Viết mỗi ngày là thử thách đối với những bạn đang tập viết mà nguyên nhân thường thấy là do bí ý tưởng, thiếu cảm hứng. Bài viết này sẽ gợi ý cho bạn 9 nguồn ý tưởng để bạn có thể sản xuất nội dung mỗi ngày.
Với mình, những bài hướng dẫn kỹ thuật viết, chia sẻ kinh nghiệm làm việc tự do và các sáng tác được đăng trên blog hoaluong.com là nhiều. Những bài viết trên FB là nhật ký, cũng là cách mình duy trì nguyên tắc viết mỗi ngày kỷ luật nhất có thể.
Mình thường không chỉ viết 1 bài mỗi ngày. Có ngày mình viết tới 10k chữ, có ngày viết 6-7 bài, tùy theo khối lượng công việc hoặc cảm hứng sáng tạo tới đâu. Tuy vậy, mỗi dạng bài khác nhau phục vụ cho những mục đích khác nhau nên yêu cầu và độ dài cũng khác.
Với dạng bài chia sẻ tự do trên FB, mình thường lấy cảm hứng một cách ngẫu nhiên từ những sự kiện xảy ra trong ngày. Đó có thể là sự kiện trong cuộc sống, cũng có thể là sự kiện trong tâm tưởng. Vì vậy, mình không bao giờ thiếu ý tưởng để viết bài đăng FB.
Bạn cũng có thể tham khảo những nguồn ý tưởng sau đây cho các bài viết dạng nhật ký hoặc post trên FB nhé:
Những mẩu chuyện nhỏ xảy ra trong ngày
Mỗi ngày có nhiều câu chuyện xảy ra mà chúng ta thường không ý thức lưu giữ chúng lại bằng cách nào khác ngoài ỷ lại cho trí nhớ. Nhưng với số sự kiện lớn diễn ra mỗi ngày, bạn không thể nào ghi nhớ hết tất cả. Nếu không ghi lại chúng dưới dạng nhật ký, chẳng bao lâu bạn sẽ quên sạch. Trừ những sự kiện đặc biệt hơn.
Những mẩu chuyện nhỏ trong ngày có thể là chuyện bạn dành thời gian tâm sự với ba mẹ, chuyện về những thú cưng, chuyện bông hoa nở trước nhà… Hoặc có thể là câu nói đáng yêu của ba mẹ. (Lúc nãy đi chơi về, ba mình bảo mình ăn mặc trông như búp bê. ^^ Mẹ mình bảo mình là búp bê bự. ><) Chuyện nhỏ thế thôi nhưng khi bạn để tâm quan sát và chiêm nghiệm cũng sẽ thấy yêu cuộc đời nhiều hơn, thấy mình may mắn hơn và học được cách biết ơn cuộc sống mà đang có. Thử nhé!
Những điều xinh đẹp, dễ thương trong cuộc sống
Mình biết, cuộc sống của mỗi người bao giờ cũng có cả hạnh phúc và khổ đau. Có điều, chúng thường không ở trong trạng thái cân bằng. Người tích cực sẽ dễ dàng hơn trong việc nhìn ra những điều dễ thương quanh mình. Họ dễ thấy hạnh phúc và biết ơn hơn. Người tiêu cực hơn lại thường thấy quanh họ toàn những điều bất hạnh, dối trá, xấu xa.
Nếu bạn dành thời gian quan sát những suy nghĩ trong bản thân nhiều hơn, bạn sẽ thấy rõ ràng cách bạn nhìn nhận một sự việc, một vấn đề ảnh hưởng tới bạn nhiều thế nào. Những người luôn thấy bất hạnh, có thể một phần vì họ thật sự thiếu may mắn, nhưng thứ khiến họ không thể nào lạc quan hơn lại chính là cách họ nghĩ về điều ấy.
Bạn bị cướp khi đang đi đường, chiếc túi xách bị giật mất. Bạn thấy tồi tệ và không ngừng khóc lóc. Bạn nghĩ bạn “toi” rồi, bạn quá xui xẻo. Nhưng bạn sẽ nghe ai đó nói rằng “Không sao đâu! Người và xe đều lành lặn là may rồi, của đi thay người, mất còn kiếm lại được. Lỡ bị kéo đổ xe, tai nạn hoặc bị tấn công thì còn khổ hơn nữa.” Bạn nghĩ xem ai sẽ là người nhanh chóng trở về trạng thái cuộc sống bình thường hơn? Bạn hay người ấy?
Hãy thực hành quan sát và ghi nhận những điều nhỏ bé, xinh đẹp quanh bạn. Có thể là cơn gió mát lành giữa trưa nắng nóng, là miếng mứt gừng thơm lựng mẹ làm, là những cuộc gặp mặt vui vầy ngày đầu năm… Khi bạn thấy quanh bạn nhiều điều đáng yêu, bạn cũng sẽ tự khắc biết yêu thêm cuộc sống này. Vì tạo hóa mỗi ngày vẫn “cho” chúng ta rất nhiều, chỉ là ta có nhận ra hay không mà thôi.
Đọc thêm các bài viết liên quan:
9 chủ đề viết tản văn dễ nhất cho người mới bắt đầu
Động não trước khi viết: những bí kíp làm chủ ý tưởng
6 cách tìm ý tưởng tốt nhất trước khi bắt đầu viết
Những việc bạn quan sát được (bạn chứng kiến cách người khác hành xử)
Mình nhớ mỗi lần viết truyện ngắn đều sẽ có người hỏi mình độ chính xác của câu chuyện, rằng mình thật sự đã trải qua chúng phải không. Học viên của mình cũng thắc mắc sao mình viết được những câu chuyện đau lòng đến vậy về phụ nữ, về tình mẫu tử và về những mất mát. Thật ra, mình chưa từng và cũng không mong sẽ trải qua những sự kiện mà các nhân vật của mình phải trải qua. Cách để mình có chất liệu cho những sáng tác, những bài viết chính là quan sát những người xung quanh, quan sát cuộc sống vận hành.
Quan sát dáng điệu của phụ nữ mang thai giúp mình viết về những bà bầu, quan sát những người lớn tuổi giúp mình khắc họa bức chân dung về họ, quan sát từng cánh hoa giúp mình miêu tả vẻ đẹp của sự rực rỡ và tàn lụi…
Mình nhớ mãi cô giáo mình từng dạy người viết cần quan sát và trải nghiệm. Sau này, mình rút ra thêm là khi không thể trải nghiệm thực tế, hãy mượn trải nghiệm của người khác thành những “trải nghiệm ảo” của mình. Và cố nhiên, khi viết, ta cũng cần hóa thân vào nhân vật, vào câu chuyện để biết cách suy nghĩ và hành động cho hợp lý. Tất cả những gì bạn quan sát được sẽ làm nguồn chất liệu viết mỗi ngày cực kỳ phong phú.
Những điều bạn học được trong ngày
Nếu bạn để tâm học hỏi thì mỗi ngày đều có vô số bài học được rút ra. Bài học có thể đến từ những sự tồn tại tĩnh lặng như mặt đất bao dung nuôi dưỡng bao nhiêu sinh vật. Bài học cũng có thể đến từ những biến chuyển không ngừng như cuộc dạo chơi của những cánh bướm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cổ nhân thường mượn thiên nhiên để nói con người. Bởi lẽ, trong thiên nhiên hàm chứa nhiều triết lý mà chỉ những người muốn “tìm” mới “thấy” được.
Nếu hàng ngày bạn đều thực hành rút ra những bài học từ việc quan sát, đọc và ngẫm, bạn sẽ thấy bản thân mình sống có ý nghĩa hơn. Nếu một ngày bạn không học được điều gì, ngày hôm ấy thật sự rất lãng phí.
Những điều khiến bạn cảm thấy biết ơn
Nhiều người thực hành viết biết ơn mỗi ngày để thấy cuộc sống của mình đủ đầy và may mắn. Đây cũng là phương pháp phát triển bản thân thông qua viết lách hiệu quả mà nhiều mentor áp dụng.
Chúng ta thấy mình thiếu bởi vì chúng ta thường nghĩ tới những thứ người khác có mà mình không có hơn là nghĩ về những thứ mình đang có. Viết biết ơn giúp bạn khắc phục lối suy nghĩ nghèo nàn đó. Bạn sẽ nhận ra bạn được cuộc sống và mọi người ưu ái rất nhiều.
Bạn không cần phải đợi tới khi nhận được điều gì lớn lao mới biết ơn. Bạn nên học cách biết ơn những điều nhỏ nhặt nhất, như là những mục trên cũng đã đề cập. Biết ơn vì bạn được sinh ra, bạn khỏe mạnh, bạn có công việc để làm, có người thân để yêu, có bạn bè để chia sẻ, có học thức để hiểu biết… Nếu mỗi ngày đều viết biết ơn, bạn sẽ luôn có ý tưởng để rèn khả năng viết.
Những thông điệp từ trang sách/bộ phim/bản tin
Bạn có phải là “fan của vũ trụ” không? ^^ Nếu có biết về tarot hoặc chiêm tinh, thần học, bạn chắc cũng hay nghe mọi người nhắc tới thông điệp từ vũ trụ. Đó cũng là một loại thông điệp mà bạn cần một chút hiểu biết lẫn năng lượng để nhận ra.
Bình thường, bạn có thể rút ra những thông điệp từ những nguồn thông tin bạn tiếp cận mỗi ngày. Như là từ sách báo, phim ảnh, các bản tin, các video… Hãy chú ý hơn tới bất cứ thứ gì mà bạn đưa vào não, chọn lọc lấy những thông điệp ý nghĩa để viết bài.
Bài viết hôm nay cũng là thông điệp mà mình được nhắc nhở từ một cuộc trò chuyện. Ban đầu mình chỉ tính làm Reels nhưng sau đó lại nghĩ là nên chia sẻ kỹ hơn với mọi người. Vì các học viên của mình cũng hay hỏi làm sao có ý tưởng viết mỗi ngày liên tục một cách chủ động.
Một điều bạn cảm thấy không vui trong ngày
Ngoài những chuyện vui và dễ thương, bạn cũng có thể viết về điều không vui, không tốt. Đừng quá lo sợ việc chúng tiêu cực. Quan trọng nhất là cách bạn đánh giá chúng như thế nào. Nếu ai cũng né những điều chưa tốt thì làm sao mà khắc phục hay loại bỏ được chúng.
Hôm nay bạn nổi cáu vô cớ với em chỉ vì nghĩ em ấy làm phiền mình. Nhưng thực tế em bạn chỉ hỏi bạn đúng một câu rồi rời đi vì thấy bạn không vui. Bạn như vậy là bạn không đúng với em mình. Việc bạn thẳng thắn đối diện với sai lầm của bản thân và ghi ra cũng là cách giúp bạn hoàn thiện bản thân, từng chút một.
Hoặc như bạn bắt gặp một hành động hay lời nói xấu xí của người khác, bạn cũng có thể viết về điều ấy. Khi viết, bạn có hai lựa chọn. Viết trực tiếp, nếu đích danh người đó hoặc bạn chỉ kể sơ lược theo cách khái quát, không tiết lộ về họ.
Đôi khi, bạn cũng có thể đơn thuần viết về chính cảm xúc không vui vẻ ấy của mình. Tuy nhiên, đừng viết mỗi ngày về những điều tiêu cực. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của bạn nếu duy trì trong một thời gian đấy.
Một quan điểm được nêu ra trong cuộc trò chuyện
Bạn có để ý không? Trong các cuộc trò chuyện bao giờ cũng có nhiều quan điểm được mọi người đưa ra. Có những quan điểm đồng thuận với nhau, cũng có những quan điểm trái chiều.
Nếu bạn thấy một quan điểm nào đó thú vị hoặc cần phải bàn, bạn nên viết ra. Viết là một phương thức hiệu quả để bạn thể hiện rõ ràng, mạch lạc quan điểm cá nhân. Bởi khi viết, bạn có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị các lập luận bảo vệ cho quan điểm của mình. Khác với khi nói bạn thường phản xạ gần như ngay lập tức nên có thể nhầm lẫn.
Bằng việc viết ra các quan điểm, góc nhìn trước các sự kiện, sự việc của đời sống, bạn sẽ luôn đầy ắp các ý tưởng để viết mỗi ngày.
Mạch cảm xúc tự do xuất hiện ngay tại thời điểm bạn viết
Nếu bạn bỗng dưng muốn viết gì đó, hãy tận dụng cảm hứng để viết ra ngay. Cảm hứng sẽ dẫn lối cho bạn hoàn thành bài viết. Trong trường hợp không thể viết ngay, bạn nên cố gắng ghi lại hoặc nghĩ nhiều lần về nó để ghi nhớ. Khi có thời gian rỗi, tranh thủ viết theo những bản ghi và những gì nhớ được. Chắc chắn bạn sẽ có một kho ý tưởng cảm xúc nếu làm theo cách này.
Có nhiều cách khác nhau để bạn tìm ra ý tưởng viết mỗi ngày cho các nền tảng khác nhau. Nếu bạn đang loay hoay không biết gì thì thử áp dụng ngay 9 gợi ý được đưa ra trong bài viết này nhé!
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.
Ghé thăm mình tại LinkedIn, Instagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!