10 hướng dẫn sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp khi viết nội dung

Ngôn ngữ chuyên nghiệp giúp người viết thể hiện nội dung và cảm xúc trong bài. Chính vì vậy, lựa chọn ngôn ngữ để sử dụng sao cho chuyên nghiệp và phù hợp là cực kỳ cần thiết.

Ngôn ngữ chuyên nghiệp giúp người viết thể hiện nội dung và cảm xúc trong bài

Để sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác khi viết nội dung, bạn nên  cân nhắc các nguyên tắc viết sau đây:

Chú ý tới ngữ cảnh và đối tượng độc giả

Không gì tốt hơn là sự phù hợp. Bạn cần xác định rõ người đọc mục tiêu cho những bài viết, tác phẩm của mình. Người đọc của bạn là ai, họ có những tâm tư hay mong muốn nào, họ cần thứ gì và họ có thể thực hiện những hành động nào… Hãy cung cấp thông tin hữu ích và liên quan đến họ. Hãy cho họ cảm nhận rằng những gì bạn chia sẻ là dành cho họ.

Chuyện hiểu mình cũng như chuyện yêu người, chung quy đều khó học, khó nói. Bài học đúng ở thời điểm này có thể sẽ sai trong hoàn cảnh khác. Nhưng sau cùng, chúng ta đều cần phải học lấy cách trân trọng giá trị vốn có ở bản thân. Vì chỉ khi đó, ta mới thật sự thấy mình xứng đáng được nhận những điều tuyệt vời và tuyệt vời hơn. 

Một người tệ bạc với chính mình, tự xem bản thân không có giá trị, thật khó để nói “Tôi xứng đáng có được hạnh phúc”.

(Tự bạn lấp lánh khắc có người ngoái nhìn)

Ngoài ra, bạn cũng cần xem xét ngôn ngữ trong bối cảnh sử dụng sao cho phù hợp. Viết nội dung cho một tiệc cưới hiện đại sẽ khác với tiệc đầy tháng theo phong cách truyền thống. Hay như khi bạn sáng tác thì ngôn ngữ của các nhân vật sống ở vùng quê cũng khác nhân vật sinh ra ở thành phố lớn. Sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp là biết chọn kiểu ngôn ngữ phù hợp với ngữ cảnh và đối tượng.

Ngôn từ chính xác, có sức thuyết phục

Khi bạn chọn từ ngữ để viết phải chọn đúng ngữ nghĩa và sắc thái biểu cảm. Bởi vì trong tiếng Việt có nhiều từ cùng nghĩa hoặc gần nghĩa nhưng sắc thái khác xa nhau. Và dĩ nhiên, chúng sẽ được sử dụng cho các đối tượng và các hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ như từ “phu nhân” dùng cho bối cảnh ngày xưa hoặc những người có quyền thế, địa vị cao trong xã hội còn từ “bà chủ” bình dân hơn, được dùng để chỉ những người phụ nữ làm chủ gia đình hoặc chủ cơ sở kinh doanh.

Bạn cũng nên tránh sử dụng những từ ngữ có nghĩa không rõ ràng hoặc quá thông tục. Bạn không chắc nghĩa của từ “miên viễn” là gì, đừng dùng. Hãy chọn từ nào mà bạn chắc chắn về nghĩa của nó.

Nếu bạn phân vân giữa từ “chỉnh chu” và “chỉn chu” thì hãy mở từ điển để xem đâu mới là từ đúng. Hoặc như từ “cứu cánh” được dùng nhiều với nghĩa sự giúp đỡ nhưng thật sự nó có nghĩa là mục đích cuối cùng.

Tuân thủ cấu trúc câu và viết đoạn văn logic

Bạn cần xây dựng các câu và các đoạn văn rõ ràng và logic. Như vậy người đọc sẽ dễ dàng theo dõi, thông tin bạn đưa đến cho họ cũng chính xác hơn. Sử dụng những câu văn chủ động là một gợi ý cho bạn. Bạn cũng nên viết những câu ngắn gọn và rõ ý, tránh sử dụng nhiều câu phức tạp. 

Đoạn văn nên có một ý chính rõ ràng và được phát triển một cách logic. Khi viết đoạn văn, bạn có thể áp dụng theo mô hình của đoạn văn diễn dịch, quy nạp hoặc song hành thay vì chỉ viết “bừa” các câu mà không có sự sắp xếp. Cách dễ nhất là bạn viết câu mang ý chính ở đầu đoạn rồi những câu tiếp theo làm rõ cho ý đó. Bởi vì việc viết không có sự sắp xếp sẽ dẫn đến nội dung bị diễn đạt lộn xộn. 

“Có khi ta lầm tưởng những đủ đầy về vật chất như ăn ngon, mặc đẹp, đi đây đi đó và trong tài khoản có một con số đủ để không phải lo lắng nhiều là yêu bản thân. Nhưng rồi khi có được tất cả, ta vẫn cứ thấy mình chông chênh, thấy mình hoang hoải. Nếu phải đối mặt với câu hỏi ta có hạnh phúc không, ta có an yên không, e rằng ta chỉ đành cúi mặt, cụp đôi mi xuống mà lảng tráng. Trái tim ta cố gắng mang yêu thương trao ra bên ngoài kia thế giới, hà cớ sao vẫn thấy mình thiếu thốn ngần này?

Phải chăng là vì ta đã bỏ quên một người quan trọng nhất – chính ta?”

(Một đời dài lắm phải thương lấy mình)

Tránh sử dụng ngôn ngữ không chính thống

Bạn cần tránh việc sử dụng ngôn ngữ quá chuyên môn, ngôn ngữ địa phương hoặc ngôn ngữ trang nhã quá mức. Tùy vào loại bài và đối tượng độc giả mà bạn có thể cân nhắc việc sử dụng từ ngữ chuyên ngành hay không. Với những bài viết thông thường, bạn chỉ nên sử dụng ngôn ngữ như trong đời sống để ai đọc cũng hiểu. Trường hợp bạn nhắc tới các yếu tố chuyên môn cũng nên tìm cách diễn giải sao cho dễ tiếp cận. Bởi vì mục tiêu của bài viết là để người đọc tìm thấy một giá trị nào đó, không phải là viết ra cho thỏa mãn sự thể hiện của tác giả.

Đối với ngôn ngữ địa phương, bạn có thể sử dụng khi muốn nhắc đến một đặc điểm nào đó của địa phương ấy, nhấn mạnh ngôn ngữ của họ hoặc là trêu đùa dí dỏm bằng cách nhại tiếng. Lạm dụng từ địa phương sẽ khiến độc giả nơi khác khó hiểu.

Sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp và cú pháp tiêu chuẩn giúp bạn đảm bảo được tính chính xác và dễ tiếp cận. Hơn nữa, độc giả ở đâu cũng sẽ hiểu được những gì bạn viết. Từ đó bạn mới có thể chia sẻ cùng họ, làm họ yêu mến và ủng hộ.

Kiểm tra và chỉnh sửa 

Bạn cũng đừng quên luôn luôn đọc lại và chỉnh sửa nội dung trước khi công bố hoặc gửi đi. Về hình thức, bạn cần kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, định dạng văn bản, cách trình bày theo quy định. Về nội dung, hãy đảm bảo rằng ý nghĩa của bạn được truyền đạt một cách rõ ràng và không gây hiểu lầm. Đồng thời xem xét tới bố cục và tính logic khi bạn trình bày các ý để người đọc dễ dàng theo dõi.

Ngoài việc tự kiểm tra thủ công, bạn có thể sử dụng các ứng dụng hỗ trợ hoặc nhờ người có chuyên môn đọc và cho ý kiến để cải thiện bài viết nhiều hơn.

Đọc thêm các bài viết về biên tập:

Tự biên tập bài viết sao cho đúng?

Sửa lỗi thừa từ khi biên tập

Tạm biệt những lỗi thường gặp khi viết

6 lỗi hình thức người mới luyện viết thường gặp

7 lỗi dùng từ thường gặp

Sắp xếp thông tin một cách logic

Logic là yếu tố quan trọng trong một bài viết. Nếu không đảm bảo được logic, bài viết sẽ lỏng lẻo trong cách triển khai và khó thuyết phục được độc giả. Bạn hãy tìm cách xây dựng cấu trúc nội dung sao cho mạch lạc và dễ hiểu. Lập dàn ý trước khi viết là một gợi ý hữu ích cho bạn. Bạn cũng có thể trình bày từ thông tin cơ bản đến thông tin chi tiết hơn để người đọc tiện theo dõi.

Ngoài ra, sắp xếp thông tin theo một trình tự có hệ thống cũng cách hay. Ví dụ, bạn trình bày các nội dung từ quan trọng tới ít quan trọng hơn, và ngược lại. Hoặc bạn cũng có thể sắp xếp theo trình tự thời gian, theo cấp độ…

Sử dụng ví dụ và minh họa

Sử dụng ví dụ và minh họa giúp bạn giải thích các ý kiến hoặc khái niệm phức tạp một cách dễ hiểu. Điều này giúp độc giả tương tác tốt hơn với nội dung và hiểu rõ hơn về nó.

Bạn có thể minh họa bằng một câu chuyện gợi cảm xúc, những nghiên cứu, những số liệu thống kê, biểu đồ, hình ảnh, video… Chúng mang tới sức thuyết phục và sự gần gũi với người đọc, khiến họ có thêm niềm tin vào những thông tin mà bạn cung cấp.

Trong bài Động não trước khi viết: những bí kíp làm chủ ý tưởng có các ví dụ được đưa ra để làm rõ cho các phương pháp động não mà người viết giới thiệu.

Tránh dùng quá nhiều từ thừa

Nếu bạn để ý sẽ thấy chúng ta thường sử dụng những từ ngữ “vô thưởng vô phạt”. Sự xuất hiện của chúng trong bài chẳng khiến câu văn hay hơn. Đồng thời, gạch bỏ chúng cũng không làm mất đi chút nào ý nghĩa hay sắc thái biểu cảm. Những từ không cần thiết thường được sử dụng nhiều như “thật sự,” “rất,” “quá,”, “cái”, “thì”, “chiếc”… nên được xem xét giữ lại hay xóa bỏ khi bạn biên tập để câu văn mượt mà hơn.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên sử dụng một từ thay vì một loạt từ có ý nghĩa tương tự nhau. Chẳng hạn, viết “chăm chỉ” là đủ, không cần viết “chăm chỉ, siêng năng, cần cù”. Sửa lỗi thừa từ giúp bạn làm chủ ngôn ngữ chuyên nghiệp hơn.

Thể hiện tư duy logic

Cách trình bày tư duy của bạn tốt nhất là làm cho nó trở nên logic và có hệ thống. Bạn có thể sử dụng các liên kết về mặt logic như “vì vậy,” “do đó,” “ngược lại” để thể hiện mối quan hệ giữa các ý kiến và lập luận.

Tư duy logic còn thể hiện trong cách bạn sắp xếp bố cục, xây dựng cấu trúc cho bài viết. Logic càng chặt chẽ, cấu trúc càng chắc chắn. 

Bạn cũng nên sử dụng những cặp quan hệ từ có liên kết với nhau về mặt logic như: nếu… thì, vì… nên, càng… càng…, dù/tuy… nhưng…, bao nhiêu… bấy nhiêu…

Đọc và học từ vựng từ các nguồn đáng tin cậy

Đọc các tác phẩm văn học và các tài liệu chất lượng sẽ giúp bạn làm giàu vốn từ vựng và xây dựng phong cách viết riêng độc đáo. Bạn cũng có thể học từ qua những bài đăng trên báo chí, sách vở, mạng xã hội, những người bạn theo dõi trên Internet… 

Với tiếng Việt, bạn nên có một cuốn “Từ điển tiếng Việt” hoặc những cuốn từ điển khác (đồng nghĩa – trái nghĩa, ca dao – tục ngữ…) để thường xuyên kiểm tra nghĩa và cách dùng đúng của từ ngữ, học những từ mới và kiểm tra lại những từ cũ mà bạn thường dùng sai…

10 gợi ý trên đây sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn với từ ngữ khi xây dựng nội dung. Nếu bạn có cách nào khác, hãy chia sẻ dưới comment nhé!

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .