Làm gì khi muốn viết về một đối tượng nhiều lần mà không lặp cách diễn đạt?

Viết về một đối tượng nhiều lần sao cho mới mẻ, không lặp lại là một thử thách với người viết, đặc biệt là những người viết mới hoặc người đang học viết. Bài viết này sẽ gợi ý cho bạn làm gì khi muốn tạo ra sự mới mẻ ngay cả khi viết về một đố tượng có vẻ đã “cũ”.

Có một lỗi mà học viên của mình gặp phải trong thời gian gần đây là khi phải viết về một đối tượng nhiều lần, bạn luôn dùng một cách diễn đạt duy nhất. Điều đó khiến cho những bài viết có xuất hiện đối tượng ấy đề trở nên na ná giống nhau. Người đọc cũng sẽ thấy nhàm chán, không đủ thu hút và có cảm giác bị “cũ”. 

Ví dụ: 

Đợt rồi học viên của mình viết khá nhiều bài về mùa thu. Vấn đề là ở chỗ, hễ nhắc tới mùa thu, bạn ấy sẽ dùng từ “nàng thu” nên vô tình những bài viết này bị trùng nhau trong cách gọi tên sự vật hiện tượng. Hơn nữa, “nàng thu” cũng là một từ đã được quá nhiều tác giả khác sử dụng trong nhiều tác phẩm xưa nay. Tưởng chừng nhân hóa đối tượng bằng cách gọi con người sẽ hay hơn nhưng ngược lại, nó khiến bài viết không tươi mới, sáng tạo.

Tại sao bạn dễ bị rập khuôn khi viết về một đối tượng nhiều lần?

Việc rập khuôn khi viết về một đối tượng cũng thể hiện những điểm yếu của người viết như:

+ Bạn thiếu vốn từ nên không biết dùng từ nào để thay thế mà vẫn đảm bảo được nội dung.

+ Bạn không biết cách diễn đạt làm sao cho phong phú để cùng một đối tượng mà người đọc vẫn thấy những điều mới.

+ Bạn chưa đặt đối tượng dưới nhiều góc nhìn khác nhau để nhìn thấy những hướng mới khi thể hiện.

+ Não bạn mặc định đối tượng đó là như vậy nên luôn tự động dùng cách gọi cũ để gọi.

Tham khảo bài viết liên quan:

Tạm biệt những lỗi thường gặp khi viết

7 lỗi dùng từ thường gặp khi viết văn

6 lỗi thường gặp khi viết về hình thức văn bản

6 mẹo giúp bạn thoải mái viết về một đối tượng nhiều lần

Tình trạng bí từ, không biết viết như thế nào cho mới mẻ, đa dạng khi đề cập đến một đối tượng trong nhiều bài viết có thể được giải quyết bằng nhiều cách khác nhau.

Sử dụng các từ đồng nghĩa, từ gần nghĩa

Từ đồng nghĩa là những từ có phát âm và chữ viết khác nhau nhưng cùng chỉ một sự vật hiện tượng. Do đó, các từ đồng nghĩa có thể thay thế được cho nhau trong nhiều trường hợp. Với từ gần nghĩa cũng tương tự.

Lưu ý khi sử dụng các từ đồng nghĩa là bạn cần kiểm tra kỹ càng sắc thái cảm xúc và mức độ của từ để tránh dùng sai.

Ví dụ:

  • Từ “siêng năng” có thể được thay bằng từ “chăm chỉ”, “cần cù”…
  • Từ “từ trần”, “chết”, “ngỏm”, “hi sinh”… cùng có nghĩa chỉ về cái chết nhưng sẽ không thể thay thế ngẫu nhiên cho nhau. Với mỗi đối tượng và bối cảnh, bạn cần chọn từ phù hợp. “Hi sinh” là từ dùng cho những người có công với đất nước mang sắc thái tôn vinh, như là “Chiến sĩ A đã hi sinh năm 1954.”. Nhưng với kẻ thù, bạn không thể nói chúng hi sinh.

Sử dụng các từ trái nghĩa để viết về một đối tượng nhiều lần

Ngoài từ đồng nghĩa, bạn cũng có thể sử dụng từ trái nghĩa để làm phong phú cách viết, chỉ một đối tượng nhưng không cần lặp mãi một từ.

Ví dụ:

Thay vì viết mùa đông “lạnh giá”, bạn cũng có thể sử dụng các cụm từ như là “không chút nắng ấm”, “vắng bóng mặt trời”, “không có tia nắng nào lọt khỏi những tầng mây đen kịt”…

Sử dụng ca dao tục ngữ, thành ngữ, điển tích điển cố, châm ngôn…

Các câu ca dao tục ngữ, thành ngữ, điển tích, điển cố, châm ngôn… tuy ngắn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Chúng được người xưa đúc kết từ thực tế cuộc sống thành một tập hợp từ mang nghĩa cố định nên dễ dàng vận dụng.

Ví dụ: 

Khi nói về ngoại tình, các mối quan hệ ngoài luồng, người ta có thể sử dụng câu “mèo mả gà đồng”.

Sử dụng các đại từ thay thế

Dùng đại từ cũng là một cách để bạn tránh viết về một đối tượng nhiều lần với các từ lặp đi lặp lại. Thay vì nhắc tên đối tượng quá nhiều lần, bạn có thể dùng đại từ để chỉ.

Ví dụ: 

Đối tượng của bài là một người phụ nữ nghèo. Bạn có thể dùng các đại từ “thị”, “ả”, “cô ta”, “cô ấy”, “ả ta”… để chỉ về đối tượng mà người đọc vẫn hiểu được.

Sử dụng các dấu hiệu nhận diện để gián tiếp nhắc tới đối tượng đó

Bạn không cần thiết phải gọi thẳng tên sự vật hiện tượng để nói về nó. Nếu biết cách khơi gợi về đối tượng thông qua các dấu hiệu, chi tiết gắn liền thì bài viết của bạn càng thú vị hơn.

Ví dụ:

Bạn không cần nhắc đến “mùa xuân” mà chỉ cần nói tới tháng Giêng, những chồi non nảy nở, cánh hoa đào hồng lên khắp phố… cũng đủ để nhận diện xuân.

Sử dụng các biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa…

Những biện pháp nghệ thuật bao giờ cũng là một kiểu chơi chữ rất thú vị khi liên kết được đối tượng này với đối tượng khác theo cách khác với bình thường.

Ví dụ:

Thay vì gọi tên cậu bé Akay thì nhà thơ đã thơ ví von đó là “mặt trời của mẹ”.

Tham khảo bài viết liên quan:

Tăng vốn từ tiếng Việt

Sử dụng từ đồng nghĩa để viết hay hơn

6 mẹo trên sẽ giúp bạn tự tin viết về một đối tượng nhiều lần mà không lo lắng việc lặp từ hay nhàm chán.

Cho mình biết suy nghĩ của bạn về chủ đề này tại phần bình luận nhé!

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Mình sẽ rất hạnh phúc nếu bạn ghi lại đây những cảm nhận của bạn hoặc là những thắc mắc muốn được giải đáp thêm. Mình sẽ phản hồi bạn trực tiếp qua bình luận hoặc nếu cần, mình sẽ lên một bài viết mới để hồi đáp đầy đủ và chi tiết.

Bạn có thể kết nối với mình nhiều hơn tại: https://linktr.ee/hoaluongwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .