4 phương pháp giúp bạn viết bản nháp đầu tiên nhanh chóng và thú vị hơn

Bản nháp đầu tiên được hoàn thành sau khi bạn viết hết tất cả những ý tưởng liên quan tới câu chuyện ra thành văn bản. Tuy nhiên, nó chưa phải là sản phẩm hoàn thiện. Bạn cần chỉnh sửa thêm nhiều lần sau đó để có một tác phẩm ưng ý.

Có nhiều phương pháp khác nhau được các tác giả áp dụng khi làm việc với bản nháp đầu tiên của họ. Bất kể bạn sử dụng phương pháp nào, hãy cố gắng viết một bản tóm tắt dài khoảng một trang để làm điểm khởi đầu cho quá trình viết cuốn sách của bạn. Ngoài ra, hãy liệt kê 4 nhân vật chính sẽ xuất hiện trong câu chuyện của bạn. Những điều tưởng chừng đơn giản này sẽ là mỏ neo cho bạn dựa vào đó để phát triển toàn bộ câu chuyện.

Bài viết này sẽ giới thiệu tới bạn 4 phương pháp hiệu quả để viết bản nháp đầu tiên thú vị và nhanh chóng hơn.

1. Phương pháp viết bản nháp đầu tiên dòng thời gian

Phương pháp dòng thời gian được áp dụng không chỉ trong các tác phẩm hư cấu (truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dân gian…) mà cả trong những thể loại phi hư cấu (tản văn, hồi ký, nhật ký…). Tác giả tạo dòng thời gian cho câu chuyện với phần đầu, phần giữa và phần kết được sắp xếp theo định dạng thời gian tuyến tính (trước – sau).

Các sự kiện trong tác phẩm được kể theo thứ tự từ quá khứ tới hiện tại. Kết cấu này thường gặp nhất ở những tác phẩm văn học dân gian và văn học trung đại. Tuy nhiên, nó vẫn được sử dụng trong văn học hiện đại và là một cách kể chuyện dễ dàng đối với người viết. Đặc biệt là những người mới tập viết.

Ví dụ:

Trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, nhà văn kể lại câu chuyện từ hình ảnh “chiều, chiều rồi, một chiều êm ả như ru” cho tới khi bóng tối bao trùm lên phố huyện nghèo, sau đó đoàn tàu ghé qua và rời đi, trả lại phố huyện với sự vắng vẻ thường ngày của nó. Tất cả đều đi theo trình tự của thời gian, dễ hiểu và dễ viết.

2. Phương pháp kể theo từng cảnh

Nếu bạn đã tạo ra một cốt truyện, bạn có danh sách tất cả các cảnh sẽ diễn ra và phần tiếp theo của mỗi cảnh là gì. Vậy hãy thử viết câu chuyện của bạn theo từng cảnh. Để viết theo phương pháp này, bạn nên có bản phác thảo sơ lược cho từng chương. Khi bạn đã nắm được nội dung chính của toàn bộ câu chuyện và điều gì sẽ xảy ra ở chương nào, bạn có thể viết từng chương, từng cảnh một mà không cần thiết phải viết theo dòng thời gian của các sự kiện.

Ví dụ: 

Bạn dự định viết một câu chuyện với 3 chương, 9 cảnh. Bạn đã có bản tóm tắt và lên ý tưởng cho từng cảnh, từng chương. Bạn biết nhân vật sẽ gây gổ với bạn học ở cảnh 1 và sẽ bị bố mẹ “hỏi tội” ở cảnh 2. Vậy thì bạn có thể viết từng cảnh riêng lẻ thay vì viết theo thứ tự. Tuy nhiên, hãy chú ý tới những chi tiết chuyển cảnh hoặc những dấu hiệu dẫn tới cảnh tiếp theo.

3. Phương pháp chọn một cảnh bất kỳ

Cách này tương tự như khi bạn viết theo từng cảnh nhưng bạn có thể sẽ không muốn viết từ đầu đến cuối. Vì bạn đã lên kế hoạch cho tất cả các cảnh nên bạn có thể viết bất kỳ cảnh nào hoặc phần tiếp theo bất cứ khi nào bạn muốn. Bắt đầu viết từ một cảnh ở giữa truyện hoặc cảnh kết thúc trước khi viết cảnh mở đầu cũng đều được chấp nhận.

Ví dụ:

Bạn sẽ thấy trong truyện “Chí Phèo”, Nam Cao kể từ cảnh hiện tại (cảnh giữa truyện) khi Chí Phèo uống rượu say và đang chửi cả làng Vũ Đại. Sau đó, câu chuyện được kể tiếp tới cảnh Chí tìm Bá Kiến đòi tiền uống rượu trước khi quay ngược lại kể những chuyện từng xảy ra trong quá khứ. Chuyện ở quá khứ sẽ lý giải cho hoàn cảnh và hành động ở hiện tại của nhân vật. 

Điểm khởi đầu cho bi kịch tha hóa của hắn là khi hắn được sinh ra và bị bỏ rơi tại cái lò gạch cũ. Từ đó, tác giả kể tiếp tới khi Chí lớn lên, đi làm cho nhà Bá Kiến, bị vợ Bá Kiến mồi chài rồi bị tống vào tù cho tới khi ra tù (thời gian hiện tại). 

Tiếp theo, Nam Cao kể chuyện Chí làm tay sai cho Bá Kiến, phải lòng Thị Nở, mong muốn sống cuộc đời bình thường, bị bà cô Thị Nở ngăn cấm và tìm Bá Kiến ăn vạ rồi giết hắn và tự sát.

Phương pháp viết truyện như vậy tạo nên kiểu kết cấu phân mảnh rất phổ biến trong văn học hiện đại và văn học hậu hiện đại. Các tình tiết trong câu chuyện như những mảnh ghép nhỏ của một bức tranh lớn được kể theo thời gian lộn xộn. Tuy nhiên, khi đọc xong toàn bộ tác phẩm, người đọc vẫn xâu chuỗi được mạch truyện và hiểu hết những gì đã xảy ra theo trình tự trước sau. Lối kể này giúp câu chuyện bí ẩn và hấp dẫn hơn với người đọc.

4. Không có phương pháp khi viết bản nháp đầu tiên

Bỏ qua tất cả các phương pháp làm bạn không thoải mái khi sáng tạo. Nếu bạn chỉ muốn ngồi xuống và viết bất cứ điều gì đến với bạn, hãy cứ làm đi. Nó vẫn hiệu quả với một số nhà văn khi để cho trí tưởng tượng dẫn lối ngòi bút và câu chuyện sẽ được kể ra bởi chính các nhân vật mà bạn đóng vai trò như một thư ký cần mẫn ghi chép lại.

Lưu ý:

Những phương pháp này có thể phù hợp với bạn hoặc không. Hãy làm theo cách mà bạn thấy hiệu quả nhất để làm việc năng suất hơn. Và dù viết theo phương pháp nào, bản nháp đầu tiên vẫn chỉ là bản thô. Đừng quên chỉnh sửa nhiều lần để có được tác phẩm hoàn thiện tốt nhất nhé!

Thử áp dụng những phương pháp trên khi viết bản nháp đầu tiên của bạn để tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất làm việc.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .