Truyện ngắn – sử thi hóa là loại hình truyện ngắn mang nhiều đặc điểm của sử thi. Truyện xây dựng các nhân vật mang tính cộng đồng, trần thuật ngợi ca, hào sảng.
Cốt truyện trong truyện ngắn – sử thi hóa
Cốt truyện trong truyện ngắn – sử thi hóa có chức năng hướng chuẩn và biểu dương sức mạnh, ý chí của cộng đồng.
Ví dụ:
Lòng yêu nước thời kháng chiến chống Mỹ được thể hiện qua nhân vật Việt, Chiến trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi rõ ràng từ các hành động: xin vào lính, chiến đấu quả cảm, chấp nhận hi sinh… chứ không phải chỉ trong lời nói. Tuy anh hùng là vậy, Chiến vẫn sợ ma, vẫn thích bắn súng chun, vẫn sợ người ta cua chị gái. Những chi tiết ấy làm rõ thêm cho cốt truyện cũng như chân dung nhân vật vừa cao cả, anh hùng vừa đời thường, gần gũi.
Trong truyện, cái lãng mạn và cái cao cả trở thành chất liệu chủ yếu để tác giả xây dựng cốt truyện.
Ví dụ:
Trên đường làm nhiệm vụ, Lãm và Nguyệt vẫn nhìn thấy vẻ đẹp của mảnh trăng đầu tháng. Ánh trăng lãng mạn, dịu dàng ấy đưa hai con người xích lại gần nhau hơn, cùng nhau mạnh mẽ vượt qua những đợt đánh ngầm của địch. Ngay cả sự thủy chung của Nguyệt được thể hiện qua những bức thư tay qua lại, qua sự chờ đợi lặng thầm để gặp Lãm cũng là một chi tiết lãng mạn. Vẻ đẹp trong “đôi gót chân bóng hồng, sạch sẽ, đôi dép cao su cũng sạch sẽ, gấu quần lụa đen chầm chầm mắt cá” và “vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi toả ra từ nét mặt, lời nói và tấm thân mảnh dẻ” của Nguyệt trở thành một sợi chỉ xanh óng ánh trong đêm và trong lòng Lãm.
Tác giả sử dụng nguyên tắc đối lập và chuyển hóa theo tuyến thời gian, sự kiện và nhân vật.
Ví dụ:
Mới đầu Lãm nghĩ Nguyệt là cô tiểu thư sạch sẽ, bạo dạn khi nói về tình yêu. Sau khi tiếp xúc, Lãm mới thấy rằng ở Nguyệt không chỉ có vẻ đẹp ngoại hình của một cô gái trẻ đầy sức sống mà còn có lòng can đảm, thông minh, kiên cường nên đã yêu mến và kính nể cô. “Tôi đứng bên bờ sông giữa cảnh một chiếc cầu đổ và lại tự hỏi: Qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa cảnh bom đạn và tàn phá những cái quý giá đó chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao? Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào vuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?“
Nhân vật trong truyện ngắn – sử thi hóa
Trong truyện ngắn – sử thi hóa, nhân vật được nhìn chủ yếu trong mối quan hệ với cộng đồng. Con người lúc này không chỉ là con người cá nhân mà là con người sống trong tập thể, đại diện cho tập thể anh hùng. Cái bình thường mà vĩ đại kết tinh hoàn hảo ở tính cách của nhân vật.
Ví dụ:
Nhân vật Chiến vừa anh hùng, đánh giặc giỏi vừa trẻ con trong Những đứa con trong gia đình kể trên.
Những cái bình thường mà vĩ đại cũng được kết tinh trong tính cách nhân vật.
Ví dụ:
Lãm tuy là người lính lái xe lâu năm trong chiến trường nhưng vẫn có phần nguyên tắc và định kiến về người phụ lái và cô gái đi nhờ xe của mình. Chỉ vì trông thấy đôi gót chân hồng hào, sạch sẽ mà Lãm nghĩ Nguyệt là tiểu thư, vì nghe cô nói lên gầm Đá Xanh gặp người yêu mà nghĩ con gái thời nay bạo dạn. Chính những điều bình thường ấy càng làm tôn lên nét anh hùng, sử thi của nhân vật khi một cô gái trông mảnh khảnh lại là cô công nhân giao thông thạo đường, can đảm, khỏe mạnh và thủy chung. Khi chàng lính lái xe có nhiều định kiến ban đầu lại là người luôn đề cao trách nhiệm với công việc, mặc cho ngày nghỉ hiếm hoi duy nhất cũng vì nhiệm vụ mà không kịp tới gặp Nguyệt.
Ngoài ra, động cơ và hành động của nhân vật cũng tuân theo quy tắc hướng chuẩn và nhất quán. Nhân vật yêu nước thì lời nói, suy nghĩ, hành động cũng dựa trên tinh thần yêu nước, lạc quan cách mạng
Ví dụ:
Nhân vật Nguyệt vừa có vẻ đẹp trong sáng như ánh trăng nhưng đồng thời cũng can đảm, khỏe khoắn, tình nghĩa và có niềm tin bất diệt vào chiến thắng của cách mạng. Nguyệt như sợi chỉ xanh óng ánh, mềm mại, mảnh mai nhưng qua bao nhiêu thời gian, bao lần bom đạn vẫn giữ cho mình một lý tưởng, một nhân cách không thay đổi.
Trần thuật trong truyện ngắn – sử thi hóa
Trần thuật trong truyện ngắn – sử thi hóa có chức năng nêu gương và tôn vinh cái cao cả. Bên cạnh đó, trần thuật có sự đa dạng nhưng vẫn giữ tập trung ở điểm nhìn và lời trần thuật vào giọng sử thi. Điểm nhìn tập trung vào một chỗ, một nhân vật để mọi người noi theo. Trong truyện ngắn – sử thi hóa, tác giả và người trần thuật luôn thấy mình nhỏ bé hơn nhân vật. Trần thuật trong truyện luôn được “giữ khoảng cách sử thi” và quy ước phi đối thoại.
Chẳng hạn nhân vật Tnú trong Rừng xà nu là người anh hùng, là tấm gương cho dân làng Xô-man để họ nhìn vào mà đánh giặc. Giữa tác giả, người kể và cụ Mết hay Tnú là cả một khoảng cách của sự ngưỡng mộ anh hùng nên giọng trần thuật cũng là giọng sử thi, ngợi ca, hào sảng.
Điểm nhìn và lời trần thuật trong truyện vừa đa dạng vừa tập trung vào một điểm để thấy được sự thật bi tráng của dân tộc. Từ đó người ta hành động và noi theo.
Mặc dù trong truyện Mảnh trăng cuối rừng, tác giả sử dụng giọng điệu ngợi ca theo hướng lãng mạn, trữ tình chứ không rõ ràng giọng hào sảng, hùng hồn như trong Rừng xà nu của Nguyên Ngọc nhưng người đọc vẫn thấy được sự bi hùng của người lính cũng như sự tàn khốc của chiến tranh qua những đoạn tả về cuộc đánh ngầm của địch và cách hai nhân vật Lãm và Nguyệt vượt qua thời khắc gian khổ ấy: “Một loạt bom rất gần, hơi bom xô Nguyệt ngã dúi. Tôi kéo Nguyệt vào trong đóng cửa buồng lái rồi chẳng đèn đóm gì hết, cứ theo lời Nguyệt chỉ đường, tôi cho xe phóng. Địch quây tròn trên đầu như xay lúa, rất thấp, thả pháo sáng và bắn hai mươi ly. Mặc, tôi cứ chạy, và Nguyệt cứ nói rành rọt như người đếm bên cạnh.”
“Khoảng cách sử thi” giữa tác giả và người kể chuyện với nhân vật không quá lớn như trong các sử thi cổ đại nhưng người đọc vẫn cảm thấy được giọng sử thi ngợi ca, ngưỡng mộ, tự hào qua yếu tố trần thuật trong truyện.
Tạm kết:
Truyện ngắn – sử thi hóa phát huy hết chức năng trong thời chiến. Yếu tố sử thi được sử dụng khi xây dựng các nhân vật “anh hùng” nên loại hình này không còn được ứng dụng nhiều trong văn học hiện nay.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.
Ghé thăm mình tại LinkedIn, Instagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!