5 lưu ý khi xây dựng nhân vật chính trong truyện ngắn

Khi xây dựng nhân vật chính trong truyện ngắn, tác giả cần lưu ý 5 điểm sau để đảm bảo nhân vật thực hiện đúng chức năng trong tác phẩm và gây được ấn tượng với độc giả.

Khi xây dựng nhân vật chính trong truyện ngắn, tác giả cần lưu ý 5 điểm sau để đảm bảo nhân vật thực hiện đúng chức năng trong tác phẩm và gây được ấn tượng với độc giả.

1. Xác định vị trí, vai trò của nhân vật chính trong tác phẩm

Nhân vật chính là nhân vật có vai trò quan trọng nhất trong tác phẩm, tham gia vào hầu hết các sự kiện và đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy cốt truyện.

Nếu hình dung toàn bộ câu chuyện như một cái cây lớn thì nhân vật chính sẽ nằm ở phần thân cây, các nhân vật phụ sẽ là những nhánh cây khác. Chúng liên kết với nhau để tạo ra một chỉnh thể thống nhất trong tác phẩm.

Trong truyện ngắn Gió mùa, nhân vật chính là Mơ – một cô gái nghèo nhiều bất hạnh. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời cô từ khi còn bé, mồ côi tới khi có thai, sinh con rồi mất con trong một hôm trời trở lạnh. Những nhân vật phụ khác như bà Nhài, ông bác sĩ, gã đàn ông, đứa trẻ… chỉ xuất hiện để làm rõ hơn cho hoàn cảnh của Mơ.

Thông thường, trong truyện, nhân vật chính cần thực hiện một “sứ mệnh” nào đó. Có thể là đi tìm thành công, vươn lên sống tốt hơn dù hoàn cảnh khó khăn, chinh phục một thử thách… Sự có mặt của các nhân vật sẽ mang tính hỗ trợ hoặc cản trở nhân vật chính đến gần với mục tiêu của mình.

2. Tạo dựng ngoại hình, tính cách, tâm lý, hành động, lời nói cho nhân vật chính

Khi xây dựng nhân vật chính, bạn nên lưu ý tới ngoại hình, tính cách, tâm lý, hành động, lời nói… của họ. Những đặc điểm này cần phải phù hợp với vị trí, vai trò của nhân vật trong tác phẩm.

Ngoại hình: không cần tả chi tiết về mọi thứ, hãy chọn ra những nét nổi bật. Nhân vật không cần phải luôn luôn đẹp mà cần có thể xấu xí, bình thường hoặc có điểm nào đó đặc biệt dễ nhớ như là nốt ruồi, vết sẹo…

Tính cách: trước đây người ta thường chia nhân vật theo 2 tuyến chính diện – phản diện rõ rệt nhưng hiện nay, các tác giả thích xây dựng nhân vật đa diện với đầy đủ cả tính tốt, tính xấu, điểm mạnh, điểm yếu và những mâu thuẫn, đối lập, giằng xé trong nội tâm.

Tâm lý: nhân vật chính có sự thay đổi tâm lý mạnh mẽ theo từng biến động của cuộc đời. Những đoạn miêu tả tâm lý cũng cần sự kỳ công và sắc bén trong ngòi bút của tác giả nhiều hơn.

Hành động và lời nói của nhân vật chính sẽ phù hợp với bối cảnh, tính cách, vị trí xã hội… của họ. Để việc miêu tả nhân vật chính thêm sinh động, tác giả cần quan sát con người trong xã hội kỹ càng, cụ thể. Có như vậy khi thể hiện nhân vật trong tác phẩm mới có sức thuyết phục.

Nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên đã xuất hiện sau khi ra tù bằng một hình hài gớm ghiếc mà người làng Vũ Đại ai thấy cũng sợ:

“Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với áo Tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông thầy tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”

Ngoại hình này của hắn rất phù hợp với một thằng mới ra tù, lại còn là bợm nhậu và đòi nợ thuê, lâu lâu rạch mặt bằng mảnh chai để ăn vạ. Đồng thời cũng thể hiện sự hủy hoại của xã hội với những kẻ cầm quyền tàn nhẫn đã đẩy con người vào bước tha hóa, trở thành quỷ dữ bị cả làng cả tổng ghét bỏ, ruồng rẫy.

3. Xây dựng nhân vật chính phát triển theo logic của tác phẩm

Nhân vật chính cần thay đổi, phát triển theo logic của tác phẩm. Những thay đổi, phát triển này phải phù hợp với nội dung tư tưởng mà tác phẩm truyền đạt.

Nhân vật nên có một đặc điểm ưu việt nào đó trong tính cách mà không bị thay đổi theo thời gian nhưng cũng cần có sự trưởng thành qua các sự kiện mà họ đã đối mặt. Ví dụ như nhân vật của bạn là một người tốt bụng, bạn có thể để họ lựa chọn và đưa ra những quyết định có lợi cho người khác ngay cả trong những tình huống mà bản thân họ sẽ phải chịu thiệt thòi. 

Ngoài ra, bạn cần chú ý đến logic của tác phẩm để biết nên xây dựng nhân vật chính theo chiều hướng như thế nào. Họ có thể thay đổi từ người tốt thành người xấu hoặc từ người xấu dần dần trở nên tốt hơn… Nhân vật không thay đổi ngay lập tức mà họ thay đổi từ từ sau những sự kiện xảy đến với mình hoặc với người khác mà họ chứng kiến được.

Trong truyện ngắn Trở về, nhân vật Tâm từ một cậu bé nhà quê với những mộng mơ đơn giản khi lớn lên làm việc và lấy vợ thành phố thì hoàn toàn đổi thay tâm tính. Anh chàng xa cách thôn quê, xem thường những người nhà quê (ngay cả khi đó là mẹ ruột) và chối bỏ cái gốc gác người nhà quê của mình chỉ để chạy theo làm vừa lòng người vợ giàu có và thỏa mãn cái hư danh. Tác giả xây dựng nhân vật chính như vậy để phản ánh thực trạng xã hội phân biệt người nhà quê với người thành phố và để lên án những kẻ vì cái danh, vì ánh nhìn của người đời mà rủ bỏ cả nguồn gốc của mình.

4. Sử dụng các biện pháp nghệ thuật để miêu tả nhân vật chính

Để xây dựng nhân vật chính độc đáo hơn, tác giả có thể sử dụng các biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ… và các phương thức biểu đạt như miêu tả, kể chuyện, triết luận… Việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật phải linh hoạt, sáng tạo để nhân vật chính trở nên sinh động, hấp dẫn.

Khi miêu tả nhân vật chính, bạn có thể đi từ ngoại hình, cử chỉ, hành động tới biểu cảm, tâm lý, thế giới nội tâm. Từ đó làm cho hình tượng của nhân vật sống động hơn trong mắt người đọc và họ cũng dễ dàng hình dung được những gì bạn đang muốn thể hiện.

Trong cảnh mở đầu của truyện ngắn – trữ tình hóa Dưới bóng hoàng lan, tác giả Thạch Lam có những dòng miêu tả hành động và tâm trạng của nhân vật Thanh khi từ thành phố trở về căn nhà quen thuộc dưới quê rất đẹp và cũng rất yên bình:

“Thanh lách cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. Chàng thấy mát hẳn cả người, trên con đường gạch Bát Tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí. Thanh rút khăn lau mồ hôi trên trán bên ngoài trời nắng gắt rồi thong thả đi bên bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà. Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bực cửa.”

Cách miêu tả này vừa làm nổi bật hình ảnh căn nhà quê mát mẻ, nhiều cây xanh vừa giúp thể hiện con người tri thức nhẹ nhàng, tinh tế, trọng tình cảm của Thanh.

5. Khéo léo thể hiện quan điểm, thái độ của tác giả đối với nhân vật chính

Quan điểm, thái độ của tác giả đối với nhân vật chính có thể được thể hiện qua cách miêu tả, đánh giá nhân vật của người kể chuyện hoặc của các nhân vật khác. Thông thường, tác giả không trực tiếp thể hiện góc nhìn của mình mà mượn lời của người khác để qua đó bộc lộ một cách khéo léo, tinh tế để không ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của người đọc.

Trong truyện Lão Hạc, nhân vật người kể chuyện là ông giáo đã có những suy nghĩ về hành động có phần ích kỷ và vô cảm của người vợ khi không muốn giúp đỡ lão Hạc:

“Chao ôi ! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ối… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương… Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất. Tôi biết vậy, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận.”

Ông giáo là người có học thức nhưng cũng nghèo, và ông lại giàu lòng thương cảm với người khác nên ông hiểu cho lão Hạc, cũng hiểu cho cả vợ mình. Những điều ông giáo nói phản ánh cách nhìn nhận cuộc đời của chính tác giả Nam Cao. Bởi ông cũng là một người tri thức nghèo sống gần gũi với tầng lớp nông dân. Ông quá hiểu những gì họ trải qua và hiểu tại sao họ đưa ra những quyết định như vậy với cuộc đời mình.

Tóm lại, khi xây dựng nhân chính trong truyện ngắn, bạn nên lưu ý những điểm trên để gây được ấn tượng với người đọc và thể hiện rõ ràng nhất nội dung của tác phẩm.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .