Tại sao người viết nên trải nghiệm nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau?

Là một người viết, bạn cần tìm kiếm những nguồn cảm hứng và cách thức sáng tạo mới để thể hiện bản thân thật độc đáo. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất để đạt được điều này là trải nghiệm các bộ môn nghệ thuật khác nhau. 

Âm nhạc, hội họa, nhảy múa hay điện ảnh… mỗi hình thức nghệ thuật đều sẽ mang đến cho bạn những góc nhìn và kỹ năng mới mẻ để bạn viết ngày càng tốt hơn. Dưới đây là 5 lý do để một người viết bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật.

1/ Mở rộng vốn từ và khả năng diễn đạt: mỗi môn nghệ thuật có ngôn ngữ thể hiện riêng biệt

Mỗi bộ môn nghệ thuật đều sở hữu một ngôn ngữ riêng biệt. Từ đó truyền tải các thông điệp, khơi gợi cảm xúc và thể hiện ý tưởng sáng tạo của người nghệ sĩ. Khi bạn khám phá và trải nghiệm nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau, bạn có thể mở rộng vốn từ vựng, rèn khả năng diễn đạt phong phú, cải thiện tư duy thẩm mỹ theo từng bộ môn. Nhờ đó, tác phẩm của bạn sẽ giàu sức biểu cảm và sống động hơn. 

Âm nhạc truyền tải cảm xúc qua giai điệu và ca từ. Hội họa sử dụng màu sắc, đường nét và hình khối. Văn học dựa vào ngôn từ để chạm đến tâm thức người đọc. Nhảy múa sử dụng ngôn ngữ của hình thể kết hợp với âm nhạc và sân khấu để thể hiện thông điệp. Khi tiếp xúc với các ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, người viết sẽ hiểu rộng và hiểu sâu hơn về thế giới xung quanh. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều sẽ phản ánh những góc nhìn độc đáo về đời sống, về xã hội và bản thân con người. Từ đó, nguồn cảm hứng sáng tạo của người viết sẽ được khơi thông.

Nếu bạn là một người viết có đam mê hay tìm hiểu về hội họa, bạn thường sẽ nhạy cảm với màu sắc, hình khối, đường nét và những thông điệp không lời. Bạn cũng sẽ hiểu hơn về những kỹ thuật của hội họa như chia tỉ lệ, xác định bố cục, pha màu, phối các lớp màu… Khi viết, bạn có thể sử dụng những hiểu biết này để miêu tả bối cảnh, nhân vật, sự chuyển động, tạo “màu truyện” để thêm phần sinh động. 

Một ví dụ nhỏ về việc miêu tả dựa trên tư duy mỹ thuật:

“Đêm dài tiếng nhạc bi ai, mưa vẫn dai dẳng ngoài khung cửa vắng đèn. Căn phòng nhỏ lờ mờ ánh sáng từ cây nến thơm Nương đốt trên bàn. Chiếc váy voan rủ buồn theo làn tóc, Nương nghiêng mặt khóc trên cánh tay mình. Không gian tịch mịch gợi nỗi lòng điêu linh…”

(Trích Nếu anh là định mệnh – Hòa Lương)

2/ Kích thích tư duy sáng tạo: nghệ thuật là lĩnh vực của sự sáng tạo và phá cách, khơi gợi cảm hứng và ý tưởng mới

Nghệ thuật là địa hạt của những ý tưởng sáng tạo và đột phá, cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng cho người viết. Khi đắm chìm trong không gian của nghệ thuật, người viết tiếp xúc với những góc nhìn mới mẻ, tư duy độc đáo và cách thể hiện đa dạng.

Lĩnh vực nghệ thuật luôn khuyến khích con người phá cách và thử nghiệm những điều mới mẻ. Họ được tự do sáng tạo và không giới hạn trong việc thể hiện bản thân. Người viết mang cốt cách nghệ sĩ sẽ thoát khỏi những lối mòn của tư duy, thử nghiệm các ý tưởng mới mẻ và táo bạo để tạo nên những tác phẩm đậm dấu ấn cá nhân.

Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều mang theo một câu chuyện, một thông điệp, một góc nhìn của người sáng tạo về thế giới. Nghệ thuật có khả năng đặc biệt khơi gợi cảm xúc và lay động tâm hồn của người thưởng thức. Tiếp xúc với nghệ thuật thường xuyên với một cảm quan thẩm mỹ cao, người viết dễ dàng tìm được cảm hứng để thấu hiểu và diễn tả cảm xúc chân thực, sinh động trong tác phẩm của chính mình. 

Trong tác phẩm “Dưới ánh nắng hay trong bóng râm”, nhà văn trinh thám Lawrence Block đã biên tập lại một loạt truyện theo phong cách cường điệu và rầu rĩ dựa trên các tranh vẽ của họa sĩ Edward Hopper. Hay như tác phẩm “Khát vọng sống” của Irving Stone cũng được lấy cảm hứng từ cuộc đời và di sản nghệ thuật của Vincent Vangogh. 

Đọc thêm: 

8 tác phẩm văn học lấy cảm hứng từ các bức tranh nổi tiếng

3/ Nhìn thế giới bằng nhiều lăng kính: nghệ thuật rèn khả năng quan sát, cảm nhận và miêu tả

Không chỉ tác động tới người viết như đã liệt kê, nghệ thuật còn có khả năng bồi dưỡng năng lực quan sát và hình thành những cảm nhận tinh tế. 

Để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật chân chính, người nghệ sĩ cần nhìn sâu để thấy đối tượng sáng tác một cách tỉ mỉ và ghi nhận mọi chi tiết dù là nhỏ nhất. Khi vận dụng chúng vào viết lách, tác giả sẽ có khả năng miêu tả chính xác, sinh động để người đọc thấy mọi diễn biến của câu chuyện gần như đang xảy ra ngay trước mặt.

Ngoài ra, nghệ thuật cũng giúp người viết thấu hiểu những trạng thái tinh thần của con người và truyền tải chúng chân thực trong tác phẩm của mình. Khiêu vũ không cần lời nói, hội họa không cần lời nói, điêu khắc cũng không cần lời nói. Nhiều bộ môn nghệ thuật vẫn thể hiện tốt nội dung, thông điệp và cảm xúc mà không cần đến ngôn ngữ. Đến văn học, nó sử dụng ngôn ngữ để nói về tất cả những môn nghệ thuật khác.

Nếu nhân vật của bạn là một nghệ sĩ múa, sự hiểu biết về môn nghệ thuật này là thực sự cần thiết để bạn có thể miêu tả những đặc điểm của họ. Đó có thể là những điểm đặc biệt trên cơ thể của một người có năng khiếu múa thiên bẩm; những chuyển động mềm mại, uyển chuyển hay dứt khoát, mạnh mẽ; những phức tạp trong cảm xúc của một người khao khát được tỏa sáng trên sân khấu biểu diễn và vẻ đẹp của một bài múa với nhiều động tác khó cùng thần sắc khi trình diễn đầy mê hoặc… Không có sự quan sát tỉ mỉ, không tìm hiểu, thưởng thức hay thậm chí là thử sức với bộ môn này, e là bạn sẽ khó để viết về nó một cách thuyết phục và đầy thẩm mỹ nghệ thuật.

Đọc thêm:

Viết lách và làm phim: sự tương đồng đầy tính nghệ thuật

4/ Phát triển tư duy phản biện: người xem suy ngẫm, trình bày quan điểm và lập luận logic để bảo vệ quan điểm của mình

Nghệ thuật không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn giúp con người phát triển tư duy phản biện. Trong khi thưởng thức nghệ thuật, người xem được khuyến khích để suy ngẫm, phân tích, đánh giá và phản biện nếu có. 

Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều ẩn chứa những thông điệp, ý nghĩa riêng mà người nghệ sĩ muốn truyền tải. Khi chúng không thể hiện bằng lời, người xem sẽ đặt ra các câu hỏi, suy ngẫm về những thông điệp rồi hình thành tư duy phản biện và khả năng phân tích vấn đề. Vì lẽ đó mà chúng ta có những nhà phê bình và bản thân mỗi khán giả cũng có cảm nhận riêng của mình đối với tác phẩm. Không khó để bạn đọc được những bài “review” một tác phẩm điện ảnh, một bộ phim, một buổi/tiết mục trình diễn, một bức tranh/bức ảnh… vừa thể hiện được tính chuyên môn vừa phản ánh quan điểm cá nhân của người viết.

Nghệ thuật là sáng tạo, là tự do, là phá bỏ các giới hạn nên nó cũng giúp ta nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn. Trong nghệ thuật, không có đúng hay sai. Tiếp xúc với nhiều tác phẩm nghệ thuật khác nhau, người xem sẽ được mở rộng tầm nhìn, tránh tư duy rập khuôn. 

Cô gái trong bức tranh nổi tiếng Mona Lisa của danh họa Leonardo Da Vinci được ca ngợi là mang vẻ đẹp bí ẩn và mơ hồ. Tuy nhiên, nhiều người không cảm nhận được điều đó. Dù bạn là người yêu thích hay không thích bức tranh, khi viết về nó, bạn cũng cần đưa ra quan điểm rõ ràng với những luận cứ thuyết phục người đọc.

5/ Thêm hiểu biết về văn hóa – xã hội: nghệ thuật phản ánh đời sống xã hội và văn hóa của con người

Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu xã hội và văn hóa của con người ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, ta hiểu hơn về tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lối sống… của con người trong từng thời đại.

Nghệ thuật là sự thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Đó có thể là văn học dân gian, các hình thức diễn xướng dân gian hay kiến trúc, trang phục… Những hiểu biết về nghệ thuật cũng giúp ta nắm được bản sắc văn hóa của dân tộc để trân trọng và gìn giữ những gì tốt đẹp cho thế hệ ta và thế hệ sau.

Ngoài ra, nghệ thuật cũng phản ánh các vấn đề tồn tại trong xã hội. Nó là tiếng nói của con người trong xã hội đương thời, là công cụ để lên án tệ nạn xã hội và những bất công, là phương tiện để đề cao các giá trị nhân văn. Thông qua các tác phẩm, ta biết con người đang đối mặt với điều gì để bài trừ rồi từ đó xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Trong tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn”, Nguyễn Xuân Khánh thể hiện sống động đời sống văn hóa – xã hội của người Việt ở thời kỳ thực dân Pháp xâm lược (cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX). Để viết được tác phẩm lớn này, ông không chỉ đào sâu tìm hiểu về xã hội Việt Nam thời đó để lấy chất liệu sáng tác mà còn tìm tòi cách thể hiện những vẻ đẹp của nghệ thuật dân gian Việt Nam dưới dạng ngôn ngữ. 

Đọc thêm:

Mẫu thượng ngàn & bước ngoặt trong sự nghiệp cầm bút của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Nghệ thuật là suối nguồn sáng tạo với vô vàn điều kỳ diệu để người viết trải nghiệm và khám phá. Bạn hãy thử đắm mình vào thế giới của các bộ môn nghệ thuật khác nhau để mở rộng tầm nhìn, khơi nguồn cảm hứng, nuôi dưỡng khả năng sáng tạo và nâng tầm kỹ năng viết. Nghệ thuật sẽ dẫn dắt bạn đến chân trời sáng tạo mới mẻ và biến các ý tưởng có vẻ hoang đường thành những tác phẩm văn chương thật thụ.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Mình sẽ rất hạnh phúc nếu bạn ghi lại đây những cảm nhận của bạn hoặc là những thắc mắc muốn được giải đáp thêm. Mình sẽ phản hồi bạn trực tiếp qua bình luận hoặc nếu cần, mình sẽ lên một bài viết mới để hồi đáp đầy đủ và chi tiết.

Bạn có thể kết nối với mình nhiều hơn tại: https://linktr.ee/hoaluongwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .