Thơ Haiku: Vũ trụ hòa điệu cùng những điều bé nhỏ

Haiku là thể thơ hoàn toàn của xứ sở Phù Tang chỉ cần 17 âm tiết nhưng có mang vào đó cả thế giới, bao gồm cái tôi trữ tình của người cầm bút và những cái đẹp đạt tới đỉnh cao.

Haiku là thể thơ hoàn toàn của xứ sở Phù Tang chỉ cần 17 âm tiết nhưng có mang vào đó cả thế giới

Nguồn gốc của thơ Haiku trong thi ca Nhật Bản

Haiku (hài cú) là loại thơ độc đáo của Nhật Bản, xuất phát từ ba câu đầu của những bài renga (liên ca). Thể thơ này ra đời vào thế kỷ 17 nhưng cực thịnh vào thời kỳ Edo (1603 – 1867). 

Thiền sư Matsuo Basho được coi là người khai sinh ra haiku. Ông cùng với các thi sĩ Yosa Buson, Masaoka Shiki và Kobayashi Issa trở thành Tứ trụ Haiku của Nhật Bản.

Ban đầu, Haiku mang sắc thái trào phúng nhưng dần chuyển sang âm hưởng lắng tịnh của Phật giáo Thiền tông. Haiku gợi nên những vẻ đẹp u huyền, thâm trầm, thoát tục. Dẫu vậy, trong Haiku, vạn vật nhỏ bé nhất, mọi sự chuyển động khẽ khàng nhất… đều hòa vào với thiên nhiên và vũ trụ rộng lớn tạo nên vẻ đẹp vừa lắng dịu đời thường vừa minh triết.

“Chậm rì chậm rì

Kìa con ốc nhỏ

Trèo núi Fuji”

Bài thơ Chậm rì, chậm rì của thi sĩ Kobayashi Issa xuất hiện hình ảnh chú ốc nhỏ xíu chầm chậm leo lên núi Phú Sĩ. Đỉnh núi cao nhất nhì nước Nhật, quanh năm tuyết phủ lạnh lẽo còn con vật vô cùng nhỏ bé. Hai sự vật tưởng đối lập nhưng hoà điệu trong mối giao kết gắn bó tạo nên hình ảnh đẹp đẽ của sự sống tự nhiên.

Đặc điểm của thơ Haiku

Thể thơ ngắn nhất thế giới

Thơ Haiku là thể thơ độc đáo của riêng người Nhật, không chịu ảnh hưởng nào từ thơ ca Trung Hoa hay phương Tây. 

Đây cũng là thể thơ ngắn nhất trên thế giới với khoảng 17 âm tiết tiếng Nhật, tương đương với khoảng 7-8 từ, không bao giờ số từ trong bài Haiku vượt quá 10. Cấu trúc một bài haiku có 3 câu, thường chia theo số âm tiết 5-7-5.

Luôn có sự xuất hiện của yếu tố chỉ mùa (Kigo – quý ngữ)

Trong mỗi bài thơ Haiku luôn có 3 yếu tố: chỉ mùa (qua quý ngữ Kigo); một hình ảnh tổng hợp hoặc mang tính trừu tượng; một hình ảnh nhỏ bé, đời thường, cụ thể.

Nhành mẫu đơn non (hoa mẫu đơn ám chỉ mùa xuân đến)

Vươn lên cạnh gốc thông già (hình ảnh lớn lao, mang tính tổng hợp)

Run rẩy (hình ảnh nhỏ bé, cụ thể)

Mùa xuân sắp đến, hoa mẫu đơn bắt đầu nhú những nhành non bên cạnh gốc cây thông già im lìm đã bao năm tuổi. Nhành cây bé nhỏ, non nớt run rẩy trong cơn gió, bên dưới gốc thông già tạo ra một bức tranh đối nghịch mà hài hòa, nương tựa vào nhau, báo hiệu sự chuyển giao của đất trời gần kề.

Thơ Haiku là “tiếng hát của bốn mùa” ngân lên từ những “điểm ảnh” nhỏ xíu của nhân gian. Sự luân phiên của bốn mùa nối nhau đi cùng với sự vận động trong đời sống con người Nhật Bản theo biến thiên của thời tiết. Từ đó tạo nên sự hài hòa giữa con người và cảnh vật trong một trạng thái minh mẫn và nhạy cảm.

Kigo (quý ngữ) là từ chỉ mùa, không nhất thiết là xuân, hạ, thu, đông nhưng sẽ có các hình ảnh đặc trưng cho từng mùa. 

Mùa xuân tuyết đã tan dần; hoa mận, hoa đào đua nhau nở; những con ngỗng trời vỗ cánh bay về sau đông dài tránh rét…

Mưa mùa xuân reo (mùa xuân)

Một em gái nhỏ

Dạy con mèo múa theo

(Kobayashi Issa)

Mùa hè có tiếng muỗi, tiếng ve, tiếng côn trùng làm xáo động một vùng yên tĩnh hoặc tiếng quạt tay, tiếng suối reo nước chảy…

Ôi tiếng ve kêu (mùa hạ)

Thấm xuyên vào đá

Trong cõi quạnh hiu

(Matsuo Basho)

Mùa thu xuất hiện với những đêm thanh vắng, gió mát lành, bầu trời vằng vặc đầy sao, bóng nai thoáng qua rừng hay là chuồn chuồn bay chập chờn, dáng người gặt lúa…

Trăng thu (mùa thu)

Suốt đêm tôi dạo

Loanh quanh bên hồ

(Matsuo Basho)

Mùa đông trong thơ Haiku thường đi cùng với hình ảnh tuyết trắng, băng giá, hơi lạnh, cây cối trơ trọi, đìu hiu…

Đến đây xem để thấy

Một chiếc lá cô đơn (mùa đông)

Trên cành Kiri ấy

(Matsuo Basho)

Thơ Haiku là bức tranh bốn mùa nhưng không phải tranh tả chân hay trừu tượng. Haiku là bức tranh thủy mặc với những nét chấm phá được chọn lọc tinh tế dưới con mắt tinh tường và trái tim nhạy cảm của người thi sĩ. Chính vì vậy mà cái đẹp trong thơ Haiku không chỉ là cái đẹp của thơ ca mà còn là cái đẹp của hội họa. 

Sự kết hợp giữa màu sắc, âm thanh và hình ảnh khơi gợi lên những cảm xúc

Thơ Haiku là sự kết hợp giữa màu sắc, âm thanh, tượng hình có chọn lọc. Nhà thơ không mô tả cảm xúc, chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt từ đó liên kết hai ý nghĩ, hai ý tưởng khác nhau ít khi được nghĩ đến cùng một lúc.

Ôi những hạt sương (sự kiện hiện tại)

Trân châu từng hạt (ý nghĩ thứ 1)

Hiện hình cố hương (ý nghĩ thứ 2)

(Kobayashi Issa)

Trong bài Haiku trên, hình ảnh giọt sương được Issa liên kết tới hình ảnh của trân châu rồi từ đó nối liền với bóng hình cố hương mà vốn dĩ ta ít bắt gặp chúng đi cùng với nhau ở những bài thơ khác. 

Tác giả Haiku không gọi tên cảm xúc một cách trực tiếp mà thông qua những sự việc đang diễn ra trước mắt, qua những ý nghĩ được kết nối tác động một cách gián tiếp tới thế giới nội tâm của người đọc, giống như “tiếng nước xao” khi có “con ếch nhảy vào” “ao cũ”.

Nhà thơ không giải thích hay luận bàn về sự liên kết giữa hai hình ảnh, chỉ diễn tả sự vật theo bản chất tự nhiên đang hiện hữu. Thơ haiku giản lược tối đa chữ nghĩa để vận dụng trí tưởng tượng nơi người đọc. Nó phá bỏ ngăn cách giữa thi sĩ và độc giả để cả hai nhập làm một, đồng âm cộng hưởng trong niềm rung cảm tinh tế và hài hòa với đất trời.

Chim vân tước bay

Thở ra sương gió

Dẫm lướt từng mây

(Shiki)

Haiku tổng hòa sự tinh tế giữa triết lý tôn giáo với cảm nhận cá nhân

Haiku là sự tổng hợp tinh tế giữa Phật giáo, Lão Giáo và Đạo giáo vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa ẩn dụ vừa phân tích, liên kết thiên nhiên vũ trụ với nội tâm con người. Bởi tất cả đều có nguồn gốc từ Chân không diệu hữu, theo sự sinh diệt tự nhiên (Duyên khởi) và kiếp người cũng chỉ là phù sinh hư ảo (Vô thường – Vô ngã – Vô sở cầu).

Thế giới này như giọt sương kia

Có lẽ là một giọt sương

Tuy nhiên, tuy nhiên…

(Kobayashi Issa)

Người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, nhè nhẹ, bàng bạc trong niềm vui sống và sự cô đơn. Thảng hoặc ngẫm nghĩ về kiếp người ngắn ngủi, phù du trước sự vĩnh hằng của thiên nhiên như một giọt sương ung dung tự tại.

Haiku giống như một bài kệ Phật giáo, sàng lọc từng chữ, nắm bắt khoảnh khắc thực tại trong tiến trình biến đổi vô thường không bao giờ lặp lại của sự vật. Nét hoàn mỹ và duy nhất nằm trong chính sự không hoàn hảo.

Ao cũ

Con ếch nhảy vào

Vang tiếng nước xao

(Matsuo Basho)

Sự tương phản về cái vĩnh hằng (ao cũ) với cái nhất thời (hình ảnh con ếch nhảy vào ao nước) tạo nên sự xao động mặt ao hay còn là sự xao động ở nơi vĩnh hằng giao thoa với nhất thời, đánh thức sự tĩnh tại vốn có của cảnh vật.

Thơ Haiku sâu lắng, uyên thâm và giản dị như một công án Thiền. Nó trực tiếp nói về thiên nhiên và thời gian. Nhưng gián tiếp thể hiện lẽ đời, triết lí về thực tại và quan niệm nhân văn.

Ðọc thơ Haiku, ta cảm được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả vì có hình sắc, có âm thanh nhưng không bộc lộ cảm xúc trực tiếp. Triết lí cốt lõi không phải ngôn từ hạn hẹp mà là những điều ẩn tàng dưới câu chữ. Haiku “gom góp tất cả lời muốn nói thành một câu, vò cả đại thiên thế giới thành một hạt bụi“. Vì lời hữu hạn mà ý vô hạn nên khi tư tưởng dâng trào chỉ có thể im lặng (vô ngôn).

Ứng dụng thơ Haiku vào việc viết lách

Thực hành làm thơ Haiku cũng là một cách hiệu quả để phát huy tính sáng tạo và khả năng sử dụng từ ngữ làm sao lời ít ý nhiều, trong số âm tiết tối thiểu nhất có thể bộc lộ tối đa suy nghĩ. Với 17 âm tiết, người viết không thể chọn lối viết diễn giải mà phải biết chọn lọc ra những điểm chấm phá cho bức tranh mà mình muốn vẽ ra trước mắt người đọc. Rèn luyện lâu dài, bạn sẽ biết cách cô đọng ý nghĩa vào câu từ, rất hiệu quả với những người làm quảng cáo, xây dựng thương hiệu…

Để làm được điều đó, người viết không chỉ cần nắm được các đặc điểm của thơ Haiku mà trước tiên cần có sự quan sát tỉ mỉ thiên nhiên, nhạy cảm trước những đổi thay, hiện hữu dù là nhỏ bé nhất của vạn vật. Và hơn hết cả cần hiểu rằng vạn vật là bình đẳng trước cái bao la hằng thường của vũ trụ. Trước vũ trụ, một con ốc, một giọt sương, một cành củi cũng như một con người, đều ngang hàng nhau, đều đẹp đẽ như nhau.

Học làm thơ Haiku cũng là cách để quan sát lại chính mình, hòa mình vào với thiên nhiên qua sự thưởng thức gần gũi và chiêm nghiệm ý nhị. 

Mai vàng

Chúm chím bên hiên

Xưa dáng mẹ hiền

(Hòa Lương)

Haiku là thể thơ đặc sắc của Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung. Trong Haiku, vũ trụ bao la cũng hòa điệu cùng với những điều bé nhỏ để tạo nên một bức tranh thi họa rung cảm lòng người.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Tham khảo:

Thơ haiku Nhật Bản – sự cảm nhận Cái Đẹp đến từ đỉnh cao. (nhavanhanoi.vn)

Một số đặc điểm của thơ Haiku Nhật Bản – Tạp chí Sông Hương (tapchisonghuong.com.vn)

Phật tính trong thơ haiku của Kobayashi Issa – CLB Thơ Haiku Việt TP. HCM (clbthohaikuviethcm.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .