Viết về kỷ niệm làm sao để chân thực và đong đầy cảm xúc là thử thách với không ít người mới tập tành viết lách. Những ngày này, Yêu lại tiếng Việt đang tổ chức cuộc thi viết có giải thưởng là Bức ảnh có tên kỷ niệm. Vậy nên mình sẽ đưa ra những gợi ý giúp bạn viết về ký ức sống động và dễ gây đồng cảm hơn nhé!
Chọn một kỷ niệm cụ thể, không viết chung chung nhiều sự kiện
Một lỗi mà nhiều học viên của mình thường mắc phải trong khóa viết căn bản và viết tản là quá ôm đồm chi tiết, tham ý nên viết về quá nhiều nội dung trong cùng một bài. Điều này khiến bạn không tập trung vào trọng tâm chủ đề mà viết lan man, dàn trải. Mẹo cho bạn là trong một bài viết về kỷ niệm, bạn chỉ nên chọn ra một sự kiện chính và viết sâu vào nó. Đừng để ký ức dẫn dắt bạn đi qua hết mốc thời gian này tới mốc thời gian khác với nhiều sự kiện khác nhau. Người đọc sẽ không biết đang muốn nhấn mạnh vào điều gì nhất.
Ví dụ:
Với cuộc thi Bức ảnh có tên kỷ niệm, bạn chỉ cần chọn ra 01 bức ảnh duy nhất cho 01 bài viết. Vì được gửi tối đa 03 bài nên bạn sẽ có 03 bức ảnh. Khi viết, hãy ngắm thật kỹ bức ảnh đó và nhớ lại xem khoảnh khắc đó có gì đáng nhớ và ý nghĩa với bạn. Tại sao bạn lại thấy đó là bức ảnh đại diện cho bạn trong năm 2023 này?
Kỷ niệm đó có thể là ngày cưới của bạn, chuyến du lịch mà bạn đã đi, một sự kiện quan trọng trong cuộc sống hay công việc, giây phút bạn thấy “yêu” bản thân nhiều nhất hoặc có khi chỉ là khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Cái gì cũng được nhưng không phải tất cả. Nhớ nhé, chỉ một là đủ.
Miêu tả chi tiết khi viết về kỷ niệm
Miêu tả là một kỹ thuật có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong tác phẩm của bạn. Việc bạn sử dụng từ ngữ như thế nào sẽ phác họa nên bối cảnh, âm thanh, mùi vị, hành động và cả cảm xúc gắn liền với kỷ niệm được chọn để nhắc đến trong bài viết. Bạn miêu tả càng chi tiết và sinh động, người đọc càng dễ dàng hình dung những gì mà bạn thấy – nghe – nhìn – ngửi – nếm – cảm nhận vào ngày hôm ấy.
Một số gợi ý khi miêu tả để độc giả “xâm nhập” vào câu chuyện hồi ức của bạn dễ hơn là:
- Viết về cảm nhận của bạn thông qua cả 05 giác quan và cảm giác, linh cảm.
- Sử dụng các tính từ và từ láy nhiều hơn trong bài viết vì chúng có chức năng biểu đạt được cả những đặc điểm bên ngoài lẫn bên trong của một sự vật hiện tượng.
- Dùng các từ để gọi tên và chi tiết hóa cảm xúc thay vì viết chung chung.
- Tập trung vào những hành động và phản ứng của nhân vật trước và sau hành động đó.
- Thông qua các đoạn hội thoại để gián tiếp miêu tả.
Tham khảo thêm:
Show, don’t tell: Hãy cho thấy, đừng chỉ kể – Hòa Lương (hoaluong.com)
Viết lách và làm phim: sự tương đồng đầy tính nghệ thuật – Hòa Lương (hoaluong.com)
Tổ chức câu chuyện chặt chẽ
Kết cấu đơn giản nhất giúp bạn tổ chức câu chuyện là sắp xếp các sự kiện lớn nhỏ theo trình tự thời gian để câu chuyện có tính logic và dễ theo dõi. Việc nào xảy ra trước kể trước và ngược lại. Kỹ thuật này đơn giản nhưng chưa bao giờ lỗi thời. Quan trọng là nó rất phù hợp cho những ai đang luyện tập viết về kỷ niệm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các kỹ thuật khác như hồi tưởng (flashbacks) hoặc điềm báo (foreshadowing) để tạo thêm hứng thú ngay cả khi đang viết về những chuyện đã qua trong quá khứ.
Tập trung vào chi tiết quan trọng nhất trong kỷ niệm ấy
Bận cần phải xác định sự kiện trọng tâm như gợi ý phía trên nhưng cũng cần đặt sự tập trung vào những chi tiết làm nổi bật kỷ niệm. Ví dụ như khi bạn viết về tấm ảnh bạn đang cầm bằng tốt nghiệp đại học với bộ đồ cử nhân và chiếc mũ đặc trưng được tung lên trời thì chi tiết nào sẽ là quan trọng nhất trong tấm ảnh. Khi trải qua giây phút ấy, điều gì khiến bạn thấy nó là bức ảnh có ý nghĩa nhất năm 2023 này? Là sự vui mừng và ăn mừng? Là sự chiến thắng bản thân? Là một chặng đường khép lại? Là hành trình mới sẽ mở ra? Hay đơn giản nụ cười của bạn trong tấm ảnh đã gói gọn tất cả?
Khi viết, bạn sẽ cần làm cho độc giả cảm nhận được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của các chi tiết đó. Như vậy họ mới có thể đồng cảm với bạn nhiều hơn.
Chia sẻ cảm xúc của bạn khi viết về kỷ niệm
Nếu có điều gì đó khiến ký ức của người này khác với người khác thì chính là cảm xúc mà mỗi trải qua trong khoảnh khắc chỉ có một ấy. Không phút giây nào trong cuộc đời là có thể lặp lại nên cảm xúc của bạn ngay tại thời điểm mà một sự việc diễn ra cũng là độc nhất. Đừng ngần ngại chia sẻ những gì bạn cảm thấy, suy nghĩ, và học hỏi từ chính những kỷ niệm của bạn. Bởi vì quá khứ luôn chứa đựng những bài học lớn mà chúng ta sẽ còn được nhắc lại nhiều lần trong suốt hành trình sống của mình.
Bên cạnh đó, nếu có những thay đổi, sự phát triển hoặc tác động lâu dài xảy ra kể từ sự việc đó, bạn cũng đừng quên đề cập đến chúng. Hãy nhớ rằng quá khứ là cây cầu nối liền với hiện tại và sẽ còn được bắc tới tương lai.
Sử dụng ngôn ngữ độc đáo
Khi viết về những chuyện đã qua, bạn vẫn nên có những thử nghiệm sáng tạo với ngôn từ. Một số phương pháp phổ biến là so sánh, ẩn dụ, nhân hóa… để làm cho những đối tượng được nhắc đến trong văn bản trở nên sống động hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nhắc đến từ ngữ địa phương, biệt danh, cách giao tiếp đặc biệt… gắn với kỷ niệm. Nhớ là bạn nên có các chú thích để người đọc hiểu được chúng.
Thông điệp ý nghĩa
Một bài viết sẽ giá trị hơn khi mang đến một thông điệp ý nghĩa, giàu chất nhân văn tới người đọc. Hãy nhớ đến điều này khi viết để đưa thông điệp vào bài tự nhiên hơn “chuyện của tôi cũng là chuyện của chúng ta”. Nếu bạn có thể liên hệ được câu chuyện của bản thân với chuyện của cộng đồng, của xã hội nói chung sẽ dễ được đón nhận hơn là chỉ chăm chăm viết về chính mình, về chuyện của mình.
Ở phần tổng kết bài viết, bạn nên bộc bạch những suy nghĩ, bài học hoặc cách nhìn nhận, chiêm nghiệm về cuộc sống thông qua chính những kỷ niệm đó.
Trên đây là 7 gợi ý để bạn viết về kỷ niệm sinh động và đong đầy cảm xúc. Áp dụng ngay khi viết bài dự thi Bức ảnh có tên kỷ niệm của cộng đồng Yêu lại tiếng Việt để có cơ hội ngay những giải thưởng sau:
- Giải thưởng:
01 giải nhất: 300k + Workbook Sổ tay tản văn + Trải nghiệm dịch vụ biên tập 1 bài (100k/bài)
01 giải nhì: 200k + Workbook Sổ tay tản văn + Trải nghiệm dịch vụ biên tập 1 bài (100k/bài)
03 giải ba: 100k + Workbook Sổ tay tản văn
- Thời gian:
Thời gian dự thi: 6/12/2023 đến 25/12/2023
Công bố giải: 01/01/2024 (Tết dương lịch)
- Lưu ý:
Bạn phải là thành viên của group Yêu lại tiếng Việt.
Bài thi có nhiều tương tác (thích, bình luận, chia sẻ) từ Fanpage Yêu lại tiếng Việt sẽ được tính thêm điểm khi xét giải phụ của BTC.
Trường hợp kỷ niệm mà bạn chọn kể không có ảnh chụp để lưu lại, bạn vui lòng đăng 01 bức ảnh khác do bạn tự chụp để minh họa cho bài viết.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Mình sẽ rất hạnh phúc nếu bạn ghi lại đây những cảm nhận của bạn hoặc là những thắc mắc muốn được giải đáp thêm. Mình sẽ phản hồi bạn trực tiếp qua bình luận hoặc nếu cần, mình sẽ lên một bài viết mới để hồi đáp đầy đủ và chi tiết.
Bạn có thể kết nối với mình nhiều hơn tại: https://linktr.ee/hoaluongwriter