12 cách viết mở đầu thu hút người đọc

Đoạn mở đầu hay giúp bạn dễ dàng hơn khi triển khai bài viết. Tham khảo 12 cách viết mở đầu sau để không bí ý tưởng khi bắt đầu bài viết.

Giới thiệu vào vấn đề chính của bài

Với cách này, bạn chỉ cần nói ngay tới chủ đề chính mà bạn chọn. Mở bài trực tiếp thường chỉ cần 2-3 dòng là đủ.

Ví dụ:

Nhiều người muốn viết nhưng không biết mở bài như thế nào cho hấp dẫn. Điều đó khiến họ mất nhiều thời gian hoặc chán nản mà từ bỏ. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu cho bạn 8 cách mở bài đơn giản mà hiệu quả để ai cũng có thể viết được.

Đưa ra số liệu để tăng độ tin cậy

Số liệu là kết quả được đưa ra từ những khảo sát hoặc nghiên cứu, thí nghiệm thực tế. Đồng thời thường được thực hiện bởi những người có chuyên môn, uy tín trong lĩnh vực. Vì vậy chúng có độ tin cậy cao. Sử dụng số liệu vào mở bài sẽ giúp bài viết của bạn được đánh giá cao hơn.

Ví dụ:

Theo Tổng cục thống kê, số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm trước. Với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, nhiều người bắt đầu tìm kiếm các công việc tự do linh hoạt về thời gian, địa điểm làm việc hơn trước.

Sử dụng một trích dẫn

Sử dụng một câu nói của người nổi tiếng, danh ngôn, tục ngữ… cũng là cách để tăng độ tin cậy cho phần mở đầu của bạn. Điều đó cho thấy thông tin mà bạn đề cập trong bài đã được đông đảo mọi người chứng thực, tin theo.

Ví dụ:

Chính trị gia Roy Bennett đã từng nói: “Điều tuyệt vời sẽ xảy ra với những ai không ngừng tin tưởng, cố gắng, học hỏi và biết ơn.” Sự nỗ lực hết mình sẽ mang tới quả ngọt, với người viết cũng vậy. 

Kể một câu chuyện của mình hoặc người khác 

Những câu chuyện bao giờ cũng kích thích sự tò mò của người đọc. Họ sẽ muốn biết nhiều hơn hoặc có sự đồng cảm, phản bác. Từ đó, họ sẽ đọc những phần tiếp theo xem bạn dẫn câu chuyện để nói tới điều gì. Kể một câu chuyện là cách viết mở đầu được nhiều người vận dụng.

Ví dụ: 

Năm lớp 12, tôi từng tham gia cuộc thi học sinh giỏi văn nhưng tôi chưa từng nghĩ sẽ trở thành người viết. Tôi mang mãi định kiến “cơm áo không đùa với khách thơ” mà dẹp bỏ những mộng mơ cùng câu chữ. Mãi cho tới thời gian nghỉ dịch tôi mới viết trở lại. Nhờ đó mà tôi lần nữa được sống với ước mơ viết lách.

Đọc thêm cách kể chuyện theo phương pháp Show, don’t tell

Đưa ra một câu hỏi

Những câu hỏi thường khiến cho người đọc có phản xạ trả lời, đối chiếu đáp án. Họ sẽ muốn đọc bài để xem bạn lý giải câu hỏi ở phần mở đầu như thế nào, có giống họ không, khác bạn thế nào. Do đó, sử dụng câu hỏi trong phần mở bài thu hút sự chú ý của người đọc nhiều hơn.

Ví dụ:

Bạn có thắc mắc vì sao nhiều người không giỏi Văn nhưng vẫn kiếm được tiền nhờ viết không? Có một sự thật là rất nhiều người viết hiện nay không học tốt Văn khi còn trên ghế nhà trường. Bài viết này sẽ giúp bạn giải mã câu hỏi ấy.

Kích thích suy nghĩ của độc giả

Bạn cũng có thể thử cách viết mở đầu bằng việc kích thích vào suy nghĩ, trí tưởng tượng của độc giả. Sự kích thích của ngôn từ có thể khiến người đọc cuốn theo những điều bạn viết.

Ví dụ:

Thử tưởng tượng năng lượng của bạn giống như một cục pin. Khi pin đầy, bạn phấn chấn viết bài. Khi pin cạn, bạn vớt vát mãi không được câu chữ nào ưng ý. Việc cạn kiệt năng lượng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như là tâm trạng tụt dốc, không thể sáng tạo, cảm thấy khó viết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể khắc phục tình trạng này bằng những cách sẽ được trình bày trong bài.

Dùng hình ảnh so sánh, ẩn dụ

Những hình ảnh so sánh hoặc ẩn dụ cũng có khả năng kích thích suy nghĩ của độc giả. Bởi vì hình ảnh bao giờ cũng tác động tới suy nghĩ của một người nhanh chóng hơn.

Ví dụ:

Viết lách cũng giống như một trái sầu riêng. Người hợp thấy thơm ngon, người không hợp chê khó nuốt. Ngay cả với người thích nó thì muốn ăn ruột sầu riêng cũng phải tách cho được lớp vỏ gai xù xì, nhọn hoắt. Nó giống như người viết nào cũng cần phải rèn giũa qua nhiều khó khăn mới đạt được thành quả trong nghề viết.

Đưa ra một quan điểm khác với thông thường

Tâm lý chúng ta thường bị thu hút bởi những thứ khác thường. Vì vậy, nếu ở phần mở đầu bạn nêu ra một quan điểm đi ngược với số đông sẽ khiến người đọc đi từ ngạc nhiên tới tò mò.

Ví dụ:

Nhiều người nghĩ rằng phải học giỏi Văn hoặc viết tốt mới có thể bắt đầu theo đuổi con đường viết lách. Vì vậy nên họ chọn tránh né thay cho thực hiện. Điều ấy không đúng. Bạn vẫn có thể viết ngay cả khi chưa từng học tốt Văn. Bí kíp nằm ở 5 cách hiệu quả được đưa ra trong bài.

Dùng câu nói theo trend (xu hướng)

Cách viết mở đầu bằng các câu nói đang là “trend” cũng được nhiều người sử dụng. Cách viết này thường được sử dụng nhiều trong loại bài hài hước hoặc loại bài châm biếm nhiều hơn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sử dụng những câu nói đang “viral” này để dẫn dắt tới những vấn đề nghiêm túc.

Ví dụ:

Với những ai thường xuyên theo dõi tình hình giải trí trong nước thì cụm từ “anh em nương tựa” hẳn không còn xa lạ. Bạn đã hiểu hết ẩn ý đằng sau đó chưa? Bạn nghĩ như thế nào về tình trạng ngoại tình trong xã hội ngày nay?

Viết gây sốc (shock)

Viết một điều gây sốc tác động gần như ngay lập tức tới độc giả. Những điều này thường mang tính mới mẻ, được ít người biết hoặc là những con số, sự kiện lớn ngoài tưởng tượng…

Ví dụ:

Blogger Mark Frauenfelder, chủ nhân của blog BoingBoing có thể kiếm được 1 triệu USD mỗi năm từ blog của mình. Bạn đã biết cách kiếm tiền từ blog chưa? Tham khảo những gợi ý trong bài viết sau kể có thể sống nhờ viết blog.

Sử dụng phép so sánh

Dùng phép so sánh cũng là cách viết mở đầu được nhiều người vận dụng. Bằng cách này, bạn có thể dẫn dắt người đọc tới những nội dung mang tính so sánh, đánh giá (review) giữa các đối tượng, sản phẩm với nhau.

Ví dụ:

Người tích cực có cách suy nghĩ khác biệt lớn so với người tiêu cực. Đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn. Cùng tìm hiểu sự khác nhau giữa hai kiểu người này trong bài viết sau.

Kể một câu chuyện có thật

Những câu chuyện có thật từ người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng bao giờ cũng làm độc giả muốn kéo xuống đọc thêm. Tận dụng điều này cũng là cách viết mở đầu hấp dẫn.

Ví dụ:

J.K.Rowling, tác giả của tiểu thuyết vĩ đại Harry Poter từng bị từ chối bản thảo 12 lần trước khi có người đồng ý xuất bản. Và tác phẩm này trở thành một trong những kiệt tác của văn học và điện ảnh thế giới. Còn bạn thì sao? Bạn đã đủ kiên định để theo đuổi giấc mơ viết lách của mình? Hay bạn cũng dễ dàng từ bỏ chỉ vì ai đó không công nhận?

12 cách viết mở đầu trên là những gợi ý để bạn bắt đầu một bài viết đơn giản hơn. “Đầu xuôi đuôi lọt”, đoạn mở bài thú vị không chỉ giúp người viết có cảm hứng mà còn khiến người đọc dành thời gian cho bài viết của bạn.

Đọc thêm các hướng dẫn viết tại đây nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .