Sử dụng từ đồng nghĩa đúng cách có thể giúp bạn tránh lỗi lặp từ, phong phú hơn trong diễn đạt và tạo được ấn tượng với người đọc về khả năng dùng chữ.
Bạn muốn làm rõ một vấn đề nhưng không thích phải lặp đi lặp lại những từ ngữ cũ kỹ? Sử dụng từ đồng nghĩa để thay thế chính là cách giúp bài viết của bạn hấp dẫn và gần gũi với bạn đọc.
Người viết nào cũng chán ngắt việc phải sử dụng mãi một số từ nhất định. Đồng thời luôn muốn gia tăng vốn từ, hướng tới sự phong phú và thú vị, mới mẻ. Trong khi đó, viết một thứ theo nhiều cách khác nhau cũng quan trọng không kém. Nhất là khi cần phải đặt chúng vào trong các bối cảnh cụ thể.
Bạn có thể thử 10 cách sau để đa dạng hóa từ vựng thông qua từ đồng nghĩa. Từ đó nâng cao kỹ năng viết của bản thân, viết hay hơn và làm mới mình trong mắt độc giả.
Viết hay hơn nhờ chọn lọc từ ngữ khi viết
Một người viết có ý thức về việc sử dụng từ ngữ, có sự chọn lọc và điều chỉnh chúng cho phù hợp sẽ ngày càng viết tốt hơn.
Mỗi người có một vốn từ ngữ nhất định. Trong đó sẽ có nhóm từ bạn thường xuyên sử dụng. Hãy quan sát thói quen sử dụng từ ngữ của mình. Tìm cách thay thế những từ được dùng nhiều bằng các từ khác mới hơn,lạ hơn, độc đáo hơn.
Để gia tăng vốn từ, bạn không chỉ cần tiếp thu, ghi nhớ mà còn cần phải tái sử dụng chúng vào tác phẩm của mình. Có vậy vốn từ của bạn mới ngày càng phong phú, cách sử dụng từ cũng ngày càng linh hoạt.
Thử mở rộng vốn từ của bạn bằng cách liệt kê ra 3 hoặc 5 từ cùng nghĩa.
Ví dụ: nhìn (ngắm, thấy, xem, chiêm ngưỡng…)
Sử dụng từ ngữ có ý nghĩa và sắc thái hợp với ngữ cảnh
Tiếng Việt có một đặc điểm mà nhiều ngôn ngữ khác không có. Đó là khả năng biểu thị sắc thái của sự vật hiện tượng. Với cùng một nghĩa như nhau, mỗi từ đồng nghĩa lại chỉ những mức độ hoặc thái độ khác nhau. Chính vì vậy mà khi sử dụng từ, người viết cần chú ý tới tính phù hợp của nó với ngữ cảnh và đối tượng được nói tới.
Cùng nói về cái chết, tiếng Việt có nhiều cách thể hiện: mất, đi, xuống suối vàng, viên tịch, băng hà, hi sinh, ngỏm, từ trần, qua đời, tử vong… Trong các từ này, có lúc sẽ thay thế được cho nhau, cũng có lúc không thể.
Với vua thì dùng từ băng hà; với nhà sư thì dùng viên tịch; với người bình thường thì là mất, đi, qua đời, từ trần; với người có công ta dùng từ hi sinh; với giặc dùng từ chết, ngỏm…
Sử dụng các từ đồng nghĩa trong cùng trường từ vựng
Trường từ vựng là tập hợp các từ ngữ có 01 nét chung về nghĩa. Sử dụng những từ cùng trường từ vựng cũng giúp bạn viết hay hơn.
Ví dụ:
Trường từ vựng về mắt bao gồm: hoạt động của mắt (nhìn, liếc, dòm, ngó, gườm, nhắm, mở…), trạng thái của mắt (lờ đờ, tinh anh, sáng, mờ, cận, viễn, loạn…), hình dáng của mắt (to, tròn, dài, ngắn, hí, một mí, hai mí, bồ câu…), bộ phận của mắt (con ngươi, lòng đen, mi, mí, mày…)
Khi xem xét một từ ngữ, bạn nên đặt chúng vào các trường từ vựng khác nhau để có thể tận dụng tối đa những từ ngữ liên quan khi viết.
Ví dụ:
Khi nắm được trường từ vựng về mắt, bạn có thể gọi tên hoặc miêu tả những gì liên quan tới mắt. Chẳng hạn như khi miêu tả một cô gái, bạn có thể viết: “Đôi mắt cô thon dài, hai mí rõ rệt với đuôi mắt cong cong như mắt phượng. Hàng mi ngắn nhưng đen nhánh, mỗi lần cô cụp mi xuống đều khiến người ta xiêu lòng. Còn đôi đồng tử thì đen lay láy. Một cặp mắt sáng trong và sinh động.”
Ghi lại từ mới và cách dùng từ mà bạn gặp mỗi ngày
Có một bản tập hợp các từ mới và cách sử dụng chúng vào câu văn cũng là một phương pháp hiệu quả để làm đa dạng vốn từ. Ngoài việc ghi nhận các từ lẻ, hãy ghi chúng theo cụm những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa như cách các từ điển thường làm.
Bạn có thể viết lại những từ mới, ý nghĩa của chúng, các từ đồng nghĩa và trái nghĩa với chúng, lấy ví dụ cho từng từ.
Ví dụ:
“Viên tịch“: chỉ cái chết của các vị sư một cách tôn kính.
>>> Sư trụ trì đã viên tịch từ nhiều năm trước nhưng lời của thầy vẫn là bài học cho nhiều Phật tử.
Đồng nghĩa: mất, từ trần, qua đời…
Trái nghĩa: sống, tồn tại…
Nói giảm nói tránh để viết hay hơn
Trong tiếng Anh có từ “Euphemisms” để chỉ “những từ tốt đẹp”. Các từ này được sử dụng khi người viết muốn nói tới vấn đề đó theo một cách nhẹ nhàng, lịch sự hơn. Có thể là do các từ đồng nghĩa khác quá mạnh, quá gay gắt nên không phù hợp với đối tượng được nói đến.
Trong tiếng Việt cũng có lối nói giảm nói tránh để mang lại cảm giác tế nhị, tránh thô tục hay khiếm nhã. Hoặc để làm giảm mức độ, quy mô của sự việc, hiện tượng.
Ví dụ:
Thay vì nói “xấu xí quá” thì có thể nói “không đẹp lắm“, “không mấy ưa nhìn“…
Sử dụng từ đồng nghĩa có yếu tố văn học dân gian
Các thành tố văn học dân gian như ca dao, tục ngữ, thành ngữ, châm ngôn… thường thể hiện ý nghĩa nào đó một cách súc tích. Vì vậy, khi không muốn nói trực tiếp, bạn có thể sử dụng chúng để làm tăng gia vị cho bài viết.
Tuy nhiên, các thành tố này có thể mang lại cảm giác sáo rỗng, dạy đời nếu được dùng quá nhiều trong một văn bản. Tốt nhất bạn chỉ nên dùng khi chúng cần thiết, phát huy tối đa tác dụng đối với bài viết, giúp bài viết hay hơn.
Ví dụ:
Thay vì nói là người già thường mong được sống những năm tháng cuối đời và được chôn cất, thờ phụng ở quê hương thì có thể nói “lá rụng về cội“, “cáo chết ba năm quay đầu về núi“…
Sử dụng từ ngữ mang đến cảm giác cụ thể và chính xác
Một từ ngữ đôi khi khó lòng giúp người viết nói hết những gì muốn nói. Do đó, người đọc cũng không thể cảm nhận hay hình dung rõ ràng được. Để ngôn từ của bạn hiệu quả hơn, hãy viết ra một cách cụ thể và chính xác hơn là dùng từ ngữ mang tính chung chung.
Thay vì: “Ở đây nóng quá!” bạn có thể viết “Căn phòng kín mít càng nóng hơn dưới cái nắng 38 độ miền Trung. “
Những từ như: rất, nhiều, lắm… mang lại cảm giác không cụ thể cũng nên được lược bỏ bớt khỏi văn bản. Thói quen chèn từ “rất” để chỉ mức độ cao hơn phần nào cho thấy vốn từ ít ỏi hoặc sự lười biếng trong chọn từ.
Để tránh dùng từ “rất”, thử sử dụng những từ cụ thể hơn:
Rất nhanh >>> thoăn thoắt (hành động), liến thoắng (lời nói), nhanh nhảu (lời nói)…
Rất chậm >>> lề mề (hành động), đủng đỉnh (điệu bộ), ù lì (biểu hiện)…
Kỹ thuật sử dụng lối miêu tả chi tiết còn được biết đến là Show don’t tell được nhiều cây viết ưa chuộng. Lối viết này cũng đi vào chi tiết, giúp người đọc dễ dàng tưởng tượng ra bối cảnh.
“Cậu nhóc lùi sát người vào miếng gỗ bên hông chiếc tủ, cố gắng nín thở và hóp bụng để không phát ra bất cứ âm thanh nào đánh động tên trộm hung hãn đang lùng sục ngoài kia.”
Đọc các tác phẩm hư cấu để viết hay hơn
Những tác phẩm hư cấu từ trí tưởng tượng và óc sáng tạo như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện khoa học viễn tưởng… là một cách thú vị để bạn biết thêm nhiều từ ngữ mới.
Cùng một tình huống, cảnh vật nhưng các tác giả khác nhau sẽ có cách sử dụng từ ngữ khác nhau để gọi tên và miêu tả chúng. Người dùng chữ giỏi có thể đưa người đọc đến với bối cảnh câu chuyện diễn ra, khiến họ cảm giác đang được chứng kiến tận mắt.
Trả lời các câu đố hoặc chơi trò chơi về từ vựng
Có nhiều ứng dụng và trò chơi online để bạn kiểm tra và nâng cao vốn từ vựng của mình. Trả lời các câu đó hoặc giải trò chơi vừa giúp bạn giải trí vừa biết thêm nhiều từ mới.
Bạn có thể thử với arealme.com, một ứng dụng với các câu hỏi trắc nghiệm giúp bạn kiểm tra vốn từ tiếng Việt. Bình luận cho mình biết kết quả của bạn nhé!
Chủ động đọc và góp ý tác phẩm của người khác
Đọc bài viết của người khác không chỉ giúp bạn học hỏi kỹ thuật viết, biết thêm những thông tin mới mà còn là cách mở mang từ vựng khá thú vị.
Bằng cách đọc và góp ý cho người khác, bạn cũng sẽ thấy họ đang làm việc như thế nào với từ ngữ, có gì độc đáo, có gì đáng học hỏi. Từ đó, bạn sẽ biết thêm cách sử dụng các từ đồng nghĩa cho từng văn cảnh khác nhau.
Bạn cũng có thể tham khảo cách tự biên tập bài viết sao cho đúng và 7 lỗi dùng từ thường gặp để hỗ trợ việc viết cũng như biên tập bài viết.
Mở rộng vốn từ, sử dụng các từ đồng nghĩa và những từ ngữ tốt đẹp giúp bạn viết tốt hơn, văn phong đặc biệt hơn. Việc luyện viết bao giờ cũng cần đi liền với việc rèn luyện cách sử dụng từ ngữ thì mới có hiệu quả.
Đọc thêm bài viết của Sẻ nâu!
Tham khảo: Say it Better: Using Synonyms as a Writer – ThinkWritten
Một bình luận
Phương pháp trước đây mình ít sử dụng nhất là chơi trò chơi vì vốn dĩ không phải fan của game. Tuy nhiên, lần trước một học viên gửi cho mình link test thử vốn từ vựng đến đâu. (May mà vẫn ra kết quả là chuyên gia không thì mình lại về úp mặt vào sông quê mất)
Nếu bạn cũng đang muốn cải thiện vốn từ vựng và học thêm từ đồng nghĩa, trái nghĩa thì những ứng dụng như vậy thực sự hiệu quả.