Truyện ngắn là gì? Truyện ngắn là một thể loại tự sự hư cấu cỡ nhỏ. Văn học Việt Nam hiện đại có 4 loại hình truyện ngắn: trữ tình hóa, kịch hóa, tiểu thuyết hóa và sử thi hóa.
Truyện ngắn là gì?
Truyện ngắn là một thể loại tự sự (truyện) cỡ nhỏ, có số lượng nhân vật ít, không gian và thời gian nghệ thuật hạn chế, tình tiết truyện không nhiều và không quá chồng chéo, phức tạp. Tuy nhiên, nó vẫn hàm chứa đầy đủ các yếu tố cốt truyện, nhân vật và trần thuật. Truyện ngắn mang một số đặc điểm của tư duy tiểu thuyết: có tính hư cấu tự do, tập trung vào đời sống hiện tại, thể hiện những kinh nghiệm sống thực tế của tác giả…
Theo Từ điển tiếng Việt: “Truyện ngắn là một thể loại tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, đề cập hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Nét nổi bật của truyện ngắn là sự giới hạn về dung lượng; tác phẩm truyện ngắn thích hợp với việc người tiếp nhận (độc giả) đọc nó liền một mạch không nghỉ.”
Quá trình vận động của truyện ngắn hiện đại Việt Nam
Quá trình vận động của truyện ngắn Việt Nam có thể chia làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1930:
Đây là chặng đường sơ khai của truyện ngắn Việt Nam với những thành tựu đầu tiên, dù chưa hoàn toàn sáng tạo nhưng vẫn có những giá trị nhất định.
Giai đoạn này hầu như chưa có tiểu thuyết mà chỉ có truyện ngắn, văn xuôi dịch hoặc phỏng theo truyện nước ngoài. Chẳng hạn như tác phẩm Ngọn cỏ gió lùa của Hồ Biểu Chánh được phỏng theo Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô, truyện Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn phỏng tác theo truyện của An-phông-xơ Đô-đê tên là Quán Đô-mi-nô.
Văn đàn những năm cuối thập niên 30 có sự xuất hiện của Nguyễn Công Hoan, Nhất Linh… Đặc biệt, Nguyễn Công Hoan là cây bút xuất sắc khi viết truyện ngắn giàu tính kịch, bi – hài đan xen.
Giai đoạn 1930 -1945:
Giai đoạn này xuất hiện những cây bút vàng với những tác phẩm đạt đến mức cổ điển. Gần 200 truyện ngắn ra đời. Kỹ thuật viết mang tính hài hước, hấp dẫn, tình huống tạo suy nghĩ của Nguyễn Công Hoan; truyện ngắn đầy chất thơ, chất trữ tình của Thạch Lam; truyện ngắn hiện thực của Nam Cao tạo ra sự bất ngờ đối với độc giả.
Ngoài ra còn các nhánh khác như là truyện trữ tình (Truyện hoa ti-gôn); truyện ngắn mang tính kinh dị, huyền bí, rùng rợn của Thế Lữ, Lan Kha; truyện ngắn dạng tự truyện như Chân trời cũ của Hồ Dzếnh và các truyện của Thanh Tịnh, Bùi Hiển (Ma đậu, Nằm vạ)…
Giai đoạn từ 1946 – 1975 cho đến 1985:
Truyện ngắn Việt Nam và văn học Việt Nam phát triển theo khuynh hướng sử thi hoá.
Có rất nhiều truyện ngắn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ với những tác giả, tác phẩm tiêu biểu như Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Rừng xà nu của Nguyên Ngọc, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu.
Giai đoạn sau 1985:
Đây là giai đoạn có nhiều chuyển biến trên văn đàn. Nguyễn Minh Châu là người mở đầu tinh anh của văn học thời Đổi mới với những truyện ngắn như Chiếc thuyền ngoài xa, Bức Tranh, Phiên chợ Giát… Tiếp theo phải kể đến hiện tượng truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp sau Đổi mới với những tác phẩm xù xì, gai góc về đời sống hiện thực xã hội đầy rẫy những góc khuất, trúc trắc và mâu thuẫn như Con gái thủy thần, Sang sông, Muối của rừng…
Sau này có nhiều tác giả trẻ viết truyện ngắn nhưng tiêu biểu nhất là Nguyễn Ngọc Tư.
Như vậy, truyện ngắn vẫn là thể loại phù hợp nhất với người Việt trong việc thể hiện một cách ngắn gọn, súc tích những vấn đề có ý nghĩa với con người trong đời sống hàng ngày.
Các loại hình truyện ngắn hiện đại và đặc điểm loại hình
Khi phân chia truyện ngắn theo đặc điểm loại hình, ta cần dựa vào 3 yếu tố chính là cốt truyện, nhân vật và trần thuật. Về cơ bản, có 4 loại hình truyện ngắn Việt Nam hiện đại.
Truyện ngắn kịch hóa
Đây là loại truyện ngắn có các yếu tố tạo cốt truyện tính kịch, gay cấn, thắt nút, mở nút sự kiện đầy bất ngờ. Nhân vật trong truyện kịch hóa được khắc họa chủ yếu qua hành động, lời nói và trong những mâu thuẫn với bản thân hoặc với tha nhân.
Ví dụ: Mất cái ví, Kép Tư bền…
Truyện ngắn trữ tình hóa
Loại hình truyện này có sử dụng nhiều yếu tố trữ tình, lãng mạn, khai thác sâu vào những biến chuyển tâm lý. Truyện không chú trọng vào cốt truyện hay hành động kịch tính mà đi vào nắm bắt những suy nghĩ, độc thoại, mâu thuẫn nội tâm của nhân vật.
Ví dụ: Dưới bóng hoàng lan, Trở về, Tôi đi học…
Truyện ngắn tiểu thuyết hóa
Là loại truyện có chức năng lý giải và phân tích đời sống qua những điều bình thường thân thuộc, những cái hàng ngày. Nhân vật trong truyện là những con người bình thường có thể gặp bất cứ đâu trong xã hội với những mối bận tâm hay những xung đột cũng rất đời, rất đỗi bình thường.
Ví dụ: Chí Phèo, Sống mòn, Đời thừa, Lão Hạc…
Truyện ngắn sử thi hóa
Là loại hình truyện dùng để biểu dương sức mạnh và ý chí của cộng đồng thông qua các “tấm gương” nhân vật.
Ví dụ: Vợ chồng A Phủ, Mảnh trăng cuối rừng…
Mỗi loại hình truyện ngắn đều có đặc điểm loại hình riêng và phù hợp với những đối tượng độc giả khác nhau. Trong bài tiếp theo, người viết sẽ phân tích cụ thể đặc điểm của từng loại hình truyện ngắn.
Tham khảo: Giáo trình Các loại hình truyện ngắn Việt Nam hiện đại của PGS.TS. Nguyễn Thành Thi
Bạn đọc thêm bài của Sẻ nâu nhé!
Tham gia cùng cộng đồng người yêu tiếng Việt tại Yêu lại tiếng Việt
Một bình luận
Mình sẽ nói kỹ hơn về từng loại hình truyện ngắn trong những bài viết sau.