Kết cấu là gì? Các kiểu kết cấu thường gặp trong truyện

Kết cấu là một yếu tố quan trọng trong các tác phẩm tự sự (truyện ngắn, tiểu thuyết…) bên cạnh nhân vật, cốt truyện, trần thuật.

Các tác phẩm tự sự hay còn gọi là truyện hiện nay có nhiều sự thay đổi từ đề tài, bối cảnh nghệ thuật, hình tượng nhân vật tới cốt truyện, kết cấu… so với văn học thời trước. Bài viết sau sẽ giới thiệu 8 kiểu kết cấu thường gặp trong thể loại này.

Kết cấu là gì?

Kết cấu là một phương tiện sáng tác nghệ thuật làm nên toàn bộ tổ chức của tác phẩm. Kết cấu tác phẩm gắn liền với cuộc sống và nội dung tư tưởng trong tác phẩm.

Lê Bá Hán cho rằng: “Kết cấu thể hiện một nội dung rộng rãi, phức tạp hơn. Tổ chức tác phẩm không chỉ giới hạn ở sự tiếp nội bề mặt, ở những tương quan bên trong. Bố cục là một phương diện của kết cấu. Ngoài bố cục, kết cấu còn bao gồm: tổ chức thời gian và không gian nghệ thuật của tác phẩm; nghệ thuật tổ chức những liên kết cụ thể của các thành phần của cốt truyện, nghệ thuật trình bày, bố trí các yếu tố ngoài cốt truyện, … sao cho toàn bộ tác phẩm thực sự trở thành một chỉnh thể nghệ thuật”.

Từ điển văn học định nghĩa kết cấu là “thuật ngữ chỉ sự sắp xếp, phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật – tức là sự cấu tạo tác phẩm, tùy theo nội dung và thể tài… gắn kết các yếu tố của hình thức và phối thuộc chúng với tư tưởng”.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, kết cấu là “toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm”.

Để trả lời cho câu hỏi kết cấu là gì, ta có thể khái quát: Kết cấu giúp bộc lộ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm, triển khai cốt truyện, cấu trúc tính cách nhân vật, tổ chức điểm nhìn trần thuật. Kỹ thuật, thủ pháp viết truyện có hạn còn kết cấu là vô hạn.

Những kiểu kết cấu thường gặp trong tác phẩm tự sự

Kết cấu truyện theo dòng thời gian tuyến tính

Kết cấu này có những đặc điểm gần gũi với kết cấu nhân – quả. Tức là những sự kiện xảy ra trước được kể trước, sự kiện xảy ra sau kể sau theo trật tự thời gian.

Kết cấu này thường gặp trong những truyện dân gian, truyện trung đại và truyện trước những năm đầu thế kỉ XX. Ví như Tấm Cám, Thạch Sanh

Kết cấu dòng ý thức (hay kết cấu tâm lý)

Đây là kiểu tổ chức truyện theo sự thay đổi trong tâm lý nhân vật hay còn gọi là kết cấu tâm lý. Nó khai thác và miêu tả những chuyển biến tâm lý vô cùng tinh vi và phức tạp của nhân vật truyện. Đặc điểm của loại này là cho thấy sự tù túng, bí bách trong bản thân nhân vật, những mâu thuẫn nội tâm và tự tranh đấu với chính mình.

Ví dụ như nhân vật Thứ trong Sống mòn của Nam Cao luôn bế tắc trong tấn bi kịch của một người tri thức nghèo. Cái ước mơ cao cả của anh bị cái hèn mọn của đời thường xâm lấn, đàn áp. Một con người có học thức, ước mơ và hoài bão nhưng phải sống trong cảnh nghèo khổ, nợ nần, vợ con nheo nhóc không khá lên được. Anh không thể tập trung sáng tác vì còn bận lo kiếm cái ăn cho gia đình. Để rồi anh sống mà như đang chết dần chết mòn trong vòng lặp của nghèo đói.

Một số tác phẩm được kể theo dòng ý thức là Đời thừa (Nam Cao), AQ chính truyện (Lỗ Tấn)…

Kết cấu đơn tuyến

Tác phẩm có một tuyến nhân vật chính, thường xuất hiện trong hồi ký, nhật ký. Một nhân vật là trung tâm và là đóng vai trò của người kể chuyện nhằm kể lại toàn bộ những chuyện đã xảy ra trong cuộc đời họ suốt một thời gian tương đối dài.

Theo nhà nghiên cứu Hà Minh Đức thì: “Nhân vật chính có thể là bản thân tác giả tự kể lại đời mình hoặc kể lại những sự kiện, hiện tượng của đời sống mà mình được chứng kiến (Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng). Cũng có khi nhân vật, nhập thân vào nhân vật để kể lại câu chuyện (trong Thuyền trưởng và đại úy của Cavêrin, nhân vật chính là Xanhaia tự kể chuyện mình”.

Những tác phẩm có thể kể đến như là Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Hồi ký Lý Quang Diệu

Kết cấu hai tuyến nhân vật đối lập

Trong kiểu này, tác giả xây dựng các nhân vật ở hai tuyến đối lập nhau. Thường là chia phe chính – tà.

Hình thức này gặp ở văn học dân gian và văn học cổ nhiều hơn vì đặc điểm thời kỳ đó là giáo dục con người làm theo lẽ phải. Trong văn học hiện đại có thể bắt gặp hai tuyến nhân vật đối lập trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Chí Phèo của Nam Cao khi làm rõ sự đối lập giữa tầng lớp nông dân đói khổ, cơ cực với giai cấp thống trị tham lam, tàn ác.

Kết cấu nhân vật đa tuyến

Trong các tác phẩm lớn, nhà văn khái quát bộ mặt xã hội trong một thời kỳ nên có sự xuất hiện của nhiều nhân vật thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, trải qua nhiều sự kiện khác nhau. Mỗi nhân vật lại có đặc điểm tính cách và diễn biến cuộc đời khác biệt.

Ở loại này, các nhân vật và sự kiện có thể đan xen, chồng chéo lên nhau tạo thành sự phức tạp của xã hội và con người trong các mối quan hệ của họ.

Ví dụ như Cửa biển (Nguyên Hồng), Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi)…

Trên đây là một số kiểu kết cấu thường gặp trong các tác phẩm tự sự như truyện ngắn, tiểu thuyết. Ngoài ra còn có các kết cấu khác như trùng điệp, đầu cuối tương ứng, bậc thang, đảo ngược… Mỗi tác giả sẽ sử dụng những kết cấu khác nhau hoặc thậm chí kết hợp chúng với nhau trong cùng một tác phẩm để đạt được hiệu quả nghệ thuật và thẩm mỹ cao nhất.

Kết cấu vòng tròn (hay kết cấu đầu cuối tương ứng)

Câu chuyện mở đầu ở hiện tại theo thời gian trong tác phẩm. Sau đó, các sự kiện được đưa ngược trở về quá khứ rồi kết thúc tại một bối cảnh của hiện tại. 

Kiểu kết cấu này phù hợp với những truyện mà các sự kiện trong quá khứ là tâm điểm của tác phẩm. Tại đó xảy ra những biến động lớn, có ảnh hưởng sâu sắc tới hiện tại, là nguyên nhân cho các vấn đề ở hiện tại của nhân vật. 

Để chuyển thời gian nghệ thuật từ một thời điểm nào đó hiện tại về lại quá khứ một cách hợp lý, các nhà văn thường để cho nhân vật của mình hồi tưởng lại. Chính vì vậy mà loại kết cấu này giúp câu chuyện thực hơn, người đọc có thể hiểu hơn về hành động và tính cách nhân vật. 

Trong truyện ngắn Chí Phèo, tác giả Nam Cao chọn hình ảnh khởi đầu cho cuộc đời nhân vật Chí là cái lò gạch cũ nơi hắn bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn. Kết truyện, Thị Nở vừa nhìn nhanh xuống bụng vừa thoáng nghĩ tới cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại. 

Kết cấu đồng hiện

Kết cấu đồng hiện là một phương pháp tổ chức nội dung trong truyện. Trong các tác phẩm sử dụng kết cấu này, những sự kiện, hình ảnh hoặc ý tưởng không tuân theo trình tự thời gian tuyến tính. Thay vào đó, nhà văn thể hiện các tình huống, không gian, sự kiện khác nhau trong cùng một thời điểm. 

Cách kể chuyện này giúp tác giả thể hiện sự đa chiều về không gian, giúp người đọc khám phá câu chuyện dưới nhiều góc nhìn và phác thảo chiều sâu tâm lý nhân vật một cách sinh động hơn. 

Ví dụ: truyện ngắn Bức tranh của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Những mảnh chuyện rời rạc, đan xen của người kể chuyện – một họa sĩ và ông thợ cắt tóc – người lính năm nhờ họa sĩ vẽ cho bức chân dung để mang về báo tin cho người nhà năm xưa, cứ luân phiên nhau hiện lên qua lời tự trần thuật lẫn tự vấn, tự trách của chính ông.

Kết cấu trùng phức (hay kết cấu truyện lồng trong truyện)

Trong kiểu kết cấu trùng phức, các câu chuyện nhỏ được lồng trong câu chuyện lớn mà người kể chuyện đang nói với độc giả. Người kể chuyện lúc này đóng vai trò như một đạo diễn, đứng ra ngoài để tổ chức câu chuyện qua lời kể của chính các nhân vật. Qua đó làm những tình tiết của truyện và chân dung của nhân vật.

Trong truyện Mảnh trăng cuối rừng, đan giữa mạch truyện hiện tại – khi Lãm đang lái xe giao hàng vượt rừng là những chuyện Lãm nhớ về chị gái, về cô người yêu tên Nguyệt được chị mai mối mà chính Lãm cũng đã hứa hẹn sẽ tìm gặp mặt.

Ngoài 8 kiểu kết cấu ở trên vẫn còn những kiểu khác như kết cấu đối lập, kết cấu bậc thang, kết cấu đảo ngược… 

Giờ thì bạn đã hiểu kết cấu là gì và những kiểu kết cấu thường gặp rồi phải không? Chia sẻ với mình về quan điểm của bạn nhé!

Tham khảo:

  1. http://phanthimyhanh.com/cac-loai-ket-cau-trong-van-hoc/ 
  2. https://123docz.net/document/1118015-phan-2-chuong-4-ket-cau-cua-tac-pham-van-hoc-ly-luan-van-hoc-potx.htm 
  3. http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/vai-net-ve-ket-cau-trong-truyen-ngan-9966_6452.html 
  4. https://theki.vn/ket-cau-cua-tac-pham-van-hoc/ 
  5. https://trieuxuan.info/en/cot-truyen-va-ket-cau-truyen-ngan-dau-the-ky-20-bien-doi-theo-huong-hien-dai 

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viếthành trình trở thành người kinh doanh chuyên môn và các sáng tác của Sẻ nâu.
 Ghé thăm mình tại FacebookInstagram để kết nối nhiều hơn nghen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .