Nội về trên bến sông quê

Cuộc đời mới qua ba mươi năm đã nghe gập ghềnh qua nhiều dâu bể. Những lúc lòng bộn bề, ngả nghiêng chỉ muốn được trở về bên ngày tháng cũ. Quê xưa, làng nhỏ, bến nước êm đềm. Tuổi thơ cơ cực mà vui một đời.

“Trò chơi thuở bé, tên phu kéo mo cau, chở rong cô khách nghèo…”

Bản bolero dìu dặt ru lòng tôi chùng chình. Đôi khi giữa thực tại hối hả, tôi lại nhớ về những hàng cau, gốc dừa, bến sông và nhớ cả những kỉ niệm tuổi thơ. Cái thuở chưa hiểu vị mặn mồ hôi vai áo mẹ, chưa hiểu nhọc nhằn oằn nặng lưng cha, chưa cả rơi nước mắt cho những điều bình thường mà người ta vẫn phải đối mặt trong đời.

Thuở ấy, nhà tôi vẫn ở ngoài quê xa. Ngôi làng nhỏ bình yên được bao bọc bởi con sông quê lặng lờ uốn khúc và những luỹ tre xanh quanh năm rì rào. Thôn Hội Triều, huyện Hoằng Hóa quê tôi là một làng quê Bắc Bộ điển hình với tập tục nhai trầu, nhuộm răng đen. Người ta chưa già đã bập bẹ ăn trầu. Trầu xanh phải ăn cùng múi cau phơi khô nỏ, có thuốc lào với cả vôi tôi. Những ngày giỗ chạp, sêu Tết hay ma chay cưới hỏi càng cần có lá trầu, quả cau. Mặc nhiên như thế nên nhà nào cũng trồng mấy gốc cau. Nhất là nhà có các cụ ông cụ bà. Người lớn nhai trầu bõm bẽm cả ngày. Chiếc cối giã trầu bé tí như cái chuông đồng lúc nào cũng được bà tôi mang theo người. Đâm đâm, giã giã.

Với người hay ăn trầu, trái cau quan trọng lắm. Người ta ưng trồng cau thành hàng, dọc theo lối đi từ cổng vào nhà. Thân cau thẳng hiên ngang, khí tiết. Buồng cau chit chít quả, nung núc như đàn heo con rúc vào nách mẹ. Ông tôi lúc sinh thời cũng trồng trước sân nhà hai cây cau. Chúng đứng hai bên sân, nom như những chú lính canh quả cảm. Cây cau thẳng đuột, không cành. Lớp vỏ trên cau lốm đốm mốc trắng và bề mặt hơi chút xù xì, chẳng khác là bao với thân cây dừa. Đến cả tàu lá cau cũng hao hao vậy, chẻ sang hai bên như những hàng răng lược.

Người lớn lấy mo cau làm quạt mát phe phẩy trưa hè, lấy trái cau để ăn trầu hoặc bày biện nhang khói trong những ngày giỗ lễ quan trọng. Tuổi thơ của chúng tôi đâu bận lòng điều ấy. Mỗi khi có bẹ cau khô nào rơi xuống, chúng tôi rón rén tha đi như mèo con ăn vụng. Chạy ra đầu ngõ, í ớ mấy tiếng lũ bạn đã ùa tới. Để cho trò chơi được công bằng, chúng tôi oẳn tù tì chia lượt. Đứa nào thắng trước được ngồi trước. Cứ việc chễm chệ ngồi giữa mo cau, giữ cho chặt bẹ cau bằng đôi tay non nớt, một hoặc hai đứa còn lại sẽ kéo cái mo ấy đi dọc đường làng đất vàng mát mịn. Đứa ngồi trên mo cau cười khúc khích, thích như vua được ngồi trên kiệu vàng. Đứa nai lưng ra kéo cố gắng bậm miệng, cúi đầu mà đi đến đích cho nhanh. Chúng tôi cứ lần lượt đổi vai tới khi nào đều số lượt và mỏi rã người mới thôi.

Đoạn đường bọn trẻ con chúng tôi ưa nghịch phá nhất là ở bến sông. Một bên dòng sông êm đềm nước chảy, lơ thơ bèo trôi. Một bên con đường làng rợp mát, tuyệt nhiên chẳng có bóng mặt trời. Những tán cây cao thấp đan kẽ vào nhau như tấm khiên thần xanh, chắn không cho tia nắng nào lọt xuống. Luỹ tre, cây bàng, gốc dừa nối đuôi nhau cùng những thân xoan, bụi chuối. Thảm thực vật trù phú vô tình tạo ra mái phủ cho sân chơi đường làng của lũ trẻ thơ.

Trên con đường rợp đầy bóng râm ấy, kéo mo cau bao giờ cũng làm chúng tôi thích thú bởi mo cau êm, bẹ cau dai. Phải kéo thật nhiều vòng cái mo cau ấy mới bị lực ma sát làm cho mòn đi. Nhưng chả mấy khi chúng tôi có mo cau để chơi. Phần vì cây cau ít khi rụng tàu lá, phần vì người lớn thường tận dụng để làm quạt tay hay củi nấu. Mo cau không giống như tàu dừa to gấp mấy lần mà cứng quá, ngồi chẳng êm và kéo thật nặng nề. Thế nên lũ trẻ chúng tôi quanh quẩn chơi bên mấy gốc dừa mé sông nhiều hơn là kéo tàu dừa. Dọc bờ thường có những cây dừa không mọc thẳng mà cong ra phía lòng sông. Đám con trai bạo gan chạy giỡn trên thân dừa ngả nghiêng trong khi con gái cũng tôi chỉ dám đứng nhìn theo ngưỡng mộ.

Vào những trưa hè nắng gắt, dân làng kéo nhau xuống bến sông mãi tới tận giữa chiều. Lỉnh kỉnh manh chiếu, cái ghế gỗ con, quạt nan, nón trắng. Người lớn chuyện trò rôm rả, có khi ngả mình thiu thiu dưới gốc tre già. Các cụ ông thong thả chơi cờ, chốc chốc lại đưa tay lên vuốt chòm râu bạc phơ. Những quân cờ tướng góp vui tuổi già, chắt chiu bài học suốt cả cuộc đời. Các bà nền nã hơn, ngồi giã trầu nhai bõm bẽm, nói đủ câu chuyện ngày xưa. Tay chốc chốc lại phe phẩy cái quạt nan tre hay quạt mo cau đã sờn cả mép.

Bầy trẻ nít chung tôi đâu ham ngủ trưa, cũng không đủ kiên nhẫn để coi các cụ giải cờ. Chúng tôi mải mê với những trò đùa nghịch. Lũ con trai kéo nhau ra chỗ cây dừa ngả rồi chạy lấy đà. Bỏm. Bỏm. Từng đứa một thi nhau nhảy xuống sông. Tiếng cười vang lên cùng tiếng nước động. Con gái nhát hơn và hay thẹn thùng nên không dám nhảy cây, sợ ướt áo giữa đàng. Nhưng chúng tôi cũng nghịch không kém. Vì nghiêng xuống mặt nước nên cây dừa có những tàu lá buông thõng. Chúng tôi đứng bâu quanh một tàu dừa có độ cao và chiều dài vừa đủ. Đánh đu. Đứa nào cũng tưởng mình là Tarzan, vừa đu cho tàu dừa ra giữa sông rồi dội ngược vào bờ, vừa la lên khoái trá. Cũng có đứa đu ra giữa sông rồi buông mình đánh tỏm. Tôi sợ nhất những lúc chiếc xích đu xanh chỉ cho tôi quá giang tới giữa chừng mà không đủ lực để dội ngược về bờ. Cảm giác lửng lơ chỉ chờ rớt xuống nước, căng thẳng tột độ.

Có mấy lần bạn tôi mắc kẹt, không dám thả tay rơi xuống nước lại không thể vào bờ. Bàn tay nhỏ bám vào bẹ dừa to và cứng đã thấm đau mỏi. Đôi chân bạn huơ huơ để không phải chạm nước và miệng la bải hải “Cứu tau bay ê!”. Bọn con trai cứ đứng cười trêu, có đứa còn cố đẩy cho tàu lá ra xa thêm nữa. Càng lâu bạn càng rối, mỏi quá đành thả tay bất lực. Người trên bờ cười nham nhở, người dưới sông tức tưởi lưng chòng. Cũng có hôm chúng tôi hiền lành hơn, hùa nhau kéo cho tàu dừa đưa ngược vào. Vừa rướn tay kéo tàu dừa vừa la hét “Mi ráng đu cái chân cho hấn đẩy vô”.

Chán nhảy cầu, đu cây, lũ chúng tôi kiếm những bao diêm và xách theo bình nước đi đổ dế. Bọn oắt này thường đủn đất lên thành một ụ nhỏ với những mài đất tròn chồng lên thành đụn trên bề mặt. Bên dưới là một lỗ nhỏ như ngót tay út thông vào hang. Không để ý kỹ cứ tưởng là mài của lũ giun đất. Khi đã xác định được lỗ dế rồi thì cứ nhắm ngay đấy mà đổ thật nhiều nước thì cỡ nào dế cũng chui lên để tìm đường sống. Nhưng cũng có những con dế khoẻ, đào hang nhiều ngách, đổ mãi không bắt được. Con dế trùi trũi màu nâu đất với đôi càng chắc khoẻ nằm gọn ơ trong tay lũ trẻ. Rồi chúng được bỏ vào trong các hộp diêm mang theo người như của báu. Bọn con trai rất thích chơi đá dế. Chúng tìm một chỗ mát thật mát và đất trống, vẽ vòng tròn rồi thả hai con dế vào trong, nhiệt liệt cỏ vũ cho trận đấu sinh tử.

Tôi không tự tay đổ dế bao giờ nhưng vẫn tò tò theo em trai hoặc đám bạn. Tôi lặng im đóng vai người quan sát, thi thoảng chỉ chỉ trỏ trỏ. Đến khi chúng cho lũ dế chọi nhau tới lử đử hoặc gãy càng, rách cánh, tôi bỏ đi. Dáng vẻ lờ đờ không còn sức sống hoặc cánh gãy, càng rụng của chúng làm tôi bỗng thấy đau lòng. Ở đời cái giống yếu mà hay ho thường trở thành trò mua vui cho kẻ mạnh.

Chơi mãi cũng chán, tôi lẳng lặng quay lại ngồi xem nội tôi đánh cờ. Tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt. Mắt tôi dán chặt vào những quân cờ khắc chữ đỏ đen và bàn cờ gỗ kẻ những vạch sơn đỏ. Tôi không biết chơi cờ, càng không bận tâm chiêu thức. Tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp của những quân cờ tròn dẹp đều nhau. Trên mỗi quân cờ là một Hán tự. Từ quân cờ tới bàn cờ đều gợi lên sự ngay ngắn, chính trực và trật tự. Một loại cảm giác hấp dẫn khó lòng giải thích được. Hồi ấy, tôi không đủ khả năng diễn giải và bây giờ tôi không còn nhớ nguyên vẹn cái cảm giác mơ hồ của lúc xưa. Chỉ biết rằng tuổi thơ tôi say mê con chữ và hình vẽ trên bàn cờ, quân cờ hơn là say mê vào những ván cờ.

Tôi thích ngồi một bên, tay chống lên mặt chiếu mát rồi ngẩn ra nhìn các cụ. Hết nhìn nội tôi lại nhìn người chơi cờ cùng nội. Râu tóc ai cũng bạc, da ai cũng nhăn nheo và đồi mồi, ai cũng thích vuốt râu. Tôi thấy nội tôi thật gần mình. Nội thong dong trong thú vui tao nhã, không phải bận bịu đan rổ đan mây. Tôi cười tủm tỉm như khám phá thứ gì hay ho lắm. Có khi cụ ông kia quay sang hỏi “Sao, thích chơi cờ không? Bảo ông nội dạy cho.” Tôi lắc đầu. Tôi chắc mẫm không ai biết mình nghĩ gì, vậy nên tôi càng hay cười ngẩn. Bí mật ấy là của riêng tôi, cả nội tôi cũng không biết.

Dẫu vậy, tôi không thể ngày ngày ngồi ngắm nội tôi với bàn cờ. Tôi thích những ngày nội chơi với bầy cháu đủ cả nội ngoại gái trai. Cũng trên bờ sông mùa hạ, nội thong thả đan những lá dừa xanh thành con châu chấu oai vệ, cái chong chóng tít mù hay bông hoa hồng ngăn ngắt. Cũng có khi nội làm cho mỗi đứa một cái đồng hồ lá dừa. Nội đưa tay lên, nội hạ tay xuống, qua trái, luồn phải. Vừa làm nội vừa giảng giải để chúng tôi xếp lớp ngồi làm theo. Tôi dở tệ trong những công việc đòi hỏi sự đều đặn ấy. Mặt đồng hồ tôi làm chả mấy khi vuông vức, em bé đeo cặp lá dừa cũng méo nhiều hơn vuông. Chỉ mỗi trò viết chữ vẽ tranh trên sân gạch là tôi tự tin ngong ngóng đợi nội khen.

Tôi học nội làm trâu lá đa, lá mít. Xé hai bên mặt lá dọc theo gân là được cặp sừng rồi cuộn tròn lại làm thân trâu. Cột sợi chỉ vào cuống lá, luồn ngược xuống là có ngay một chú trâu lành. Hoặc lấy một chiếc lá tre lớn và không rách, cuộn tròn vào một đầu, đâm cuống xuyên qua là được con thuyền bé. Chúng tôi làm cả một đoàn thuyền rồi mang ra bờ sông thả. Những con thuyền tí hon lao xao trên mặt nước, chở theo cả những nụ cười và ước mơ tuổi thơ. Ước mơ được giong cánh buồm ra cuộc đời rộng lớn. Biết có sóng gió, có thác ghềnh, có lúc chòng chành khi êm ả nhưng vẫn một lòng đi tới.

Lâu lâu cơn gió mạnh thổi qua, chiếc thuyền nghiêng hoặc lật sấp nhưng không bao giờ chìm ngay. Chỉ khi nào ướt đẫm và nặng đằm, con thuyền nhỏ mới chìm dần xuống. Lại có những khi gió tạt, con thuyền lá dạt ngược vào bờ. Mặt sông dập dềnh những sóng nước êm, chiếc thuyền con dập dìu mãi cạnh bên những lá cỏ dại vươn ra. Lá cỏ giữ cho con thuyền không trôi xa. Cũng như gia đình là bến bờ yên ả giữ con người neo lại trước bao giông bão cuộc đời. Còn tuổi thơ hiền hòa như con nước dòng sông vỗ về lòng qua nhiều ngày khó nhọc.

Thi thoảng chạy xe trên những chặng đường dài, tôi bắt gặp những hàng dừa san sát nối nhau, bắt gặp một cụ ông ngồi ven đường bán hoa lá dừa và bỏng nổ. Tôi nhớ nội tôi da diết, nhớ quê nhà xa tít mù và nhớ cả những trò nghịch nhỏ trên bến sông quê, nhớ đám bạn thời thơ trẻ đã hơn chục năm có lẻ chẳng còn liên lạc với nhau.

Nội tôi giờ đã thành người thiên cổ. Bài học đan chong chóng lá tre, làm đồng hồ, châu chấu tôi cũng đã quên nhiều. Ngay cả khuôn mặt thân thương của nội với đôi mắt nhỏ, gò má cao, lớp da nhăn nheo lắm vệt đồi mồi và nụ cười móm mém hiền lành cũng chỉ đôi khi trở về mờ mờ trong trí nhớ. Người xưa, chuyện cũ sớm đã xa vạn trùng khơi.

Mười ba tháng ba âm lịch là giỗ nội tôi. Sáng nay nhà đã làm mâm cơm cúng. Lâu lắm rồi tôi không lo chuyện khói nhang, không lau ban thờ, không ngẩn ngơ đứng nhìn di ảnh nội. Giờ ngồi sửa vội một bài viết cũ, lòng bâng khuâng nhớ những ngày xưa. Ngày xưa bình yên như lá cỏ, nhớ dáng nội về trên bến sông quê.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .