Thói quen làm chủ ý tưởng khi được rèn luyện mỗi ngày sẽ giúp bạn nâng cấp bản thân, gia tăng động lực làm việc và tinh thần sẵn sàng thử nghiệm cái mới. Làm chủ ý tưởng trong viết lách còn giúp bạn không rơi vào tình trạng bí ý tưởng và tạo ra những văn bản thu hút người đọc.
Đọc rộng
Sách là kho kiến thức vĩ đại của nhân loại, điều này chẳng cần phải bàn cãi. Nhưng đừng nghĩ rằng bạn làm công việc nào thì chỉ cần đọc những sách liên quan tới công việc ấy là đủ. Khi đọc, hãy đọc rộng và đọc sâu. Đọc rộng là bạn đọc cả những cuốn sách chuyên môn, sách kỹ năng, sách về kiến thức phổ thông… Đọc sâu là bạn tập trung vào những cuốn sách liên quan tới kiến thức chuyên ngành và kỹ năng trực tiếp hỗ trợ cho công việc của bạn.
Đọc sâu có thể ai cũng hiểu lý do, còn đọc rộng thì sao? Tại sao chúng ta cần đọc rộng?
Trong chương trình học Thạc sĩ của mình có hai khái niệm là liên ngành và liên văn bản. Hiểu một cách đơn giản thì liên ngành muốn nói tới việc các ngành khác nhau có liên quan với nhau theo nhiều cấp độ. Ví như ngành Văn học có liên hệ mật thiết tới ngành Sử học và Triết học nên có quan niệm Văn – Sử – Triết bất phân. Ngành Văn học với ngành Công nghệ thông tin tưởng chừng không có liên hệ nào nhưng khi tác phẩm Văn học viết về nhân vật làm nghề trong ngành Công nghệ thông tin thì tác giả phải có hiểu biết và tìm hiểu về thêm để tác phẩm chân thực.
Với khái niệm liên văn bản, mọi văn bản đều là tấm khảm của những văn bản khác. Khi bạn viết về tình yêu, trong bài viết của bạn cũng phảng phất dấu ấn của những tác phẩm về tình yêu khác mà bạn từng nghe, từng đọc. Hình tượng các soái ca, ngự tỷ mà ta hay bắt gặp trong những truyện ngôn tình Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ văn học Trung Quốc.
Ngoài ra, việc trau dồi thói quen đọc sách giúp bạn tiếp xúc với nhiều phong cách viết, thể loại và ý tưởng viết khác nhau. Việc đọc mở rộng kiến thức của bạn, khơi dậy nguồn cảm hứng và giúp bạn hiểu các kỹ thuật kể chuyện hiệu quả.
Luyện viết thường xuyên để làm chủ ý tưởng
Bạn thường cảm thấy không có ý tưởng nên không biết viết gì. Thực tế cho thấy một khía cạnh khác là càng viết nhiều càng nảy sinh ra các ý tưởng dễ dàng hơn. Vậy nên muốn trở thành người viết chuyên nghiệp, bạn cần chăm chỉ luyện viết.
Dành thời gian viết đều đặn dù chỉ vài phút mỗi ngày. Tính nhất quán là chìa khóa để cải thiện kỹ năng viết của bạn và tạo ra các ý tưởng một cách năng suất.
Để bắt đầu viết với những chủ đề có sẵn, bạn có thể tham khảo:
30+ đề thực hành sáng tạo giúp bạn nâng cao kỹ năng viết
9 chủ đề viết tản văn dễ nhất cho người mới bắt đầu
30+ gợi ý viết truyện để bạn sáng tạo hơn (phần 2)
Để tìm kiếm ý tưởng, bạn đọc:
9 gợi ý giúp bạn không bao giờ cạn ý tưởng viết mỗi ngày
Động não trước khi viết: những bí kíp làm chủ ý tưởng
6 cách tìm ý tưởng tốt nhất trước khi bắt đầu viết
Viết nhật ký hoặc sổ tay ý tưởng
Có một nhà báo từng chia sẻ với mình rằng mỗi ngày đi bộ luyện sức khoẻ anh đều mang theo một cuốn sổ nhỏ. Khi nào có ý tưởng, anh đều ghi lại vào đó. Có hôm quên không mang sổ thì anh sẽ lưu vào Ghi chú trên điện thoại. Danh sách ý tưởng mỗi ngày đều dài thêm. Có những ý tưởng được viết ngay sau đó nhưng cũng có những ý tưởng cần được ủ như người ta ủ rượu, đủ chín muồi mới được xuất hiện dưới dáng hình của một văn bản hoàn thiện.
Ngoài sổ tay ý tưởng, viết nhật ký, viết morning pages hoặc viết biết ơn cũng là những phương pháp được nhiều người áp dụng để làm chủ ý tưởng. Ngoài ra, chúng cũng là cách trị liệu và phát triển tinh thần tuyệt vời. Những gì bạn viết ra sẽ nuôi dưỡng cho bạn những ý tưởng có sẵn và khơi dòng cho các ý tưởng mới.
Bạn có thể mang theo một cuốn nhật ký hoặc sử dụng ứng dụng Ghi chú để lưu lại các ý tưởng, những gì bạn quan sát được và nguồn cảm hứng bất cứ khi nào chúng xuất hiện. Thói quen này giúp bạn nắm bắt và sắp xếp các suy nghĩ cho các dự án viết trong tương lai.
Viết tự do
Những thứ tự do luôn mang tới cảm xúc đặc biệt và những ý tưởng đầy sáng tạo. Bởi vậy, viết tự do cũng là cách mà bạn nên áp dụng để làm chủ ý tưởng của chính mình.
Khi viết tự do, bạn có thể thả lỏng cơ thể và tinh thần. Không còn những quy tắc, không còn kỹ thuật, không còn những rào cản về chính trị hay văn hoá… Vì viết tự do là khi bạn giải phóng những gì sâu kín bên trong mình. Hãy để chúng được thoát ra bên ngoài thông qua những con chữ. Đôi khi, những ý nghĩ bị kiềm kẹp b ó p c h ế t trí tưởng tượng và sự sáng tạo của bạn.
Dành thời gian viết tự do và bạn sẽ nhận thấy những kết quả không ngờ của nó trong việc tìm hiểu bản thân, làm chủ ý tưởng.
Nuôi dưỡng sự tò mò
Óc tò mò đưa con người khám phá thế giới bên ngoài và bên trong chính mình. Cùng với sự tò mò, bạn sẽ biết thêm nhiều thứ. Càng bí ẩn, càng kích thích, việc tìm kiếm lời giải đáp cho những bí ẩn đó cũng thúc đẩy trí tưởng tượng hoạt động với công suất cao hơn.
Người xưa chưa có những hiểu biết khoa học về thế giới. Vì vậy, họ tưởng tượng ra những vị thần – những người có khả năng chi phối mọi thứ. Bao gồm cả thiên nhiên và chính con người. Không chỉ ở các nước châu Á như Việt Nam mà bất kể châu lục nào cũng có những câu chuyện về các vị thần. Ngoài ý nghĩa tôn giáo thì những tác phẩm như Thần thoại Hy Lạp và truyện dân gian cũng cho thấy sự tò mò đã giúp người xưa sáng tạo như thế nào.
Vậy nên, bạn cứ giữ cảm giác tò mò về thế giới xung quanh bạn. Bạn nên đặt câu hỏi, khám phá các chủ đề đa dạng và tìm kiếm những trải nghiệm mới. Sự tò mò thúc đẩy trí tưởng tượng của bạn và tăng cường khả năng tạo ra những ý tưởng độc đáo.
Đặt mục tiêu viết
Thiết lập các mục tiêu viết cụ thể, cho dù đó là hoàn thành một số từ nhất định mỗi ngày, hoàn thành một chương trước thời hạn đã định hay nộp bài cho nhà xuất bản. Đặt mục tiêu giúp bạn duy trì sự tập trung và động lực.
Người ta vẫn nói áp lực tạo kim cương. Khi có mục tiêu cụ thể, bộ não của bạn sẽ nhận được các tín hiệu làm việc. Từ đó, nó có thể sản sinh ra những ý tưởng để hoàn thành nhiệm vụ đã được cài đặt.
Bạn có thể mất tới 4 tiếng đồng hồ để xong một bài viết khi bạn thấy dư dả thời gian nhưng cũng có khi chỉ cần 30 phút để giao bài cho khách hàng. Điều khác biệt ở đây là gì? Mọi thứ càng cụ thể, bạn càng dễ thực hiện.
Tìm kiếm phản hồi
Mình đã từng để lại hơn 4.000 bình luận và 4.000 tương tác tại một cộng đồng về viết lách. Bởi mỗi khi nhận được phản hồi từ người đọc, mình luôn thấy bài viết có thêm ý nghĩa còn chính mình cũng có thêm động lực để viết nhiều hơn. Một điều thú vị trong các phản hồi là nó có thể gợi thêm cho bạn các ý tưởng mới. Có thể bài viết của bạn mới chỉ khai thác hết một khía cạnh của vấn đề, một người nào đó để lại bình luận cho bạn biết nhiều hơn thế.
Ngoài ra, khi xác định nhu cầu của tệp độc giả, bạn cũng nên xuất hiện trong các cộng đồng họ xuất hiện, đọc các comment tại những bài viết có lượt tương tác xem họ đang nói gì. Đó chính là những ý tưởng mà bạn nên dùng cho các nội dung tiếp theo của bạn.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chia sẻ bài viết của bạn với các đồng nghiệp, nhóm viết hoặc người cố vấn đáng tin cậy để nhận những phản hồi mang tính xây dựng. Điều này giúp bạn chắt lọc ý tưởng và cải thiện kỹ năng viết.
Tận dụng sự cô đơn và cảm giác suy tư
Cuộc sống càng hiện đại, nhịp sống càng nhanh, con người càng dễ mệt mỏi và muốn tìm một không gian của riêng mình. Đừng đánh đồng một mình với cô đơn vì đó chính là thời gian bạn có thể chăm sóc bản thân hoặc tìm kiếm các ý tưởng viết lách tốt hơn.
Bạn có thể thử thiền, yoga, nghe nhạc, đọc sách, làm thủ công… Trong lúc đó, những ý tưởng cũng sẽ tìm đến bạn. Sự cô đơn và cảm giác suy tư không tệ như ta nghĩ nếu ta biết tận dụng chúng. Mình thường nghe nhạc không lời và xem những bức ảnh chụp về Hà Nội khi muốn viết gì đó về thành phố này.
Vậy nên, bạn hãy dành thời gian cho sự cô độc và suy tư yên tĩnh. Điều này cho phép bạn chiêm nghiệm để làm chủ ý tưởng, kết nối với những suy nghĩ bên trong của bạn và nuôi dưỡng sự sáng tạo.
Thử nghiệm với các kỹ thuật viết khác nhau
Khám phá các kỹ thuật viết khác nhau như động não, lập bản đồ tư duy hoặc lập dàn ý để biết điều gì phù hợp nhất với bạn khi sắp xếp ý tưởng.
Áp dụng các kỹ thuật viết có thể giúp bạn nảy ra ý tưởng chủ động hơn thay vì ngồi chờ nó xuất hiện.
Bạn tham khảo thêm nhé:
Tăng khả năng sáng tạo với 8 bài thực hành viết
Biến 1 từ khóa thành 10 bài viết, bạn đã biết cách chưa?
Bước ra khỏi vùng an toàn của bạn
Thử thách bản thân khám phá những thể loại, phong cách viết mới hoặc những chủ đề không quen thuộc với bạn. Bước ra ngoài vùng thoải mái của bạn sẽ khuyến khích sự phát triển và mở rộng tầm nhìn viết lách của bạn.
Trước đây mình thường viết truyện tình yêu hoặc truyện thế sự đời tư. Đó là những câu chuyện về cuộc sống bình thường của một nhân vật, không có quá nhiều chi tiết gay cấn. Một lần, mình quyết định thử sức với việc đưa các yếu tố kỳ ảo, xuyên không vào trong tác phẩm. Mình đã hoàn thành bản nháp của một tiểu thuyết 50.000 chữ trong 30 ngày. Việc theo đuổi một tiểu thuyết đòi hỏi mình nảy sinh ý tưởng liên tục và nắm chắc kết nối giữa chúng với nhau. Từ những ý tưởng lớn ban đầu, mình cũng cần tạo ra nhiều ý tưởng nhỏ cho các chi tiết trong truyện. Với mình, lần thử thách bản thân ấy vẫn để lại nhiều bài học về viết lách lẫn những trải nghiệm cảm xúc khó quên.
Chấp nhận sửa đổi
Bạn nên hiểu rằng viết là một quá trình và sửa đổi là một phần quan trọng của quá trình đó. Hãy tập thói quen sửa đổi để tinh chỉnh và đánh bóng ý tưởng của bạn.
Ý tưởng ban đầu của bạn có thể đã khiến bạn hài lòng nhưng điều đó không có nghĩa là nó chỉ đến mức ấy, không thể tốt hơn. Bạn hoàn toàn có thể hoàn thiện ý tưởng sau khi đọc được những phản hồi từ độc giả hoặc những người mà bạn nhờ vả góp ý.
Các tác giả văn học mạng thường viết truyện theo chương. Sau mỗi chương đăng tải, họ lại đọc được những bình luận của người đọc. Từ đó, họ có thể viết chương tiếp theo nếu gợi ý của người đọc thú vị. Không ít tác phẩm mạng được tạo ra theo cách này. Chỉ cần bạn cởi mở và chấp nhận sửa đổi thay vì luôn khăng khăng theo ý tưởng ban đầu.
Ưu tiên chăm sóc bản thân
Bạn hãy luôn nhớ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân. Bạn sẽ không thể làm việc với năng suất cao nếu cơ thể mệt mỏi hay tinh thần ở trạng thái căng thẳng.
Ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, tập thể dục và tham gia vào các hoạt động giúp bạn nạp lại năng lượng và trẻ hóa. Một tâm trí và cơ thể khỏe mạnh hỗ trợ sự sáng tạo và năng suất làm việc.
Mình từng ngồi liên tục trên bàn làm việc gần như 16 tiếng một ngày. Mình uống ít nước, không vận động và cũng không ra ngoài để hít thở khí trời. Hậu quả là mình thường xuyên đau cổ – vai – gáy – lưng, mắt khô, da mụn, rụng tóc và tăng cân. Thời điểm mình ý thức thói quen bỏ bê bản thân đáng sợ như thế nào, mình đã đăng ký học yoga, luôn mang theo bình nước để uống liên tục và cũng thay đổi chế độ ăn qua gạo lứt, tăng cường rau xanh. Sức khoẻ mình tốt hơn và mình cũng thoải mái hơn khi làm việc.
Chấp nhận sự từ chối
Không phải khi nào ý tưởng của bạn cũng phù hợp với người đọc hay nhà xuất bản. Có thể, nó sẽ bị từ chối vì một lý do nào đó.
Bạn cần học hỏi từ những phản hồi và chấp nhận những lời chỉ trích mang tính xây dựng. Sự từ chối là một phần của hành trình viết nên bạn hãy sử dụng nó như một cơ hội để phát triển và cải thiện. Đơn giản như khi bạn hào hứng đăng bài vào một nhóm nào đó nhưng admin lại từ chối bài viết của bạn, bạn cần làm gì? Chắc chắn không phải là đi tranh cãi với admin ấy đúng không?
Phát triển thói quen viết lách
Thói quen khó bỏ, nhận định không sai. Khi rèn được thói quen viết lách, bạn sẽ làm nó một cách tự nhiên mà không cần nhắc nhở hay thúc ép.
Mình đã bắt đầu viết lách mỗi ngày từ tháng 7/2021. Tới nay là 2 năm liên tục. Gần đây, để ưu tiên cho những dự án riêng và các vấn đề cá nhân, mình không còn đăng bài mỗi ngày trên FB nhưng vẫn duy trì việc viết thường nhật. Đó không chỉ là công việc mà đã thành một thói quen. Thật sự, mình vẫn trong giai đoạn mỗi ngày trước khi ngủ đều đấu tranh tâm lý xem có nên đăng bài FB không. Lúc mới đầu thì cố gắng quen với việc đăng mỗi ngày, giờ lại cố quen với việc tạm dừng thói quen ấy lại.
Thiết lập thói quen viết phù hợp sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc làm chủ ý tưởng cũng như phát triển thương hiệu cá nhân dưới vai trò người viết. Bạn nên tìm ra thời gian, địa điểm và môi trường để bạn có thể tập trung và làm việc hiệu quả nhất.
Kỷ niệm những thành công và cột mốc quan trọng
Đừng quên công nhận và ăn mừng những thành tựu của bạn trong suốt chặng đường. Cho dù bạn hoàn thành một dự án, nhận được phản hồi tích cực hay đạt được một cột mốc viết lách cá nhân thì việc ăn mừng thành công sẽ tạo động lực và tăng cường sự tự tin của bạn.
Bằng cách kết hợp 15 thói quen trên vào thực hành viết, bạn có thể thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển năng suất làm việc và tăng cơ hội thành công khi phát triển ý tưởng viết.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.
Ghé thăm mình tại LinkedIn, Instagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!