Lỗi dùng từ bao gồm nhiều loại và rất phổ biến trong bài viết của những người đang luyện viết. Nhận diện các lỗi dùng từ và tìm cách khắc phục chúng sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng viết, tạo ra những tác phẩm chỉn chu hơn.
Lỗi dùng từ khá đa dạng: sai chính tả, lặp từ, thiếu từ, thừa từ, dùng từ sai phong cách, lạm dụng từ địa phương hoặc từ mượn, xưng hô không nhất quán…
Đối với tất cả lỗi dùng từ cách khắc phục tốt nhất là học hỏi để nâng cao vốn từ vựng của bản thân. Ngoài ra, cần lưu ý các đặc điểm của mỗi loại từ.
Lỗi sai chính tả
Sai chính tả có thể do thói quen của mỗi người khi nói/viết, do giọng địa phương hoặc do cẩu thả trong lúc gõ/viết.
Ví dụ:
khoảng khắc – khoảnh khắc; cánh tai – cánh tay; té ngả – té ngã…
Với những lỗi này, người viết cần đọc nhiều, cố gắng ghi nhớ cách viết đúng của từ. Ngoài ra cũng nên tra từ điển giấy hoặc internet và đối chiếu từ địa phương – từ toàn dân.
Lỗi lặp từ
Lỗi lặp từ có lẽ là lỗi phổ biến nhất mà mình gặp khi đọc bài viết của các học viên cũng như các thành viên trong cộng đồng.
Lỗi này thường là tình trạng bí từ khi nói/viết. Não bộ không kịp tìm từ ngữ để theo kịp tốc độ lời nói nên sẽ lặp lại một từ nào đó như một cách kéo dài thời gian suy nghĩ.
Các quan hệ từ thường bị lặp nhiều nhất: thì, mà, là, có, cái, nhưng…
Để khắc phục, trước tiên cần hình thành thói quen kiểm tra kĩ các câu văn trong và sau khi viết. Sau nữa, bạn cần chú ý tránh lặp lại một từ/một cụm từ trong cùng một câu văn hoặc ở khoảng cách quá gần giữa các câu văn. Trừ khi bạn chủ ý muốn tạo phép điệp ngữ.
Ví dụ:
Cái chuyện đó cũng đâu có cái gì ghê gớm mà nó làm gì ầm ĩ vậy?
Sửa:
Chuyện ấy cũng đâu có gì ghê gớm mà nó làm ầm ĩ vậy?
Bạn cũng nên tìm hiểu thêm các từ đồng nghĩa, nhóm từ cùng trường từ vựng để có cách diễn đạt phong phú hơn về một đối tượng.
Ví dụ:
Mỗi khi đi ngang qua cổng trường tiểu học tôi lại nhớ ngày tựu trường đầu tiên. Ngày tựu trường ấy là điều tôi không thể quên.
Sửa:
Mỗi khi đi ngang qua cổng trường tiểu học tôi lại nhớ ngày tựu trường đầu tiên. Buổi học đầu ấy là điều tôi không thể quên.
Lỗi thiếu từ
Thường là thiếu từ để liên kết giữa các thành phần câu, giữa các câu hoặc các đoạn với nhau.
Liên kết từ có thể là đại từ, quan hệ từ, từ chỉ thứ tự: đầu tiên, bên cạnh, tiếp theo, vì, nên, nhưng, tuy nhiên, đó là…
Ngoài ra cũng có trường hợp thiếu từ giữ thành phần chính trong câu như là chủ ngữ hoặc vị ngữ.
Ví dụ:
Đáng ra tôi nói cô ấy xử lí báo cậu sau.
Sửa:
Đáng ra tôi nên nói cô ấy xử lí trước rồi báo cậu sau.
Bạn có thể khắc phục lỗi thiếu từ bằng cách xem lại các quan hệ từ, cặp quan hệ từ, liên kết từ và đọc nhiều bài của người khác để xem cách họ xử lí câu văn.
Lỗi thừa từ
Ngược với lỗi thiếu từ thì lỗi thừa từ thường do sự lặp lại những từ đã xuất hiện trước đó hoặc do không tìm được đúng từ để diễn đạt sinh ra cách viết lòng vòng, lủng củng.
Nếu không muốn lặp lại một từ nhiều lần thì bạn nên sử dụng từ đồng nghĩa, gần nghĩa để thay đổi cách diễn đạt.
Ví dụ:
Chắc có lẽ vì lẽ đó cho nên cô ấy mới bỏ anh ta.
Sửa:
Vì lẽ đó cho nên cô ấy mới bỏ anh ta.
Do vậy nên cô ấy mới bỏ anh ta.
Tuy nhiên, lỗi thừa từ cũng có thể do thói quen lạm dụng cùng lúc nhiều từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa.
Ví dụ:
Những khi không hiểu rõ về việc mình đang làm tôi thường hoang mang, lo lắng, băn khoăn, lăn tăn.
Sửa:
Những khi không hiểu rõ về việc mình đang làm tôi thường rất hoang mang.
Thay vì viết nhiều từ gần nghĩa liên tiếp nhau dẫn tới thừa từ thì bạn nên dùng chúng để thay thế linh hoạt cho nhau.
Ví dụ:
Những khi không hiểu rõ về việc mình đang làm tôi thường rất hoang mang. Thời điểm mới bắt đầu viết, tôi cũng hoang mang vì không biết mình có viết được không. Khi viết rồi tôi lại hoang mang vì không biết mình kiếm được tiền từ viết không.
Sửa:
Những khi không hiểu rõ về việc mình đang làm tôi thường rất hoang mang. Thời điểm mới bắt đầu viết, tôi cũng lo lắng vì không biết mình có viết được không. Khi viết rồi tôi lại băn khoăn vì không biết mình kiếm được tiền từ viết không.
Lỗi dùng từ sai phong cách
Mỗi một thể loại viết, một lớp độc giả sẽ có một phong cách ngôn ngữ riêng. Chẳng hạn, ngôn ngữ viết trên các nền tảng mạng xã hội có thể thoải mái, suồng sã hơn. Ngôn ngữ văn chương, báo chí đòi hỏi tính chỉn chu cao hơn. Viết cho tuổi teen có thể sử dụng một số từ ngữ “teencode”, theo xu hướng…
Lỗi sai phong cách ngôn ngữ là khi sử dụng từ ngữ không phù hợp với thể loại hoặc không phù hợp với đối tượng độc giả.
Ví dụ:
Trên báo Tiền Phong cũng có các câu sử dụng từ ngữ của văn nói:
• Hàng ngày, cô bé học trò ấy ngoài việc tham gia các chương trình người mẫu thời trang âm nhạc, còn đánh đàn piano kiếm ăn ở khách sạn Omni, Tân Thế Giới. (số 43, 2006)
• Cô gái da bánh mật với tấm bikini hai mảnh xinh quá là xinh nhoẻn miệng cười… (số 68, 2006)
Người viết đang sử dụng những từ ngữ của văn nói cho báo chí nên mắc lỗi sai về phong cách.
Lỗi lạm dụng từ địa phương
Thông thường, chúng ta sử dụng từ địa phương trong văn nói nhưng sử dụng từ toàn dân trong văn viết để ai đọc cũng có thể hiểu. Tuy nhiên, một số có thói quen nói sao viết vậy nên lạm dụng khá nhiều từ ngữ địa phương.
Ví dụ:
Ngày mô tui cũng ráng ngồi tui viết bị vì tui muốn rèn thói quen viết.
Sửa:
Ngày nào tôi cũng cố gắng viết để rèn thói quen viết cho mình.
Từ địa phương có thể sử dụng trong văn viết khi bạn viết cho đối tượng người đọc là những người cùng ở địa phương đó. Hoặc bạn muốn nhấn mạnh đặc điểm ngôn ngữ, văn hoá của địa phương.
Lỗi xưng hô không nhất quán
Khi viết, bạn có thể sử dụng linh hoạt các đại từ để không phải lặp đi lặp lại một từ xưng hô. Tuy nhiên cần đảm bảo tính nhất quán trong ngôi kể.
Ví dụ:
Tôi thích đi dạo trên những cánh đồng lúa chín. Bởi vì mình mê mẩn mùi thơm ngậy của sữa non đọng trong lớp vỏ lúa chín buông cần.
Sửa:
Tôi thích đi dạo trên những cánh đồng lúa chín. Bởi vì tôi mê mẩn mùi thơm ngậy của sữa non đọng trong lớp vỏ lúa chín buông cần.
Trong trường hợp muốn tránh lặp từ xưng hô nhiều lần, bạn có thể sử dụng các đại từ thay thế hoặc áp dụng kiểu câu rút gọn.
Tạm kết:
Những lỗi về từ ngữ được liệt kê ra đây có thể vẫn còn thiếu. Tuy nhiên, nếu bạn đang mắc phải một trong các lỗi này thì hãy tìm cách khắc phục để bài viết tốt hơn.
Bạn đọc thêm về Hướng dẫn viết nhé!
2 bình luận
Bài hữu ích quá chị ơi.
Cảm ơn em nè, blog em cũng nhiều thông tin hữu ích lắm!