Phân biệt truyện ngắn và tản văn là yêu cầu cần thiết và cơ bản đối với người viết sáng tác. Mặc dù có những đặc điểm chung nhưng mỗi thể loại đều mang những nét riêng mà dựa vào đó, ta có thể xác định đúng khi viết và khi đọc.
Điểm giống nhau giữa truyện ngắn và tản văn
Truyện ngắn và tản văn là 2 thể loại văn xuôi phổ biến nhất trong văn học Việt Nam đương thời bởi những đặc trưng mang nhiều lợi thế.
Về dung lượng
Cả 2 thể loại đều có dung lượng tương đối ngắn. Tản văn trung bình dưới 3000 từ, truyện ngắn dưới 5000 từ. Độ dài hạn chế nên tác phẩm có tính súc tích cao, hàm chứa những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống mà không tốn nhiều thời gian đọc. Từ đó đáp ứng được những yêu cầu của người đọc hiện đại về một sản phẩm văn học.
Về chủ đề
Truyện ngắn và tản văn đều có biên độ đề tài rộng lớn, khai thác tối đa các góc cạnh của đời sống xã hội cũng như tâm lý con người. Điều này tạo ra cảm giác gần gũi đối với người đọc khi họ có thể thấy chính mình trong tác phẩm hoặc thấy những câu chuyện thường này được chứng kiến qua một lăng kính khác của tác giả.
Về ngôn ngữ
Truyện ngắn và tản văn thường được viết với ngôn ngữ đời thường, không quá hoa mỹ hay tối nghĩa nên dễ đọc, dễ cảm và dễ nhận được sự yêu thích hay đồng cảm của độc giả.
Ngoài những điểm giống nhau trên, các tác giả khi viết 2 thể loại này còn có thể hoàn thành tác phẩm chỉ trong một lần chấp bút. Độc giả cũng sẽ đọc hết trong một lần mà không cần phải đánh dấu cho những lần sau như khi đọc truyện dài và tiểu thuyết.
Phân biệt truyện ngắn và tản văn qua 4 đặc điểm nổi bật
Mặc dù cùng là những thể loại văn xuôi có lực lượng sáng tác và độc giả đông đảo hiện nay nhưng truyện ngắn và tản vẫn có 4 yếu tố riêng giúp bạn phân biệt dễ dàng và chính xác hơn.
Về tính hư cấu
Sự khác biệt lớn giữa tản văn và truyện ngắn trước tiên nằm ở tính hư cấu trong tác phẩm. Truyện là sản phẩm của tính hư cấu tưởng tượng còn tản văn thì không (phi hư cấu).
Tản văn là những gì người viết tự mình trải qua, chứng kiến hoặc được biết rồi kể ra bằng con chữ từ chính góc nhìn của mình. Trong tản văn, tác giả không cần phải gia cố thêm các yếu tố tưởng tượng, mặc dù vẫn cần dùng thủ pháp “phóng đại” để làm nổi bật thêm cho tác phẩm.
Tham khảo thêm:
Tản văn là gì? Đặc điểm của tản văn
Tản văn: những vòng tròn đồng tâm
9 chủ đề viết tản văn dễ nhất cho người mới bắt đầu
Trong khi đó, truyện ngắn có thể xuất phát từ một ý tưởng hay một câu chuyện trong trí tưởng tượng của tác giả. Cũng có khi, tác giả sử dụng những chất liệu có thực ngoài đời sống vào truyện ngắn nhưng nó vẫn sẽ được biến tấu, chọn lọc và kết hợp với những yếu tố sáng tạo để thành một tác phẩm hoàn chỉnh.
Tham khảo thêm:
Truyện ngắn là gì? Các loại hình truyện ngắn hiện đại
Về cốt truyện
Cốt truyện, nhân vật và trần thuật trong thể loại truyện có những đặc trưng riêng khác với trong tản văn. Nhắc đến truyện, người ta thường nghĩ ngay tới cốt truyện với những sự kiện xảy ra liên tục từ khi bắt đầu tới cao trào và thoái trào.
