Tại sao bài viết khô khan? 7 mẹo khắc phục ngay lập tức

Tại sao bài viết khô khan và có những cách nào để khắc phục là vấn đề được nhiều người viết quan tâm. Đặc biệt là với những dạng bài tản văn, chia sẻ cảm xúc và câu chuyện cá nhân.

Tại sao bài viết khô khan?

Nhiều bạn hỏi mình làm cách nào để bài viết bớt khô khan vì các bạn có thể viết ra nhưng khi đọc lại thấy thiếu cảm xúc. Chính các bạn cũng không thể cảm được gì ngoài kiến thức và thông tin đã đưa ra. Dường như cả bài chỉ là cách các con chữ “xếp hàng” ngay ngắn để tạo nên một nội dung có nghĩa.

Bài viết khô khan thường do người viết chỉ tập trung vào việc cung cấp thông tin, tường thuật (kể) lại những sự việc đã xảy ra mà ít chú ý tới việc mô tả bối cảnh hay biểu lộ cảm xúc cá nhân.

Tùy vào từng dạng bài viết và mục đích khác nhau mà bài viết sẽ có những đặc điểm riêng biệt. Bài học thuật thường mang đến các thông tin chính xác, đáng tin cậy nên không chú trọng yếu tố cảm xúc. Bài tường thuật nêu ra diễn biến của các sự kiện theo một trình tự nào đó. Riêng với bài tản văn, thông thường sẽ có sự kết hợp giữa bày tỏ quan điểm, cảm xúc và kể.

Để tránh bài tản văn khô khan, bạn có thể áp dụng những mẹo được nêu ra dưới đây. Đừng quên chọn lọc sao cho phù hợp với đặc điểm của thể loại và đối tượng độc giả của bài viết nhé!

Mẹo khắc phục bài viết khô khan

Lồng ghép vào bài một câu chuyện

Để bài viết bớt khô khan, bạn có thể lồng vào những câu chuyện nhỏ. Tâm lý chung của con người là thích sự kết nối, cảm giác gần gũi. Nếu bạn kể chuyện, người đọc sẽ cảm thấy như bạn đang giao tiếp với họ, kể cho họ nghe câu chuyện của bạn. Tựa như bạn đang mở lòng với độc giả trước vậy.

Câu chuyện có thể được đưa vào phần mở đầu của bài viết để dẫn dắt cảm xúc và sự chú ý của người đọc. Hoặc bạn cũng có thể lồng vào thân bài để làm dẫn chứng cho những ý kiến được nêu ra.

Cách đưa vào một câu chuyện thường phú hợp với những dạng bài không phải dạng bài tự sự. Đó có thể là bài học thuật, bài trữ tình, bài nêu quan điểm… và câu chuyện cũng chỉ nên được gói gọn trong một đoạn ngắn để phụ trợ cho mục đích nhấn mạnh hoặc làm rõ một nội dung nào đó.

Sử dụng giọng văn gần gũi, chân thành

Để phát triển thương hiệu cá nhân, bạn cần xác định được giọng điệu riêng của bản thân không hòa lẫn với người khác. Trong bài viết, việc sử dụng giọng điệu như thế nào cũng tác động tới cảm nhận của độc giả. 

Cùng một chủ đề dạy trẻ song ngữ nhưng giọng điệu cởi mở, chia sẻ thân tình, sáng tạo sẽ được lòng độc giả hơn là giọng gay gắt, ép buộc và chỉ trích tiêu cực các phương pháp nuôi dạy con khác.

Giọng văn gần gũi, chân thành bao giờ cũng giúp người viết kéo gần khoảng cách với độc giả của mình. Bạn có thể sẽ lo lắng bài viết mang tính cá nhân hời hợt khi nói về những chuyện riêng tư nhưng đừng quá lo. Sự thật là chính cách bạn chọn từ ngữ và góc nhìn như thế nào sẽ quyết định phản ứng của người đọc. Đa phần, người đọc bài là người quan tâm tới nội dung bạn đang chia sẻ. Nếu không quan tâm, thường họ sẽ chọn lướt qua. Bên cạnh đó, bạn không chủ ý dùng từ ngữ tạo tranh cãi thì cũng ít khi phải nhận các bình luận trái chiều.

Đưa vào một vài yếu tố hài hước

Mọi người đều thích những thứ vui vẻ nên việc bạn đưa một vài yếu tố hài hước vào bài viết sẽ khiến bài viết bớt phần khô khan, và cũng thân thiện hơn với người đọc. Những yếu tố hài hước không quy định phải thêm vào đâu trong văn bản, miễn là bạn tự cảm nhận nó phù hợp với nội dung đang viết.

Yếu tố hài hước có thể là một câu nói đang hot trên mạng xã hội, một câu tự trào (tự troll chính mình) hoặc trào phúng một vấn đề tiêu cực nào đó. 

Bạn thử đọc bài viết vui vui này của mình nhé: Tức á!

Sử dụng các từ gọi tên cảm xúc và mô tả cảm xúc 

Yếu tố cảm xúc thường được đưa vào trong nhiều dạng bài viết để thể hiện tâm trạng của người viết hoặc của nhân vật. Đây cũng là một “tuyệt chiêu” giúp bạn tránh được lỗi bài viết khô khan.

Những từ chỉ cảm xúc như yêu, thương, ghét, nhớ, giận… hoặc những từ chỉ trạng thái của cảm xúc như lâng lâng, mong ngóng, khắc khoải, lưu luyến, vấn vương… khi được sử dụng trong bài sẽ làm tính gợi hình gợi cảm. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lạm dụng quá đà mà phải cân nhắc xem chúng có phù hợp với thể loại và mục đích của bài viết không.

Những bài tản văn, những truyện ngắn hoặc những bài chia sẻ kiến thức theo góc nhìn cá nhân có thể đan xen với những yếu tố chỉ cảm xúc. Những bài nghiên cứu, bài báo khoa học – tài chính… không được đưa tình cảm cá nhân vào.

Xưng hô “mình” – “bạn”

Ngoài những mẹo trên, cách xưng hô tạo sự tương tác với người đọc cũng là một cách để bài viết gần gũi hơn. Thông thường, bạn nên chọn cách xưng hô “mình – bạn” hoặc “tôi – bạn” để độc giả hiểu rằng bạn đang trò chuyện với họ, và bài viết này là dành cho họ.

Cách xưng hô này phổ biến trong các bài tản văn, các bài chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, hoặc là những bài chia sẻ kiến thức nhưng không phải theo hướng trung dung mà từ góc nhìn của người viết. Bạn cũng có thể thấy hầu hết các cây viết hiện nay đều sử dụng cách xưng hô này. Bản thân mình cũng vậy.

Sử dụng các câu nói bắt trend

Các câu nói bắt trend, đang hot trên mạng xã hội thường tạo được sự quan tâm và tương tác của người đọc. Họ cũng thường thấy cởi mở hơn khi đọc những câu này vì tính viral của chúng. Một phần cũng vì phần đa những câu nói trendy mang tính vui vẻ, giải trí hoặc dùng để châm biếm một cá nhân hay một hiện tượng nào đó.

Bạn có lẽ cũng quen với những câu hoặc những từ/cụm từ như: xưa rồi Diễm, sao hay da dẻ quá, anh em nương tựa, làm quá nó ô dề, gét gô, ét ô ét, bất ngờ chưa bà già… Đặc biệt nếu bạn là một người trẻ thường xuyên sử dụng mạng xã hội thì lại càng quen thuộc hơn.

Tuy nhiên, những ngôn từ này chỉ nên được dùng trong những bài viết hoặc đoạn văn phù hợp vì tính nhạy cảm của chúng. Và bởi vì là tiếng lóng, chúng cũng có thể sẽ gây khó chịu cho một bộ phận người đọc. Vậy nên, bạn cần chú ý khi lựa chọn và sử dụng.

Sử dụng câu hỏi để tương tác với người đọc

Một mẹo khác mà bạn có thể áp dụng khi viết bài là dùng các câu hỏi. Khi thấy một câu hỏi, phản ứng đầu tiên của não sẽ là đi tìm câu trả lời. Tức là bạn đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của người đọc.

Hơn nữa, những câu hỏi nhắm đúng vào vấn đề mà độc giả đang quan tâm sẽ giữ chân họ ở lại với bài viết của bạn, và cả ở lại với bạn nữa. Chính vì vậy mà bạn càng cần học cách tìm hiểu về mong muốn của độc giả, về khái niệm insight trong marketing.

Câu hỏi có thể là chính tiêu đề của bài viết để ngay lập tức tác động tới người đọc: Có chăng ta đã hoài phí chính mình?, Tại sao phải cố chấp làm một việc đến cùng?

Câu hỏi cũng có thể được lồng ghép trong bài viết để dẫn dắt tới một luận điểm, một ý kiến của người viết. Đôi khi, câu hỏi không dùng để đặt nghi vấn mà được dùng để thể hiện cảm xúc của người viết trong vấn đề được nói tới.

Có nhiều cách khác nhau giúp bạn “gia giảm gia vị” cho bài viết và tránh viết ra các văn bản khô khan. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn sử dụng phương pháp nào và sử dụng ở đâu, với mức độ như thế nào trong bài để phù hợp nhất. Tham lam các kỹ thuật cũng có thể gây ra những tác dụng ngược đó nhé!

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .