Một buổi sáng nắng dịu dàng ôm ấp những hàng cây, tôi lang thang từ chùa Trấn Quốc dọc theo bờ Hồ Tây chừng quãng ngắn rồi ghé vào thăm ngôi đền Quán Thánh trầm mặc, nơi lưu giữ cả ngàn năm lịch sử của Thủ đô.
Đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, có tên chữ là Trấn Vũ Quán và là một trong Thăng Long tứ trấn – nơi thờ các vị thần trấn giữ bốn cửa ngõ của thành Thăng Long xưa. Cùng với đền Bạch Mã ở phía đông, Kim Liên ở phía nam, Voi Phục ở phía tây, đền Quán Thánh trầm nghiêm cai quản vùng đất phía bắc kinh thành. Nằm ở đầu đường Thanh Niên, cổng đền và gian bái đường hướng về phía hồ Tây mênh mông, quanh năm mát mẻ. Đền khi xưa là một Đạo quán, kết hợp với chùa Trấn Quốc và chùa Kim Liên sẽ tạo nên bộ ba cảnh quan vừa thanh tịnh vừa mang đậm bản sắc văn hoá và tín ngưỡng dân gian.
Được xây dựng từ thời Lý Thái Tổ vào thế kỷ XI, dù đã trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng ngôi đền vẫn toát lên nét cổ kính, oai nghiêm và có phần yên vắng giữa một Thủ Đô đang hối hả cựa mình theo vòng xoay kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu. Thánh Trấn Vũ là một hình tượng trong văn hóa dân gian được kết hợp từ nhân vật ông Thánh đã giúp An Dương Vương trừ ma, đánh quái, diệt tinh gà trắng khi xây Cổ Loa thành và vị Thánh trấn quản phương Bắc trong thần thoại Trung Hoa. Năm 1962, đền được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia và năm 2022 trở thành Di tích quốc gia đặc biệt.
Kiến trúc đền Quán Thánh gồm có tam quan (cổng đền), sân, ba lớp nhà lần lượt là tiền tế, trung tế và hậu cung. Bước qua cổng tam quan đền, dường như ta đang bước ngược dòng lịch sử về nước Đại Việt xưa thanh bình với ngôi bái đường là nhà ngang ba gian, lợp ngói đỏ, mái đền cong hướng lên trên ở hai bên và được trang trí nhiều tượng đắp nổi hình các linh vật phổ biến trong văn hoá thờ phụng của người Việt. Không gian đền không quá lớn nhưng thoáng đãng và là chốn người ta có thể lui tới để tìm hiểu lịch sử trong cảm giác xanh mát yên bình.
Tôi bước qua tam quan, qua mảnh sân sạch rồi đến trước ngôi bái đường, chắp tay khấn nguyện trước lư đồng rồi bước qua ngạch cửa gỗ để vào bên trong. Đền vắng, lác đác vài du khách ngoại quốc viếng thăm. Thi thoảng có vài ba bác già giọng miền Nam trầm trồ trước kiến trúc cổ xưa với các hình chạm khắc gỗ tinh tế và không gian thờ tự trang nghiêm của ngôi đền. Dạo một vòng bên trong đền, ngắm nghía mọi thứ từ bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, hoành phi đến tường hồi chạm khắc phù điêu và thơ chữ Hán, tôi trở ra bên ngoài qua một cánh cửa khác. Trước mặt ngôi bái đường, ở hai bên sân đền là những khoảnh đất trồng các cây cổ thụ có tuổi đời lên đến trăm năm tuổi, hiền hòa đón từng vị khách ghé thăm.
Mùa nắng ngọt, đứng dưới bóng những cây cổ thụ cao lớn lá xanh rậm rì được trồng trong khuôn viên đền, tôi đắm chìm vào bầu không khí buổi sớm mai se sẽ mơ hồ. Mùi nhang khói từ các lư đồng thoang thoảng quẩn quanh, nắng nhẹ nhàng se chỉ qua những khoảng hở trên tán cây rậm mát. Tiết trời lành lạnh cùng với ánh nắng dịu dàng cứ chầm chậm loang giữa tâm hồn tôi rồi nở rộ thành đóa hoa thủy tinh lấp lánh dáng dấp của những hoa văn trên mặt trống đồng.
Dẫu thời gian tự do của tôi trong buổi sáng hôm đó vô cùng hạn hẹp, tôi vẫn không thể nào rời chân khỏi đền Quán Thánh ngay tắp lự. Tôi ngơ ngẩn ngước lên để ánh mắt chạm vào những tia nắng đang trêu đùa tán lá, đưa bàn tay cố với tới bầu trời xanh vòi vọi hiền hòa. Tôi đặt tay mình chạm lên lớp vỏ sần sùi của thân cây cổ thụ, men theo những vết nứt toác của vỏ cây đã khô mốc, cảm nhận rõ rệt sự thô ráp của những biểu bì đã trơ khấc cùng nắng mưa bao mùa.
Tôi không rõ những cây cổ thụ trong đền Quán Thánh có tuổi thọ chính xác là bao năm. Chỉ biết khi nhẹ nhàng đặt bàn tay mình lên đó, tôi như đang chạm vào bàn tay khô gầy đầy gân xanh của người mẹ tảo tần hôm sớm, như đang cảm nhận từng nhịp thở đều đều bình an của một linh hồn Đông A nghìn tuổi đương thảnh thơi tận hưởng khí trời đầu ngày dịu ngọt.
Tôi mải miết đi trong khuôn viên ngôi đền, đến sờ lên từng thân cây cổ thụ, vuốt ve nhè nhẹ từng mảnh vỏ rời rạc nứt toác không thể nào gắn liền. Có lúc dường như chìm đắm theo tiếng gọi xa xôi, tôi đặt cả má mình lên đó, nhắm mắt lại và cảm nhận một tâm hồn trống rỗng hoàn toàn. Không gợn chút nghĩ suy, không bận tâm về điều gì khác cả. Đôi mắt tôi ngước lên, nhìn theo những cành cây đã bị rêu xanh bám đầy, những vết sẹo lồi lõm sau bao lần cưa chặt. Những vết sẹo của thời gian lưu đầy trên từng thân cây cổ thụ, trên mảng tường đã cũ, viên ngói màu rêu phong và những tàn tích của thăng trầm lịch sử. Qua bao triều đại, bao cuộc chiến tranh, bao biến thiên xã hội, đền Quán Thánh chứng kiến người Hà Nội kiên cường giữ lấy nước mình, giữ văn hoá mình để bước tới những năm tháng yên bình xa mùi khói súng.
Lá xanh trên đầu vẫn miệt mài lời ru non nước, vẫn đắm say cùng mây trời trong vắt, vẫn xoa dịu hồn người giữa hối hả mưu sinh.
Sáng hôm ấy lạc trong đền Quán Thánh, tôi tìm thấy một nơi để mình ghé đến vào mỗi lần trở về Hà Nội thân thương. Tôi sẽ lại đi dưới bóng mát lành lạnh của những tán cây trăm năm tuổi, sẽ lại đắm mình vào bầu không khí trầm mặc khói nhang, sẽ lại ngả đầu lên một thân cây trăm tuổi xù xì nham nhám. Tôi sẽ về để nghe trong tiếng gió xào xạc thoảng lời ru cổ thụ – lời ru của hồn thiêng xứ sở thổi vọng về từ ngàn năm Tổ quốc.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Mình sẽ rất hạnh phúc nếu bạn ghi lại đây những cảm nhận của bạn hoặc là những thắc mắc muốn được giải đáp thêm. Mình sẽ phản hồi bạn trực tiếp qua bình luận hoặc nếu cần, mình sẽ lên một bài viết mới để hồi đáp đầy đủ và chi tiết.
Bạn có thể kết nối với mình nhiều hơn tại: https://linktr.ee/hoaluongwriter