10 biện pháp giúp bạn khắc phục những khó khăn khi viết

Khắc phục khó khăn khi viết là chủ đề được nhiều cây viết quan tâm. Vì có những ngày để viết được một bài vài trăm chữ cũng không hề dễ khi mà cảm hứng không có, ý tưởng nào đưa ra cũng bị chính mình loại bỏ. Mình đã thử tìm kiếm cách các tác giả vượt qua tình trạng ấy như thế nào và bắt gặp bài viết của Mia Botha – một tác giả viết cả hai dạng thương mại và sáng tác.

Khắc phục khó khăn khi viết là chủ đề được nhiều cây viết quan tâm. Vì có những ngày để viết được một bài vài trăm chữ cũng không hề dễ khi mà cảm hứng không có, ý tưởng nào đưa ra cũng bị chính mình loại bỏ.

Dưới đây là những gì cô chia sẻ trong bài viết. Mình kết hợp thêm với những kinh nghiệm viết lách của bản thân. Viết lách vốn đã khó nên bạn đừng tự dằn vặt chính mình. Thử áp dụng 10 biện pháp sau đây khi bạn gặp khó khăn trong quá trình sáng tạo và xem kết quả bất ngờ của chúng nhé!

1. Ngừng so sánh bản thảo của bạn với những tiểu thuyết đạt giải thưởng văn học nào đó 

Bởi nó cũng có thể được bắt đầu từ một bản thảo tệ trước khi trải qua nhiều lần biên tập, góp ý, chỉnh sửa.

Sự khác biệt giữa bản thảo đầu tiên với tác phẩm được in ấn là một bên ở vạch xuất phát, một bên ở vạch đích còn ở giữa là cả quá trình lao động sáng tạo và công cuộc chỉnh sửa nhiều lần. Không phải tác phẩm nào được viết ra cũng sẽ có cơ hội phát hành. Nhiều tác phẩm nổi tiếng toàn thế giới, được dịch ra nhiều ngôn ngữ, thậm chí chuyển thể thành phim nhưng từng bị từ chối xuất bản hơn chục lần. Bạn thử đọc câu chuyện về quá trình xuất bản với 12 lần thất bại của nhà văn J.K.Jowling và tiểu thuyết Harry Potter nha.

“Lolita” của Vladimir Nabokov cũng từng bị hàng chục nhà xuất bản tại Mỹ khước từ và cuối cùng được phát hành tại Pháp nhưng đến bây giờ tác phẩm này vẫn gây ra nhiều tranh luận. “Carrie” của Stephen King – ông vua của dòng tiểu thuyết kinh dị – cũng không được đồng ý xuất bản ở lần đầu tiên, dù sau này nó được bán hàng triệu bản và tái bản nhiều lần.

Đơn giản hơn và gần gũi hơn, những bài viết mà chúng ta đăng lên FB hay gửi dự thi, gửi báo cũng cần được biên tập kỹ lưỡng, thậm chí biên tập nhiều lần trước khi ta tạm hài lòng với nó.

2. Mỗi nhà văn đều là duy nhất 

Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Hãy cố gắng phát triển thế mạnh và tìm cách khắc phục điểm yếu của bạn. Người khác có những thứ bạn không có và ngược lại. Nếu bạn chủ tâm quá nhiều vào khả năng và thành tựu của người khác, bạn sẽ sinh ra những cảm xúc tiêu cực như ghen ty, tự ti, phủ nhận bản thân…

Một trong những lý do khiến cho nhiều học viên của mình không dám công khai bài viết là tâm lý tự ti. Mọi người nhìn thấy quá nhiều điểm yếu ở chính mình mà cực kỳ khiêm tốn khi phải liệt kê những điểm mạnh. Bên cạnh đó, việc đọc nhiều, quan sát nhiều người viết khác vừa là cơ hội học hỏi nhưng cũng là một loại áp lực khiến mọi người chùn chân, nghĩ mình không đủ giỏi, không bằng họ nên càng ngại xuất hiện. 

Tuy nhiên, ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Bạn cần trân trọng những điểm mạnh của chính bạn và tìm cách phát huy nó lên. Trong khi đó, hãy cố gắng khắc phục các khuyết điểm để tốt hơn theo thời gian, ngay cả khi chỉ từng chút một.

Kỹ thuật viết của bạn có thể chưa giỏi nhưng bạn hiểu biết về chăm sóc sức khoẻ thông qua các loại thảo dược, về dạy trẻ song ngữ, về cân bằng cuộc sống… thì cứ mạnh dạn viết về chúng. Mọi người rất cần những kiến thức chuyên môn và trải nghiệm của bạn, còn kỹ thuật viết bạn hoàn toàn có thể nâng cấp được qua rèn luyện.

3. Tin tưởng vào thời điểm

Malcolm Gladwell nói các vận động viên hàng đầu, các ngôi sao nổi tiếng và các kiện tướng cờ vua “cần 10.000 giờ luyện tập để đạt đến đỉnh cao của hiệu suất đẳng cấp thế giới” . Tất cả chúng ta đều bắt đầu vào những thời điểm khác nhau với nền tảng không ai giống ai. Nhưng việc chăm chỉ luyện tập là cách duy nhất giúp bạn bớt để ý đến những chỉ trích và gặt hái thành công cho chính mình.

Nếu bạn quan tâm tới văn học sẽ biết một sự thật khá đáng buồn là nhiều tác giả chỉ nổi tiếng sau khi đã qua đời: Franz Kafka, Jane Austen… là những cái tên tiêu biểu.

Trong thời đại ngày nay, mạng xã hội và Internet là những công cụ có thể giúp bạn tiếp cận với độc giả nhanh chóng, dễ dàng với quy mô lớn hơn. Việc của bạn là hãy sáng tạo nghiêm túc và cho người khác thấy các tác phẩm của bạn. 

4. Đặt mục tiêu thực tế

Mục tiêu của bạn có thể là 5.000 từ hay chỉ 500 từ mỗi ngày. Bạn cần hiểu rõ hoàn cảnh cũng như năng suất viết của chính mình.

Những mục tiêu lớn dễ khiến bạn đuối sức và bỏ cuộc sớm vì mãi chưa đạt được. Thay vào đó, bạn nên đặt ra những mục tiêu nhỏ hơn theo từng giai đoạn ngắn. Mục tiêu viết lách cũng cần có tính thực tế để bạn có khả năng thực hiện. 

Nếu bạn là một người bận rộn với công việc hành chính hoặc chăm sóc gia đình, bạn không có nhiều thời gian rảnh để ngồi viết thì mục tiêu 5.000 từ mỗi ngày thật sự khó đạt được. Chưa kể tới tốc độ nghiên cứu tài liệu, tốc độ đánh máy và khả năng làm việc cường độ cao của bạn như thế nào. Ngược lại, 500 hay 1.000 từ sẽ là gợi ý phù hợp với bạn hơn. Tất nhiên, bạn là người hiểu rõ nhất khả năng, hoàn cảnh của mình. Và nhớ là, bạn cần kỷ luật và nghiêm túc với mục tiêu của chính bạn, nhé! 

5. Hãy tử tế với chính mình

Bạn có thể ấp ủ ước mơ viết một cuốn sách tuyệt vời nhưng đừng quá vội vàng. Thực hiện nó khi bạn thấy sẵn sàng và kiên nhẫn khi làm việc với nó.

Tương tự, nhiều người viết chia sẻ họ muốn có những cuốn sách riêng mang tên mình. Điều ấy hoàn toàn có thể xảy ra nhưng không phải khi nào cũng dễ dàng hay nhanh chóng. Như bạn đã thấy, nhiều tác phẩm phải trải qua nhiều năm viết và chờ đợi phát hành trước khi đến với người đọc. Vì vậy, bạn cũng không nên quá hấp tấp.

Hãy bắt đầu viết nó khi bạn thấy sẵn sàng, đừng quá áp lực với bản thân chỉ vì nó là giấc mơ hay mục tiêu của bạn. Bạn cũng không nhất định phải thức thâu đêm hay bỏ ăn, bỏ uống chỉ để hoàn thành nó. Tử tế với chính mình, ngay cả trong hoạt động sáng tạo vì bạn xứng đáng được yêu thương, từ chính bạn. Một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn giúp bạn nâng cao hiệu suất làm việc hơn.

6. Chăm sóc bản thân

Viết lách vừa khiến bạn thỏa mãn vừa có thể làm bạn mệt mỏi. Đừng quên ở cạnh những người khiến bạn vui vẻ và tích cực.

Viết lách là một hoạt động mà hoạt động nào cũng tiêu tốn năng lượng của bạn, nếu không muốn nói là tiêu tốn nhiều năng lượng. Bạn càng tập trung, càng sử dụng não nhiều càng dễ mệt mỏi. Nhất là khi công việc không được hoàn thành như bạn mong muốn hoặc có những áp lực tác động tới.

Để bù lại năng lượng đã mất, bạn nên có những thói quen sinh hoạt và ăn uống, tập luyện khoa học. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh những “drama”, tiếp xúc với những người tích cực và làm những điều khiến bạn thoải mái, yêu đời. 

7. Phản biện lại nhà phê bình nội tâm của bạn

Điều này sẽ giúp bạn thoải mái sáng tạo với chữ nghĩa thay vì để cho tiếng nói phê phán ngăn cản bạn.

Chúng ta luôn có nhà phê bình nội tâm thích phán xét và chê bai những điều chúng ta làm, những gì chúng ta nghĩ. “Người ấy” nói rằng ta viết không hay, bài viết hời hợt, kiến thức chưa chuyên sâu, thông điệp còn yếu, từ vựng nghèo nàn… Đủ thứ lý do được người ấy đưa ra để ta nhụt chí, phủ nhận bản thân. Tệ hơn là khiến ta nghĩ ta không thể viết, không nên viết, hoặc là không nên chia sẻ những gì ta viết với người khác. 

Đừng để nhà phê bình nội tâm khiến bạn sợ hãi và tự ti. Những gì bạn biết có nhiều người khác muốn biết, những gì bạn trải qua cũng có thể là bài học kinh nghiệm cho người khác, những cảm xúc của bạn cũng sẽ có người đồng cảm. Thế nên, hãy để bản thân được tự do sáng tạo, được công khai những bài viết thay vì để những tiếng nói “xấu xí” kia níu chân bạn lại.

8. Tạo môi trường sáng tạo

Một biện pháp giúp bạn có hứng thú hơn khi viết là tạo ra môi trường thuận lợi cho quá trình sáng tạo của bạn. Một môi trường kích thích sáng tạo sẽ giúp bạn viết dễ dàng và thăng hoa hơn. Thử trang trí phòng làm việc theo sở thích của bạn để có thêm cảm hứng. Nhiều người thích làm việc ban đêm khi không gian yên tĩnh, ít bị quấy rầy. Có người lại thích làm việc buổi sáng khi tràn đầy năng lượng sau một giấc ngủ. Cũng có những người viết tốt hơn khi làm việc tại quán cà phê. Trong khi không ít người viết năng suất nếu được ngồi trong phòng làm việc riêng với những món đồ quen thuộc trên bàn…

Hãy tạo ra không gian sáng tạo phù hợp nhất với bạn để ở đó, vào thời điểm đó, bạn có thể viết và làm việc sung mãn nhất.

9. Dành thời gian để nuôi dưỡng sự sáng tạo của bạn

Có một sự thật khá thú vị là những ý tưởng sáng tạo thường đến khi chúng ta đang thực hiện một hoạt động tay chân. Đó là những ý tưởng đến từ tiềm thức thường dẫn lối cho cảm hứng viết. Nếu có thể, hãy ghi lại chúng để sử dụng sau. Trường hợp bạn chưa thể ghi ngay được, hãy nghĩ về nó nhiều lần trong đầu để bạn không quên mất. Bằng những cách này, bạn sẽ tạo ra “kho ý tưởng” của mình.

Khi viết một thời gian, bạn có thể rơi vào tình trạng “đốn bút” (writer’s block) khiến bạn không thể viết được gì, hoặc là bạn không hài lòng với những gì bạn viết. Để hạn chế tình huống này, bạn cần nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của chính mình. Đi dạo, xem một bộ phim, xây lâu đài cát, làm điều gì đó bạn thích, ngoài việc viết lách. Gặp bạn bè, cùng ai đó đi chơi, làm thủ công, chăm sóc cây cối, nghe nhạc… cũng là những gợi ý bạn có thể tham khảo. 

10. Tử tế với con người viết lách của bạn

Đã có đủ nhà phê bình ngoài kia. Hãy là nhà vô địch của chính bạn.

Điều cuối cùng mà tác giả đề cập đến trong bài viết là việc tử tế với con người viết lách của bạn, là nhà vô địch của chính bạn. Nhiều người tự đặt ra mục tiêu và những áp lực cho bản thân để theo đuổi mục tiêu ấy bằng mọi giá. Họ làm việc bất chấp thời gian và sức khoẻ để tạo ra những tác phẩm thú vị, hữu ích. Nhưng bạn đừng quên chỉ có bạn là người đồng hành vĩnh viễn của chính mình. Thế nên, dù là trong cuộc sống hay trong viết lách, bạn cũng hãy yêu thương và tử tế với bản thân thật nhiều, nhé!

10 cách vượt qua những khó khăn khi viết được nêu ra trong bài có thể phù hợp với bạn hoặc chưa. Bạn hãy chọn ra những gì bạn cảm thấy có kết nối nhiều nhất với bạn để thực hành nhé.

Bạn có thể đọc thêm những bài viết liên quan tới cảm hứng ở đây nè:

Làm gì khi chán viết? 8 cách giúp bạn vượt qua nhanh chóng

7 lý do burn-out và down-mood khi làm việc tự do

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .