Bạn có thể đã nghe nói nhiều storytelling, cũng có thể bạn thấy nó quá khó để tự áp dụng và không biết cách viết về bản thân làm sao cho lôi cuốn. Nếu vậy, hãy thử bắt đầu bằng việc định nghĩa lại nó với một khái niệm đơn giản hơn – kể chuyện.
Kể chuyện là hoạt động đã có từ thời xa xưa khi con người muốn cho người khác biết về những gì đã xảy ra, hoặc có khi là vì muốn người khác tin vào một điều gì đó.
Bạn có đang kể chuyện?
Thử nghĩ lại một chút, khi ngồi với bạn bè, bạn cũng sử dụng kể chuyện như một cách giao tiếp để trao đổi thông tin với họ. “Hôm nay tao đi làm gặp được anh kia đẹp trai up xỉu xỉu down. Tao kiếm cớ làm quen liền mày. Giờ phải nhắn tin hỏi coi ảnh đã ăn tối chưa mới được.”. “Con nhỏ phòng bên sao mà chảnh chọe ghê, mỗi lần gặp là cái mặt nó kênh kênh lên, thấy ghét…”. Những câu đơn giản đó cũng là đang kể chuyện. Vậy nên, có thể bạn không để ý nhưng bạn sử dụng kỹ thuật kể chuyện trong cả đời sống và bài viết nhiều hơn bạn nghĩ.
Khi viết những bài tản văn, nhiều người có thói quen liệt kê hết những sự việc đã xảy ra theo trình tự từ trước tới sau. Trong đó có sự xuất hiện của người viết (và cả những người khác). Bạn muốn người đọc biết những sự việc ấy đã diễn ra trong đời bạn, khiến bạn có những hành động, suy nghĩ hay lời nói như đã nêu ra. Vậy là bạn đang kể chuyện. Nhưng kể chuyện theo cách này sẽ chi tiết và lan man, khó tạo được sự hấp dẫn với người đọc. Bạn biết đó, người ta có thể tò mò về người khác nhưng lại khá lười biếng để đọc đến cùng một câu chuyện “chưa đủ muối” không liên quan gì tới mình.
Vậy là dù thông qua văn bản hay lời nói, bạn và tôi cũng đều đang kể chuyện hàng ngày.
Làm sao để viết về bản thân không chỉ toàn kể lể?
Kể đơn thuần là cách bạn tường thuật các sự kiện theo trình tự nên có những điểm tương đồng như khi bạn được yêu cầu tóm tắt lại một tác phẩm truyện trong sách Ngữ Văn ngày xưa. Nhưng bản tóm tắt ấy với văn bản gốc khác nhau ở chỗ nào? Đâu chỉ là độ dài phải không? Áp dụng một số mẹo sau để hô biến cho câu chuyện của bạn hấp dẫn hơn nhé!
Khi kể chuyện cần kết hợp với những kỹ thuật khác
Một câu chuyện được kể hấp dẫn hơn ngoài yếu tố kể còn cần cả những yếu tố như miêu tả, đối thoại – độc thoại, bộc lộ cảm xúc và nêu ra những triết lý. Tản văn có những đặc điểm khác với truyện nhưng lại giống ở sự kết hợp nhiều yếu tố trong cùng một văn bản.
Miêu tả
Đừng nghĩ miêu tả chỉ cần trong những bài văn hồi còn tiểu học. Bạn có thể tìm hiểu thêm về Show, don’t tell để thấy sức mạnh của việc miêu tả. Yếu tố này giúp người viết tạo dựng được bối cảnh, phác thảo nhân vật, cho thấy những thay đổi trong câu chuyện cũng như trong chính nhân vật.
Thử tưởng tượng nếu không có yếu tố miêu tả xuất hiện thì làm sao một tiểu thuyết có thể trở thành một bộ phim. Miêu tả tạo nên sự sinh động cho câu chuyện. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc mức độ sử dụng phù hợp với mục đích cho sự có mặt của nó trong tác phẩm. Đừng miêu tả chỉ vì bạn giỏi làm điều đó.
Đối thoại – độc thoại
Ngoài miêu tả, bạn cũng có thể lồng ghép những lời độc thoại hoặc đối thoại. Vì không phải là tác phẩm tự sự (truyện) nên những yếu tố này không bắt buộc phải có trong một bài tản văn. Trường hợp sự xuất hiện của chúng có tác dụng cụ thể mới nên được đưa vào.
Chẳng hạn như khi bạn kể về những ngày tháng hoang mang, áp lực vì lỗi lầm của bản thân làm liên lụy tới gia đình thì những lời độc thoại nội tâm (suy nghĩ) hay những mẩu đối thoại giữa bạn với người thân sẽ cần thiết. Chúng làm rõ hơn cảm giác của bạn, tính nghiêm trọng của vấn đề và cả phản ứng của những người khác trước vấn đề ấy.
Bộc lộ cảm xúc
Sự góp mặt của những lời đối thoại – độc thoại cũng là một cách để bộc lộ cảm xúc thông qua suy nghĩ, lời nói. Bên cạnh đó, cảm xúc còn được thể hiện qua cử chỉ, hành động và biểu cảm gương mặt của nhân vật. Cùng xem lại đoạn văn miêu tả tâm lý nhân vật Lão Hạc khi bán Cậu Vàng để thấy tác dụng của việc bộc lộ cảm xúc khi kể chuyện:
“Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước […] Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”
Nêu ra những nhận định (có thể) phù hợp với nhiều người
Mình từng nhận được những câu hỏi của học viên như “làm sao viết về bản thân mà không có cảm giác sa vào kể lể lan man” vì đọc bài của mình vẫn thấy như câu chuyện ấy dành cho chính họ.
Một phương pháp mà mình áp dụng đó tự giới hạn mức độ chia sẻ về bản thân, đồng thời khái quát những ý nghĩa thành một thông điệp (có khả năng) phù hợp với nhiều người.
Như khi nói về việc kết hôn muộn, mình kể một chút về những cuộc tình của mình, lý do vì sao mình chưa muốn kết hôn. Mình lại liên hệ thêm tới một vài người bạn khác, rồi một bộ phận người trẻ hiện nay. Vậy là câu chuyện của mình không chỉ nói về riêng mình nữa mà nó được sử dụng để nói về một nhóm người trong xã hội. Sự đồng cảm cũng đến từ đây vì mình biết chắc về sự tồn tại của những người cùng quan điểm với mình.
Để một bài viết về bản thân không quá tập trung vào khai thác đời sống riêng tư hay nhàm chán, bạn có thể sử dụng nhiều kỹ thuật viết khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc về tần suất và mục đích sử dụng chúng trong bài sao cho hợp lý. Lạm dụng bất cứ yếu tố nào cũng có thể phản tác dụng. Chúc bạn tự tin viết ra những câu chuyện của bản thân nhiều hơn nhé!
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.
Ghé thăm mình tại LinkedIn, Instagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!