Những lỗi thường gặp khi viết có thể khiến cho bài viết của bạn bị giảm bớt giá trị, mất thiện cảm trong mắt độc giả. Mời bạn đọc bài viết sau để nhận diện và biết cách tạm biệt chúng nhé!
Bài viết không có tiêu đề như người không có tên
Bài viết không có tiêu đề cũng giống như người không có tên. Đây là một trong những lỗi thường gặp khi viết lách mà nhiều người không để ý. Nhất là với người mới hoặc những bài viết đăng trên trang cá nhân.
Nếu bạn chỉ đăng một đoạn viết ngắn, một tâm sự vu vơ trên mạng xã hội thì việc đặt tên không quá quan trọng. Nhưng nếu đó là một bài viết dài, nghiêm túc hoặc một bài viết chuyên sâu thì tiêu đề là thứ không thể bỏ qua.
Tiêu đề là phần đầu tiên một người nhìn thấy trên nội dung bạn đăng tải. Đây là cũng là “ánh đèn màu” thu hút người đọc. Nếu tiêu đề của bạn hấp dẫn, xác suất người đọc tiếp tục kéo xuống để xem những phần tiếp theo là rất cao.
Vài gợi ý giúp bạn đặt tiêu đề hay hơn:
– Sử dụng những câu văn có vần: Hà Nội tan trong ly cà phê Giảng, Hà Nội nắng trong từng ngõ vắng xôn xao,
– Sử dụng câu nói trendy, đang viral trên mạng xã hội: Bí kíp để nói “hông bé ơi” với lỗi chính tả, “Đi đường quyền” đánh bay lỗi bí từ khi viết…
– Sử dụng một thành ngữ (có thể biến tấu cho phù hợp): Lời khuyên “một nghề cho chín” có đúng với nghề viết?, “Trăm nghe không bằng một thấy” – bật mí nghệ thuật Show don’t tell,…
– Sử dụng con số, nhất là các số lẻ: 7 cách thêm cảm xúc cho bài viết của bạn, 9 bí kíp viết tản văn trữ tình mềm mại và bay bổng,…
– Đưa ra cách làm, hướng dẫn thực hiện: 12 cách viết mở đầu thu hút người đọc, Show, don’t tell: Hãy cho thấy, đừng chỉ kể,…
– Sử dụng phép so sánh: 6 cách tìm ý tưởng tốt nhất trước khi bắt đầu viết, Viết hay hơn nhờ sử dụng từ đồng nghĩa,…
– Sử dụng hình ảnh mang tính ẩn dụ: Cây viết – nhà làm phim âm thầm, Cappuccino và viết lách,…
– Sử dụng phép tương phản trước – sau: Trở thành tác giả 4 cuốn sách sau một năm viết lách, Mình đã từ tay mơ thành Freelancer full-time như thế nào?…
– Đưa ra lợi ích: Trau dồi vốn từ tiếng Việt, Tự biên tập bài viết sao cho đúng?,…
Bài viết không có phần giới thiệu sau phần tiêu đề
Phần giới thiệu sau tiêu đề là 3-4 dòng đầu tiên của một bài viết. Đó có thể là sapo đối với bài blog/website hoặc là phần phía trước dấu “xem thêm” trên FB. Nếu người đọc ấn tượng với tiêu đề của bạn thì những câu văn này sẽ quyết định họ có tiếp tục đọc hết bài hay không. Thiếu phần giới thiệu này cũng là một trong những lỗi thường gặp khi viết lách. Một lỗi liên quan khác là có phần giới thiệu nhưng không trọng tâm và không đủ hấp dẫn người đọc.
Gợi ý để viết phần giới thiệu thu hút hơn:
– Đánh vào tâm lý người đọc, nêu ra pain point (điểm đau) của họ:
Ví dụ: “Lỗi thừa từ là lỗi thường xuyên gặp cho dù bạn mới tập viết hay đã viết lâu năm. Để khắc phục lỗi này, bạn cần nắm được cách nhận biết trước tiên. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn biết cách sửa lỗi thừa từ khi biên tập bài viết.”
– Gợi ý cách giải quyết những vấn đề mà người đọc có thể đang đối mặt
Ví dụ: “Mình thường nhắc bản thân câu ấy mỗi khi những thứ xung quanh có thể làm mình lung lay. Ai cũng biết chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống song không phải ai cũng sống cho xứng đáng một cuộc đời.”
– Đưa ra một thông tin kích thích sự tò mò của người đọc
Ví dụ: “Một năm trước, mình là tay mơ đến với viết lách. Hiện giờ mình là đồng tác giả của 4 cuốn sách, writing mentor, blogger và một freelancer full-time.
Khi mới tìm đến những cộng đồng viết online, mình chỉ đơn giản muốn luyện viết, muốn bài viết của mình được mọi người đón nhận. Chính mình cũng không ngờ sẽ trở thành writing mentor hay freelance writer trong nửa năm sau đó.”
– Chạm vào cảm xúc của người đọc
Ví dụ: “Khi làm một writing mentor, kỷ niệm của mình không chỉ từ riêng mình. Nó đến từ câu chuyện của những bạn học viết với mình, từ đau đớn và cả những tiến bộ của họ.”
Sử dụng câu thiếu thành phần là lỗi thường gặp khi viết
Câu thiếu thành phần là những câu không có chủ ngữ hoặc vị ngữ. Lỗi sai này tưởng chừng đơn giản nhưng sự thật là hầu hết những học viên mà mình từng hướng dẫn đều gặp phải trong các bài viết đầu tiên. Thậm chí những người viết chuyên nghiệp cũng có khi sơ suất mắc phải lỗi này.
Nguyên nhân của lỗi thiếu thành phần câu thường bởi thói quen khi nói chuyện, mọi người chỉ cần hiểu nhau mà không chú trọng tới ngữ pháp. Hoặc do đã nhắc tới đối tượng trước đó nên ở các câu sau, đoạn sau người viết chỉ kể tiếp mà không nhắc lại, vô tình bị mắc phải lỗi sai.
Một câu chuẩn sẽ có chủ ngữ là danh từ ở đầu, vị ngữ là động từ hoặc tính từ nối tiếp theo sau và làm sáng tỏ ý nghĩa cho chủ ngữ. Ngoài ra, trong tiếng Việt có duy nhất 2 kiểu câu không đủ thành phần được chấp nhận là câu rút gọn và câu đặc biệt.
Để không mắc phải lỗi sai cơ bản này, bạn có thể áp dụng những cách sau:
– Kiểm tra câu có chủ ngữ chưa bằng cách xem chủ thể của hành động, tính chất được nói đến trong câu là ai/thứ gì/điều gì.
Ví dụ: Nở ra như muôn vàn ông mặt trời. >>> Câu thiếu chủ ngữ
>>> Sửa lại bằng cách bổ sung chủ ngữ: Những đóa hướng dương nở ra như muôn vàn ông mặt trời.
– Kiểm tra câu có vị ngữ chưa bằng cách xem chủ thể trong câu thực hiện hành động gì, có đặc điểm gì…
Ví dụ: Freelancer một công việc. >>> Câu thiếu vị ngữ
>>> Sửa lại bằng cách bổ sung vị ngữ: Freelancer là một công việc đòi hỏi tính kỷ luật và tự giác cao.
Xưng hô không đồng nhất
Trong một bài viết, người viết sẽ chọn một ngôi kể để xưng hô với độc giả. Thông thường là xưng “tôi”, “mình”, “chúng tôi” (theo ngôi thứ nhất)… Hoặc người viết cũng có thể ẩn danh và chỉ gọi tên các nhân vật (theo ngôi thứ ba).
Tuy nhiên, trong một bài viết, nếu không phải trong tác phẩm văn học, bạn chỉ nên dùng một cách xưng hô từ đầu đến cuối. Điều đó giúp bài viết có tính nhất quán, không gây nhầm lẫn cho người đọc. Xưng hô không đồng nhất cũng là một lỗi thường gặp khi viết ở các cây viết mới.
Xưng “mình” sẽ phù hợp với những bài viết kể chuyện cá nhân, mang tính tâm tình. Xưng “tôi” mang lại cảm giác mạnh mẽ hơn nhưng cũng bớt thân tình hơn. Người viết cũng nên dùng từ “bạn”, “các bạn”, “chúng ta” để gọi độc giả vì những từ này mang lại cảm giác gần gũi như bạn đang trò chuyện với họ vậy.
Câu văn quá ngắn hoặc quá dài
Câu văn quá ngắn hoặc quá dài cũng có thể trở thành một trong những lỗi thường gặp khi viết lách. Lý do là câu văn ngắn thường thiếu thành phần câu, thiếu ý dẫn đến câu cụt ngủn. Câu dài dễ bị lan man, rối rắm các tầng nghĩa khiến cho người đọc thấy khó hiểu, không rõ ràng.
Để khắc phục lỗi này, bạn nên nhớ tới cấu trúc cơ bản của một câu văn chuẩn. Đó là câu gồm 1 chủ ngữ và 1 vị ngữ. Trong một đoạn văn, số câu dài chỉ nên từ 1-2 câu, còn lại là các câu ngắn. Có vậy đoạn văn mới dễ đọc.
Đối với câu ngắn, bạn có thể sử dụng câu đơn bình thường. Ngoài ra còn có câu đặc biệt và câu rút gọn. Đó là những kiểu câu có tác dụng nhấn mạnh vào một yếu tố nhất định, không chủ cung cấp thông tin đầy đủ.
Đối với câu dài, các vế và các ý trong câu cần được phân tách bới dấu phẩy hoặc chấm phẩy và được phần biệt rõ ràng để người đọc vẫn hiểu chính xác những điều người viết muốn truyền đạt.
Đoạn văn quá ngắn hoặc quá dài
Có những người viết đoạn văn chỉ gồm một câu ngắn. Cũng có người viết đoạn văn dài tới nửa trang, một trang. Đối với các thể loại sáng tác, nguyên tắc lệch chuẩn cho phép người viết tự do sáng tạo theo ý đồ nghệ thuật. Tuy nhiên, đối với các bài viết thông thường, một đoạn văn ngắn có thể từ 3-5 dòng; đoạn văn vừa phải dài 7-10 dòng và đoạn văn dài khoảng 15 dòng.
Trong một đoạn văn nên có sự kết hợp cả câu ngắn và câu dài, sử dụng các từ cùng vần để tăng tính nhạc, tạo giai điệu cho bài.
Các đoạn văn trong một bài nên có độ dài ngang ngang nhau sẽ tạo cảm giác thẩm mỹ tốt hơn.
Kể lể lan man, dài dòng, không đúng trọng tâm
Một trong những lỗi sai thường gặp khi viết lách mà nhiều người viết mới gặp phải là kể lể lan man, không đúng trọng tâm. Lỗi này là do người viết có quá nhiều điều muốn nói. Họ không biết phải lọc lựa chất liệu nào để đưa vào bài, chất liệu nào có thể bỏ đi. Hoặc cũng có thể người viết tham chi tiết, muốn kể tỉ mỉ từng thứ một.
Tuy nhiên, những bài viết kể lể lan man thường khiến người đọc cảm thấy chán, không thú vị. Họ cũng thường không có kiên nhẫn để đọc tới hết bài.
Để tránh lỗi này, trước khi viết bạn có thể vạch ra những ý nào, ví dụ nào bạn sẽ đưa vào bài viết của mình. Thêm vào đó, bạn cũng cần xác định yếu tố trung tâm của bài viết là gì, đâu là điểm nhấn cho bài. Những chỗ cần nhấn mạnh, bạn dùng ngôn từ sắc bén hơn, dành dung lượng dài hơn. Những chỗ còn lại chỉ nên có độ dài vừa phải và ngôn từ dễ hiểu.
Sử dụng sai dấu câu
Sử dụng sai dấu câu cũng là một lỗi thường xuyên gặp ở các cây viết. Đặc biệt là dấu phẩy. Dấu phẩy đại diện cho một quãng nghỉ khi nói và một sự chuyển ý khi viết. Do đó nhiều người mang thói quen trong giao tiếp vào văn viết, sử dụng dấu phẩy không đúng với vai trò của nó.
Thông thường, dấu phẩy được dùng trong phép liệt kê, khi phân biệt thành phần chính và thành phần phụ của câu, khi có nhiều vế câu. Nếu đã sử dụng dấu phẩy, hầu hết các trường hợp không cần từ nối, quan hệ từ đi cùng. Ngược lại, nếu đã sử dụng từ nối, quan hệ từ thì bạn không cần cho thêm dấu phẩy.
Ngoài ra, mỗi kiểu câu có chức năng khác nhau cũng sử dụng mỗi dấu câu khác nhau. Ví dụ: câu kể, tả dùng dấu chấm; câu hỏi dùng dấu chấm hỏi; câu cầu khiến và cảm thán dùng dấu chấm than; câu bị bỏ lửng hoặc liệt kê chưa hết dùng dấu ba chấm.
Trên đây là những lỗi thường gặp khi viết lách và cách khắc phục. Bạn thường hay gặp lỗi nào? Cách khắc phục của bạn là gì? Hoặc bạn còn hay mắc lỗi nào mà không biết cách gỡ không? Chia sẻ với mình dưới phần bình luận nhé!
-
Lưu ý nhỏ:
Những gợi ý trên là dành cho các bài viết nói chung. Đối với mỗi thể loại sẽ có những yêu cầu riêng, xuất hiện những lỗi khác nhau và cách khắc phục cũng khác. Với những bài viết trên blog hoặc mạng xã hội thì bài viết này sẽ phát huy tác dụng tốt hơn.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm các chia sẻ về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.