Cách viết truyện ngắn hoàn chỉnh cho người mới bắt đầu (Phần 1)

Tìm hiểu cách viết truyện ngắn hoàn chỉnh với các hướng dẫn cụ thể theo từng bước giúp bạn hình dung rõ hơn những việc nên làm để có một tác phẩm truyện.

Tìm hiểu cách viết truyện ngắn hoàn chỉnh với các hướng dẫn cụ thể theo từng bước giúp bạn hình dung rõ hơn những việc nên làm để có một tác phẩm truyện.

Bạn có từng thắc mắc làm thế nào để viết được một truyện ngắn cuốn hút? Hành trình này không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo mà còn cần sự kiên nhẫn để vượt qua từng thử thách. Từ bước tìm kiếm cảm hứng, phát triển cốt truyện, đến việc chỉnh sửa và hoàn thiện, mỗi giai đoạn đều mang đến những trải nghiệm thú vị. Một câu chuyện ngắn không chỉ là lời kể mà còn là tiếng nói của cảm xúc và ý tưởng. Hãy cùng khám phá chi tiết cách viết truyện ngắn, biến những ý tưởng nhỏ bé của bạn thành một tác phẩm đáng nhớ!

Giai đoạn 1 – Tìm cảm hứng và xác định ý tưởng

Tìm kiếm cảm hứng và xác định ý tưởng là bước đầu tiên mà bạn nên quan tâm khi bắt đầu sáng tác truyện ngắn. Đây là lúc bạn khám phá thế giới xung quanh, khai thác những trải nghiệm cá nhân và nuôi dưỡng trí tưởng tượng. Một ý tưởng rõ ràng sẽ là nền tảng vững chắc để bạn phát triển nên cốt truyện hấp dẫn và độc đáo.

Tìm nguồn cảm hứng viết truyện từ cuộc sống

Cảm hứng sáng tác không cần tìm kiếm xa xôi, bởi đôi khi chính cuộc sống xung quanh là kho tàng ý tưởng phong phú nhất. Hãy quan sát thật kỹ những chi tiết nhỏ nhặt trong ngày. Đó có thể là một cuộc hội thoại bất chợt mà bạn nghe được, một câu chuyện thú vị bạn được ai đó kể lại hay một sự kiện bất ngờ diễn ra ngay trước mắt bạn. Mỗi tình tiết đều có tiềm năng trở thành điểm khởi đầu cho một câu chuyện ý nghĩa.

Truyện ngắn Chú Mười Ba được hư cấu thêm từ câu chuyện có thật của những người họ hàng, hàng xóm ở quê hương của tác giả Vĩ Nguyên.

Ngoài ra, bạn có thể mở rộng biên giới cảm xúc và trí tưởng tượng của mình thông qua sách báo, phim ảnh, âm nhạc, thậm chí là những giấc mơ. Một đoạn nhạc xúc động có thể khơi gợi một mạch truyện đầy cảm xúc, một bộ phim hay có thể gợi ý cách xây dựng nhân vật hoặc bối cảnh độc đáo. Đừng quên luôn mang theo sổ tay hoặc sử dụng chức năng ghi chú của điện thoại để ghi lại những khoảnh khắc quý giá ấy. Chúng là những hạt giống nhỏ bé, nhưng với sự chăm chút của bạn, chúng có thể sẽ nảy mầm thành những câu chuyện đặc sắc và cuốn hút trong tương lai.

Truyện ngắn Ý được tác giả Vương Đình Khang lấy cảm hứng từ những lần nghe ca cải lương và nghĩ về thân phận của người đào hát, thầy đờn.

Đọc thêm:

Các kỹ thuật phát triển ý tưởng giúp bạn không bao giờ thiếu nội dung

Động não trước khi viết: những bí kíp làm chủ ý tưởng

Tạm biệt “bí ý tưởng” chỉ với 1 ngàn đồng & khóa học online cho người viết từ số 0

Đặt câu hỏi để khơi nguồn sáng tạo

Khi bắt tay vào viết truyện, đôi khi bạn chỉ cần một câu hỏi đơn giản để mở khóa thế giới tưởng tượng của chính mình. Những câu hỏi dễ dàng nhưng sâu sắc như: “Nếu bạn chỉ được kể một câu chuyện trong đời mình, bạn muốn chia sẻ điều gì?” có thể khiến bạn nhìn nhận lại những điều mình trân trọng hoặc khơi gợi những ý tưởng sáng tạo mà bạn không thể ngờ.

Bên cạnh đó, đừng ngại đặt những câu hỏi về sự tò mò hay những suy tư thường nhật. Điều gì khiến bạn trăn trở và muốn khám phá thêm? Những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, những bí ẩn chưa được giải mã, chính là kho tàng ý tưởng vô tận… đều sẽ là hạt giống cho một câu chuyện được thành hình về sau.

Hãy thử tưởng tượng nếu câu chuyện của bạn được đặt trong một bối cảnh hoàn toàn khác biệt, một không gian xa lạ, một thời gian khác hiện tại thì sẽ như thế nào. “Nếu có thể viết về một nhân vật, bạn sẽ tạo ra ai, và họ sẽ đối mặt với thử thách gì trong cuộc sống?” Những câu hỏi này sẽ mở ra những hướng đi mới cho câu chuyện của bạn, từ đó nuôi dưỡng sự sáng tạo và đưa cho bạn những góc nhìn độc đáo.

Tôi đã viết Sóng trôi đáy mắt khi tự hỏi mình mong muốn một cái kết như thế nào cho cuộc tình từng qua.

Xác định ý tưởng chính cho câu chuyện

Khi tìm tòi cách viết truyện ngắn, việc xác định rõ ràng ý tưởng chính là bước bạn không nên bỏ qua. Hãy thử tóm gọn câu chuyện của bạn trong một câu súc tích: “Câu chuyện này nói về điều gì?” và xem câu trả lời sẽ là gì. Đây chính là cách giúp bạn định hình lại mục đích và thông điệp mà mình muốn truyền tải. Một câu hỏi đơn giản có thể là kim chỉ nam cho toàn bộ quá trình sáng tác.

Đồng thời, hãy chọn một thông điệp cốt lõi mà bạn muốn thể hiện qua tác phẩm của mình. Đó có thể là một giá trị sống, một bài học hay một cảm xúc sâu sắc mà bạn muốn khán giả cảm nhận được. Thông điệp này sẽ là nền tảng để bạn phát triển cốt truyện, xây dựng nhân vật và quyết định các tình tiết quan trọng.

Đọc thêm:

5 ý tưởng viết truyện dễ lên báo

Sổ tay viết truyện: hành trang không thể thiếu để học viết truyện từ số 0

30+ gợi ý viết truyện để bạn sáng tạo hơn (phần 2)

Dù câu chuyện của bạn có thể chứa đựng nhiều chi tiết phức tạp, có những kỹ thuật để đánh lừa độc giả nhằm tạo bất ngờ nhưng thông điệp chính luôn phải rõ ràng, nhất quán xuyên suốt. Điều này không chỉ làm cho sáng tác của bạn dễ hiểu mà còn tạo được ấn tượng sâu sắc với người đọc.

Tìm hiểu cách viết truyện ngắn hoàn chỉnh với các hướng dẫn cụ thể theo từng bước giúp bạn hình dung rõ hơn những việc nên làm để có một tác phẩm truyện.

Giai đoạn 2 – Lập kế hoạch viết và phát triển cốt truyện

Sau khi có cảm hứng chủ đạo và xác định được ý tưởng chính, bước tiếp theo bạn nên làm khi viết truyện là lập kế hoạch viết và phát triển cốt truyện. Thử hình dung câu chuyện của bạn như một bản đồ với các mốc quan trọng được đánh dấu rõ ràng. Bạn cần xác định được những tình huống, xung đột, cao trào và mối quan hệ giữa các nhân vật. Việc lên kế hoạch giúp bạn không bị lạc lối trong quá trình viết, đồng thời tạo ra một dòng chảy mạch lạc cho toàn bộ câu chuyện.

Lập dàn ý sơ bộ cho câu chuyện

Để câu chuyện của bạn là một tổng thể hợp lý với các chi tiết liên quan mật thiết tới nhau, bạn cần xây dựng được cấu trúc đủ vững chắc cho nó. Một trong những cấu trúc phổ biến và hiệu quả được sử dụng trong sáng tác và biên kịch là cấu trúc ba hồi, chia câu chuyện thành ba phần rõ ràng:

Hồi 1: Giới thiệu nhân vật, bối cảnh và xung đột ban đầu. Trong phần này, bạn sẽ giới thiệu nhân vật chính, thiết lập bối cảnh và tình huống đầu tiên. Tại đây, bạn cần hé lộ được một vấn đề hoặc xung đột mà nhân vật chính sẽ phải đối mặt. Xung đột này thúc đẩy câu chuyện tiến triển và đủ làm cho người đọc muốn tiếp tục theo dõi.

Truyện ngắn Thoảng hương chiều tà của Thảo Quyên bắt đầu bằng bối cảnh của một chuyến xe Sài Gòn – Chợ Mới chuẩn bị khởi hành đưa nhân vật “chị” trở về quê hương sau nhiều năm lưu lạc.

Hồi 2: Đỉnh điểm với các sự kiện căng thẳng, biến cố bất ngờ. Đây là phần cao trào của câu chuyện, nơi các sự kiện phát triển mạnh mẽ, gây ra căng thẳng, xung đột leo thang. Các nhân vật phải đối mặt với thử thách lớn, có thể là sự thay đổi về mặt tình cảm, hành động hoặc những quyết định quan trọng có ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại và sau này.

Dì Tâm trong truyện ngắn Cái phao sắt của tác giả Đan Ngọc bắt đầu thay đổi cách nghĩ cách sống khi dì phải nhập viện sau thời gian dài lao lực. Việc này cũng khiến dì ngộ ra nhiều điều về mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình mình và thúc đẩy dì đưa ra quyết định can đảm sống vì mình, vì hạnh phúc cá nhân.

Hồi 3: Giải quyết xung đột, kết thúc câu chuyện. Sau đỉnh điểm, câu chuyện sẽ dẫn đến giải pháp cho xung đột đã nêu. Nhân vật chính sẽ giải quyết được vấn đề hoặc có sự thay đổi lớn, từ đó mang đến một kết thúc hợp lý, có thể là hạnh phúc hoặc mở ra những suy ngẫm sâu sắc cho người đọc.

Truyện Ai làm cho khói lên trời của Thanh Ly dừng lại bằng tình huống mọi người tìm thấy Thẩm dưới chân núi, ướt đẫm sương đêm. Thẩm khóc cả trong giấc mơ. Hai đứa con của Thẩm thấy mẹ như vậy cũng thút thít. Kết truyện này tuy buồn nhưng vẫn mở ra những hướng suy nghĩ khác nhau cho người đọc và phù hợp với những gì đã xảy ra xuyên suốt mạch truyện.

Ngoài cấu trúc ba hồi, bạn của có thể áp dụng cấu trúc kim tự tháp của Freytag để xác định những sự kiện chính của câu chuyện trước khi bắt tay vào viết.

Xây dựng thế giới truyện (Worldbuilding)

Trong cách viết truyện ngắn, việc xây dựng thế giới truyện là một phần quan trọng giúp tạo nên bối cảnh sống động và thuyết phục. Câu chuyện diễn ra trong thế giới thực hay một thế giới tưởng tượng sẽ có cách tiếp cận khác biệt. Chìa khóa để xây dựng một thế giới hoàn chỉnh là sự chi tiết và nhất quán, giúp người đọc cảm nhận được sự sống động của không gian và thời gian mà câu chuyện diễn ra.

Nếu truyện diễn ra trong thế giới thực: Bạn cần làm rõ thời gian, địa điểm và các yếu tố văn hóa, lịch sử… của câu chuyện. Việc khắc họa một bối cảnh sống động trong thế giới thực giúp người đọc cảm thấy gần gũi và dễ dàng hình dung, đồng thời làm nổi bật các mâu thuẫn, vấn đề mà nhân vật phải đối mặt.

Truyện Bà già bên ô cửa của Thùy Linh kể câu chuyện về người đàn bà nhiều tuổi lủi thủi ở xứ người để chăm sóc cho con cái nhưng gặp phải không ít chuyện dở khóc dở cười không “màu hồng” như người ta vẫn nói về chuyện sang Tây sống.

Nếu là thế giới tưởng tượng: Đây là lúc bạn cần sáng tạo những quy tắc riêng biệt cho thế giới của mình. Bạn cần xây dựng hệ thống xã hội, kinh tế và chính trị, tạo dựng lịch sử và sự phát triển của thế giới này. Bạn cũng có thể thiết kế các loại sinh vật, pháp thuật hoặc công nghệ độc đáo – những thứ không tồn tại trong thế giới thực. Các yếu tố này cần phải nhất quán và logic chặt chẽ để người đọc tin tưởng và đắm chìm trong thế giới bạn đã tạo ra. Như là thế giới của Harry Potter hay Hai vạn dặm dưới đáy biển chẳng hạn.

Xây dựng nhân vật sống động

Một nhân vật sống động là chìa khóa để cuốn hút người đọc vào câu chuyện của bạn. Để làm được điều này, bạn cần phác họa chi tiết về tính cách, quá khứ, mục tiêu và điểm mạnh/yếu của nhân vật. Một số nhân vật cần được thể hiện qua ngoại hình, giọng nói… Những yếu tố này không chỉ giúp nhân vật chân thực mà còn giúp họ phát triển trong suốt câu chuyện.

Tính cách của nhân vật, dù là chính hay phụ, đều cần được thiết lập rõ ràng. Đó có thể là mạnh mẽ, quyết đoán hay ngọt ngào, dễ bị tổn thương… Tính cách này quyết định hành động và phản ứng của nhân vật trước các tình huống trong câu chuyện. Bạn cũng có thể sử dụng các mô hình tính cách như MBTI hoặc Enneagram để làm phong phú thêm đặc điểm của nhân vật nhưng chân thật nhất vẫn là quan sát từ thực tiễn cuộc sống.

Quá khứ và động cơ: Quá khứ của nhân vật, bao gồm những trải nghiệm, mối quan hệ và sự kiện quan trọng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định và hành động của họ. Câu chuyện về quá khứ này cũng giúp người đọc hiểu rõ hơn về những động cơ đằng sau những lựa chọn trong hiện tại của nhân vật. 

Mục tiêu, điểm mạnh và điểm yếu: Nhân vật nên có mục tiêu rõ ràng để theo đuổi trong suốt câu chuyện. Đồng thời, các điểm mạnh về năng lực, tính cách, hoàn cảnh, mối quan hệ… sẽ giúp họ vượt qua thử thách, còn điểm yếu sẽ tạo cơ hội để từ đó họ phát triển. Những yếu điểm này cũng chính là nền tảng cho những xung đột nội tâm hoặc những khó khăn mà nhân vật phải vượt qua.

Tạo xung đột: Một nhân vật sống động không thể thiếu xung đột, đặc biệt là xung đột nội tâm. Những mâu thuẫn trong lòng nhân vật, giữa lý trí và cảm xúc, giữa những gì họ muốn và những gì họ có thể có, sẽ khiến câu chuyện trở nên kịch tính. Bên cạnh đó, xung đột giữa các nhân vật, khi họ có những mục tiêu và giá trị trái ngược, sẽ tạo ra những tình huống thú vị, thử thách nhân vật phát triển.

Tính cách của chú Mười Ba trong truyện ngắn cùng tên quy định cách nhân vật này thể hiện tình cảm của mình với Lam, cũng là lý do khiến cho cuộc tình của hai người mãi tới hơn chục năm sau mới có hồi kết. Chú Mười Ba hay Lam cũng đều không ít lần tự mâu thuẫn với chính mình rồi tự chọn im lặng vì nghĩ người ta không thương mình hoặc có thương cũng không thể đến được với nhau.

Lập timeline cho các sự kiện chính

Khi phát triển câu chuyện, việc lập timeline cho các sự kiện chính giúp bạn tạo ra một dòng chảy mạch lạc và hợp lý. Đặt các sự kiện trong một trình tự thời gian có chủ đích sẽ giúp câu chuyện không bị lủng củng và người đọc dễ dàng theo dõi. Bên cạnh đó, việc gắn kết các mốc quan trọng với sự phát triển của nhân vật cũng làm tăng tính hấp dẫn và sâu sắc cho cốt truyện.

Lập timeline không chỉ giúp bạn quản lý các sự kiện một cách hiệu quả mà còn giúp nhân vật phát triển một cách tự nhiên. Mỗi mốc thời gian đều có ảnh hưởng trực tiếp đến nhân vật và mục tiêu của họ, tạo nên một câu chuyện có nhịp điệu rõ ràng và dễ hiểu.

Đọc thêm:

Kết cấu là gì? Các kiểu kết cấu thường gặp trong truyện

Cách viết truyện ngắn hoàn chỉnh cho người mới bắt đầu (Phần 2)

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viếthành trình trở thành người kinh doanh chuyên môn và các sáng tác của Sẻ nâu.
 Ghé thăm mình tại FacebookInstagram để kết nối nhiều hơn nghen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .