Gồng gánh, gánh gồng, thương thân chưa đặng sao mang lòng thương ai?
Nhiều người nhìn vào gen Z và nói các bạn sống đa phần ích kỷ, vì bản thân nhiều quá, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi cho mình. Nghe cực đoan nhưng cũng phản ánh phần nào việc các bạn trẻ từ sớm đã hiểu rõ và biết hành động để yêu thương chính mình. Còn chúng ta – những con người thuộc thế hệ trước thì sao?
Chúng ta có đang hạnh phúc không hay cũng lao đao, chòng chành vì chưa được học cách thương thân đã phải nghe, phải thực hành quá nhiều bài giảng về việc thương người? Từ hồi bé xíu đã được học những câu ca dao, tụ ngữ “thương người như thể thương thân”. Tôi không nhớ có câu nào đặc biệt dạy người ta phải thương lấy chính mình trước đã. Thế rồi, tôi lớn lên với nỗi sợ vô hình mà cắm rễ rằng sống vì mình là ích kỷ, là xấu xa. Người tốt là người phải biết cho đi, phải luôn nghĩ vì người khác. Để rồi trong suốt ngần ấy năm trời, tôi đã vô số lần chọn làm điều mình không thoải mái chỉ để được làm “người tử tế” trong mắt xã hội. Để rồi những khi phải lựa chọn giữa vì mình và vì người khác, tôi không ít lần chậc lưỡi “lần sau sẽ không cả nể như vậy nữa”.
Tôi đọc bài viết của một chị học viên chiều nay. Lúc viết xong chị nhắn cho tôi, bảo rằng chị vừa viết vừa khóc. Cuối cùng, sau mấy năm trời, chị đã có thể viết ra câu chuyện bấy lâu luôn canh cánh trong lòng. Là vì chị cảm thấy ở tôi sự đồng điệu, thấy tôi biết lắng nghe và cũng thấy an toàn nên chị có thể viết, viết cho riêng chị và tôi đọc.
Trước khi báo với tôi đã viết xong chị cũng nhắn, chị hỏi tôi liệu có biết cách tự chữa lành bản thân, liệu rằng những câu chuyện của học viên có khiến tôi thấy tiêu cực. Chị sợ những gì chị kể làm ảnh hưởng tới tâm trạng của tôi. Kỳ thực thì cũng có nhưng sẽ không quá sâu và không quá lâu.
Nếu là tôi của nhiều năm trước, khi chưa thể tự nhìn ra vấn đề và tự liếm láp những vết thương của mình, tôi dễ dàng bị cảm xúc của người ngoài tác động. Mấy năm nay thì khác, khi đã đọc đủ nhiều những bài viết của học viên thì khác. Tôi vẫn chú tâm vào câu chuyện, vẫn có khi rơm rớm nước mắt hay khóc nấc lên thành tiếng nhưng mọi thứ qua nhanh thôi.
Vì trí tưởng tượng khá tốt nên câu chuyện mọi người kể nhanh chóng chuyển thành một cuốn phim mà tôi là khán giả. Tôi ngồi đó, trên hàng ghế của mình, trong sự vắng vẻ của phòng chiếu và những khoảng tối xung quanh, tập trung theo dõi từng diễn biến của bộ phim. Nhưng khi ánh đèn bật sáng, bước ra khỏi rạp, tôi sẽ không cố gắng để nhớ về chúng. Và vì không chủ tâm ghi nhớ nên tôi sẽ quên nhanh, sớm trở lại với trạng thái bình thường. Âu cũng là cách tôi tự bảo vệ mình trước những gì tôi được may mắn chạm tới – những xúc cảm thường ngày mọi người sẽ không nói với ai. Thậm chí là giấu cả chính mình.
Đọc bài viết của chị làm tôi nghĩ tới những học viên khác, cả những người bạn khác của tôi. Chúng ta đều có quá nhiều tổn thương mà tệ nhất là nhiều người trong chúng ta vẫn đang bạc đãi chính mình nhưng chẳng hề hay biết. Ta mang lòng bao dung đặt lên những lỗi lầm của người khác. Ta mang tình yêu thương trao cho các mối quan hệ thân tình. Ta chỉ bỏ quên duy nhất chính mình…
Có khi ta lầm tưởng những đủ đầy về vật chất như ăn ngon, mặc đẹp, đi đây đi đó và trong tài khoản có một con số đủ để không phải lo lắng nhiều là yêu bản thân. Nhưng rồi khi có được tất cả, ta vẫn cứ thấy mình chông chênh, thấy mình hoang hoải. Nếu phải đối mặt với câu hỏi ta có hạnh phúc không, ta có an yên không, e rằng ta chỉ đành cúi mặt, cụp đôi mi xuống mà lảng tráng. Trái tim ta cố gắng mang yêu thương trao ra bên ngoài kia thế giới, hà cớ sao vẫn thấy mình thiếu thốn ngần này?
Phải chăng là vì ta đã bỏ quên một người quan trọng nhất – chính ta?
Ta khước từ những lời khen ngợi vì thấy bản thân làm gì đã đủ: đủ giỏi, đủ xinh, đủ tốt.
Ta gạt những nỗi đau từ quá khứ qua một bên vì không đủ can đảm để lần nữa đối diện.
Ta dễ dàng chọn làm gì đó cho người khác hơn là chọn làm điều khiến ta thoải mái nhất.
Ta miễn cưỡng mình để không bị ai đó đánh giá bằng những tiêu chuẩn mà xã hội đã đặt ra.
Nhưng rồi ta vẫn chẳng vui vẻ khi làm một người tử tế, một người biết sống cho người khác.
Sáng nay tôi tham gia vào buổi demo về nhật ký hình ảnh của Lam Anh – founder của cộng đồng Ngồi một mình – Authentic Self Growth. Khi vẽ ra những hình ảnh, viết xuống những con chữ, tôi mới biết hóa ra sâu trong suy nghĩ, tôi vẫn có những khao khát chưa được thực hiện (hoặc chưa dám). Hóa ra tôi còn muốn sống một cuộc đời theo cách khác, với một diện mạo khác nhưng nó mãi chỉ là mong muốn. Tôi hèn nhát vì biết khi làm vậy, tôi sẽ phải lắng nghe những điều gì, sẽ phải chịu đựng ánh nhìn ra sao. Và tôi yên vị trong cái vỏ ốc của mình.
Nhưng tôi không thể quên đi hoàn toàn những khát khao thầm kín ấy. Tôi vẫn nghĩ về chúng đấy thôi. Chỉ là tôi đang dần học được cách hài lòng với cuộc sống của mình. Tôi hạnh phúc với những ngày đang sống, với những mối quan hệ đang có, với những trải nghiệm đã qua và tôi cũng sẵn sàng cho những ngày sắp tới.
Khoảnh khắc tôi có thể nói mình hạnh phúc là khoảnh khắc tôi tin vết thương của mình đã không còn toác miệng, chảy máu hay mưng mủ. Dù nó vẫn để lại những vết sẹo nhưng vết sẹo là dấu hiệu của một vết – thương – đã – từng. Ít ra nó không còn làm tôi quằn quại. Nó đã khép miệng, lành lại và nó có thể được che đi bằng những điều đẹp đẽ khác.
Tôi cũng nói với mọi người trong buổi demo ban sáng rằng khi đối thoại cùng chính mình, tôi mường tượng đó là một cô bạn gái – một cá thể khác – ngoài tôi. Một cô bạn yếu đuối hơn tôi, dễ tổn thương hơn tôi, nhạy cảm và bi quan hơn tôi. Với một cô bạn như thế, tôi không thể không thương mến, không thể không bao dung, không thể không chân thành. Và tôi biết cô ấy xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp hơn. Vì cô ấy đã cố gắng nhiều, đã vượt qua nhiều chông gai, đã khóc và đã đau cũng nhiều.
Cuối cùng thì yêu bản thân có lẽ là cụm từ mà ai trong chúng ta cũng từng được nghe. Nhưng liệu ta đã biết yêu thương đúng nghĩa và đúng cách?
Bài học về yêu thương chính mình hóa ra chưa bao giờ dễ dàng nhưng dù thế nào ta cũng phải nhớ rằng ta xứng đáng được đối đãi tử tế một cách chân thành, như và hơn bất kỳ ai mà ta trân trọng trong đời.
Một đời dài lắm, mình không thương lấy mình, há chẳng phải là tàn nhẫn quá sao?
Đọc thêm những bài viết cùng chủ đề:
Có chăng ta đang hoài phí chính mình?
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.
Ghé thăm mình tại LinkedIn, Instagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!