Ứng dụng nghệ thuật kể chuyện để viết bài về sản phẩm

Nghệ thuật kể chuyện (storytelling) được ứng dụng nhiều trong các bài viết thương mại hoặc bài thuyết trình để tăng tỉ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng.

Không chỉ vậy, nghệ thuật kể chuyện cũng được áp dụng cả trong những bài viết bình thường mang màu sắc cá nhân. Bạn có thể tham khảo thêm Làm sao để viết về bản thân không chỉ toàn kể lể

Yếu tố kể chuyện có thể được dùng để mở đầu cho bài viết hoặc được lồng ghép trong các phần thân bài để dẫn dắt cảm xúc của người đọc, truyền tải thông điệp của thương hiệu. Vận dụng linh hoạt những câu chuyện trong bài viết sẽ mang tới hiệu quả bất ngờ nhờ tính hấp dẫn và khơi dậy sự tò mò nơi người đọc.

Apple từng kể một câu chuyện đơn giản nhưng tạo ra doanh thu khủng chỉ với một câu giới thiệu cho sản phẩm máy nghe nhạc ipod đầu tiên: “1.000 bài hát trong túi bạn”. Nó vừa cho thấy dung lượng lớn (1.000 bài hát) vừa cho thấy đặc điểm nhỏ gọn, tiện dụng (trong túi bạn = bỏ vừa trong túi áo quần).

Nghệ thuật kể chuyện giúp bài quảng cáo của bạn hấp dẫn người đọc:

Tiêu đề và những dòng đầu tiên như một mồi câu tác động trực tiếp, nhanh chóng tới cảm xúc của người đọc

Tiêu đề và những dòng đầu tiên tạo ra phần Hook – được xem là mồi câu để thu hút độc giả. Nếu phần Hook hấp dẫn, người đọc sẽ dừng lại lâu hơn với bài viết của bạn. 

Ở tiêu đề, bạn nên dùng những từ ngữ có khả năng tác động mạnh, nêu ra lợi ích cho người đọc, nêu những vấn đề mà người đọc đang gặp phải, đưa ra giải pháp hoặc hướng dẫn cách làm cho họ… Tiêu đề không nên dài quá 60 ký tự để tối ưu hơn trên thanh tìm kiếm của GG.

Những câu đầu tiên trong bài (phần sapo hoặc description) thường hiển thị trước phần “xem thêm”, chỉ khoảng 2-3 dòng ngay sau tiêu đề. Bạn nên tóm tắt nội dung chính của bài viết, liên hệ tới vấn đề và hứa hẹn đưa ra giải pháp cho vấn đề ấy. 

Câu chuyện cần có những hình ảnh được mô tả súc tích mà sinh động cùng nhịp điệu có nhanh có chậm

Khi lồng câu chuyện vào trong bài viết, đừng chỉ làm vì bạn thích hoặc theo cảm hứng. Bạn nên chọn câu chuyện có liên quan tới nội dung đang viết và thực hiện một mục đích nào đó trong bài. Chẳng hạn như để làm rõ cho nội dung, minh họa, dẫn chứng tăng tính thuyết phục hoặc khơi gợi sự đồng cảm, cảm xúc nơi người đọc…

Quay lại với ví dụ về ipod của Apple, bạn sẽ thấy câu chuyện được kể trong 1 câu rất ngắn nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn tới người mua hàng, thúc đẩy họ chi tiền cho sản phẩm. Bởi vì họ thấy được lợi ích vượt trội của sản phẩm so với các đối thủ khác và mong muốn sở hữu nó. Đó chính là nghệ thuật kể chuyện.

Sử dụng các từ ngữ diễn tả cảm xúc thật chi tiết, từ láy và tính từ là những gợi ý hay

Ngoài tính hình ảnh và súc tích, các câu chuyện cũng nên được diễn tả thông qua những từ ngữ chi tiết. Từ láy và tính từ là những trợ thủ đắc lực cho bạn. Sunlight đã dùng cụm từ “sạch bong kin kít” cho sản phẩm tẩy rửa của mình, có ai mà không muốn làm sạch chén đĩa xoong nồi “kin kít” cơ chứ. 

Biến độc giả thành nhân vật anh hùng (nhân vật trung tâm) trong câu chuyện

Thương hiệu của bạn có thể là nhân vật anh hùng trong câu chuyện được kể nhưng sẽ càng hiệu quả hơn nếu độc giả thấy chính họ trong câu chuyện mà bạn kể.

Quảng cáo Đi về nhà của Honda nhắm vào những người trẻ, người làm ăn xa quê hương với mong muốn trở về nhà vào dịp Tết. Thêm vào đó, Honda cũng khai thác được sở thích đi phượt, khám phá những cung đường tổ quốc của người trẻ. Khán giả tìm thấy mình ở quảng cáo của Honda. Nhờ vậy mà Music video này thu về hàng triệu lượt xem, doanh số bán hàng của hãng cũng tăng vọt.

Đưa ra câu chuyện về bản thân, những trải nghiệm cá nhân và bài học tự rút ra được 

Một trong những phương pháp trong nghệ thuật kể chuyện truyền tải cảm xúc là kể về chính mình. Những trải nghiệm từ bản thân cùng với bài học được rút ra, giá trị mang tới cho cộng đồng… luôn truyền cảm hứng mạnh mẽ tới người đọc. 

Bạn có thể tham khảo câu chuyện về ông trùm cà phê Việt Đặng Lê Nguyên Vũ – một con người có tầm nhìn đi trước cả chục năm và đã xây dựng được đế chế riêng cho thương hiệu cà phê Trung Nguyên trong và ngoài nước.

Lồng ghép thông tin và công dụng mà sản phẩm sẽ mang đến cho khách hàng, và cả những chương trình ưu đãi

Một cách kể chuyện khác để bạn áp dụng khi viết bài bán hàng là khéo léo lồng ghép về công dụng của sản phẩm, các chương trình ưu đãi. Như vậy, người đọc không thấy bài bán hàng quá lộ liễu, “xôi thịt” mà vẫn hấp dẫn. Nhưng đồng thời, họ vẫn nhận được các thông tin được lồng ghép, từ đó kích thích hành động mua hàng.

Kêu gọi hành động của khách hàng thông qua phần CTA gồm những gì khách cần làm và những gì khách sẽ nhận được khi làm điều ấy

CTA – call to action thường được viết ở cuối bài với mục đích kêu gọi người đọc thực hiện một hành động nào đó như đăng ký, theo dõi, chuyển sang trang khác, bấm vào liên kết, mua hàng, chia sẻ…

Để phần CTA hiệu quả, bạn nên cho người đọc biết vì sao họ nên làm vậy. Tốt nhất là nêu ra lợi ích gắn với người đọc.

Một ví dụ cụ thể hơn về ứng dụng nghệ thuật kể chuyện bán sản phẩm:

Tôi luôn mơ ước sẽ có phòng sách lớn cùng các kệ sách ngay ngắn xếp đầy gian phòng. Tôi cũng thường mang theo sách mỗi khi đi đâu đó. Nhưng tôi vẫn chưa có nhà riêng, đừng nói tới việc dành cả một phòng chỉ để chứa sách. Tôi cũng không thể mang theo quá nhiều sách trong mỗi chuyến đi, vừa nặng lại vừa cồng kềnh.

Tôi đã tìm nhiều cách để tạo ra thư viện cá nhân của riêng mình mà không cần quá nhiều diện tích. Giờ đây, tôi có thể mang theo hàng ngàn cuốn sách đi bất cứ đâu chỉ với chiếc máy đọc sách Kindle A. Máy nhỏ hơn cuốn sổ A5, có thể bỏ vừa trong túi xách, chứa số ebook khổng lồ.

Tôi đã chi 3 triệu để có được nó, còn bạn chỉ cần 2 triệu 199 ngàn nếu đặt hàng tại đây trong ngày hôm nay.

Kể chuyện là một hình thức giao tiếp, trao đổi thông tin đã có từ xa xưa và vẫn luôn hiệu quả. Nếu áp dụng tốt nghệ thuật kể chuyện trong viết lách, bạn sẽ tác động được tới cảm xúc của người đọc, thôi thúc họ thực hiện những hành động có lợi cho chính họ cũng như thương hiệu của bạn.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .