Một số vấn đề khi viết tản văn và hướng khắc phục

(nhìn từ minigame viết tản văn Ngày Tết – Ngày Xuân của cộng đồng Yêu lại tiếng Việt)

Từ hôm phát động minigame viết tản văn Ngày Tết – Ngày Xuân để gửi đăng báo tới giờ, Yêu lại tiếng Việt đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thành viên với hơn 50 bài tham gia. Một con số theo mình là khá nhiều trong thời gian 10 ngày.

Khi viết tản văn, có một số lỗi thường gặp mà bạn nên biết để nhận diện và khắc phục. Từ đó tạo ra các tác phẩm hay hơn.

Tuy chưa thể đọc và góp ý hết cho tất cả các tác phẩm mà mọi người đã đăng lên nhóm nhưng mình cũng nhận thấy một số vấn đề khi mọi người viết tản văn và muốn gợi ý hướng khắc phục để mọi người viết tốt hơn trong những bài sắp tới.

Ý tưởng dễ trùng lặp với người khác

Bởi vì cùng viết về ngày Tết – ngày xuân nên việc trùng lặp ý tưởng rất dễ xảy ra. Để tránh tình trạng này, trong khuôn khổ của minigame hoặc ngay cả khi bạn muốn gửi bài cho tờ báo nào đó, bạn nên quan sát các “đối thủ” trước xem họ đã viết về gì và viết nó ra sao.

Chọn một ý tưởng chưa được những tác giả khác khai thác sẽ tốt hơn cho bạn. Tuy nhiên, điều này khá khó tránh khi mọi người đều đang viết về cùng một chủ đề. Bạn có thể áp dụng một số cách sau để tìm ra được những ý tưởng độc đáo hơn:

Chọn những ý tưởng cụ thể, có tính cá nhân cao

Đừng chỉ viết về bánh chưng nói chung mà hãy nghĩ đến miếng bánh chưng rán ngoài vàng giòn, trong thơm dẻo chấm với mật mía màu nâu cánh gián ngọt đậm trong những ngày Tết đã vãn, quãng sau mồng 10 chẳng hạn. Khi ấy, Tết đã qua nhưng chưa qua hẳn, vẫn còn vương vấn những gì còn sót lại của một nét văn hóa truyền thống rất đặc trưng.

Khai thác ý tưởng cũ ở những góc nhìn mới

Tương tự như ở trên, ngày Tết – ngày xuân đã quá quen thuộc với chúng ta. Thế nên với những người cũ, việc cũ, hãy cố gắng tìm ra một vài phương diện mới mẻ hơn để viết. Cũng là ý tưởng về nước mùi già để thanh tẩy nhà cửa và cơ thể cuối năm, bạn viết về một người Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài khó kiếm được để dùng sẽ tạo ra những cảm xúc và câu chuyện đặc biệt hơn.

Tham khảo thêm:

Tạm biệt “bí ý tưởng” chỉ với 1 ngàn đồng & khóa học online cho người viết từ số 0

Các kỹ thuật phát triển ý tưởng giúp bạn không bao giờ thiếu nội dung

Động não trước khi viết: những bí kíp làm chủ ý tưởng

1 năm, 235 bài đăng báo & hành trình của những giấc mơ cầm bút

Tiêu đề tản văn chưa thật sự thu hút

Không chỉ tản văn mà với bất kỳ một tác phẩm, bài viết nào thì tiêu đề cũng là điểm đầu tiên tiếp xúc và đóng vai trò giữ chân người đọc. Một tiêu đề đủ hấp dẫn không chỉ là sự thể hiện của nội dung, thông điệp trong bài viết mà còn là cách tác giả cho thấy sự kỹ lưỡng, chăm chút của mình khi chọn chữ. Từ đó khiến người đọc vừa nhìn thấy đã thích thú, muốn đọc tiếp xem bài này có hay không.

Tất nhiên, đặt được một tiêu đề hay là thử thách không nhỏ, ngay cả với những cây viết lâu năm. 

Bạn có thể lưu ý một số điểm sau để tạo ra những tiêu đề hiệu quả hơn khi viết tản văn:

Tiêu đề tản văn không nên quá chung chung 

Hãy nghĩ tới những thứ cụ thể và gắn với cá nhân người viết nhiều hơn. Ví dụ: Thay vì “Mùi Tết”, bạn có thể đặt tựa là “Hương mùi già gọi Tết Xuân về nhà” như của Lisa. 

Mẹo cho bạn khi viết tản văn là đừng đặt những cái tựa là một từ khóa, cụm từ mang ý chung chung, tổng quát. Sau khi đã xác định được từ khóa chung rồi, bạn nên tiếp tục phân tích nó để chọn ra một từ khóa đủ rộng để triển khai nhưng cũng đủ hẹp để bạn có thể viết sâu và tạo ra những chi tiết, cảm xúc, câu chuyện riêng biệt hơn so với mọi người.

Tránh đặt tiêu đề một đằng, nội dung bài một nẻo

Tiêu đề là điểm đầu tiên để tác giả thể hiện nội dung chính hoặc thông điệp chính của tác phẩm. Nếu tên bài là “Mùi Tết” mà ở thân bài, bạn viết về vẻ rực rỡ của trăm hoa mùa xuân hay phong tục truyền thống trong ngày Tết của người Việt thì bạn đã mắc phải lỗi lạc đề, lan man. 

Khi viết tản văn, mình thường dựa trên ý tưởng để nghĩ ra một tiêu đề nháp. Tiêu đề này có vai trò như một cột mốc để mình dựa vào đó mà triển khai các nội dung chính trong bài. Trong tiêu đề có yếu tố nào, trong bài viết làm rõ yếu tố đó. Lúc biên tập, bạn có thể đổi lại tên mới cho bài viết nếu thấy tên ban đầu chưa hiệu quả.

Lấy một ví dụ, nếu tiêu đề là “Bánh chưng xanh gọi Tết an lành” thì trong bài cần nói về bánh chưng, cảm giác đợi chờ Tết và sự an lành của ngày Tết.

Tiêu đề nên có tính cảm xúc và tính nghệ thuật (tính thẩm mỹ)

Bạn đừng đặt một tên bài chỉ để cho có, cũng đừng viết nó như một câu nói thông thường trong giao tiếp. Văn học là nghệ thuật, nó đòi hỏi tính sáng tạo và cả tính thẩm mỹ. Với tản văn về ngày Tết – ngày xuân, bạn có thể tận dụng các từ ngữ chỉ cảm xúc (bâng khuâng, vấn vương, nồng nàn, nôn nao…) và các hình ảnh có thể gợi cảm xúc, ký ức đặc trưng (nước mùi già, cây quất, cành đào, câu đối đỏ, áo dài…) để đưa vào tiêu đề. Các từ chỉ thời gian (mùa, ngày, xưa…) hay gợi nhắc về một người thân thương (ông bà, ba mẹ…) cũng là những gợi ý hay cho bạn.

Đoạn mở đầu chưa đủ hấp dẫn

Cũng giống như tiêu đề, đoạn mở đầu có vai trò như một mồi câu để cuốn người đọc vào tác phẩm của bạn mà không rời đi khi đang lướt mạng. Thế nên bạn cần thật sự đầu tư vào đoạn đầu tiên khi viết tản văn. Những câu mở đầu càng thu hút thì tỉ lệ dừng chân của người đọc với tác phẩm của bạn càng cao.

Một số vấn đề khi viết đoạn mở đầu:

  • Mở đầu quá ngắn, quá trực tiếp.
  • Mở đầu quá dài, chiếm một phần lớn dung lượng và nội dung của thân bài.
  • Diễn đạt còn lủng củng, chưa mạch lạc, sai ngữ pháp hoặc nhiều lỗi chính tả, đánh máy.
  • Mở đầu chưa giới thiệu được chủ đề chính của tác phẩm.

Làm thế nào để viết đoạn mở đầu hay hơn?

Để đoạn mở đầu tạo cảm tình tốt hơn với người đọc, bạn nên cân nhắc những điều sau:

  • Tránh các lỗi về hình thức như lỗi chính tả, lỗi đánh máy, lỗi sử dụng từ, sử dụng dấu câu…
  • Mở bài đề cập đến hoặc giới thiệu được chủ đề chính, thông điệp của toàn bài. Ít nhất, phần này cũng cần dẫn dắt, gợi mở được cho người đọc về nội dung chính của bài.
  • Đi từ cái chung tới cái riêng. Từ không khí, tiết trời… dẫn đến những ký ức, những suy tư… hoặc là từ cảm nhận chung về ngày Tết – ngày xuân, bạn dần kể về một điều đặc biệt có ý nghĩa với bản thân.

Ví dụ:

“Tết trong suy nghĩ của nhiều người là đoàn viên, đủ đầy, trọn vẹn. Là dịp nghỉ dài sau một năm làm ăn vất vả. Là khi người ta được tạm quên đi cuộc sống bộn bề. Người ta trở về với ngày thong thả, với những người nhà. Nhưng Tết không chỉ có nồng nàn. mà còn có cả gian nan kiếp người.” (trích Vị Tết nồng nàn ở thế gian)

Tham khảo thêm: 

12 cách viết mở đầu thu hút người đọc

Nồng nàn Tết ta – Ngân nga tiếng Việt

Ebook tập hợp những bài thi viết về tết của thành viên Yêu lại tiếng Việt
Ebook tập hợp những bài thi viết về tết của thành viên Yêu lại tiếng Việt

Thân bài chưa thể hiện tốt cho ý tưởng

Thân bài là phần chiếm dung lượng lớn nhất trong toàn bài. Tại đó, ý tưởng bạn chọn được trình bày ở nhiều khía cạnh khác nhau, làm nổi bật nội dung chính và tạo ra sự đồng cảm, yêu mến cho người đọc.

Những hướng dẫn giúp bạn viết phần thân bài tốt hơn:

Tránh các lỗi sai về hình thức 

Bạn không nên mắc những lỗi về hình thức như đã đề cập ở phần viết mở đầu. Ngoài ra, bạn cũng cần hết sức tránh viết những đoạn văn nhỏ chỉ gồm một hai câu và ngắt đoạn liên tục. Thay vào đó, hãy ngắt đoạn theo nội dung. Mỗi đoạn thể hiện một nội dung hoàn chỉnh.

Không tham chi tiết, chỉ viết sâu vào một hoặc một số ý 

Dung lượng của một tản văn đăng báo thường dao động trong các khoảng 600 – 800 – 1000 từ. Do đó, bạn cần tránh việc tham ý, tham chi tiết. Mẹo cho bạn là hãy chọn ra một số ý tiêu biểu để tập trung triển khai sâu. Nếu muốn viết về tất cả những gì bạn nhớ liên quan tới ý tưởng chủ đạo, bạn dễ rơi vào bẫy liệt kê mà thiếu chiều sâu. Hãy xác định ngay từ đầu những ý chính bạn cần viết để làm nổi bật chủ đề trọng tâm rồi diễn đạt kỹ về chúng ở phần thân bài. 

Viết về một trải nghiệm, câu chuyện mang tính cá nhân

Như đã nói, ngày Tết – ngày xuân là một chủ đề đã được viết nhiều. Thế nên những gì càng cụ thể và mang tính cá nhân sẽ càng dễ tạo nên sự độc đáo, riêng biệt. Tết của người dân tộc thiểu số hay Tết của ngư dân trên biển sẽ mới mẻ hơn là Tết với bánh chưng, bánh tét chung chung. Hoặc là bánh Tét ngọt với nhân chuối của vùng Tây Nam Bộ hay bánh Tét nhân hạt điều của vùng Đông Nam Bộ cũng là những nét văn hóa ẩm thực rất đáng để khai thác.

Tham khảo thêm: 

9 bí kíp viết tản văn trữ tình mềm mại và bay bổng

Viết tản văn kiếm tiền: những điều chưa ai nói với bạn

Lịch học khóa Viết tản văn đăng báo TV07 trong 10 tuần, bắt đầu từ 03/12
Lịch học khóa Viết tản văn đăng báo TV07 trong 10 tuần, bắt đầu từ 03/12

Kết bài chưa tạo được dư âm với người đọc

Phần cuối của tác phẩm là kết bài, cũng là phần có thể tạo được dư âm và thương nhớ với độc giả. Một kết bài tốt cần thể hiện được một thông điệp trọn vẹn và có liên kết sâu sắc với ý tưởng chủ đạo.

Tham khảo thêm: 

8 cách viết kết bài ghi dấu ấn với người đọc

Một số công cụ hỗ trợ viết tản văn hay, rút gọn thời gian và phát triển đúng hướng

Trên đây là một số vấn đề khi mọi người viết tản văn trong minigame viết về Ngày Tết – Ngày Xuân và những gợi ý để bạn cải thiện chất lượng bài viết. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng chúng cho cả những chủ đề khác và thực hành viết liên tục để tự rút ra kinh nghiệm sáng tác thực tế cho bản thân.

Chat với Hòa để được tư vấn về khóa học và giải đáp các thắc mắc liên quan nhé!

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viếthành trình trở thành người kinh doanh chuyên môn và các sáng tác của Sẻ nâu.
 Ghé thăm mình tại FacebookInstagram để kết nối nhiều hơn nghen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .