Vượt qua tâm lý trì hoãn là điều mà bạn cần làm để có thể bắt đầu và duy trì hoạt động viết lách. Đôi khi, việc bắt tay vào một dự án viết có thể rất khó khăn, dù cho bạn đã có ý tưởng và kế hoạch sẵn sàng. Tuy nhiên, với một số cách đơn giản, bạn có thể đánh bại sự trì hoãn và thúc đẩy quá trình sáng tạo.
1. Đặt mục tiêu nhỏ và cụ thể
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trì hoãn của người viết là vì cảm thấy áp lực trước những mục tiêu quá lớn hoặc mơ hồ. Người mới luyện viết được vài ngày dĩ nhiên sẽ choáng ngợp trước suy nghĩ mình phải trở thành nhà văn nổi tiếng hay sống tốt với nghề viết.
Để khắc phục điều này, bạn nên chia nhỏ giấc mơ cầm bút của mình thành các mục tiêu cụ thể, có thể theo dõi, đánh giá được trong một thời gian tương đối ngắn. Điều này sẽ dễ dàng hơn cho bạn để dễ đạt được nó. Cảm giác hoàn thành và chinh phục từ những cột mốc nhỏ ban đầu sẽ hình thành động lực, củng cố niềm tin để bạn tiếp tục với những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.
Thay vì yêu cầu bản thân viết được bài hoàn chỉnh trong một lần ngồi làm việc, bạn nên thử viết một đoạn ngắn hoặc một ý tưởng nhỏ trước. Ví dụ, bạn có thể đặt mục tiêu viết 100 từ trong 10 phút. Khi làm tốt, đừng quên tự thưởng cho mình một chút thời gian nghỉ ngơi trước khi tiếp tục với mức độ khó tăng dần. Việc này không chỉ giúp giảm áp lực mà còn tạo động lực cho bạn vì nhận thức được chính mình đang tiến bộ qua từng bước nhỏ.
Trong 6 tháng đầu đi theo viết chuyên nghiệp, mục tiêu của mình đơn giản là mỗi ngày đều đăng 1 bài trên FB, không quan trọng dài bao nhiêu chữ hay viết về chủ đề gì. Cho tới hiện tại, mình sẽ phân loại bài viết để đăng cho phù hợp với từng nền tảng, định dạng nội dung và tần suất khác nhau. Nếu ban đầu viết 1000 từ còn chật vật thì đến giờ, có những ngày mình viết khoảng 10000 từ.
Đọc thêm:
Bật mí 9 cách để bạn viết 10k chữ 1 ngày
2. Tạo ra một môi trường viết thoải mái
Môi trường xung quanh thường có ảnh hưởng lớn đến hiệu suất làm việc của bạn. Không gian làm việc chật chội, lộn xộn, ẩm mốc, thiếu sáng hoặc đầy tiếng ồn có thể khiến bạn mất tập trung và dễ trì hoãn. Hãy dành thời gian để sắp xếp cho chính mình một không gian làm việc gọn gàng và thoải mái nhất.
Như mình sẽ thích làm việc với một cái bàn lớn đủ để mình bày biện máy móc, những món đồ hay dùng và vài món đồ trang trí. Căn phòng lấy ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ tương đối lớn và bên ngoài có cây xanh. Những yếu tố ngoài trời giúp mình dễ chịu và thường khơi gợi nhiều cảm hứng viết bài hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lắng nghe những bản nhạc không lời hoặc các loại âm thanh nhẹ nhàng để tạo ra bầu không khí thư giãn. Một nơi yên tĩnh và ít bị phân tâm sẽ giúp bạn tập trung nhiều hơn vào việc viết, vượt qua tâm lý trì hoãn.
Đọc thêm:
6 cách tìm ý tưởng tốt nhất trước khi bắt đầu viết
3. Lên kế hoạch thời gian cụ thể
Khi bạn lên kế hoạch thời gian cụ thể để viết, bạn sẽ tạo ra một thói quen viết lách ổn định và tránh được sự trì hoãn. Bạn nên ưu tiên chọn khoảng thời gian mà bạn cảm thấy tỉnh táo và sáng tạo nhất trong ngày để dành riêng cho việc viết.
Ví dụ, bạn tập trung tốt nhất vào sáng sớm, trước khi mọi người thức giấc và các âm thanh sinh hoạt thường ngày quấy nhiễu. Vậy thì bạn nên viết vào lúc đó. Bởi đó là khi tâm trí bạn còn “trong lành” và chưa bị ảnh hưởng bởi những lo toan trong ngày. Hãy coi thời gian này như một cuộc hẹn quan trọng mà bạn không thể bỏ lỡ. Điều này sẽ giúp bạn duy trì kỷ luật và đảm bảo rằng bạn đang tiến bộ mỗi ngày.
Năm 2022, mình có chuyến du lịch 2 tuần ở Hà Nội. Trong thời gian đó, mình hạn chế làm việc tối đa để ra ngoài thăm thú và gặp gỡ những người bạn viết, học viên. Mình dậy từ 5 giờ, làm việc tới khoảng 8 giờ sáng. Vì chỉ có 3 tiếng mỗi ngày nên mình tập trung hơn để vừa thư thả đi đây đó, vừa đảm bảo công việc không bị ảnh hưởng.
4. Sử dụng kỹ thuật Pomodoro
Kỹ thuật Pomodoro là một phương pháp quản lý thời gian hiệu quả, giúp bạn duy trì sự tập trung và năng suất trong quá trình làm việc. Phương pháp này yêu cầu bạn chia công việc thành các khoảng thời gian làm việc 25 phút, được gọi là một “Pomodoro”, xen kẽ với những khoảng nghỉ ngắn 5 phút.
Khi bạn sử dụng kỹ thuật này để viết, bạn sẽ thấy rằng 25 phút đủ dài để hoàn thành một phần công việc nhưng không quá dài để khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Sau 4 lần Pomodoro, bạn có thể thưởng cho mình một khoảng nghỉ dài hơn, khoảng 15-30 phút, để tái tạo năng lượng.
Bạn cũng có thể biến tấu khoảng thời gian làm việc và khoảng nghỉ ngắn hơn hoặc dài hơn một chút để phù hợp với bản thân. Ví dụ như trung bình bạn cần 30 phút để hoàn thành một bài viết thô. Vậy bạn có thể áp dụng chế độ 30 – 5 giữa làm việc và nghỉ ngắn.
Phương pháp này không chỉ giúp bạn tập trung tốt hơn, vượt qua tâm lý trì hoãn mà còn hỗ trợ bạn bảo toàn năng lượng. Trong các quãng nghỉ ngắn, bạn có thể vận động nhẹ nhàng tại chỗ hoặc tập các bài dành cho dân văn phòng, đi uống nước…
5. Viết bản nháp không hoàn hảo
Một trong những lý do khiến bạn trì hoãn viết là do bạn yêu cầu quá cao về chất lượng bài viết ngay từ đầu. Suy nghĩ về bài viết hoàn hảo có thể khiến bạn cảm thấy áp lực và thậm chí không muốn bắt đầu.
Thay vì cố gắng viết ra một văn bản đáng giá ngay, hãy tập trung vào việc viết bản nháp đầu tiên mà không lo lắng quá nhiều về sự hoàn hảo. Hãy để ý tưởng của bạn tuôn trào tự do trong quá trình viết. Bạn có thể quay lại và chỉnh sửa sau khi đã hoàn thành bản nháp ấy. Điều quan trọng là bạn đã có một bản nháp để làm các việc chỉnh sửa, biên tập từ đó.
Có thể bạn chưa biết, trong nhiều trường hợp, việc biên tập đôi khi tốn nhiều thời gian và công sức hơn cả việc viết ý tưởng ra thành văn bản. Đặc biệt khi bạn là người viết mới và bạn không có nền tảng về viết lách để tự đánh giá, chỉnh sửa bài viết cho bản thân. Nhiều học viên của mình từng thảng thốt vì cứ tưởng đã tự biên tập bài chỉn chu lắm rồi nhưng mình vẫn chỉ ra cả mấy chục lỗi kèm theo lý do và cách khắc phục. Điều đó thật sự lại đáng quý vì bạn biết lỗi trong bài là gì thì bạn sẽ biết cách làm sao để tránh hay xử lý nó trong những bài viết sau này.
Bạn cũng có thể mua các tài liệu số hướng dẫn viết và biên tập hoặc tham gia các khóa học viết trong tháng 9 của mình để được học – hành cả 2 kỹ năng.
6. Tìm nguồn cảm hứng bên ngoài
Khi bạn cảm thấy bị mắc kẹt, hãy tìm những nguồn cảm hứng bên ngoài để kích thích trí tưởng tượng. Điều này có thể bao gồm việc đọc sách, xem phim, nghe nhạc hoặc thậm chí là đi dạo ngoài trời… Mục tiêu là đưa chính bạn ra khỏi môi trường quen thuộc và tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ.
Hãy lưu ý rằng nguồn cảm hứng không cần phải liên quan trực tiếp đến chủ đề bạn đang viết. Đôi khi, một câu chuyện, một bức tranh, hoặc một cảnh quan đẹp có thể mang lại cho bạn những ý tưởng bất ngờ và sáng tạo.
Đọc thêm:
5 nguồn cảm hứng viết truyện cho người thích sáng tác
30 điều thân thuộc gợi cảm hứng sáng tạo mỗi ngày
5 ý tưởng viết truyện dễ lên báo
7. Tự thưởng cho bản thân
Tự thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành một mục tiêu nhất định là cách để bạn duy trì động lực và vượt qua tâm lý trì hoãn. Phần thưởng không cần phải lớn, có thể đơn giản là một tách cà phê, một món ăn ngon hay một khoảng thời gian thư giãn để làm điều bạn thích, bất cứ thứ gì khiến tâm trạng bạn tốt hơn.
Nếu bạn biết sẽ nhận được phần thưởng khi hoàn thành bài viết hay bản thảo, bạn sẽ cảm thấy hứng thú hơn và dễ dàng vượt qua sự trì hoãn. Việc tự thưởng không chỉ là để khuyến khích bản thân mà còn là cách để bạn ghi nhận sự cố gắng và tiến bộ của mình.
Năm nay mình không đi nhiều nơi như những năm trước nhưng mình vẫn có những chuyến đi trong ngày, 2 ngày 1 đêm hoặc những lần la cà quán xá. Đó là những phần thưởng mình dành cho bản thân vì đã chăm chỉ làm việc. Chúng khiến mình thấy hạnh phúc hơn, tự hào về mình hơn và cũng giúp mình giải tỏa những căng thẳng, lấy lại năng lượng tươi vui để tiếp tục lao động.
Kết luận
Vượt qua tâm lý trì hoãn khi viết không phải là điều dễ dàng nhưng bạn vẫn có thể bắt đầu bằng những bước nhỏ để khắc phục dần dần. Khi bạn làm được những điều đã nêu phía trên, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui của việc viết lách và duy trì nó lâu dài.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết, hành trình trở thành người kinh doanh chuyên môn và các sáng tác của Sẻ nâu. Ghé thăm mình tại Facebook, Instagram để kết nối nhiều hơn nghen!