Đặc điểm của truyện ngắn – tiểu thuyết hóa

Truyện ngắn – tiểu thuyết hóa là loại hình truyện ngắn có chức năng phân tích và lý giải đời sống qua hình tượng nhân vật vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Đây cũng là loại hình có số lượng tác phẩm lớn nhất trong văn học Việt Nam đương thời.

Truyện ngắn – tiểu thuyết hóa là loại hình truyện ngắn có chức năng phân tích và lý giải đời sống qua hình tượng nhân vật vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Đây cũng là loại hình có số lượng tác phẩm lớn nhất trong văn học Việt Nam đương thời.

Cốt truyện trong truyện ngắn – tiểu thuyết hóa

Cốt truyện trong truyện ngắn – tiểu thuyết hóa có chức năng phân tích và lý giải đời sống

Qua ngòi bút của mình, tác giả không chỉ đưa ra những vấn đề của đời sống mà còn giúp người đọc khám phá nguyên nhân đưa đến điều đó. Các tình tiết trong cốt truyện được liên kết logic với nhau, tình tiết này lý giải cho tình tiết khác.

Trong Chí Phèo, nhà văn Nam Cao không chỉ tạo nên hình tượng con quỷ dữ của làng Vũ Đại qua những hành động, lời nói lưu manh, tha hóa của Chí mà còn lý giải quá trình tha hóa của nhân vật bằng hàng loạt các sự kiện từ khi bị bỏ rơi nơi lò gạch cũ cho tới khi Bá Kiến ghen tuông đưa vào tù rồi ra tù và tiếp tục những lần rạch mặt ăn vạ. Ngay cả tình yêu của Chí Phèo với Thị Nở, tinh thần muốn hoàn lương hay cái chết của Chí cũng đều được phân tích qua những tình tiết trong cốt truyện. Kết truyện, người ta thấy Chí vừa đáng giận lại vừa đáng thương. Cái xã hội nhiễu nhương đương thời với những kẻ bóc lột như Bá Kiến đã khiến cho cuộc đời của người thấp cổ bé họng như Chí đi vào đường cùng.

Cái hàng ngày là chất liệu cơ bản để xây dựng nên cốt truyện

Trong truyện ngắn – tiểu thuyết hóa, chủ đề thế sự – đời tư về con người được khai thác triệt để. Nhà văn sử dụng cái hàng ngày làm chất liệu xây dựng cốt truyện và nhân vật. Cái hàng ngày là những việc, những chuyện, những thứ vẫn tồn tại hiển nhiên ngoài đời sống bình thường.

Ví như việc Chí Phèo hay uống rượu, không có tiền để uống rượu thì sẵn sàng làm càn cũng là cái hàng ngày. Không chỉ trong truyện mà ngoài đời sống vẫn tồn tại những việc tương tự.

Hay như trong Đời thừa, nhân vật Hộ có nuôi lí tưởng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật lớn lao giàu ý nghĩa nhưng bị những cái vặt vãnh thường ngày, nghèo đói khiến cho anh phải “sống mòn” trong bi kịch.

Sử dụng nguyên tắc mơ hồ hóa trong xây dựng cốt truyện tạo nên hiện tượng phân rã cốt truyện

Trình tự thời gian tuyến tính ít được dùng trong loại hình truyện này mà thay vào đó cốt truyện được đập vỡ thành nhiều mảnh khác nhau. Mỗi sự kiện xảy ra trong một mốc thời gian khác nhau. Đôi khi tình tiết truyện được tái hiện lại qua dòng ý thức hoặc lời kể của nhân vật. Độc giả phải tự kết nối các dữ kiện nằm rải rác trong bài thành một câu chuyện hoàn chỉnh.

Truyện Chí Phèo được kể từ giữa mạch truyện, khi Chí ra tù, chứ không phải từ thời khắc Chí được sinh ra và bỏ rơi ở lò gạch cũ.

Nhân vật trong truyện ngắn – tiểu thuyết hóa

Nhân vật trong truyện ngắn – tiểu thuyết hóa là những con người chưa được biết hết và không trùng khít với chính nó

Nhân vật trong truyện ngắn – tiểu thuyết hóa là những con người mà người đọc, tác giả thấy được chính họ ở đó nhưng không ai có thể hiểu hết được họ.

Vòng tuần hoàn “tàn nhẫn – hối hận” lặp đi lặp lại trong tâm lý của nhân vật Hộ. Hộ là nhà văn có nhiều khát khao, hoài bão nhưng nghèo đói, con cái khiến cho anh hết lần này tới lần khác phải viết những thứ chẳng ra gì chỉ để có tiền nuôi vợ con. Hộ lấy Từ, cưu mang cuộc đời cô lúc Từ mới sinh con mà bị tình nhân ruồng bỏ. Dẫu vậy, khi không thể giải thoát bản thân khỏi mâu thuẫn giữa lí tưởng với thực tế, Hộ uống rượu say và đánh đập, chửi bới mẹ con Từ. Anh trách mẹ con cô là nguyên nhân khiến anh phải viết thứ văn chương rẻ tiền và không thể tập trung thực hiện hoài bão về một tác phẩm để đời.

Những người như Hộ ngoài xã hội kia không thiếu. Ước mơ lớn nhiều lúc vẫn đổ gục trước hàng tá khoản chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày. Hộ không thể bỏ rơi vợ con để sống ích kỷ vì bản thân. Song anh cũng không thể quên đi ước mơ của mình. Đời anh vì thế mà như “đời thừa”, “sống mòn” qua ngày qua tháng.

Tác giả tăng cường yếu tố độc thoại nội tâm và chi tiết tâm lý trong xây dựng nhân vật

Một trong những đặc điểm của tiểu thuyết là tăng cường sử dụng độc thoại nội tâm và mô tả tâm lý nhân vật. Các yếu tố này giúp nhà văn đi sâu vào thế giới tinh thần của nhân vật để lý giải suy nghĩ và hành động của họ.

Nhân vật Hộ nhiều lần suy tư, tự độc thoại trong ý nghĩ, nhìn vào chính mình, vào thế giới xung quanh. “Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn… Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.”

Sử dụng nguyên tắc kết hợp các mặt đối lập trong xây dựng nhân vật

 Việc này nhằm tạo ra sự tương phản nội tâm và tính chất đối lập trong bản thân nhân vật. Từ đó nhấn mạnh được tính cách nhân vật.

Dù là con quỷ dữ thì Chí vẫn khao khát được sống lương thiện nhưng không ai cho hắn làm điều ấy. Lúc mới làm cho nhà Bá Kiến, Chí là chàng trai quê chân chất nhưng bị bà Ba lợi dụng. Bá Kiến ghen, tống Chí vào tù. Từ khi ra tù, Chí trở thành nỗi ám ảnh của làng Vũ Đại. Sau khi ăn bát cháo hành của Thị Nở, Chí thay đổi hẳn. Hắn lại nghe thấy âm thanh của tiếng mái chèo khua nước, của người buôn vải, đi chợ… Những âm thanh đời thường gợi lên trong lòng Chí suy tư của kẻ đã đi về sườn bên kia của kiếp người. Chí mơ ước một gia đình bình thường có vợ dệt vải, chồng cuốc mướn, cày thuê. Nhưng rồi bà cô của Nở cấm hai người đến với nhau. Mong ước làm người bình thường, lương thiện của Chí mãi không thực hiện được. Hắn tìm Bá Kiến để giải quyết rồi tự kết liễu đời mình.

Những hành động và suy nghĩ của Chí biến đổi không ngừng tùy theo hoàn cảnh sống và các yếu tố khách quan bên ngoài tác động. Ở Chí, ta thấy được sự đối lập rõ rệt giữa một con người khao khát lương thiện với một “con quỷ dữ” làm bao người khiếp đảm.

Trần thuật trong truyện ngắn – tiểu thuyết hóa

Trần thuật trong truyện ngắn – tiểu thuyết hóa có chức năng phân tích, triết luận về đời sống

Lời trần thuật, điểm nhìn và giọng điệu trần thuật trong truyện luôn có sự đa dạng. Điểm nhìn trong truyện có sự dịch chuyển và dung chứa toàn bộ sự đa dạng ấy. Truyện ngắn – tiểu thuyết hóa chấp nhận sự đan xen giữa độc thoại và đối thoại, miêu tả với kể chuyện và bình luận.

Những truyện như Trăng sáng, Đời thừa… đầy các tuyên ngôn về nhà văn, nghề văn của nhân vật. Qua đó tác giả cũng tự bộc bạch được cái nhìn của mình.

Lời trần thuật có chức năng phân tích, triết luận về đời sống

Cũng như khi xây dựng nhân vật, chức năng phân tích và triết luận về đời sống của truyện ngắn – tiểu thuyết hóa được thể hiện qua lời trần thuật.

Nhắc tới tính triết luận trong truyện ngắn hiện đại phải kể đến những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trong truyện ngắn Con gái thuỷ thần, nhân vật Phượng lên án sự vội vàng trong đánh giá người khác của “tôi”: “Anh vội vàng quá. Anh chưa biết thế nào là đẹp hay xấu nơi người đàn bà. Anh thấy tôi giàu, anh tưởng tôi đẹp. Anh thấy tôi học thức, anh tưởng tôi đẹp. Không phải thế! Nếu tôi đẹp, tôi phải nhìn thấy trong ánh mắt anh dứt khoát có những khao khát dục vọng”. Đó cũng là cách con người nhìn nhận về chân giá trị của cái đẹp cũng như sự thành thật của con người trước cái đẹp. Sự chân thật luôn là giá trị vĩnh hằng trong sáng tác của ông. Điều ấy còn được nói ra từ chị Thục, một cô giáo miền núi trong Những người thợ xẻ: “Nghĩa tình lại chuộc nghĩa tình. Vô sự với tạo hoá, trung thực đến đáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng là người”.

Nguyên tắc đối thoại trong trần thuật được đặc biệt nhấn mạnh

Nhân vật có thể đối thoại với bản thân, đồng nghiệp, những người xung quanh. Tác giả tạo ra những đối thoại ngầm khiến cho nhân vật hiện lên đầy trăn trở.

Trong các truyện ngắn của Nam Cao có nhiều tuyên ngôn về văn chương và người cầm bút, người trí thức: “Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ kiếp lầm than”; “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có.”

Trong Tướng về hưu, khi bố chồng và chồng bàn về cái tâm, chị Thuỷ nói: “Nhà mình nói năng như điên khùng cả. Thôi ăn đi. Hôm nay có cô Kim Chi, tôi đãi mỗi người một con gà hầm tâm sen. Tâm đấy. Ăn là trên hết”. Cô đổi giá trị tinh thần thành vật chất – một lối sống, lối nghĩ quá thực dụng nhưng phản ánh đúng thực trạng thời kinh tế thị trường bấy giờ.

Tạm kết:

Truyện ngắn – tiểu thuyết hóa đang là loại hình truyện ngắn phù hợp nhất với hơi thở của đời sống hiện đại. Mặc dù có dung lượng ngắn nhưng truyện mang đặc điểm và chức năng như một tiểu thuyết.

Tham khảo:

Nguyễn Văn Đấu, Các loại hình cơ bản của truyện ngắn hiện đại, 2001, Trường Đại học sư phạm Hà Nội.

Chu Thị Huyền, Khuynh hướng truyện ngắn – tiểu thuyết hóa trong dòng chảy của truyện ngắn Việt Nam sau 1986, 2018, Trường Đại học sư phạm Hà Nội.

Yến Nhi, Một góc nhìn tiểu thuyết, truyện ngắn thời đổi mới, 2015.

Nguyễn Thành Thi, Giáo trình Các loại hình truyện ngắn Việt Nam hiện đại, Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh

Bạn đọc thêm bài viết của Sẻ nâu nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .