Storytelling là kỹ thuật dùng câu chuyện để truyền thông điệp được sử dụng nhiều trong lĩnh vực Marketing cho cá nhân và doanh nghiệp. Không chỉ vậy, ngay cả người bình thường chúng ta cũng có thể áp dụng nghệ thuật storytelling để kể câu chuyện của riêng mình.
Storytelling có nghĩa là gì?
Storytelling là thuật ngữ để chỉ việc kể chuyện. Từ thuở sơ khai của văn minh nhân loại, con người đã dùng phương thức này để lan tỏa những bài học, những mẫu chuyện hài hước hoặc mang ý nghĩa giáo dục.
Ngày nay, nghệ thuật storytelling được sử dụng triệt để trong việc xây dựng thương hiệu, thể hiện phong cách và đưa ra thông điệp, tiêu biểu nhất là trong kinh doanh, thương mại, marketing.
Storytelling có khả năng tác động tới cảm xúc của người đọc, người xem thông qua câu từ, hình ảnh, âm thanh, số liệu… Từ đó, mọi người sẽ biết, nhớ và sử dụng sản phẩm của thương hiệu nhiều hơn.
Thương hiệu không chỉ cần đưa ra những sản phẩm chất lượng mà còn cần chú trọng những đánh giá, phản hồi của khách hàng. Hoặc dùng chính câu chuyện của khách hàng để kể về thương hiệu của mình. Nắm bắt được thị hiếu khách hàng chính là điều giúp Storytelling trở thành “vũ khí marketing” hiệu quả.
TVC quảng cáo “Biti’s nâng niu bàn chân Việt” đã dùng câu chuyện lịch sử của người Việt từ thời Lạc Long Quân – Âu Cơ qua các cuộc chiến tranh bảo về chủ quyền tới khi tiến vào thiên niên kỷ mới. Đây được xem là quảng cáo thành công nhất của Biti’s cũng như thương hiệu Việt với tuyên ngôn “người Việt dùng hàng Việt“. Bạn còn nhớ TVC này không?
Storytelling giúp gì cho bạn?
Xây dựng hình ảnh thương hiệu trong lòng khán/thính giả và khách hàng
Storytelling giúp thương hiệu thể hiện được tính cách, chất lượng, sứ mệnh… với khách hàng. Những câu chuyện được kể, thông qua hình ảnh, âm thanh, câu từ sẽ trở nên chân thực và động trước mắt người đọc. Từ đó khiến họ ghi nhớ sản phẩm, thương hiệu qua câu chuyện ấy.
Ví dụ:
Đoạn quảng cáo “Đẩy, đẩy, đẩy, dầu nhớt đây” của nước giặt máy Omo Matic hẳn không còn xa lạ với người dân Việt Nam.
Storytelling còn giúp thương hiệu của bạn nổi bật hơn khi có nội dung sâu sắc, cách thể hiện hài hước, phù hợp với thị hiếu khách hàng và có khả năng định hướng thị trường.
Nếu bạn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân, dù là trong lòng mọi người hay trong mắt người thân quen, những câu chuyện về chính bạn cũng có thể truyền cảm hứng, tăng sự yêu mến, tin cậy.
Ví dụ:
Ivy kể chuyện là “mẹ bỉm của một em bé đáng yêu, một nhà quản lý trong công ty sản xuất nội dung blockchain, một trainer trong lĩnh vực chuyên môn về digital marketing và social media, và còn là một sinh viên thạc sĩ của RMIT“. FB cá nhân và blog của bạn đăng tải nhiều câu chuyện truyền cảm hứng sống tích cực và những kinh nghiệm sống, học tập, làm việc của chính bạn. Trong khóa học Sáng tạo nội dung đa nền tảng của cộng đồng Phát triển nghề viết mà Vi làm admin cũng chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế của người làm công việc sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhờ những câu chuyện này mà Vi được nhiều người biết đến như là một influencer – người truyền cảm hứng. Từ đó có nhiều cơ hội phát triển công việc và khẳng định được năng lực của bản thân.
Đánh trúng tâm lý khách hàng
Storytelling nên là những câu chuyện có thật hoặc được xây dựng dựa trên các câu chuyện có thật. Có vậy mới làm cho khách hàng đồng cảm, ghi nhớ… CEO Max Tsypliaev của Comindware từng phát biểu: “Các marketer chuyên nghiệp sẽ tận dụng điều đó để tạo nên lợi thế cho mình. Đừng “bịa chuyện” khi “kể chuyện”, và đừng nói rằng câu chuyện của bạn là thật khi tất cả đều biết nó là giả”.
Ví dụ: Tết 2022, Omo đưa ra quảng cáo Tết biết ơn với thông điệp “Biết ơn hóa hành động. Lấm bẩn hóa Tết vui.”
Dù bao nhiêu năm trôi qua nhưng Omo vẫn khẳng định thương hiệu của mình thông qua những câu chuyện quảng cáo giàu tính nhân văn dưới hình thức những bài học cha mẹ dạy cho con trẻ.
Xây dựng và giữ gìn niềm tin của khách hàng
Storytelling có khả năng thể hiện được cả những con số và chủ đề khô khan thông qua những câu chuyện đời thường đầy sáng tạo. Câu chuyện hấp dẫn kích thích trí tưởng tượng và sự tò mò của người đọc. Đồng thời làm tăng khả năng sử dụng sản phẩm do bạn cung cấp.
Trong “Bài toán dân số“, tác giả so sánh tỉ lệ gia tăng dân số thế giới với số hạt thóc có thể đặt lên bàn cờ, không ai đủ số thóc để phủ được 64 ô bàn cờ theo cấp số nhân 1, 2, 4, 8… thời điểm đó. Vậy là người đọc vẫn có thể thấy được tính nghiêm trọng của vấn đề mà không phải đọc những dãy số khô khan.
Viết nội dung Storytelling như thế nào cho hiệu quả?
Xác định góc nhìn, nhân vật và đối tượng độc giả/khán giả của bạn
Storytelling là kể chuyện, thế nên bạn cần lựa chọn góc nhìn, xác định đối tượng xem/nghe/đọc/sử dụng sản phẩm và xây dựng một nhân vật chính.
Trước tiên cần biết đối tượng mà storytelling hướng tới là ai, đặt mình vào vị trí của khách hàng để hiểu được nhu cầu của họ.
Nhân vật bạn cần xây dựng phải có nét tương đồng với khách hàng/người đọc. Tình huống xoay quanh nhân vật cũng cần gần gũi với mọi người để tăng hiệu quả tác động tới người đọc/người xem.
Chẳng hạn, bột giặt Omo sẽ nhắm đến khách hàng là những người nội trợ. Đặc biệt là phụ nữ. Điều họ muốn là một sản phẩm giúp làm sạch hiệu quả, dễ dàng, giá cả phải chăng và an toàn cho da, cho vải vóc.
Xác định thông điệp muốn truyền tải tới khách hàng
Một storytelling hiệu quả sẽ mang đến một câu chuyện mà người xem/người đọc thấy bản thân mình trong đó. Có vậy mới chinh phục được lòng tin và cảm xúc của họ. Đặt mình vào vị trí của khách hàng, liên tục đặt ra các câu hỏi để tìm được thông điệp, nhân vật, câu chuyện có thể thu hút khách hàng.
Các câu hỏi như hình thức kể chuyện nên là gì? Kênh truyền thông nào là phù hợp? Thông điệp chính cần chia sẻ là gì?… sẽ giúp bạn xây dựng được câu chuyện độc đáo.
Ví dụ:
Câu chuyện “Đi để trở về” của Biti’s gửi đến một thông điệp rõ ràng là sự trở về với gia đình, với những gì thân thương bởi đó là những giá trị cốt lõi trong đời mỗi người.
Xây dựng cốt truyện
Cốt truyện của Storytelling là một bản phác thảo nội dung bao gồm: Promise (lời hứa) và Benefit (lợi ích). Hai yếu tố này giúp thương hiệu tạo uy tín với khách hàng.
Câu chuyện kể cho người thân nghe không cần đi theo motif này. Nó có thể là những gì diễn ra trong đời sống và thường được kể lại theo diễn tiến thời gian. Chẳng hạn như khi bạn kể lại chuyện hôm qua đi sở thú cho một người quen nghe. Hoặc khi bạn kể một câu chuyện cho trẻ nghe. Những câu chuyện này không cần lời hứa hay đảm bảo mang lại lợi ích cho người nghe/đọc. Tuy nhiên rất phù hợp để truyền tải một thông điệp, giáo dục hoặc giải trí.
Khi xây dựng cốt truyện cần chú ý đơn giản hóa câu chuyện để nó trở nên chân thật và dễ hiểu. Ngắn gọn và súc tích cũng là yếu tố cần lưu ý để xây dựng một câu chuyện thành công. Các câu hỏi có thể vận dụng trong giai đoạn này là: Câu chuyện bắt đầu và kết thúc ở đâu? Nhân vật trải qua những sự kiện nào, có ảnh hưởng ra sao? Câu chuyện sẽ tác động tới khách hàng như thế nào?
Khi vận dụng storytelling trong thương mại, bạn không cần chuẩn bị một câu chuyện dài lê thê. Đó chỉ cần là một đoạn ngắn, thậm chí ba câu, nêu lên được thông điệp của thương hiệu, sản phẩm muốn khách hàng nhớ đến.
Công thức mình đang áp dụng trong các bài viết cho thương hiệu là:
- Câu đầu: Nêu lên nỗi đau (pain point) mà khách hàng (của thương hiệu đó) đang phải trải qua/quan tâm/tìm giải pháp
- Câu tiếp theo: Biết tới sản phẩm của thương hiệu và những công năng phù hợp của nó
- Câu cuối: Sự thay đổi tốt hơn sau khi sử dụng sản phẩm
“Tôi đã từng phải nghe những câu bodyshaming vì thân hình quá khổ của mình đến mức tôi gần như không muốn ra ngoài, trừ khi cần thiết. Một lần lướt FB, tôi vô tình thấy bộ sưu tập Bigsize của thương hiệu Thời trang thiết kế VCOLOR với những thiết kế tôn dáng, che khuyết điểm nên đã đặt mua vài bộ. Không ngờ chúng thật sự có thể khiến tôi tự tin hơn nhờ phom dáng chuẩn tôn lên đường cong và thiết kế thanh lịch tạo vẻ sang trọng“.
Khai thác những điều có ý nghĩa và sâu sắc
Câu chuyện của bạn phải là câu chuyện có thể phù hợp với phần đông khách hàng và xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông.
Thông thường, các câu chuyện mang thông điệp ý nghĩa tích cực, nhân văn sẽ dễ chạm tới cảm xúc của khách hàng và giúp họ nhận diện thương hiệu tốt hơn.
Đưa ra dẫn chứng thật để tăng tính thuyết phục
Những câu chuyện của các nhân vật thực tế bao giờ cũng tạo được niềm tin tốt cho người đọc. Chẳng hạn các câu chuyện kinh doanh, câu chuyện thành công của Steve Job, Jack Ma… được nhiều người quan tâm.
Cấu trúc một bài Storytelling
Một câu chuyện thường có cấu trúc cơ bản gồm các phần:
Tiêu đề:
Ngắn gọn, thu hút và dễ hiểu để lôi cuốn khách hàng. Tuy nhiên, không nên sử dụng các tiêu đề giật tít phản cảm, tiêu cực chỉ để “câu view”. Bạn cũng có thể áp dụng câu hỏi 5W1H để đặt tiêu đề hoặc tham gia khóa học viết để nắm nhiều kỹ thuật hơn.
Giới thiệu:
Phần giới thiệu sẽ có chức năng miêu tả về nhân vật và tình huống mà nhân vật gặp phải. Phần này cần ngắn gọn và hấp dẫn.
Xung đột:
Trong phần này, cốt truyện sẽ có điểm bùng phát xung đột để đưa cảm xúc lên cao trào. Câu chuyện vì đó sẽ kịch tính hơn. Giống như khi Steve Jobs chia sẻ về việc ông bị sa thải khỏi chính công ty do mình sáng lập.
Giải quyết xung đột:
Tới phần này, nhân vật sẽ tìm được giải pháp cho tình huống cao trào ở phần trước. Đồng thời, thông điệp của câu chuyện cũng được đưa ra. Lúc này câu chuyện Storytelling có thể kết thúc.
Ví dụ:
Câu chuyện Omo matic cho máy giặt bắt đầu là hình ảnh ông cụ đẩy chiếc ô tô bị hư máy trong khi bọn trẻ đang chơi trong sân. Cao trào là lúc người mẹ khuyến khích bọn trẻ ra giúp ông cụ đẩy xe. Phần kết là xe chạy được và ông cụ cảm ơn rồi đi tiếp còn quần áo dính dầu nhớt được giặt sạch nhờ Omo matic. Thông điệp chính là Omo có khả năng đánh bay vết bẩn cứng đầu ngay cả khi sử dụng máy giặt.
Nguyên tắc G.R.E.A.T trong Storytelling
Trong storytelling, người viết có thể áp dụng nguyên tắc G.r.e.a.t gồm các yếu tố sau:
Glue
Glue – Sự gắn kết: Câu chuyện bạn đưa ra cần có sự gắn kết với độc giả/khách hàng để lan tỏa thông điệp, kích cầu và nâng độ nhận diện cũng như uy tín của thương hiệu. Chuyện của bước chân Việt trong TVC của Biti’s cũng là chuyện của người Việt.
Reward
Reward – Phần thưởng: Đây chính là những lợi ích mà người đọc/khách hàng có thể nhận được khi sử dụng sản phẩm hoặc lựa chọn doanh nghiệp của bạn.Như là sự tự tin của hội chị em khi mặc đồ nhà VCOLOR chẳng hạn.
Emotion
Emotion – Cảm xúc: Đã là Storytelling thì cần có yếu tố cảm xúc bởi đó là điều kiện cốt lõi thu hút khách hàng. Nếu không tác động được tới cảm xúc của khách hàng/người nghe, bạn rất khó để đạt được mục đích của mình khi kể câu chuyện ấy.
Authentic
Authentic – Đáng tin cậy: Ngoài chất lượng dịch vụ, sản phẩm, uy tín của thương hiệu thì niềm tin của khách hàng/người đọc cũng cần được đảm bảo duy trì.
Target
Target – Mục tiêu: Bạn cần luôn bám theo mục tiêu hướng đến, xác định đối tượng khách hàng bạn phục vụ là ai sẽ giúp bạn thu hút nhiều khách hàng.
Nghệ thuật kể chuyện Storytelling là phương pháp Marketing hiệu quả trên nhiều nền tảng, bằng nhiều cách khác nhau. Để có những Content Storytelling giá trị thì người tạo ra chúng phải đưa vào những nhân vật và tình tiết tinh tế, chân thực.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.
Ghé thăm mình tại LinkedIn, Instagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!