Biến 1 từ khóa thành 10 bài viết, bạn đã biết cách chưa?

Nếu bạn chỉ không thể biến 1 từ khóa thành 10 bài viết, bạn sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng cạn kiệt ý tưởng. Trong khi đó, biết cách biến 01 ý tưởng thành nhiều bài viết sẽ giúp bạn sáng tạo ra nhiều nội dung hơn.

Còn bạn thì sao? Với 01 từ khóa, bạn có thể viết được bao nhiêu bài? Đừng vội giới hạn mỗi từ khóa (ý tưởng) trong 01 bài viết duy nhất. Bạn hoàn toàn có thể hô biến 1 từ khóa thành 10 bài viết hoặc thậm chí nhiều hơn nữa đấy.

Thử tham khảo quy trình kèm ví dụ cụ thể để khai thác ý tưởng sau đây nhé:

1. Chọn 01 từ khóa làm ý tưởng chủ đạo 

Ví dụ: Trưởng thành

2. Liệt kê tất cả những ý nghĩ liên quan tới từ khóa đó (bằng các từ khóa cụ thể, cụm từ hoặc câu ngắn)

Ví dụ: 

Khi nào thì một người thật sự trưởng thành, người lớn cô đơn, áp lực của người trưởng thành, tình yêu khi người ta không còn quá trẻ, học cách chấp nhận – buông bỏ – bước qua, người trưởng thành đi tìm bản thân, những đứa trẻ nhiều tuổi, lối sống, những thay đổi, các mối quan hệ, định vị bản thân…

3. Chọn ra những ý phù hợp để đưa vào bài viết đầu tiên

Ví dụ: Chọn ý tưởng về “những đứa trẻ nhiều tuổi”

Trưởng thành > những đứa trẻ nhiều tuổi > tại sao lại gọi người lớn là những đứa trẻ nhiều tuổi > biểu hiện của những đứa trẻ nhiều tuổi là như thế nào > một vài chiêm nghiệm từ hành trình trưởng thành của chính mình

4. Sắp xếp lại những ý đã chọn theo một trình tự hợp lý (lập dàn ý)

(Ở trên mình đã sắp xếp sẵn các ý theo trình tự định viết)

5. Viết bài theo dàn ý đã lập và biên tập bài viết

6. Lặp lại quy trình với những ý tưởng chưa được sử dụng trong bài viết lần này

Minh họa: Những đứa trẻ nhiều tuổi

Ngồi lướt newfeed trong lúc canh cho đồ ăn trên bếp chín, mình lướt qua vài bài viết trên mạng. Một cái tên làm mình chú ý – Khiếm Khuyết. Một trang viết ẩn danh, mình chưa từng thấy mặt của người viết ra những con chữ ấy bao giờ. Bài viết hôm nay khá “dark” – gánh nặng của việc làm người lớn và mong muốn được quay về lúc mới sinh ra. Mình chợt nghĩ chúng ta có già đi bao nhiêu thì vẫn chỉ là những đứa trẻ nhiều tuổi với những tính cách và mong ước có đôi phần trẻ con.

Gọi là những đứa trẻ nhiều tuổi bởi về mặt sinh học, chúng ta không ngừng già đi theo thời gian, mặc kệ khuôn mặt hay thân hình còn trẻ trung hay không. Sự lão hóa có thể đến chậm hoặc âm thầm nhưng vẫn luôn tồn tại. Một ngày nào đó, ta ngạc nhiên khi thấy nếp nhăn nhiều hơn nơi khóe mắt hay khuôn miệng, làn da xấu hơn đi hay thân hình chẳng còn được như tuổi đôi mươi. Nhưng tất cả những điều ấy không quy định một tâm hồn sẽ lão hóa theo. 

Có những người đã già từ trước cả khi bước vào cuộc đời lăn lộn với công việc và những áp lực của người trưởng thành. Ta vẫn thường gọi đó là những đứa trẻ hiểu chuyện. Ngược lại, cũng có những người tuổi ngày càng lớn nhưng tâm hồn mãi phơi phới như thuở thiếu thời, vẫn tha thiết yêu cuộc đời từ những điều bình dị và tận hưởng cuộc sống theo cách tuyệt vời nhất có thể. Không ít những ông cụ, bà lão tóc đã bạc trắng nhưng vẫn vô tư chơi trò chơi của đám trẻ hay học cách nói chuyện “xì teen” của cháu chắt, mặc lên người những món đồ trẻ trung. Họ vui tươi mặc cho người đời có thể chê cười hay nghĩ họ kỳ  quái.

Bỏ qua những trường hợp đặc biệt mà dấu hiệu của tuổi trẻ rõ ràng ngần ấy, chúng ta vẫn luôn còn đâu đấy trong mình một phần của trẻ con. Hoặc là mỗi mình thế, hoặc là vì những người mình quan sát được cũng có khi như thế nên mình cứ tin là ai rồi cũng có một chút trẻ con ngay cả khi trưởng thành hay già đi. 

Mình từng nghe ai đó nói rằng muốn giữ được sự ngây thơ của tuổi trẻ khi đã trưởng thành chẳng dễ, ai làm được thế cũng là một đặc ân. Bởi trẻ con có nhiều thứ không biết nên nhìn đời bằng cặp mắt sáng trong, đầy tò mò và thích thú, cũng lại có gì đó vô tư và can đảm. Những thứ ấy, theo năm tháng, chúng ta thường đánh mất dần đi. Ta muốn bản thân chín chắn hơn, khôn khéo hơn để không bị ai lừa gạt, để không phải chịu thiệt thòi trong xã hội vốn nhiều phức tạp. 

Vô tình và cả cố ý, ta dựng cho mình hết hàng rào này tới bình phong khác. Ta lo sợ khi sống như mình vốn là. Ta ái ngại những ánh nhìn và lưỡi gai của người khác. Ta thà gò mình theo cái khuôn vô hình của xã hội còn hơn là phải nghe những nhận xét chẳng mấy vui vẻ của những người xung quanh.

Ấy thế mà, dù ta có khoác lên bao nhiêu lớp áo, trưng ra bao nhiêu bộ mặt, ta vẫn không thể giấu được đứa trẻ bên trong mình. 

Một đứa trẻ được sinh ra trong tình yêu thương, hoặc là chưa từng cảm thấy được yêu thương. 

Một đứa trẻ với tuổi thơ bình đạm, trong veo tiếng nói cười, hoặc là tuổi thơ chỉ đọng lại với những lời đay nghiến lẫn đòn roi, và cả sự hắt hủi từ những người bên cạnh. 

Một đứa trẻ được lớn lên trong sự bảo bọc, có cha mẹ đồng hành theo mỗi bước chân, hoặc là chỉ một thân một mình, thui thủi giữa cuộc đời lầm lũi, cô đơn. 

Là gì đi chăng nữa, ta cũng đã sống với những ngày thơ trẻ một thời gian đủ dài để những gì còn lại luôn in hằn lên chính con người ta. Chỉ là vết thời gian trên mỗi người một khác, phần trẻ con trong mỗi chúng ta cũng chưa từng giống nhau.

Mình vẫn luôn tự nhắc bản thân học cách lắng nghe nhiều hơn, đặt mình vào vị trí của người khác nhiều thêm một chút. Mình cũng không ít lần được nhận xét là sâu sắc hay hiểu chuyện. Nhưng điều ấy không có nghĩa là mình muốn đánh mất phần thơ trẻ của bản thân. 

Mình lâu lâu vẫn thích làm mấy chuyện điên rồ. Như là thích chơi mấy trò như hồi con nít, sẽ nhõng nhẽo với người yêu, đôi khi vô lý mà còn hay ăn vạ, đánh răng xong rồi còn ăn đồ ngọt, thích ăn kem tới phát điên… Chỉ là những điều ấy cũng chưa làm ai thấy phiền nên mình vẫn thích giữ, vẫn tự cảm nhận được niềm vui. Đôi khi chính vì chúng mà mình yêu đời nhiều hơn. Đang muộn phiền trong lòng mà được ăn kem thì đến mình cũng tan chảy nữa là.

Tuổi tác dù sao cũng chỉ là con số. Giá trị của một người không vì thế mà tăng thêm hay giảm đi. Là một người trưởng thành vốn mang nhiều gánh nặng nên nếu có thể giữ lại chút trẻ con chưa hẳn đã là chuyện không tốt.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .