Tạo hình ảnh sống động trong văn bản 

Việc tạo ra những hình ảnh sống động trong văn bản không chỉ giúp người đọc dễ dàng hình dung bối cảnh, đối tượng… mà còn mang lại cảm xúc chân thật và sự kết nối mạnh mẽ giữa họ với tác phẩm. Cùng tìm hiểu các phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để nâng cao khả năng truyền đạt qua ngôn từ của bạn.

Tạo ra hình ảnh sống động trong văn bản giúp người đọc hình dung được bối cảnh, đối tượng… và kết nối họ với tác phẩm qua trí tưởng tượng và cảm xúc.

Tại sao tác giả nên tạo ra các hình ảnh sống động trong văn bản?

Kích thích trí tưởng tượng của người đọc: Hình ảnh sống động giúp người đọc dễ dàng hình dung, cảm nhận được những gì tác giả muốn truyền đạt. Điều này làm tăng sự hứng thú và gắn kết với văn bản. 
Nhà soạn kịch người Nga Anton Pavlovich Chekhov không nói: “Mặt trăng đang tỏa sáng.”. Ông miêu tả rằng: “Đừng nói với tôi mặt trăng đang chiếu sáng. Hãy cho tôi thấy ánh sáng lấp lánh trên những mảnh thủy tinh.”

Đọc thêm về nghệ thuật Show don’t tell: https://hoaluong.com/cach-viet-show-dont-tell/ 

Tăng cường hiệu quả giao tiếp: Khi hình ảnh được miêu tả rõ ràng, người đọc dễ hiểu và tiếp nhận thông điệp của tác giả hơn. Điều này giúp cho thông điệp trở nên mạnh mẽ và dễ dàng ghi nhớ.

Thay vì nói: “Em trông rất đẹp!”, một chàng trai thủ thỉ: “Anh thích em thả tóc dài trên bờ vai trần như tối nay. Nó làm cho khuôn mặt em bừng sáng dưới ánh đèn của buổi tiệc.” sẽ có thể khiến cô gái rung động nhiều hơn.

Tác động tới cảm xúc của độc giả: Những hình ảnh sống động thường gắn liền với cảm xúc. Khi tác giả làm cho câu chuyện, bối cảnh và nhân vật trong tác phẩm trở nên sinh động, người đọc có thể cảm nhận được những gì đang diễn ra. Thậm chí họ có cảm tưởng như mình chính là nhân vật đang trải qua hành trình đầy thú vị. Nhờ đó mà những cảm xúc tác giả muốn truyền tải sẽ được người đọc thấu hiểu sâu sắc hơn.

Làm cho văn bản trở nên thú vị hơn: Những mô tả chi tiết và hình ảnh sống động làm cho văn bản không chỉ là những dòng chữ khô khan, mà trở nên phong phú và hấp dẫn hơn.

“Đổ thêm xà bông vào bồn tắm, em muốn ngâm mình thật lâu. Nước ấm, hương thơm khiến em thấy dễ chịu hơn nhiều. Nhưng sự mơn trớn của làn nước cũng làm em nhớ tới những lần anh tình tự vuốt ve. Em nhắm mắt, hồi ức trôi về khoảnh khắc anh bên em. Những ngón tay thon dài ve vuốt ngược theo làn da bên trong đùi non, nghịch ngợm khiến em không thể nào im lặng tận hưởng bồn nước ấm. Môi anh tìm em nhẹ nhàng mà gấp gáp, đầu lưỡi cũng hối hả quấn vào nhau. Em nhắm mắt, thả cho cơ thể phiêu bồng cùng những chuyển động tinh nghịch của anh. Rồi môi anh rời đi khỏi môi em, khám phá những nhấp nhô xuôi chiều. Anh dừng thật lâu giữa cổ em, hôn mạnh. Những nụ hôn lướt dần xuống. Em bồng bềnh như một đám mây chực chờ tan ra. Rồi từng cơn sóng ầm ào dội tới, ngọn núi lửa phun trào dung nham.” (Lạc anh giữa Paris)

Làm thế nào để hình ảnh trong bài viết trở nên sống động?

Sử dụng ngôn ngữ miêu tả chi tiết: Hãy miêu tả các chi tiết cụ thể, từ màu sắc, hình dáng, âm thanh, mùi hương đến cảm giác. Việc đưa ra những chi tiết nhỏ nhưng cụ thể vào tác phẩm sẽ giúp người đọc dễ dàng hình dung những gì đang được đề cập.

“Máy phát nhạc hình đóa loa kèn vẫn đều đặn rền từng nốt theo giọng hát Khánh Ly. Ngoài kia mưa gió rầm rì. Căn gác xép lọt thỏm giữa lòng thành phố, khiêm tốn trên cùng một ngôi nhà cổ được xây từ trăm năm trước. Mưa rơi đều đều. Những giọt nước cộng hưởng với nhau thành từng giọt lớn hơn. Rơi. Lộp độp. Vuông cửa sổ bé vẫn mở. Mưa đứng hạt, gió dường như bất động. Người ở trong xó nhỏ chỉ mong có một đêm yên. Mưa và tiếng nhạc. Phòng quen, đồ cũ. Mùi ẩm ướt của bức tường ngấm nước. Mùi ẩm ướt của mưa thấm vào từng tế bào. Dường như những sợi bông trong chiếc chăn dày sụ cũng thấm đẫm. Nhưng không phải mùi của mưa mà là mùi người xưa.” (Dĩ vãng)

Sử dụng các biện pháp tu từ: Các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, nhân hóa… có thể làm cho hình ảnh trở nên sống động và gần gũi hơn với người đọc.

“Mùa đông xiết nghẹn nỗi lòng kẻ tha phương, ào vào cánh tủ trống của những linh hồn rỗng miệng đang gào lên giữa hơi lạnh tái tê. Tôi thấy mình thèm được vỗ về dưới một bàn tay ấm.” (Chiều phai hơi phố)

Khai thác cảm nhận từ các giác quan: Để làm cho hình ảnh trở nên sống động, tác giả có thể sử dụng các yếu tố liên quan đến giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Điều này giúp người đọc không chỉ “nhìn thấy” mà còn “cảm nhận” được hình ảnh một cách chân thật và đa chiều hơn.

“Đã thưởng no nê mùi thơm, tôi cầm muỗng lên rồi cho vào ly, cố ý kéo lớp kem lên cao để cho nó chảy xuống. Chất kem màu vàng nâu sánh mịn có thể kéo ra thành sợi, kết cấu vừa đủ đặc để tạo thành một sợi kem không đứt đoạn ngang chừng. Tôi đưa muỗng lại gần môi, nếm thử một lượng nhỏ. Vị ngon này tôi chưa từng thưởng qua. Kem trứng ngầy ngậy béo, thơm mùi sữa đặc và đường, vị ngọt lan nhanh trên mặt lưỡi. Tôi tưởng chừng như cả Hà Nội đã tan ra cùng ly cà phê Giảng ấy.” (Có một Hà Nội nồng nàn ly cà phê Giảng)

Tạo bối cảnh cho các tình huống diễn ra: Đặt hình ảnh trong một bối cảnh cụ thể, với các chi tiết về môi trường xung quanh sẽ giúp nó trở nên sống động và thực tế hơn. Bối cảnh không chỉ làm rõ các hình ảnh mà còn giúp tạo ra cảm xúc và ý nghĩa cho câu chuyện.

“Đêm mơ màng sương rơi, mưa chưa tan hết nên vương mãi trên những cánh lá thâm u. Làn hơi mỏng giăng giăng như tấm rèm thưa rũ thấp, khẽ khàng ôm ấp khuôn mặt hiền lành say giấc của mẹ Gaia. Tiết trời thanh sạch tựa tấm gương cũ lâu năm được mang ra gột rửa. Đoá quỳnh hương trắng muốt trở mình, e thẹn ngẩng đầu lên khiêu vũ. Hương thơm dịu ngọt len khắp không gian, trêu ghẹo nụ hồng còn đang chúm chím giấu nồng nàn mang tặng ngày mới.” (Dạ Quỳnh)

Sử dụng nhịp điệu và âm điệu trong câu văn: Cách sắp xếp câu chữ, lựa chọn từ ngữ và ngắt nhịp trong câu sẽ góp phần tạo nên nhịp điệu cho văn bản, hình ảnh cũng sống động hơn. 

“Hà Nội có nắng ùa vào từng ngõ vắng xôn xao, có hàng cột điện trên cao vẫn phát loa đều đặn mỗi ngày hai buổi sáng chiều, có chiếc ghế con liêu xiêu quán cóc ven đường thơm mùi trà nóng, có những mùa đông lạnh mà người với người ở cạnh mới đủ sưởi ấm nhau. Hà Nội có quá nhiều điều để những trái tim bắt đầu cằn cỗi bởi tháng năm thăng trầm vẫn đập lên từng hồi lưu luyến.” (Phố xưa vang tiếng gót giày)

Tạo ra những hình ảnh sống động trong văn bản là một kỹ năng quan trọng giúp bài viết của bạn không chỉ thu hút mà còn lưu lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ miêu tả, các biện pháp tu từ và khai thác các giác quan, bạn có thể làm cho nội dung trở nên phong phú và lôi cuốn hơn. Đừng ngại thử nghiệm và rèn luyện kỹ năng này, vì nó sẽ nâng cao khả năng giao tiếp của bạn, biến những ý tưởng trừu tượng thành những hình ảnh rõ ràng, sống động trong tâm trí người đọc.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viếthành trình trở thành người kinh doanh chuyên môn và các sáng tác của Sẻ nâu.
 Ghé thăm mình tại FacebookInstagram để kết nối nhiều hơn nghen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .