5 ý tưởng viết truyện dễ lên báo

Ý tưởng viết truyện nào dễ được đăng lên báo là chủ đề được nhiều tác giả quan tâm. Để tăng cơ hội có truyện đăng báo, thử tham khảo 5 gợi ý viết truyện ngắn thế sự – đời tư đến từ Sẻ Nâu hôm nay nhé!

Ý tưởng viết truyện nào dễ được đăng lên báo là chủ đề được nhiều tác giả quan tâm. Để tăng cơ hội có truyện đăng báo, thử tham khảo 5 gợi ý viết truyện ngắn thế sự - đời tư đến từ Sẻ Nâu.

Mảng đề tài thế sự – đời tư trong văn học Việt Nam đương thời

Trong dòng chảy của văn học Việt Nam hậu hiện đại (văn học đương đại), đặc biệt là văn chương đăng trên các ấn phẩm báo và tạp chí, mảng đề tài thế sự – đời tư vẫn luôn có sức hút. Đây là mảnh đất màu mỡ để các tác giả phát huy sức sáng tạo khi phát triển cốt truyện, thử sức với các kiểu kết cấu truyện và xây dựng những nhân vật trong truyện ngắn ghi dấu ấn với người đọc… 

Vì là đề tài liên quan tới thế sự – đời tư nên hầu hết các tác phẩm sẽ thuộc loại hình truyện ngắn – tiểu thuyết hóa hoặc truyện ngắn – trữ tình hóa. Chúng gần gũi với đời sống xã hội hiện nay, lấy những con người bình thường trong xã hội làm trung tâm của câu chuyện. Từ đó tác giả phản ánh thực trạng đời sống với đủ những xô bồ, phức tạp, rối ren. Người đọc thông qua tác phẩm để khám phá thế giới nội tâm của nhân vật, những chuyện thế thái nhân tình, đúc rút ra cho mình những thông điệp. Lựa chọn mảng đề tài quen thuộc này cũng giúp tác giả có thể ghi chép lại những gì bản thân quan sát được, chiêm nghiệm được dưới một hình thức văn học có tính hư cấu. 

Ý tưởng viết truyện về thế sự – đời tư có thể đến từ bất cứ đâu, miễn là người viết chịu đào sâu vào nó. Bởi ngay từ tên gọi đã cho thấy sự sát sao của nó với đời sống bình thường của con người trong một xã hội hiện đại đang không ngừng chuyển động và ngày càng hối hả. Trong vòng quay đó, có những kiểu nhân vật đại diện cho một bộ phận trong xã hội, cũng sẽ có kiểu nhân vật tiêu biểu cho những con người ít được chú ý đến. 

Đọc những truyện ngắn được đăng trên báo Nhân dân điện tử, bạn có thể thấy những ý tưởng để viết truyện cực kỳ gần gũi. Đó có thể là về một căn nhà ngoại ô, mùi hoa dạ lý, những chậu hoa giấy, hoàng hôn, tiếng bìm bịp, thoảng hương chiều tà… Hay truyện Trong hộp thiếc của tác giả Thanh Ly trên báo Văn nghệ cũng vậy.

Đọc thêm:

5 nguồn cảm hứng viết truyện cho người thích sáng tác

30 điều thân thuộc gợi cảm hứng sáng tạo mỗi ngày

30+ gợi ý viết truyện để bạn sáng tạo hơn (phần 2)

5 ý tưởng viết truyện dễ có cơ hội đăng báo

Để tác phẩm của bạn dễ có cơ hội đăng báo, bạn cần chọn được những ý tưởng viết truyện ngắn phù hợp. Vì báo chí là cơ quan ngôn luận của trung ương và địa phương nên các đề tài đưa lên cần có tính chính thống, phù hợp với đông đảo quần chúng. 

Dưới đây là 5 gợi ý mà bạn có thể tham khảo và phát triển thêm để tự tạo ra kho ý tưởng cho bản thân khai thác dần.

1/ Ý tưởng từ bản thân

Viết về bản thân mang tới lợi thế cho tác giả khi có thể khai thác những câu chuyện từ chính mình, gia cố thêm bằng kỹ thuật viết truyện và những chi tiết hư cấu để tạo ra một tác phẩm hoàn thiện.

Truyện ngắn là một thể loại tự sự hư cấu (fiction) nên bạn không cần kể 100% sự thật mà có thể chắt lọc những gì sẽ được mang từ ngoài đời vào câu chuyện. Khi viết truyện Sóng trôi đáy mắt, tôi bắt đầu với một ý tưởng từ cuộc tình cũ của bản thân. Truyện cũng nhận được phản hồi khá tốt từ bạn đọc là những người theo dõi tôi trên FB và website hoaluong.com.

Truyện "Sóng trôi đáy mắt" lấy ý tưởng từ một câu chuyện tình yêu của chính tác giả Hòa Lương
Truyện “Sóng trôi đáy mắt” lấy ý tưởng từ một câu chuyện tình yêu của chính tác giả Hòa Lương

Nam Cao khi viết những truyện ngắn Đời thừa, Sống mòn… cũng xây dựng các nhân vật với hoàn cảnh sống chật vật vì nghèo khó. Tâm thế giằng co giữa kiếm tiền lo cho gia đình với sống theo lý tưởng viết ra những trang văn để đời luôn giày vò nhân vật. Trong những truyện này, ý tưởng về nhân vật và cốt truyện đến từ chính cuộc đời của ông – một người tri thức nghèo gốc nông dân.

2/ Ý tưởng từ gia đình 

Những người thân yêu bao giờ cũng là những nguyên mẫu sống động để bạn mang vào trong các sáng tác. Những câu chuyện xảy ra trong gia đình, họ hàng cũng có thể trở thành ý tưởng viết truyện cho bạn. 

Bạn có thể lấy chính những câu chuyện xảy ra trong nhà mình để làm khởi đầu cho một truyện ngắn. Trong nhiều tác phẩm của Nam Cao, ông đã dựa trên chuyện nhà mình rồi biến nó thành một tấm gương phản chiếu thực trạng xã hội lúc bấy giờ. Tiêu biểu như trong truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó, ông đã sử dụng tình huống người chồng rủ ba ông bạn tụ tập với nhau đánh chén no say bằng hết cả một con chó. Người vợ và bốn đứa con gầy xơ xác ở dưới nhà nhịn đói, chờ đợi và hi vọng khi tàn bữa rượu sẽ còn sót lại chút gì để ăn. Nhưng khi cô con gái cả bưng cái mâm xuống thì chỉ còn những cái bát không nằm trơ ra. Cả bốn mẹ con đều khóc, cái khóc của mỗi người khác nhau nhưng đều liên quan tới cơn đói. 

3/ Ý tưởng từ quê hương hoặc nơi mình sống

Chọn những ý tưởng viết truyện từ thực tế cuộc sống của những người hàng xóm ở nơi bạn sống cũng là một gợi ý không tồi. Nếu bạn chịu khó quan sát và lắng nghe những câu chuyện được truyền miệng ở nơi bạn sinh sống, chắc chắn bạn sẽ có không ít ý tưởng sáng tác.

Những vùng thôn quê ngày nay thường có chuyện về những người nông dân biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chuyện xây dựng nông thôn mới, chuyện làng quê đang dần đô thị hóa… Ở thành phố lại càng nhiều chuyện để viết. Đó có thể là chuyện quy hoạch đô thị, chuyện những con người theo đuổi ước mơ, chuyện mưu sinh vất vả, chuyện những con người nghèo khó lay lắt sống giữa nơi phố thị phù hoa…

Nhiều nhân vật, chi tiết trong tác phẩm Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng được lấy nguyên mẫu từ những con người, đặc điểm ở làng Thụy Liên (Thái Thụy – Thái Bình) nơi ông gắn bó suốt thời thơ ấu. Đến mức, theo ông kể, có nhiều người trong làng, trong họ đã “giận” ông tới mức không muốn cho ông về quê. Sau này, ông phải nhờ cha mình để xin lỗi và nói đỡ cho mới được về làng bình thường.

4/ Ý tưởng viết từ những câu chuyện được lan truyền trên mạng

Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, những câu chuyện của một cá nhân, một tập thể cũng dễ dàng được lan truyền với sự quan tâm lớn từ cộng đồng người dùng. Rất nhiều câu chuyện được kể lại lôi cuốn không thua kém những tiểu thuyết và nếu khai thác chúng để đưa vào truyện, bạn dễ có cơ hội đăng báo. Bởi vì chúng đang được dư luận quan tâm, phản ánh đúng thực tế đời sống hiện thời.

Gần đây, nếu bạn là một người thường lướt mạng, ắt sẽ biết tới chuyện của thầy Thích Minh Tuệ, Thích Chân Quang và hàng loạt bài liên quan tới các sư thầy, sư cô, Phật pháp… Trong xã hội mà thông tin đưa lên chưa chắc đã được kiểm chứng, tin giả lan tràn và truyền thông thường định hướng dư luận thì có không ít chuyện để bạn biến thành truyện. Truyện có yếu tố về tu hành, tỉnh thức hay Phật giáo cũng là một ý tưởng viết đáng thử sức.

5/ Ý tưởng viết từ các tác phẩm văn học nghệ thuật

Các tác phẩm văn học nghệ thuật từ xưa đã luôn là một nguồn cảm hứng cho những tác giả thời kỳ sau. Trong bài viết Tại sao người viết nên trải nghiệm nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau?, tôi đã đề cập tới những điều mà người viết có thể học được từ những môn nghệ thuật. Một trong số đó chính là nguồn ý tưởng viết lách dồi dào, không bao giờ cạn kiệt.

Những tác phẩm văn học kinh điển hoặc những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng đã được giới chuyên môn công nhận về giá trị, cũng như được đại chúng yêu thích. Chính vì vậy, bạn có thể sẽ nảy ra ý tưởng viết truyện nào đó khi thưởng thức chúng. 

“Trong tác phẩm “Dưới ánh nắng hay trong bóng râm”, nhà văn trinh thám Lawrence Block đã biên tập lại một loạt truyện theo phong cách cường điệu và rầu rĩ dựa trên các tranh vẽ của họa sĩ Edward Hopper. Hay như tác phẩm “Khát vọng sống” của Irving Stone cũng được lấy cảm hứng từ cuộc đời và di sản nghệ thuật của Vincent Vangogh.”

Khi bạn đọc những tác phẩm của nhà văn Tống Phước Bảo, bạn có thể sẽ muốn viết gì đó về Sài Gòn, về Nam Bộ. Tuy nhiên, bạn cần hết sức tránh viết về cùng một chủ đề nhỏ giống như anh từng viết. Hoặc chí ít, nếu trùng chủ đề thì bạn phải triển khai bài viết theo cách khác với một hướng khai thác và văn phong khác anh.

Một lưu ý dành cho bạn là cần tuyệt đối tránh việc ăn cắp ý tưởng của người khác và biến nó thành của mình. Bạn có thể tham khảo, có thể lấy cảm hứng từ những tác giả khác nhưng sao chép nó thì không, nếu như không được sự cho phép.

Đọc thêm:

Phân biệt 3 khái niệm: copyworking – đạo văn – liên văn bản

Những ý tưởng viết truyện dễ lên báo thường không đến từ đâu xa xôi hay đòi hỏi bạn phải là một người có khả năng tưởng tượng phi phàm. Chúng đến từ những chuyện thường ngày vẫn đang diễn ra. Miễn là bạn chịu quan sát và thực hành biến chúng từ ý tưởng thành tác phẩm thì bạn sẽ có những truyện ngắn thế sự – đời tư dễ lọt mắt biên tập viên và được độc giả yêu quý.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .