Để một tác phẩm truyện được người đọc đồng cảm, người viết cần có khả năng tạo ra những nhân vật và tình huống mà độc giả có thể nhận biết và liên kết với chúng trong thế giới mà họ xây dựng.
Mỗi một tác phẩm không chỉ là một câu chuyện mà là một hành trình, một trải nghiệm chung về cuộc sống. Điều này đòi hỏi ở người cầm bút sự tinh tế và hiểu biết về tâm lý con người.
Những lưu ý sau sẽ giúp bạn làm việc tốt hơn với tác phẩm của mình.
Phác họa chân dung nhân vật một cách chi tiết
Khi xây dựng nhân vật, tác giả cần chú ý tới độ phức tạp, các chi tiết về tính cách, động cơ hành động và quá khứ có ảnh hưởng tới hiện tại như thế nào. Nhân vật nên gần gũi với thực tế, phải đối diện với thách thức của cuộc sống hoặc cần phản kháng để kích thích sự đồng cảm từ phía độc giả.
Nhân vật là linh hồn của một tác phẩm. Qua nhân vật, tác giả truyền tải các thông điệp và bài học tới người đọc.
Để khắc họa chân dung nhân vật, bạn nên chú trọng tới các yếu tố như:
Ngoại hình: dáng người, khuôn mặt, tướng đi, trang phục, đặc điểm nhận dạng khác biệt với mọi người… Ví dụ: nhân vật Anne tóc đỏ có đặc trưng là mái tóc màu đỏ nổi bật.
Tính cách: là yếu tố quan trọng thể hiện bản chất nhân vật qua hành động, lời nói, suy nghĩ và cách ứng xử trước các tình huống khác nhau. Ví dụ: nhân vật Chiến trong “Những đứa con trong gia đình” là một người lính yêu nước, căm thù giặc xâm lăng thì dù ở chiến trường gian khổ và gặp nguy hiểm, bị thương thì vẫn luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu.
Lý lịch của nhân vật: hoàn cảnh sống và gốc gác của nhân vật góp phần lý giải cho các hành động cũng như tính cách của họ. Ví dụ: nhân vật chị Dậu là người nông dân nghèo chịu áp bức, phải vất vả đóng sưu thuế cao và vô lý nên khi bị dồn tới nước đường cùng, chị vùng lên chống trả tên cai lệ, bảo vệ chồng (gia đình).
Diễn biến tâm lý: là những thay đổi trong suy nghĩ, cảm xúc và nội tâm của nhân vật. Ví dụ: khi quyết định bán cậu Vàng để lo cho con trai, lão Hạc liên tục tự vấn và tự trách bản thân vì lừa một con chó trung thành và yêu thương lão. Cuối cùng, do nhiều nguyên nhân, trong đó có tâm lý tội lỗi vì bán cậu Vàng, lão chọn kết liễu đời mình bằng bã chó.
Tạo ra một câu chuyện có ý nghĩa nhân văn và thông điệp rõ ràng
Câu chuyện có ý nghĩa và thông điệp hướng con người tới những giá trị nhân văn tốt đẹp thường sẽ được người đọc đồng cảm nhiều hơn.
Ý nghĩa nhân văn là các giá trị đạo đức, tình cảm cao đẹp như tình yêu thương gia đình, lòng dũng cảm, tinh thần dám nghĩ dám làm…
Thông điệp là những bài học, những lời khuyên mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc. Thông điệp có thể được thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp qua tác phẩm.
Ví dụ: Trong tác phẩm “Lão Hạc”, Nam Cao muốn gửi gắm thông điệp về tình phụ tử thiêng liêng, sự hi sinh của người cha nghèo để dành tất cả những điều quý giá nhất cho con. Đồng thời cũng ca ngợi tấm lòng nhân hậu của người nông dân nghèo như lão Hạc và tố cáo thực trạng xã hội “một ách hai tròng” khiến bao người lâm vào đường cùng.
Một số cách xây dựng câu chuyện có ý nghĩa nhân văn và thông điệp rõ ràng:
Xác định rõ chủ đề của bài viết và đối tượng độc giả đang nhắm đến.
Xây dựng các sự kiện, hành động, chi tiết, nhân vật phù hợp với chủ đề chính và thông điệp của tác phẩm.
Dùng ngôn ngữ linh hoạt, giàu hình ảnh, có sức biểu cảm để truyền tải thông điệp.
Miêu tả môi trường và bối cảnh sinh động
Miêu tả môi trường và bối cảnh các sự kiện trong truyện diễn ra một cách chân thực và sống động làm cho độc giả đồng cảm dễ dàng hơn với nhân vật. Họ tưởng tượng được không gian và thời gian mà các tình huống diễn ra rõ ràng hơn.
Phương pháp này giúp người đọc hình dung được khung cảnh của tình huống, bầu không khí khi ấy và hoàn cảnh cụ thể bấy giờ của nhân vật. Từ đó, họ có thể hiểu được hành động, suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật một cách dễ dàng hơn.
2 cách miêu tả bối cảnh trong tác phẩm truyện
Miêu tả trực tiếp: dùng các từ miêu tả cụ thể không – thời gian khi sự việc diễn ra. Ví dụ: khi miêu tả nữ chính được nam chính tỏ tình trên ngọn đồi nơi hai người thường chơi hồi bé, bạn nên miêu tả không gian rộng lớn và xanh mướt ấy, vị trí quen thuộc với họ, thời tiết ngày hôm đó…
Miêu tả gián tiếp: dùng chi tiết, hình ảnh để người đọc tự hình dung tâm trạng nhân vật. Ví dụ: khi nhân vật rơi vào trạng thái tinh thần không vui vẻ, bạn có thể miêu tả cùng với các dấu hiệu của một cơn mưa (tiếng mưa, sự ẩm ướt, hơi lạnh…).
Khi tả bối cảnh và môi trường, bạn cần chú ý tới:
Tính chính xác: những chi tiết miêu tả trong tác phẩm cần gần nhất với thời đại, địa điểm sự việc diễn ra và hoàn cảnh sống của nhân vật.
Tính sinh động: việc phác thảo bối cảnh cần dùng phép miêu tả giàu hình ảnh và tính biểu cảm.
Tính hài hòa: bối cảnh của câu chuyện cần phù hợp với nội dung và giọng điệu của tác phẩm.
Tạo sự đồng cảm qua các chi tiết mâu thuẫn và thách thức
Những mâu thuẫn và thách thức giúp nhân vật chân thật hơn và dễ được người đọc đồng cảm hơn. Nhân vật sẽ cần phải vượt qua những khó khăn, nhờ đó mà học được từ các sai lầm.
Mâu thuẫn tạo nên kịch tính cho câu chuyện. Những mâu thuẫn nội tâm của nhân vật chính hoặc xung đột với các nhân vật khác xung quanh làm người đọc tò mò theo dõi diễn biến tiếp theo. Họ sẽ tưởng tượng về nhân vật để suy ngẫm, đồng cảm.
Thách thức là những khó khăn mà nhân vật phải vượt qua. Khi nhân vật làm tốt, người đọc sẽ hân hoan, vui mừng và lấy lại niềm tin vào cuộc sống.
Để người đọc đồng cảm qua thông qua những mâu thuẫn và thách thức, người viết cần:
Xây dựng những nhân vật có hoàn cảnh dễ được đồng cảm. Họ có những vấn đề, thử thách, cảm xúc… mà người đọc liên tưởng và thấu cảm được.
Mâu thuẫn và thách thức được đưa ra cần phù hợp với tính cách, hoàn cảnh của nhân vật.
Diễn biến tâm lý của nhân vật cần được miêu tả một cách chân thực và sinh động.
Ví dụ: Hoàn cảnh nghèo khổ, bị chồng bạo hành của người vợ làng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” dễ khiến người đọc, đặc biệt là người đọc nữ cảm thương.
Tham khảo thêm về viết truyện:
https://hoaluong.com/5-nguon-cam-hung-viet-truyen/
https://hoaluong.com/truyen-ngan-hien-dai-viet-nam/
https://hoaluong.com/mot-so-loai-nhan-vat-trong-truyen-ngan/
https://hoaluong.com/cau-truc-cot-truyen-trong-truyen-ngan/
https://hoaluong.com/goi-y-viet-truyen-sang-tao/
Sử dụng những yếu tố phản ánh thực tế xã hội
Một câu chuyện phản ánh thực tế và xã hội thường có khả năng đánh thức sự đồng cảm từ độc giả. Chúng ta thường cảm thấy gần gũi với những vấn đề hàng ngày.
Cách phản ánh thực tế xã hội trong tác phẩm:
Trực tiếp: miêu tả những hiện tượng, tệ nạn, vấn đề xã hội một cách trực tiếp, sinh động. Như là viết về nạn tham nhũng được thể hiện qua các hành vi hối lộ, móc ngoặc, lợi ích nhóm… của những người là lãnh đạo, cán bộ.
Gián tiếp: dùng chi tiết, hình ảnh ẩn dụ, các biểu tượng… để thể hiện ý đồ của người viết. Hình ảnh thần rừng nổi giận có thể gián tiếp lên án thực trạng chặt phá rừng, phá hủy môi trường tự nhiên.
Khi phản ánh thực tế xã hội, tác phẩm cần có:
Tính khách quan: Không áp đặt quan điểm cá nhân của người viết lên tác phẩm.
Tính chân thực: Phản ánh đúng những gì là bản chất của các hiện tượng, vấn đề xã hội.
Tính nghệ thuật: Dùng biện pháp tu từ, ngôn ngữ sinh động để tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện.
Ví dụ: Tác phẩm “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng phản ánh sinh động và châm biếm xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám với những tệ nạn như tham nhũng, hủ bại, đua đòi Âu hóa… bằng giọng văn trào phúng, những chi tiết hài hước. Nhờ đó mà để lại ấn tượng mạnh mẽ, khiến người đọc đồng cảm.
Bài viết đã giới thiệu tới bạn 5 lưu ý quan trọng khi viết truyện để làm cho người đọc đồng cảm. Muốn tạo nên một tác phẩm thu hút, người viết cần chú trọng vào việc xây dựng nhân vật, phác thảo cốt truyện, miêu tả bối cảnh, sử dụng ngôn ngữ và thể hiện thông điệp ý nghĩa. Chìa khóa để người đọc đồng cảm chính là những cảm xúc chân thành, tinh tế và tình yêu thương giữa con người với nhau.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Mình sẽ rất hạnh phúc nếu bạn ghi lại đây những cảm nhận của bạn hoặc là những thắc mắc muốn được giải đáp thêm. Mình sẽ phản hồi bạn trực tiếp qua bình luận hoặc nếu cần, mình sẽ lên một bài viết mới để hồi đáp đầy đủ và chi tiết.
Bạn có thể kết nối với mình nhiều hơn tại: https://linktr.ee/hoaluongwriter