6 lỗi thường gặp khi viết về hình thức văn bản

6 lỗi thường gặp khi viết về mặt hình thức dễ khiến bài viết của bạn mất điểm. Tìm hiểu để dễ nhận diện và xử lý chúng khi bạn viết bài nhé!

LỖI TIÊU ĐỀ

Không có tiêu đề

Tiêu đề là thứ đầu tiên người đọc nhìn thấy trong bài viết bài viết của bạn. Một tiêu đề thu hút sẽ hấp dẫn họ để họ bấm vào đọc bài. Tiêu đề cũng là nơi thể hiện được phần nào nội dung.

Tuy nhiên nhiều người viết vẫn mắc lỗi hình thức này. Bạn thấy một công trình nghiên cứu, tác phẩm hay bài báo nào mà thiếu tên chưa?

Chưa đúng không nào? Nhiều bạn cứ lao vào là viết mà không thiết tha đến việc đặt tiêu đề. Bạn gọi mỗi bài viết là một đứa con tinh thần của mình. Tại sao bạn lại tiếc với nó một tên gọi?

Từ giờ hãy nghiêm túc đặt tiêu đề cho bài viết của mình nhé! Bạn có thể đặt tiêu đề trước rồi viết bài sau. Tiêu đề sẽ như ngọn hải đăng để bạn lần theo đó mà biết đường viết. Như vậy sẽ không bị lan man, lạc khỏi trọng tâm.

Bạn cũng có thể đặt tiêu đề sau khi viết. Khi này bạn hiểu rõ nội dung cũng như cảm hứng của bài nên việc chọn cho nó một cái tên để thể hiện sẽ dễ dàng hơn đôi chút.

Tiêu đề không thu hút

Một vấn đề nữa mà người viết thường mắc phải là đặt tiêu đề không thu hút. Chúng ta vẫn thấy nhiều người có cái tên không được hay phải không? Tiêu đề bài viết cũng vậy.

Tiêu đề hay cần thu hút được sự chú ý của người đọc. Theo cuốn sách Viết đi đừng sợ, bạn có thể tạo ra một tiêu đề hấp dẫn với 6 yếu tố: đảo ngược vấn đề, gây ngạc nhiên, vượt qua những điều bị phản đối, bảo đảm, sự quan tâm, sự sợ hãi.

Ngoài ra, tiêu đề có thể là từ khóa mang nội dung chính của bài viết, chứa con số, hướng dẫn cách làm, đưa ra lợi ích… Với các thể loại sáng tác thì tiêu đề thường là tên nhân vật, tên sự kiện trung tâm, một hính ảnh ẩn dụ, một dòng cảm xúc

Đặt được tiêu đề mà ai thấy cũng muốn đọc không phải dễ. Nhưng vì khó mà bỏ thì còn gì đáng nói. Bạn có thể tìm hiểu thêm trên mạng, trong sách và các tiêu đề từng gặp để tránh lỗi hình thức không đáng có này.

LỖI MỞ BÀI

Sau tiêu đề thì mở bài là phần tiếp theo giữ chân người đọc ở lại. Tuy nhiên, nhiều bạn gặp phải vấn đề với phần đầu này. Dưới đây là 3 lỗi mình thường thấy ở một bài viết.

Mở bài lan man

Người viết kể hết chuyện này tới chuyện kia, đưa ra quá nhiều thông tin. Hoặc diễn đạt dài dòng mãi không vào trọng tâm của bài viết.

Ví dụ:

Trong những ngày nghỉ dịch, mình ở nhà nên đã nghĩ ra rất nhiều việc để làm. Không chỉ làm việc nhà mà mình còn tận dụng internet để thu thập thông tin. Mình nghe nhạc, xem video, lướt Facebook… Trên mạng xã hội có thật nhiều điều thú vị. Một trong những cách thu thập thông tin mà mình thường làm là đọc bài viết online của người khác. Thế nhưng đọc tới phần mở bài của nhiều người khiến mình không muốn bấm vào đọc bài thêm nữa.

Mở bài cụt ngủn

Bạn có thể mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp đều được. Mở bài dài dòng khiến người đọc mệt mỏi. Còn mở bài cụt ngủn dễ tạp cảm giác hụt hẫng, không trơn tru.

Ví dụ:

Hôm nay tôi lên mạng tìm hiểu cách viết mở bài.

Mở bài thiếu hấp dẫn

Viết được phần mở bài đủ sức làm người đọc hứng thú không dễ. Đây có lẽ là một trong các lỗi hình thức nhiều người gặp phải.

Bạn có thể mở bài theo nhiều cách. Như là nêu nội dung trực tiếp, bằng một câu hỏi, một câu chuyện, số liệu thống kê, mô tả không gian, giới thiệu nhân vật..

Mở bài không cần dài nhưng tổi thiểu phải dẫn dắt được tới chủ đề chính của bài. Viết mở bài càng hấp dẫn càng giữ chân người đọc dễ hơn.

LỖI KẾT BÀI

Không chỉ mở bài mà nhiều người còn gặp vấn đề với việc kết bài.

Thiếu kết bài

Tác giả viết từ đầu tới khi hết ý mà không nhận ra mình chưa có phần kết. Hoặc mặc định đoạn cuối cùng là đoạn kết. Lỗi hình thức này thường gặp với người mới. Nhưng đây lại là một lỗi nghiêm trọng. Vì phần kết là một trong ba phần chính của bất cứ bài viết nào.

Kết bài không tốt

Kết bài khép lại toàn bộ bài viết. Nhiều người chăm chút cho tiêu đề, mở bài, phần thân nhưng lại viết một cái kết “cho có”. Kết bài tốt cần để lại một suy nghĩ, cảm nhận cho người đọc. Hoặc khuyến khích một hành động nơi họ.

Kết bài nhìn chung cần nhấn mạnh lần nữa chủ đề bài viết. Bạn có thể kết bằng câu trích dẫn, câu hỏi, nhắc nhở hành động

LỖI BỐ CỤC

Không đủ 3 phần cơ bản

Bố cục chi tiết của một bài viết có thể gồm nhiều nội dung khác nhau. Song sẽ có ba phần chính là mở – thân – kết. Sở dĩ chúng thành công thức chung bởi đều giữ vai trọng trong bất kể bài viết nào.

Phần thân tất nhiên rất quan trọng khi nó thể hiện đầy đủ những gì bạn muốn truyền tải. Tuy vậy, hai phần ngắn hơn là mở bài và kết bài cũng không thể lược bỏ.

Không chia đoạn theo từng nội dung

Một lỗi nữa mà người viết mới thường mắc phải là không biết cách chia đoạn. Nhiều bài viết chỉ bao gồm một đoạn cho phần thân bài. Chúng khiến hình thức bài không đẹp mắt, khó đọc. Còn nội dung thì không được chia rành mạch theo từng ý.

Thân bài nên được chia làm nhiều đoạn nhỏ. Mỗi đoạn tương ứng với một nội dung. Tất cả các doạn đều để làm rõ cho chủ đề chính của bài.

Đoạn văn ngắn có thể chỉ từ một câu (không nhiều). Đoạn văn dài có khi dài hơn 10 câu. Thông thường một đoạn văn dao động từ 3 đến 10 câu. Trong đó có cả câu dài và câu ngắn.

Chia nhỏ đoạn văn giúp bài viết trông đẹp mắt, rõ ràng, dễ đọc, dễ nắm bắt ý chính.

Thứ tự các đoạn chưa logic

Một vấn đề về bố cục nữa là việc sắp xếp các đoạn văn không logic. Lỗi này thường do người viết không lập dàn ý (braistom/vẽ maindmap) trước khi viết. Việc viết theo luồng suy nghĩ, cảm xúc thường nhanh và dễ. Tuy nhiên, không phải khi nào các ý cũng được triển khai hợp lý.

Để khắc phục bạn nên viết dàn ý hoặc vẽ maindmap trước. Việc nhìn chúng qua con chữ giúp bạn dễ dàng nhận biết thiếu/đủ, trước/sau như thế nào. Cái gì hiển hiện cũng dễ phân tích hơn là những ý nghĩ mơ hồ trong não.

LỖI ĐOẠN VĂN

Một đoạn chỉ có một câu duy nhất

Nhiều người có thói quen viết một câu rất dài thành nhiều dòng. Nhìn vào cứ tưởng là một đoạn song không phải. Trong hầu hết các bài viết, bạn nên sử dụng các câu đơn ngắn gọn, dễ hiểu. Mỗi một câu bao hàm một nội dung.

Ví dụ:

Chúng ta đều biết việc chia phần thân của một bài văn thành nhiều đoạn nhỏ rất quan trọng vì chúng góp phần làm cho đoạn văn đẹp hơn và dễ nhìn hơn, tuy nhiên nhiều người chưa có thói quen tách đoạn, họ dồn tất cả vào một câu văn và chỉ cách các phần bằng dấu phẩy hoặc quan hệ từ, như thế là không đúng.

Tất nhiên vẫn có những đoạn chỉ một câu. Song đó phải là câu có vai trò đặc biệt hơn các câu khác.

Các câu trong đoạn không làm bật một nội dung chính nào

Một đoạn văn thể hiện một nội dung nhỏ. Nội dung này giúp làm rõ cho chủ đề của bài. Thông thường trong đoạn văn sẽ có một câu chủ đạo. Các câu còn lại bổ sung cho câu ấy. Ngoài ra còn có kiểu đoạn văn chứa toàn các câu giữ vai trò tương đương nhau. Song chúng vẫn làm nổi bật nội dung đoạn.

Nếu bạn viết một đoạn văn mà người đọc không hiểu được ý nghĩa là gì thì đó là một đoạn văn không có giá trị.

Ví dụ:

Tôi không biết rằng các câu trong đoạn văn phải thể hiện cho một nội dung chính. Tôi cứ viết thôi, nghĩ gì viết đó. Đoạn văn ngắn dài gì cũng được mà. Người viết muốn viết thì viết. Tại sao phải phức tạp, nguyên tắc vậy.

Các đoạn văn thiếu liên kết với nhau

Sự liên kết giúp các phần của bài viết chặt chẽ, mạch lạc hơn. Nhưng nhiều người chỉ viết mà không chú ý tới từ nối, câu nối.

Việc chuyển câu hoặc chuyển đoạn nên có thành phần liên kết để uyển chuyển hơn. Hãy sử dụng các quan hệ từ, đại từ, câu nối để bắc cầu các câu, các đoạn. Như vậy người đọc sẽ không thấy chưng hửng, rời rạc.

LỖI CÂU VĂN

Câu quá dài dòng

Lỗi này thường do người viết theo cảm xúc mà không biên tập kỹ. Đồng thời cũng phản ánh thói quen tư duy của người ấy. Để khắc phục, bạn nên chấm câu khi viết hết một ý. Hoặc khi bạn biên tập lại bài.

Câu không đúng cấu trúc ngữ pháp

Thiếu thành phần

Câu bình thường cần đủ chủ ngữ và vị ngữ. Thiếu thành phần chính sẽ khiến câu trở nên khó hiểu, chỏng lỏn, sai ngữ pháp.

Trong trường hợp dùng câu rút gọn hoặc câu đặc biệt thì có thể thiếu thành phần chủ – vị.

Ví dụ:

Gần nhà tôi có hai hồ nước. Thích đi dạo quanh hồ.

Sửa:

Gần nhà tôi có hai hồ nước. Tôi thích đi dạo quanh hồ.

Vị trí các thành phần không hợp lý

Chủ ngữ là danh từ. Vị ngữ là động từ, tính từ. Thông thường, chủ đứng trước vị. Tuy nhiên, người viết có thể đảo vị trí theo mục đích nghệ thuật.

Với câu văn bình thường, việc đảo ngữ dẫn đến khó hiểu, sai cấu trúc câu.

Ví dụ:

Một con cún đáng yêu tôi nuôi.

Sửa:

Tôi nuôi một con cún đáng yêu.

Tạm kết:

Trên đây là 6 lỗi thường gặp về hình thức văn bản. Tuy nhiên chúng chưa phải là tất cả. Mong là bài viết sẽ giúp bạn nhận diện và khắc phục lỗi.

Bạn đọc thêm Hướng dẫn viết nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .