nhìn quả ớt ai cũng biết nó màu đỏ nhưng bên trong như thế nào phải chẻ ra mới thấy. Sau khi nhìn xong còn có thể ăn thử để biết mùi vị ớt ra làm sao, có ăn được không mà ăn tiếp, bỏ ăn hay điều tiết hàm lượng cho hợp với khẩu vị bản thân. Tất nhiên, không phải điều gì cũng tốt để trải nghiệm nhưng nếu có trải nghiệm thực tế, bao giờ suy nghĩ và cảm xúc của người viết cũng chân thật hơn.

Để viết có chiều sâu, trước tiên cần biết quan sát

Sau này, trưởng thành hơn và đi theo con đường dạy viết, tôi rút ra được công thức cho những bài viết của bản thân, cũng là “bí kíp” tôi  truyền cho học viên trong những khóa học. Muốn viết tốt chỉ cần học quy tắc và kỹ thuật viết nhưng để viết hay, viết có chiều sâu sẽ đòi hỏi bản thân người viết cũng phải tinh tấn về tinh thần. Điều đó được thực hiện qua 3 hành động phân cấp: quan sát – trải nghiệm – chiêm nghiệm.

Quan sát không chỉ dừng lại ở việc nhìn lướt qua mọi thứ mà phải có sự chú tâm, sự chủ động. Quan sát từ cái tổng quan tới cái chi tiết, nhìn vào cả những điều bình thường ít được ai để ý hay nói tới. 

Tỉ như khi bạn đi qua một góc đường quen, bạn thấy ở đó có một cái cây lớn. Nhưng đó là cây gì? Nó thay đổi như thế nào trong từng kiểu thời tiết? Nó có gì đặc biệt không? Có loài động vật nào cộng sinh ở đó hay có người nào thường xuyên đến sinh hoạt dưới gốc cây không? Phải thật sự nhìn kỹ để nhận thấy những chi tiết nhỏ, những điều khác biệt của cái cây so với hàng trăm cây khác trên cùng một con đường thì khi viết về nó, bạn mới có thể tự nhiên mà tả, mà kể, mà thể hiện được cảm xúc của mình ngay cả khi không trực tiếp nói ra.

Đọc thêm:

Tạo hình ảnh sống động trong văn bản

Show, don’t tell: Hãy cho thấy, đừng chỉ kể

Trải nghiệm là cách để người viết thật sự dấn thân vào đời sống

Quan sát là bước đầu tiên nhưng cũng vô cùng quan trọng để một người trở nên tinh tế hơn, nhạy cảm hơn trước mọi thứ có trong đời sống. Là người viết, bạn càng cần có được sự tinh tế và nhạy cảm ấy. Thế nhưng quan sát thôi vẫn còn chưa đủ. Bởi quan sát dù sao vẫn đang là cách bạn nhìn vào vẻ ngoài, vào bề nổi của sự vật hiện tượng chứ chưa đào sâu. Khi đã quan sát kỹ càng, phát hiện những chi tiết thú vị, bạn nên có thêm những trải nghiệm thực tế nữa. 

Ví dụ như sau khi quan sát, bạn biết được những đặc điểm bên ngoài của cây cổ thụ song bạn sẽ không thể biết ngồi dưới bóng cây dễ chịu thế nào, trái cây ăn có mùi vị ra sao… Tất cả những gì bạn tự mình trải qua dưới tán cây ấy làm nên những trải nghiệm của bạn thông qua 5 giác quan và cả cảm giác. Từ đó, chất liệu của bạn về cái cây cũng dày thêm, cảm xúc đầy thêm. Đến một lúc bạn muốn viết về nó, bạn có thể trải mọi thứ trong đầu ra trang Word mà không phải cố gắng tìm kiếm thông tin.

Đọc thêm:

Làm sao để viết về bản thân không chỉ toàn kể lể?

Để viết văn cho có chiều sâu, bạn cần liên tục học cách quan sát, trải nghiệm và chiêm nghiệm về những gì xung quanh và cả bên trong chính bạn.
Trải nghiệm tổ chức offline mừng sinh nhật lần 2 của Yêu lại tiếng Việt tại Hà Nội

Vay mượn trải nghiệm từ người khác để làm đầy kho chất liệu viết

Trải nghiệm mang lại sự chân thật cho những điều bạn viết nhưng không phải trải nghiệm nào cũng là thứ con người muốn có. Bạn sẽ chẳng mong bản thân bị ruồng rẫy, bị đau ốm hay phải sống trong những ngày đầy áp lực đến mức thở thôi cũng có vẻ nặng nề phải không? Con người chúng ta sống hữu hạn cùng thời gian nên sự trải nghiệm tự thân cũng có giới hạn. Vậy nên ta cũng cần “vay mượn trải nghiệm” từ người khác. Vay mượn ở đâu? Qua những bài viết, những bức tranh tấm ảnh, những bộ phim, những video thực tế, những câu chuyện được kể cho nghe… Gom nhặt trải nghiệm từ bên ngoài cũng là một phương pháp để bạn gia tăng chất liệu đầu vào cho chuyện sống, chuyện viết. 

Lấy một ví dụ nhỏ, tôi chưa từng kết hôn hay sinh con nhưng khi viết Gió mùa, tôi vẫn cần kể câu chuyện của một cô gái bị cưỡng bức chửa hoang, sinh con trong nghèo đói, khinh miệt và mất con trong một ngày gió bấc lạnh tê tái. Có thể những cảm xúc mà tôi viết chưa thật sự chạm đáy nỗi đau như một người mẹ không may mất con từng trải nhưng chắc chắn tôi có sự đồng cảm với nhân vật. Và chính sự đồng cảm ấy sẽ đến được với những trái tim thấu cảm của người đọc.

Sự chiêm nghiệm là chìa khóa tạo ra chiều sâu cho tác phẩm

Quan sát và trải nghiệm cần thiết cho người viết song chưa đủ. Điều gì làm cho một bài viết của người này sâu sắc hơn nhiều so với người khác? Đó là bởi sự chiêm nghiệm của mỗi người khác nhau. Chiêm nghiệm có thể hiểu đơn giản là những suy tư, quan điểm, góc nhìn, bài học rút ra từ một sự vật hiện tượng hay sự kiện nào đó. Chiêm nghiệm cũng là sự kết nối giữa con người với tiểu vũ trụ bên trong mình, giữa con người với thế giới bên ngoài và giữa những vật, những việc với nhau thông qua sự tương đồng nào đó.

Vậy ta có thể chiêm nghiệm gì về cây cổ thụ quen thuộc trên góc đường thường qua? Là những vết mốc trắng và nứt nẻ trên vỏ cây cho thấy dấu hiệu của tháng năm, mưa nắng, cũng như vết đồi môi và nếp nhăn trên làn da những cụ già minh chứng cho cả cuộc đời đằng đẵng mà họ gần đi qua. Là tán lá vẫn xanh ngắt, vẫn ríu rít chim ca của cây lớn giống như ông bà dẫu có già đi, có lú lẫn thì vẫn là chỗ dựa tinh thần cho con cháu quây quần, yêu thương.

Tôi đã giảng những điều này cho lớp Biểu hiện khóa 11 nghe rồi hỏi mọi người nghĩ như thế nào, có phản biện gì không. Có người bảo nghe cô giảng hay quá nên chỉ muốn nghe thêm, có người lại tìm ra được sự tương đồng kỳ diệu giữa viết lách với yoga. Điều ấy cũng cho thấy mức độ quan sát – trải nghiệm – chiêm nghiệm của từng học viên khác nhau sẽ quyết định phản ứng trước một sự việc bất ngờ cũng khác nhau.

Đọc thêm:

Thông tin khóa học viết Tự do Biểu hiện

Tài liệu số, khóa học và dịch vụ 

Là một người viết, bạn cần thực hành quan sát – trải nghiệm – chiêm nghiệm liên tục không chỉ trong viết lách mà còn trong đời sống thường ngày. Có như vậy, bạn mới tha thiết yêu cuộc sống này – một cuộc sống có quá nhiều điều tuyệt vời đẹp đẽ. Từ đó viết nên những con chữ chân thật, sinh động và có chiều sâu.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viếthành trình trở thành người kinh doanh chuyên môn và các sáng tác của Sẻ nâu.
 Ghé thăm mình tại FacebookInstagram để kết nối nhiều hơn nghen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .