Nâng cao kỹ năng viết thông qua các bài thực hành sáng tạo là một phương pháp hiệu quả được nhiều cây viết áp dụng. Với phương pháp này, trí tưởng tượng của bạn sẽ được kích hoạt tối đa. Tôi dám chắc là bạn sẽ bất ngờ với những gì bạn sẽ tạo ra.
Có nhiều phương pháp thực hành viết giúp bạn phát huy khả năng sáng tạo: viết title quảng cáo từ một bức ảnh, viết bài từ một bức ảnh, viết từ một câu bất kỳ, đặt slogan cho một sản phẩm, viết một câu chuyện từ một câu kết, viết từ một câu dang dở, viết câu chuyện mới từ một nhân vật văn học quen thuộc, viết lại kết cục cho một tác phẩm văn học, biến nhân vật phụ trong một câu chuyện thành nhân vật chính trong tác phẩm của bạn, viết tự do trong thời gian giới hạn, viết thư cho một người thân đã mất/không còn giữ liên lạc lâu ngày…
Dưới đây là 30+ đề thực hành sáng tạo nâng cao kỹ năng viết và rèn luyện trí tưởng tượng của bạn.
1/ Nhìn vào bức ảnh bên dưới, hãy viết ra tất cả những tiêu đề mà bạn nghĩ nó sẽ giúp người đọc ghi nhớ tới sản phẩm của thương hiệu này
2/ Cũng với bức ảnh ấy, hãy thực hành viết những câu slogan bắt tai khiến người đọc cứ nhắc tới sản phẩm là sẽ nhớ câu slogan, hoặc thấy câu slogan là biết ngay của sản phẩm gì (gợi ý: bạn nên dùng những từ có vần, “chế” theo một câu tục ngữ/cụm từ quen thuộc, sử dụng những từ ngữ đang “hot”…)
3/ Chọn một quảng cáo cho sản phẩm bất kỳ mà bạn ấn tượng. Phân tích yếu tố làm nên sự ấn tượng đó và thực hành viết những bài quảng cáo giả cho sản phẩm ấy.
4/ Mở điện thoại của bạn ra và viết về bức ảnh đầu tiên trong bộ sưu tập. (gợi ý: bạn có thể tham khảo minigame Đuổi hình bắt chữ của Yêu lại tiếng Việt)
5/ Thay vì một bài tản văn chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ về một bức ảnh, bây giờ bạn hãy thử biến những đối tượng trong bức ảnh trở thành một phần của một câu chuyện nhé!
6/ Thực hành viết một câu chuyện chớp nhoáng (flash story) trong vòng 10 phút. Đảm bảo bạn viết trong một không gian thoải mái và đúng trong thời hạn 10 phút.
7/ Viết câu chuyện bắt đầu với: “Căn phòng nhỏ nằm sâu trong một ngõ dài.”
8/ Viết câu chuyện kết thúc bằng: “Người với người, đến đi qua đời nhau dường như chỉ trong một chớp mắt.”
9/ Viết câu chuyện trong đó một nhân vật hét lên: “– Đừng chạy về hướng đó!”
10/ Với cụm từ “ký ức trong tôi là”, hãy viết ra nhiều câu nhất có thể.
11/ Hãy viết kết cục mới cho một câu chuyện cổ tích đã quen thuộc (gợi ý: Tấm Cám, Cây khế, Trầu cau, Sọ Dừa, Người đẹp ngủ trong rừng, Nàng tiên cá, Aladin và cây đèn thần…)
12/ Vào vai một nhân vật văn học để kể lại câu chuyện bạn đã biết theo hướng khác (gợi ý: tưởng tượng bạn là chàng hoàng tử để kể lại chuyện Bạch Tuyết…)
13/ Bạn ấn tượng nhất với nhân vật phụ trong tác phẩm nào? Hãy viết một câu chuyện mà ở đó, người ấy trở thành nhân vật chính.
14/ Viết gì đó với một từ khóa bất kỳ (gợi ý: ngày xưa, kỷ niệm, cánh đồng, khói bếp, nước mắt, gấu bông, búp bê, máu…)
15/ Viết truyện hoặc tản văn có xuất hiện 3 từ khóa: cơn mưa, nụ hoa, nàng tiên (gợi ý: bạn cũng có thể chọn 3 từ khác để viết)
16/ Viết lá thư cho một nhân vật trong câu chuyện bạn từng đọc
17/ Viết lá thư cho một người thân đã khuất hoặc cho người bạn không liên lạc trong nhiều năm.
18/ Khi mượn sách từ thư viện trường, bạn phát hiện một tờ giấy kẹp giữa những trang sách. Bạn nghĩ tên tờ giấy ấy sẽ viết gì? Bạn sẽ hồi âm ra sao?
19/ Nếu được quay trở về năm 18 tuổi, bạn sẽ muốn thay đổi điều gì?
20/ Tưởng tượng bạn đang du hành trên một cỗ máy thời gian, bạn sẽ muốn dừng lại ở thời điểm nào, quá khứ hay tương lai, và bạn muốn thấy bản thân như thế nào vào lúc đó?
21/ Nếu được sở hữu một năng lực đặc biệt. Bạn sẽ muốn sở hữu năng lực gì và bạn định làm gì với nó?
22/ Tưởng tượng bạn có năng lực đặc biệt để lặn dưới nước trong nhiều giờ, hãy miêu tả cảnh tượng mà bạn nhìn thấy dưới đại dương (gợi ý: bạn có thể xem Avatar 2 nhưng là sau khi bạn viết xong, nếu xem trước khi viết, bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì đã nhìn thấy)
23/ Tưởng tượng bạn đến tham quan các di tích khảo cổ và có khả năng đọc hiểu các ký hiệu cổ xưa. Bạn đọc được lời kêu cứu từ một văn bản được khắc thẻ tre. Hãy viết tiếp câu chuyện.
24/ Hãy cài đặt đồng hồ trong vòng 5 phút, tập trung vào dòng cảm xúc của bạn và viết nhanh ra giấy tất cả những gì xuất hiện trong đầu.
25/ Bên ngoài cửa sổ có mưa rơi, tiếng của một con mèo hoang kêu buồn bã trong mưa. Tưởng tượng bạn là con mèo ấy và kể về những chuyện đã xảy ra.
26/ Bạn đang sống ở thời trung đại và nhận được một bức mật thư từ chim bồ câu mang về. Trên lá thư có vết máu đã khô. Bạn nghĩ chuyện gì đã xảy ra?
27/ Hãy chọn cho mình một không gian riêng tư và yên tĩnh, bật một bài nhạc mà bạn yêu thích. Bạn thấy câu chuyện gì từ trong bài hát ấy?
28/ Bao lâu rồi bạn không nghe đài FM. Thử mở lên một kênh bất kỳ, nghe và viết ra những cảm nhận của bạn của bạn về tiết mục nghe được.
29/ Bạn có bao giờ quan sát thật kỹ những nếp nhăn trên khuôn mặt cha mẹ hay đôi bàn tay sần sùi, thô ráp của họ? Hãy viết gì đó cho hai đấng sinh thành của bạn.
30/ Tưởng tượng cuộc sống mà bạn mong muốn mười năm sau. Gửi lá thư lên FutureMe và bạn sẽ bất ngờ khi nhận được nó vào 10 năm nữa.
Đọc thêm: 9 bài tập viết sáng tạo hiệu quả
Những bài thực hành viết sáng tạo sẽ giúp bạn phát huy năng lực tưởng tượng và nâng cao kỹ năng viết. Dạng đề này rất phù hợp với những bạn muốn theo đuổi mảng sáng tác, nhất là sáng tác truyện.