Hầu hết các truyện đều có cốt truyện đóng vai trò như là bộ khung vững chãi để từ đó tác giả phát triển toàn bộ tác phẩm. Cốt truyện là phần lõi, là cái cuối cùng còn lại sau khi ta lược bỏ hết các yếu tố trần thuật. Với một truyện ngắn, cốt truyện có thể chỉ gói gọn trong 10-15 câu vẫn đảm bảo cho người chưa từng đọc tác phẩm hiểu được truyện có nhân vật nào, họ trải qua những chuyện gì… Tuy nhiên, truyện ngắn – trữ tình hóa là có thể được xem như một ngoại lệ vì phần cốt truyện trong loại hình văn xuôi tự sự này khá mờ nhạt. Nó cũng được gọi là truyện ngắn phi cốt truyện (không có cốt truyện).
Tham khảo thêm:
Kết cấu là gì? Các kiểu kết cấu thường gặp trong truyện
9 tiêu chí của một câu chuyện hấp dẫn độc giả
Khác với truyện ngắn, tản văn chỉ có câu chuyện, không có cốt truyện. Trong tản văn, bạn có thể chọn kể về một hay một vài câu chuyện nào đó thể hiện được nội dung chính của tác phẩm. Ví dụ như bạn viết tản về cây khế ngọt trong vườn nhà nội. Bạn có thể kể một câu chuyện tuổi thơ gắn liền với cây khế. Như là một lần bạn leo trèo bị té hay lần bạn cùng bà mang khế ra chợ bán… Trong tản lúc này cũng có câu chuyện nhưng nó là loại hình tản văn tự sự, không phải truyện ngắn.
Chính vì trong cả tản văn tự sự và truyện ngắn đều có những câu chuyện nên những người viết mới, người chưa tìm hiểu nhiều về kiến thức văn chương không phân biệt được chúng với nhau. Trong Cuộc thi viết truyện ngắn 2024 của Yêu lại tiếng Việt, chúng mình cũng nhận được một số bài tham gia là tản văn, chưa phải truyện. Tất nhiên, những tác phẩm này không thể tính là hợp lệ vì đã sai thể loại ngay từ đầu.
Về hệ thống nhân vật
Trong truyện thường có một hệ thống nhân vật bao gồm nhân vật trung tâm và các nhân vật, dù số lượng nhân vật trong thể loại này khá hạn chế so với truyện dài hay tiểu thuyết. Con người luôn có mối liên hệ với những người khác trong gia đình hay cộng đồng nào đó nên nhân vật trong truyện cũng cần có kết nối với những nhân vật khác để từ đó những vấn đề được nảy sinh, phát triển hay giải quyết. Rất hiếm truyện chỉ có một nhân vật vì như vậy câu chuyện sẽ chỉ tù túng trong phạm vi tâm trí của chính nhân vật ấy mà thôi.
Ví dụ:
“Lúc Thi giật mình tỉnh dậy sau một cú phanh xe thì cụng đầu vào người bên cạnh. Thi la lên một tiếng còn Văn lại vội vàng đặt tay giữa đầu cô và lưng ghế để ngăn cho đầu Thi không đập mạnh về phía ghế trước. Bàn tay Văn ấm nóng, không quá êm ái nhưng vào lúc ấy, Thi thấy mình như một que kem đang tan chảy ra dưới nhiệt độ mùa hạ. Sự ân cần của Văn làm Thi bối rối, luống cuống thế nào đầu vẫn va vào cửa sổ. Văn thầm thì có sao không rồi dặn Thi ngồi yên đợi mọi người xuống hết rồi hãy xuống. Anh cũng ngồi đó, im lặng chờ người trong xe xuống cả mới thong thả đứng lên. Bàn tay anh lướt nhanh qua mái tóc Thi, dường như có chút gì vương vấn. Thi ngại ngùng đợi anh đi trước, tới khi không còn trông thấy bóng lưng thân thuộc ấy nữa mới từ từ xuống xe. Suốt buổi học hôm ấy, có một người nghe giảng mà tâm hồn treo ngược cành cây.”
(Rung động năm ấy đích thị là tình yêu – Hòa Lương)
Tham khảo thêm:
Một số kiểu nhân vật trong truyện ngắn
Muốn phân biệt truyện ngắn và tản văn, bạn cũng có thể dựa trên đặc điểm về nhân vật. Trong tản văn, đôi khi chỉ có một nhân vật duy nhất, cũng chính là người viết. Bởi lẽ, người viết kể và bộc lộ cảm nhận, quan điểm về những gì mình trải qua, suy nghĩ, chiêm nghiệm. Sự xuất hiện của những nhân vật khác, nếu có, cũng chỉ để làm nổi bật hơn cho những cảm nhận của người viết. Khác với trong truyện, các nhân vật tương tác với nhau để tạo ra tình huống, trong tản văn, mọi thứ được thể hiện gián tiếp qua những gì người viết chia sẻ.
Ví dụ:
“Con nhớ những năm con hai mươi, suốt một thời gian dài, ba luôn là người duy nhất chong đèn ngóng con. Dù ba chẳng bao giờ hỏi những câu quan tâm mà chỉ thường nhăn nhó vì con về muộn nhưng con vẫn biết ba không yên tâm khi chưa thấy con về tới nhà an toàn. Chỉ là lúc đó, con vẫn còn là đứa trẻ chưa lớn với nhiều ngông cuồng và trái tim lúc nào cũng vùng vằng muốn thoát khỏi xiềng xích. Con mặc định những quan tâm của ba là thứ quy tắc o ép con vào hai tiếng ngoan hiền. Và cứ thế, con tìm cách tránh xa, càng nhiều càng tốt.”
(Có người đợi con trên ghế đá trước nhà – Hòa Lương)
Về ngôi kể
Vì là thể loại tự sự hư cấu nên trong truyện, tác giả có thể sử dụng nhiều góc nhìn khác nhau và những ngôi kể khác nhau. Mỗi góc nhìn trần thuật tương ứng với một ngôi kể. Nếu truyện có nhiều hơn một nhân vật, bạn hoàn toàn có thể cho các nhân vật lần lượt kể chuyện từ điểm nhìn của chính mình hoặc cho người thứ ba giấu mặt kể về họ. Sự linh hoạt thay đổi ngôi kể trong một truyện ngắn cần được tính toán hợp lý để làm nổi bật câu chuyện, ý đồ của tác giả chứ không nên được thực hiện ngẫu nhiên, không có mục đích vì sẽ tạo ra sự khó hiểu, lộn xộn.
Chính vì sự đa dạng trong điểm nhìn trần thuật nên với truyện ngắn, tác giả có thể sử dụng nhiều ngôi kể trong cùng một tác phẩm. Người kể chuyện trong truyện ngắn có thể trùng hoặc không trùng với nhân vật và tác giả.
Tham khảo:
Tản văn là những gì người viết trải lòng ra, là thế giới được lọc qua con mắt của chính họ nên thường chỉ sử dụng ngôi thứ nhất khi viết. Bạn vẫn có thể kể chuyện về những người thân quanh mình, chuyện về ai đó mà bạn được biết nhưng tất cả là dưới giọng văn của bạn. Bạn ở sau con chữ, dùng lăng kính của mình, câu từ của mình để nói về một đối tượng nào đó. Đặc điểm này dẫn đến ngôi kể phổ biến trong tản văn là ngôi thứ nhất. Người viết xưng tôi, mình hoặc ta, chúng ta, chúng tôi, chúng mình nếu mang hàm ý chỉ chung, số nhiều. Người kể chuyện trong tản văn đa phần trùng khít với tác giả và nhân vật.
Tham khảo:
Để phân biệt truyện ngắn và tản văn, ta có thể dựa trên những yếu tố về tính hư cấu, cốt truyện, nhân vật và ngôi kể. Mặc dù có những điểm khác nhau theo đặc trưng thể loại nhưng cả truyện ngắn và tản văn đều đáng để bạn thử sức cũng như khám phá vẻ đẹp của chúng.
Đăng ký khóa học Viết tản văn đăng báo hoặc Viết truyện chuyên sâu khai giảng tháng 9/2024 để có thể nắm vững các lí thuyết về thể loại, kỹ thuật viết tác phẩm hay và được thực hành sáng tác, sửa bài và gửi bài cộng tác báo chí theo hướng dẫn.
Liên hệ Hòa Lương để nhận tư vấn khóa học phù hợp với chính bạn ngay nhé!
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết, hành trình trở thành người kinh doanh chuyên môn và các sáng tác của Sẻ nâu. Ghé thăm mình tại Facebook, Instagram để kết nối nhiều hơn nghen!