Tản văn: những vòng tròn đồng tâm

Tản văn là thể loại văn xuôi phi hư cấu được viết theo phong cách tự do với phạm vi đề tài rộng lớn, thể hiện tính cá nhân đặc sắc của người viết.

Tản văn là thể loại văn xuôi phi hư cấu được viết theo phong cách tự do với phạm vi đề tài rộng lớn, thể hiện tính cá nhân đặc sắc của người viết.
Cấu trúc bài tản văn giống như những vòng tròn đồng tâm

Khi nói về tản văn, tôi nghĩ ngay tới những vòng tròn đồng tâm. Từ một tâm điểm ban đầu, ta tuỳ chỉnh độ rộng của chiếc compa bao nhiêu thì được các vòng tròn lớn bấy nhiêu. Mỗi lớp ngôn từ, hình ảnh, xúc cảm, nghệ thuật trong tản văn là các vòng tròn lớn bé nhiều kích cỡ bao quanh điểm « hồng tâm » duy nhất.

Muốn vẽ được đường tròn, ta cần cố định hồng tâm và xoay chân còn lại của compa. Muốn viết được tản văn, ta cũng nên biết những đặc điểm của nó.

Trước hết, tản văn là một thể loại văn xuôi được viết theo phong cách tự do trong trật tự «vòng tròn đồng tâm» như đã giới thiệu. Nghĩa là những xúc cảm, suy tư, triết lí, lập luận, sự kiện, câu chuyện… đều là vòng tròn được biểu hiện ra bên ngoài. Phần linh hồn, cái tâm của bài viết là điểm hội tụ chính giữa các vòng tròn.

Viết tản văn là lối viết chấm phá, chú trọng ghi lại những gì người viết đã trải qua, nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy để thể hiện được tình cảm, ý nghĩ mang màu sắc cá nhân. Tản văn do đó có khả năng tương tác cao với đời sống và liên kết sâu tới tâm thức của người viết nên ai cũng có thể tham gia.

Tản văn là viện bảo tàng của cuộc sống với sự mở rộng tối đa các đề tài. Nó chấp nhận những bài viết về mọi nội dung từ lịch sử – văn hoá, nghệ thuật, nhân sinh, thiên nhiên… Dù chỉ là một khía cạnh bé của đời sống vẫn có thể trở thành cái tâm của bài tản. Như là một cuốn sách hay, một kỉ niệm đẹp, một dòng xúc cảm, một câu nói tâm đắc, một vùng đất ấn tượng, một vấn đề xã hội đang thu hút dư luận cũng khơi gợi cảm hứng viết một tản văn.

Tản văn bám sâu vào cảm xúc của con người, viết về con người một cách chân thành và đi từ những trải nghiệm thực tế. Bạn hãy chọn cho mình một điểm bất kì làm trung tâm và viết xoay quanh nó.

Đọc thêm:

Tản văn là gì? Đặc điểm của tản văn

9 chủ đề viết tản văn dễ nhất cho người mới bắt đầu

Đăng ký mua Sổ tay tản văn và các tài liệu số nâng trình viết lách của bạn

Viết tản văn đăng báo: khóa học viết cho người muốn cộng tác báo

Dù bài tản có thể viết về vô số thứ khác nhau nhưng cốt lõi vẫn là nêu bật được tư tưởng, cảm xúc của người viết về chúng. Đó là bởi tản văn rất giàu chất trữ tình. Tác giả Trần Thúc Hoa của Trung Quốc gọi tản văn là thể loại “nói chuyện trên giấy” và “Tác giả của thể văn này giống như người bạn thân, ngồi bên suối nhỏ, ngồi dưới bóng cây, ngồi bên đống lửa đêm đông, lấy đề mục tương ứng làm phương tiện biểu lộ chính mình”. Nghĩa là tản văn dẫu có viết về ai, về câu chuyện gì chăng nữa thì cốt lõi của nó vẫn là sự chia sẻ, bộc bạch, thổ lộ cách nghĩ, cách cảm của bản thân người viết quanh đối tượng ấy. Bởi thế, ngôn ngữ trong tản văn thiên về sự tự nhiên, chân thực, sinh động để phục vụ tốt nhất nhu cầu giãi bày cảm xúc của người viết với độ dài không quá lớn.

Bạn hoàn toàn có thể viết về hoa anh đào ở xứ sở Phù Tang ngay cả khi bạn chưa từng đặt chân tới đó mà chỉ mới tiếp xúc qua sách vở và phim ảnh. Cái tâm của bài tản nằm ở tình yêu và xúc cảm bạn dành cho hoa anh đào chứ không nằm ở việc bạn có đến Nhật hay chưa. Bởi tình cảm của bạn là thật, là trải nghiệm cảm giác thật với đối tượng ấy.

Ngoài ra, tản văn còn có sự phong phú về đề tài và có tính tự do cao nên rất đa dạng về hình thức thể hiện. Tuỳ bút là ghi chép, bộc lộ cảm xúc và nhận thức mang tính triết lí cá nhân về những con người và sự kiện cụ thể có thật. Hồi kí là sự tái hiện các hồi ức của người viết về chính những sự kiện có ý nghĩa mà bản thân còn nhớ được. Tốc kí là những văn bản được ghi nhanh, ghi vắn tắt của người viết trước một hiện tượng, một xúc cảm. Nhật kí là sổ ghi hàng ngày những sự việc và cảm nghĩ của người viết.

Để bắt đầu viết một bài tản, bạn cần xác định được đâu là hồng tâm của bài. Tức là chọn đối tượng và cảm xúc chính mà bạn muốn viết về, giống khi bạn chọn vị trí đặt chân trụ của compa vậy. Ví dụ khi muốn viết về việc chạy trốn những cảm xúc hỗn độn hiện tại, tôi chọn hình ảnh một buổi chiều quê yên ả trong kí ức làm điểm neo.

Đọc thêm:

20 gợi ý viết bài tản văn gửi báo cho người mới

9 bí kíp viết tản văn trữ tình mềm mại và bay bổng

Viết tản văn kiếm tiền: những điều chưa ai nói với bạn

Cuốn sổ tay nâng trình viết tản văn của bạn

Sau khi đã biết đặt chân trụ của compa ở đâu, ta cần xoay chân còn lại quanh chân trụ để tạo các đường tròn. Việc triển khai một bài tản cũng vậy. Bạn hãy tưởng tượng điều này như vẽ lá vẽ cành cho một thân cây có sẵn. Bạn hoàn toàn được chọn vẽ cây lá kim hoặc lá tròn, tán rộng hay vươn cao, màu xanh hoặc ngả vàng tuỳ ý. Miễn sao cành lá có sự kết nối với thân cây. Những điều bạn đưa vào trong bài tản, từ các hình ảnh, câu chuyện, ý nghĩa, nhận định… đều tự do miễn là chúng liên đới tới chủ đề đã chọn. Như khi viết về chiều quê, tôi chọn hình ảnh cánh đồng, dải đê, đàn chim, dòng sông với những cảm giác thân thương, gợi nhớ, lắng đọng suy tư. Từ đó chúng giúp tôi vỗ về lại mớ xúc cảm đang hỗn độn, cân bằng lại tâm tư.

Giống như cách dùng compa vẽ các đường tròn đồng tâm, bạn cần chú ý nhất vào cái thần – linh hồn của bài khi viết tản văn. Các biểu hiện bên ngoài cũng chỉ như các đường tròn, vô cùng đa dạng. Kết nối chúng với tâm hồn sẽ giúp bạn viết ra dễ dàng hơn. Bạn cũng không cần quá khắt khe về kĩ thuật viết, chỉ cần sử dụng ngôn ngữ tự nhiên nhất để nói ra tiếng nói của chính mình về đối tượng là đủ.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết, hành trình trở thành người kinh doanh chuyên môncác sáng tác của Sẻ nâu.
Ghé thăm mình tại Facebook, Instagram để kết nối nhiều hơn nghen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .